Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 918
Tháng 11 : 33.748
Tháng trước : 62.002
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò then chốt của kiến thức tài chính đối với người chỉ huy

Công tác tài chính trong Quân đội thực hiện dựa trên Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật liên quan; dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, cùng sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các cấp ủy đảng, chỉ huy cơ quan, đơn vị. Nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong công tác tài chính Quân đội  rất quan trọng được quy định trong Điều lệ Công tác Tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam; Quy chế số 616 – QC/QUTW về lãnh đạo của Quân ủy Trung ương đối với công tác tài chính.

 

Cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định việc hoàn thiện đồng bộ thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Việc ra đời và sửa đổi các Luật Quản lý tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công…nhằm cải cách sâu rộng, phát huy tối đa nguồn lực và ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII và nghị quyết số 230-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Quân đội nhân dân Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng một lực lượng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân binh chủng sẽ tiến thẳng lên hiện đại. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn đối với lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân. Nắm vững các quy định của pháp luật để áp dụng vào thực tiễn công tác không chỉ là nhiệm vụ mà còn là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của người chỉ huy. Đây không chỉ là công việc liên quan đến tiền bạc, mà còn là quản lý tổng thể các nguồn lực, đảm bảo rằng Quân đội hoạt động hiệu quả và bền vững có nhiều lý do để người chỉ huy các cấp cần nắm được những kiến thức về công tác tài chính, trong đó có thể kể đến một số lý do sau:

Thứ nhất, giúp quản lý và phân bổ nguồn lực hiệu quả

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn rất cần nguồn lực để phát triển kinh tế -  xã hội, vì vậy việc phân bổ nguồn lực tài chính đúng cách đặc biệt là chi tiêu cho quốc phòng là vô cùng quan trọng. Lãnh đạo chỉ huy các cấp cần có khả năng đánh giá, lập dự toán và phân bổ ngân sách một cách hợp lý cho các hoạt động khác nhau của đơn vị như huấn luyện, mua sắm trang bị, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và các nhiệm vụ chiến đấu khác của các đơn vị. Mặt khác nắm chắc các nội dung về công tác tài chính giúp người chỉ huy xác định được những ưu tiên chiến lược, từ đó phân bổ ngân sách vào các lĩnh vực quan trọng, đảm bảo các đơn vị luôn có đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị, quân sự được giao.

Thứ hai, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính

Quản lý tài chính trong Quân đội không chỉ là vấn đề hiệu quả mà còn liên quan đến sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Người chỉ huy cần chắc chắn rằng tất cả các khoản chi tiêu của đơn vị mình đều được theo dõi và báo cáo một cách chính xác, tránh tình trạng thất thoát, tham nhũng hoặc lạm dụng tài chính. Khi nắm vững kiến thức tài chính, lãnh đạo chỉ huy các cấp có thể giám sát chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, phát hiện sớm các sai phạm, lãng phí và tuân thủ quy định trong từng khoản chi tiêu. Ngoài ra người chỉ huy phải có trách nhiệm chỉ đạo giải trình hoặc giải trình về việc sử dụng ngân sách trước các cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm toán và cấp trên. Việc hiểu và nắm chắc về pháp luật tài chính giúp người chỉ huy thực hiện tốt, đầy đủ nội dung này để tránh những rủi ro pháp lý không đáng có khi thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, đảm bảo tính bền vững và sự phát triển dài hạn

Tài chính không chỉ là việc quản lý nguồn lực hiện tại mà còn là việc lập kế hoạch cho tương lai. Một người chỉ huy có hiểu biết sâu sắc về tài chính sẽ biết cách đầu tư vào những lĩnh vực mang lại lợi ích dài hạn, chẳng hạn như đầu tư nâng cao năng lực đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết phục vụ giáo dục, đào tạo của các nhà trường trong Quân đội như: đầu tư xây dựng nhà trường thông minh của Học viện Lục quân hiện nay; hay nghiên cứu và phát triển công nghệ quân sự mới, đầu tư nghiên cứu các đề tài khoa học phục vụ cho toàn quân. Hiểu biết về tài chính giúp người lãnh đạo xác định các khoản đầu tư mang lại lợi ích dài hạn và tối ưu hóa hiệu quả chi tiêu, tạo điều kiện cho Quân đội phát triển bền vững, không chỉ đáp ứng được yêu cầu hiện tại mà còn chuẩn bị tốt cho các thách thức trong tương lai.

Thứ tư, tăng cường hiệu quả hoạt động quân sự và hậu cần, kỹ thuật

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột quân sự Nga - Ukraine và Israel - Hamas tác động mạnh, sâu rộng đến mọi lĩnh vực, trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Việc tăng cường các hoạt động quân sự và sẵn sàng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho mọi tình huống là nhiệm vụ tối quan trọng của Bộ Quốc Phòng hiện nay. Việc cạnh tranh trong quân sự không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chiến lược và chiến thuật mà còn ở khả năng quản lý tài chính. Một quân đội được quản lý tài chính tốt sẽ có khả năng đầu tư vào các công nghệ mới, nâng cấp trang bị hiện đại và duy trì khả năng tác chiến vượt trội. Người chỉ huy các cấp cần hiểu rõ cách thức tối ưu hóa ngân sách để không chỉ duy trì mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của quân đội trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của công nghệ và chiến lược quân sự. Quản lý tốt tài chính giúp đảm bảo các đơn vị luôn có đủ trang bị, phương tiện cần thiết, từ đó duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cao tại các đơn vị, đầu tư thêm các trang thiết bị hay tổ chức các cuộc diễn tập lớn ở các cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự diễn tập của Quân đoàn 12

Thứ năm, hỗ trợ công tác đào tạo và nâng cao năng lực tài chính

Lãnh đạo, chỉ huy các cấp nắm vững kiến thức về tài chính sẽ hướng dẫn, chỉ đạo sát đúng với yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao nhận thức cho cấp dưới về tầm quan trọng của việc quản lý tài chính. Thường xuyên tổ chức các hội thảo về quản lý tài chính với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài quân đội, triển khai các công cụ phần mềm quản lý tài chính hiện đại, tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức tài chính, cơ sở đào tạo tài chính, kế toán để tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho người chỉ huy, cán bộ chuyên môn học tập và nghiên cứu; từ đó xây dựng đội ngũ quản lý tài chính có chất lượng trong quân đội. Thực tiễn từ phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt” trong toàn quân hiện nay đang góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Bộ môn Tài chính Quân đội/Khoa Hậu cần – Kỹ thuật, Học viện Lục quân được giao nhiệm vụ đào tạo các nội dung về công tác tài chính Quân đội cho các học viên đào tạo chỉ huy cấp trung, sư đoàn và tương đương. Tuy nhiên, qua khảo sát học viên Hệ 3 (Hệ đào tạo ngắn) tốt nghiệp năm học 2023 – 2024, một bộ phận nhỏ học viên cho rằng việc học các nội dung về tài chính Quân đội tại Học viện Lục quân là không cần thiết. Có thể khẳng định là một suy nghĩ rất thiếu thực tế. Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII vừa qua, nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả các cán bộ chủ chốt thuộc Bộ Chính trị, đã bị kỷ luật thậm chí rơi vào vòng lao lý vì những vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán. Trong đó có những trường hợp hết sức đáng tiếc; điển hình như trường hợp của GS, TS, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, một chuyên gia hàng đầu tim mạch tại Việt Nam chỉ vì thiếu hiểu biết về quản lý tài chính để rồi vi phạm pháp luật về đấu thầu không đáng có. Tháng 6 năm 2022 Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng vào kiểm tra và làm việc tại Học viện Lục quân, một trong những nội dung của Bộ trưởng nêu ra là làm sao cân đối chương trình đào tạo để tăng thời lượng giảng dạy về công tác quản lý tài chính đối với người chỉ huy bởi vì đào tạo kiến thức quản lý tài chính cho người chỉ huy cấp trung, sư đoàn là rất quan trọng và cần được quan tâm. Qua những sự việc trên cùng với những phân tích ở trong bài viết cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của kiến thức tài chính đối với người chỉ huy Quân đội và tại sao môn Tài chính Quân đội lại được đào tạo tại Học viện Lục quân.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Ban Giám đốc Học viện, trong năm học 2023 - 2024, bộ môn Tài chính/Khoa Hậu cần – kỹ thuật thường xuyên cập nhật kiến thức mới nhất về tài chính và kế toán để đưa vào nội dung giảng dạy. Bộ môn đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nhỏ vào thắng lợi chung của toàn Học viện./.


Tác giả: KHCKT. Phạm Đức Đồng
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?