• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.042
Tháng 04 : 5.497
Tháng trước : 65.721
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mặt trận Lâm Đồng, Tuyên Đức những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ và chính quyền tay sai (1974 - 1975)

Sau Hiệp định Paris (1973), Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, chính quyền tay sai gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với các cuộc tấn công dồn dập của quân và dân miền Nam. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho cách mạng. Hội nghị Bộ Chính trị (30/9 - 07/10/1974) đã quyết định chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam. Kế hoạch của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “năm 1975 là thời cơ”, giải phóng Miền Nam. Thực hiện chủ trương ấy, Trung ương Cục, Khu VI, Tỉnh ủy Lâm Đồng, Tỉnh ủy Tuyên Đức xây dựng kế hoạch giải phóng địa phương. Việc giải phóng Lâm Đồng, Tuyên Đức có ý nghĩa quan trọng, làm chủ khu vực có vị trí địa chiến lược trọng yếu ở Nam Tây Nguyên, làm tan rã một phần chính quyền địch, mở rộng vùng tự do, tạo điều kiện để giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.

1. Mặt trận Lâm Đồng - Tuyên Đức cuối năm 1974

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục thông qua kế hoạch hoạt động mùa khô 1974 - 1975 tại Nam vĩ tuyến 17.  Tại Khu VI, Khu ủy VI đề ra nhiệm vụ Đợt 1 là tập trung lực lượng đẩy mạnh tấn công trên ba vùng, tạo chuyển biến về tình thế, thu hẹp vùng kiểm soát của địch (Bộ Tư lệnh Khu VI chia chiến trường Nam Trung Bộ, nam Tây Nguyên thành ba vùng tác chiến, trong đó Lâm Đồng thuộc Khu vực 1, Tuyên Đức thuộc Khu vực 2).

Sau khi phân tích tình hình, Tỉnh ủy Lâm Đồng đề ra mục tiêu: tấn công để đẩy lùi âm mưu bình định, lấn chiếm của địch; phát triển chiến tranh du kích; phát triển lực lượng vũ trang chính quy, cơ sở cách mạng. Tại Tuyên Đức, tình hình ít thuận lợi hơn, lực lượng của ta còn khá mỏng. Các cơ quan đơn vị trong tỉnh chỉ còn 300 cán bộ chiến sĩ, phong trào quần chúng yếu, cơ sở cách mạng trong vùng địch kiểm soát còn ít. Tỉnh ủy chủ trương tích cực khôi phục cơ sở cách mạng, cố gắng tăng vùng kiểm soát, từng bước thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng.

Tại Lâm Đồng, ta đồng loạt tấn công khu Quảng Lâm, KLong Trao, Hàng Làng, các đồn điền, đồn bốt, phá kìm trong các ấp, các cơ sở trà ở Di Linh; loại khỏi vòng chiến đấu 194 tên, đánh thiệt hại nặng 01 đại đội và 01 trung đội bảo an, buộc địch phải rút khỏi Lộc An, chốt Trảng Bia, cắt đứt đường 20 trong một thời gian. Tại Tuyên Đức, ta tấn công địch ở R’Lơm, Nam Ban, Bắc Hội, Gia Thạnh, Phú Hội, Quảng Hiệp, Định An, các ấp ven Đà Lạt…; giành lại quyền kiểm soát các ấp Đất Làng, Xuân Sơn, Định An, Bắc Hội, Phú Thuận; các đội biệt động khôi phục lại địa bàn ở hướng Tây Bắc, Tây Nam và đông thị xã Đà Lạt.

2. Mặt trận Lâm Đồng - Tuyên Đức đầu năm 1975

Đến đầu năm 1975, tình hình miền Nam chuyển biến rất nhanh có lợi cho cách mạng. Chiến thắng vang dội của chiến dịch Tây Nguyên đã làm thay đổi cục diện chiến tranh. Bộ Chính trị họp (25/3/1975) quyết định giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.

Bộ Tư lệnh Miền giao cho Khu VI  phối hợp với Khu VII và chủ lực Miền tiêu diệt sinh lực địch, kết nối khu giải phóng để mở đường xuống phía đông Sài Gòn; tấn công theo hướng đường 20 lên thị xã Bảo Lộc (tỉnh lỵ Lâm Đồng), phát triển lên Di Linh, giải phóng tỉnh Lâm Đồng, phát triển tiếp đến Đức Trọng và toàn bộ tỉnh Tuyên Đức.

Đầu tháng 3/1975, Khu ủy VI  tổ chức hội nghị thống nhất kế hoạch giải phóng tỉnh Lâm Đồng. Lúc này lực lượng địch tại Lâm Đồng có 05 tiểu đoàn bảo an, 17 đại đội biệt lập, 80 trung đội dân vệ - biệt kích, 08 pháo đội, quân số 4.000 tên được trang bị hiện đại. Ngoài ra, ở hai tỉnh còn có các đơn vị thiết giáp, pháo binh, máy bay và trên 1.000 sĩ quan ở các trường võ bị, chỉ huy và tham mưu, chiến tranh chính trị, cảnh sát Đà Lạt. Trong khi ta chuẩn bị giải phóng tỉnh Lâm Đồng thì 25/3/1975 thị xã Gia Nghĩa và tỉnh Quảng Đức giải phóng, tàn quân địch tháo chạy theo đường 08 về Lâm Đồng đã bị chặn đánh và tiêu diệt. Quân địch ở Lâm Đồng càng thêm hoang mang.

Từ 26/3/1975, quân ta tổ chức tấn công thị xã Bảo Lộc theo hai hướng. Ngày 28/3 thị xã Bảo Lộc được giải phóng, quân địch hoảng loạn rút chạy theo đường 20 về Di Linh - Đà Lạt. Ngày 31/3 lực lượng ta đánh tan quân địch và giải phóng Di Linh, quân ta tiếp tục truy kích địch chạy về hướng Tuyên Đức. Ngày 28/3/1975 tỉnh Lâm Đồng hoàn toàn giải phóng. Bộ Chỉ huy tiền phương và Khu VI quyết định tiếp tục tấn công để giải phóng Tuyên Đức - Đà Lạt.

Để phối hợp với chiến trường Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức chủ trương tập trung lực lượng giải phóng đoạn Đường 21 kéo dài từ Đạ Me đến Phú Sơn. Do tình hình thay đổi quá nhanh, tỉnh Tuyên Đức thay đổi kế hoạch, chuyển sang chiếm lĩnh địa bàn Xuân Trường, Hiệp Thạnh để tạo thế uy hiếp Đà Lạt, buộc địch phải điều quân ở các vùng phụ cận về giữ Đà Lạt. Ngày 02/4/1975 bộ đội ta giải phóng thị trấn Tùng Nghĩa - quận lỵ Đức Trọng. Ngày 03/4/1975 quân ta đến ngã ba Phi Nôm và chia hai ngả. Một ngả theo Đường 21 về thị trấn D’Ran chặn đánh địch từ Đà Lạt chạy về Ninh Thuận. Quân địch ở D’Ran đã bỏ chạy, huyện Đơn Dương được tiếp quản. Một ngả tiến thẳng về Đà Lạt, tuy nhiên quân địch đã tháo chạy khỏi Đà Lạt từ đêm 31/3/1975. Ngày 03/4/1975 thị xã Đà Lạt và toàn tỉnh Tuyên Đức được giải phóng.

Nhân dân Đà Lạt mít tinh mừng giải phóng ngày 3/4/1975. Ảnh tư liệu

Việc giải phóng Lâm Đồng - Tuyên Đức có ý nghĩa lịch sử to lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ lực tiếp tục tấn công địch, giải phóng các tỉnh còn lại của Khu VI cực Nam Trung Bộ, nối liền Quốc lộ 1 và 20 để chi viện sức người, sức của cho quân và dân ta tiến về đông bắc Sài Gòn, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam vào mùa xuân 1975.

Tại mặt trận Lâm Đồng - Tuyên Đức từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975 đánh dấu sự thay đổi căn bản cục diện chiến trường. Từ khó khăn ban đầu: quân chủ lực đóng tại địa bàn hai tỉnh tương đối mỏng, trang bị thô sơ; quân địch với số lượng lớn, vũ khí trang bị tối tân… quân và dân Lâm Đồng - Tuyên Đức đã đoàn kết, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phối hợp cùng chủ lực Miền và chủ lực Quân khu VI hoàn thành nhiệm vụ, giải phóng địa phương trong thời gian ngắn (từ 27/3 - 03/4/1975) mở màn đợt tấn công cao điểm trên khắp các chiến trường miền Nam. Chiến thắng tại mặt trận Lâm Đồng - Tuyên Đức là thắng lợi to lớn của ta, là sự thảm bại về chiến lược chiến tranh của địch; cổ vũ mạnh mẽ ý chí, tinh thần quân và dân Miền Nam nối liền với vùng giải phóng Quảng Đức - Phước Long,  trở thành hậu phương cung cấp nhân lực, vật lực cho quân ta tiếp tục tiến về giải phóng Sài Gòn - dinh lũy cuối cùng của chính quyền tay sai, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ; mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc: thống nhất non sông, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Học viện Lục quân là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đây là địa phương giàu truyền thống cách mạng, anh dũng trong chiến tranh, cần cù trong lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống. Những năm qua, Học viện Lục quân có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực như: tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà tình nghĩa, thực hiện tốt công tác dân vận… góp phần củng cố thế trận lòng dân ngày càng vững chắc trên địa bàn. Với những đóng góp có ý nghĩa to lớn của Học viện, cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng đã tặng Học viện Lục quân bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết sắt son, nghĩa tình trọn vẹn”, khẳng định sự gắn bó mật thiết giữa Học viện Lục quân và cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tỉnh Lâm Đồng.

50 năm sau ngày giải phóng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ngày nay đã có những đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngày càng vững mạnh. Học viện Lục quân cũng đã có 49 năm đóng quân tại thành phố Đà Lạt ngàn hoa. Cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ và người lao động Học viện Lục quân hôm nay luôn trân trọng và biết ơn sự hy sinh của đồng bào, chiến sĩ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, luôn tin tưởng, đồng hành, sát cánh cùng chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc. Hy vọng rằng, trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đổi mới, bứt phá và đạt được những thành tựu quan trọng trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.


Tác giả: PTT. Nguyễn Thị Hà
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?