Tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin
Tập đoàn Lockheed Martin (Lockheed Martin Corp) là nhà phát triển và sản xuất vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự công nghệ cao hiện đại lớn nhất trên thế giới hiện nay. Lockheed Martin chuyên chế tạo máy bay, vũ khí, tên lửa, vệ tinh, các loại khí tài và kỹ thuật tiên tiến quốc phòng của Mỹ cũng như cung cấp dịch vụ thông tin và các dịch vụ công nghệ theo các định hướng khác nhau.
Được thành lập năm 1995 bởi sự sát nhập của công ty Lockheed với Martin Mariette, Lockheed Martin hiện có trụ sở chính đặt tại Bethesda, Maryland, với khoảng 135.000 nhân viên trên toàn thế giới ở thời kỳ đỉnh cao (tính theo doanh thu quốc phòng, đứng trên cả Boeing). Kể từ năm 2005 đến nay, có đến 95% doanh thu của Lockheed Martin là từ Bộ Quốc phòng Mỹ, các cơ quan Liên bang khác của Mỹ và các khách hàng quân đội nước ngoài. Lockheed Martin đứng đầu 19 năm liên tục trong danh sách “Washington Technology Top 100”. Theo số liệu của của hãng tư vấn Wall Street, được tờ USA Today cập nhật dựa trên danh sách “10 công ty thu lợi nhiều nhất 2012 nhờ vũ khí” thì Lockheed Martin có tổng doanh số bán hàng quân sự 47,2 tỷ USD, lợi nhuận ròng đạt 2,7 tỷ USD.
Đến nay, Lockheed Martin (tên thường gọi LockMart) xâm nhập gần như mọi ngõ ngách của thị trường vũ khí toàn cầu. Một trong những thành phần chính của Tập đoàn Lockheed Martin là công ty Hàng không Lockheed Martin (Lockheed Martin Aeronautics Company), có trụ sở ở Fort Worth, Texas. Ngoài Texas, công ty còn có cơ sở ở Marietta, Georgia và Palmdale, California. Palmdale là nơi phát triển các chương trình tiên tiến (Advanced development programs - ADP), được biết với tên gọi không chính thức là “Skunk Works” (các công việc tự nhóm quyết định, không chịu chi phối bởi công ty mẹ, chẳng hạn như các chương trình bí mật cho quốc phòng). Các bộ phận chi tiết đa dạng được sản xuất tại Florida, Mississippi, Pennsylvania và Tây Virginia.
Các sản phẩm chính của LockMart bao gồm: máy bay tàng hình F-117, máy bay chiến đấu thế hệ 5 (F-22 Raptor và F-35 Lightning II), máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon, máy bay trinh sát U-2, máy bay vận tải C-5 Galaxy, máy bay X-35, máy bay vận tải C-130 Hercules, hệ thống ATC, tên lửa liên lục địa, đạn dược, các phần tử của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD), ra-đa, vệ tinh, tên lửa Atlas, phi thuyền Orion cho NASA và nhiều sản phẩm khác. Ngoài ra, LockMart còn sản xuất pháo phản lực phóng loạt M270, xe bọc thép hạng nhẹ, tàu chiến, các hệ thống chiến đấu Aegis, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident, các hệ thống máy tính và cảm biến. Hiện nay, LockMart đang chế tạo các hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 và THAAD, cũng như tiến hành đóng một trong hai biến thể của tàu chiến duyên hải...
Lockheed Martin là tập đoàn chế tạo trang thiết bị quốc phòng lớn nhất thế giới đồng thời cũng là hãng gặp nhiều tai tiếng nhất. Ví dụ: vào năm 1971, với việc tăng chi phí để phát triển loại máy bay phản lực L-1011 đã khiến Lockheed gần như phá sản. Chính phủ Mỹ đã giải cứu công ty bằng một khoản vay 250 triệu USD. Khi đó công ty mang tên là Lockheed Aircraft Corp (đến năm 1995 mới sát nhập với Martin Marietta để trở thành Lockheed Martin). Tuy nhiên, một cuộc điều tra sau đó cho thấy Lockheed đã hối lộ một số Chính phủ nước ngoài để bán máy bay chiến đấu do mình chế tạo. Ngoài ra, tập đoàn khổng lồ này còn bị chỉ trích nặng nề về dự án chế tạo máy bay F-35 Joint Strike Fighter (JSF). Chiếc máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 này mặc dù chưa hoàn chỉnh nhưng giá đã tăng gần gấp đôi. Giá trị của dự án chế tạo F-35 đã lên tới 396 tỷ USD do những chậm trễ về tài chính và nhiều trục trặc về kỹ thuật. Dự án chế tạo F-35 của Lockheed Martin được khởi động từ năm 2001, đã trở thành “chương trình vũ khí đắt đỏ nhất thế giới từ trước đến nay”. Mặc dù chịu nhiều tai tiếng nhưng Lockheed Martin đã sử dụng ảnh hưởng của mình tại Mỹ để “giữ cho các chương trình của hãng đi đúng hướng”, bao gồm cả chương trình chế tạo máy bay chiến đấu F-35.
Lockheed Martin chiếm vị trí quan trọng trong việc cung cấp việc làm cho dân Mỹ, là niềm tự hào của nước Mỹ và là hãng có ảnh hưởng lớn đến các chính trị gia Mỹ. Tập đoàn được mô tả là “quá lớn để sụp đổ” vì vai trò chủ đạo của nó trong ngành CNQP Mỹ. Chính vì vậy, Chính phủ Mỹ đã giúp đỡ hãng này. Chỉ tính riêng trong năm 2014, hãng đã nhận được các hợp đồng từ Lầu Năm Góc có tổng giá trị lên đến 25 tỷ USD... Tuy đạt nhiều thành tích, song Lockheed Martin cũng không tránh khỏi bị cắt giảm ngân sách và giảm biên chế. Tháng 10/2012, theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Obama, Lockheed Martin đã sa thải hàng ngàn công nhân nhằm phù hợp với chính sách cắt giảm chi tiêu quân sự. Hiện Lockheed Martin còn khoảng 120.000 nhân viên.
Mới đây, Lockheed Martin đã mua lại công ty Sikorsky, nhà sản xuất trực thăng UH-60 Black Hawk nổi tiếng. Nhờ thương vụ này, doanh thu của Lockheed Martin sẽ tăng cao hơn so với dự tính và giúp hãng này giữ được vị trí là doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu nước Mỹ.
Như vậy, tập đoàn công nghiệp quân sự lớn nhất thế giới Lockheed Martin là nơi có một cơ sở sản xuất và nghiên cứu công nghệ cao hùng mạnh, có thể bảo đảm phát triển và sản xuất hàng loạt các loại vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại khác nhau. Tập đoàn là một nhà tổng thầu chuyên thực hiện các chương trình quy mô lớn của Lầu Năm góc, nhằm sản xuất trên quy mô lớn các trang bị kỹ thuật hàng không, tên lửa và tên lửa vũ trụ cũng như các trang bị kỹ thuật khác phục vụ cho các lực lượng vũ trang Mỹ. Ngoài ra, trong những năm qua tập đoàn đã đạt những thành công đáng kể trong việc tăng cường xuất khẩu sản phẩm./
N.T.L