• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 961
Tháng 04 : 5.416
Tháng trước : 65.721
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” - nước cờ cao tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đối đầu với quân Pháp

Trong cuộc đời cầm quân của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những nước cờ cao tay, quyết định đến thắng lợi của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp. Đồng thời, trực tiếp ghi dấu ấn vào lịch sử quân sự thế giới, khiến nhiều nhà nghiên cứu phải trân trọng nghiêng mình. Vậy những nước cờ của Đại tướng là gì? hãy cùng tác giả đi tìm hiểu ngay sau đây.

Nói về tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong cuốn Bách khoa toàn thư quân sự quốc phòng Mỹ xuất bản năm 1993 nhận xét: “Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao; sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước một vị Tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.

Cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, không biết do vô tình hay hữu ý đã nâng bước một thầy giáo dạy lịch sử nổi tiếng từ nhà trường ra chiến trường và trở thành vị Đại tướng khiến quân thù phải nể phục. Tuy nhiên, trong cốt cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bóng dáng của một người thầy giáo vẫn luôn hiển hiện trong sáng và nhân văn.

Năm 1990, phóng viên tờ báo New York Times của Mỹ đã có cuộc phỏng vấn Đại tướng, trong cuộc trò chuyện này Đại tướng đã trả lời một câu rất nổi tiếng: “Xin nhớ tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình, nếu không trở thành người lính có lẽ tôi sẽ vẫn là một thầy giáo, có thể là triết học hoặc lịch sử”. Câu nói ấy đủ để nói lên tình yêu hòa bình của một vị tướng với những chiến công lừng lẫy.

Trong thực tế, Đại tướng đã không chủ động chọn nghề binh nghiệp, mà chính lịch sử dân tộc đã chọn ông để trao cho ông một trọng trách vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Ducan Townson, tác giả cuốn những vị tướng lừng danh xuất bản ở Luân Đôn đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexander đại đế đến Hannibal, rồi thời cận hiện đại với Ku-tu-dốp, Giu-cốp… Những danh tướng kiệt suất đã có chiến công hiển hách từng tạo nên những bước ngoặt vĩ đại của nghệ thuật chiến tranh.

Tân Bách khoa toàn thư của nước Anh xuất bản năm 1985, trong chuyên mục giới thiệu các danh tướng thế giới từ thời cổ đại cho đến ngày nay, cùng với Hannibal, Ku-tu-dốp, Giu-cốp, Napoléon… Cuốn Bách khoa toàn thư đã giành một thời lượng nhất định để giới thiệu hai danh tướng của Việt Nam đó là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Tập 10, Trang 88) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tập 10, từ Trang 493 đến Trang 494).

Tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh đánh giá: “Từ năm 1944 tới năm 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại, với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông luôn là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh, khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.

Từ điển Bách khoa toàn thư Pháp cũng đã viết: “Là người tổ chức Quân đội Nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự Mác xít, kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp”. Tướng Mỹ Westmoreland, thừa nhận: “Ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ, hành động và trí thông minh”.

Một nhà sử học quân sự Mỹ, trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá” có viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thiên tài của Việt Nam, sau khi điểm qua quá trình chỉ huy quân đội của vị Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Trong suốt thời gian đó ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của Thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại”.

 Vậy những nước cờ quyết định và những mốc son ấn tượng trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là gì? Dấu ấn đầu tiên kiến tạo ra bước ngoặt của nghệ thuật quân sự Việt Nam phải kể đến đó là chủ trương: “Đại đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên của Đông Nam Á ra đời, Đại tướng được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao đặc trách vấn đề quân sự.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chủ động tham mưu đề xuất việc thành lập các đại đoàn chủ lực làm nòng cốt bảo vệ thành quả cách mạng. Những đại đoàn chủ lực này sẽ là bộ phận quan trọng nhất của quân đội thường trực được huấn luyện chính quy và được trang bị những vũ khí, phương tiện hiện đại nhất. Đây không chỉ là biểu hiện cho sức mạnh quân sự, sức mạnh của lực lượng vũ trang mà còn là biểu hiện cho sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, quân sự, kinh tế và quốc phòng của đất nước.

Tuy nhiên, do tình hình đất nước lúc bấy giờ diễn ra rất khẩn trương và nhiều khó khăn, phức tạp. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta sớm diễn ra rồi bùng nổ và lan rộng trên phạm vi toàn quốc, nên việc xây dựng những đại đoàn chủ lực trên thực tế là chưa thể thực hiện được. Quân đội quốc gia được tổ chức, biên chế thành các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội từ những năm 1947 đến năm 1948.

Căn cứ vào thực tế chiến trường, trình độ tác chiến và trang bị, vũ khí của ta còn hạn chế. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng cho hoãn việc thành lập đại đoàn thêm một thời gian nữa. Đồng thời, đề xuất cách thức tổ chức và hoạt động trước mắt của lực lượng vũ trang theo phương châm: “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”.

Theo đó, một bộ phận quân chủ lực phân chia thành các đại đội về hoạt động ở các địa phương trong vùng địch hậu để thúc đẩy chiến tranh du kích, bộ đội chủ lực ở Khu và Bộ tổ chức tập trung quy mô cấp tiểu đoàn để kết hợp hoạt động nhằm tiêu hao sinh lực địch, rèn luyện trình độ tác chiến và bảo toàn lực lượng là phù hợp với chiến thuật du kích vận động chiến đã đề ra lúc bấy giờ.

Đề xuất của Đại tướng được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất chí thông qua và sớm trở thành quyết sách sáng tạo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh. Năm 1947, khi thời tiết trở Đông cũng là lúc quân Pháp mở cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc với mục tiêu lùng bắt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, tiêu diệt lực lượng của Việt Minh để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Kế hoạch của quân Pháp chia làm 2 bước, bước thứ nhất tiến công đánh chiếm khu tam giác Bắc Cạn - Chợ Đồn - Chợ Mới bằng cách nhảy dù đánh tập hậu vào căn cứ Việt Bắc, sau đó hình thành hai “Gọng kìm” bao vây, kẹp chặt quân ta. Bước hai của kế hoạch là tập trung sức mạnh tối đa tìm diệt cơ quan đầu não kháng chiến, diệt chủ lực của ta và triệt phá căn cứ địa Việt Bắc. So sánh tương quan lực lượng, ta luôn ở thế yếu hơn địch về nhiều mặt. Vì vậy, Đại tướng xác định cần phải có một kế hoạch tác chiến thích hợp, đủ khả năng đập tan cuộc tấn công của địch, nhưng đồng thời bảo toàn lực lượng để giữ kế kháng chiến lâu dài.

Trước đó năm 1946, khi toàn quốc đứng lên kháng chiến chống Pháp rộng khắp trên các vùng miền, đã có lúc ta đã tổ chức đánh lớn, dàn quân ra đánh địch như ở Hà Đông và một số địa phương ở phía Bắc. Tuy nhiên, đây không phải là phương án hiệu quả vì trong thực tế trang bị của ta lúc bấy giờ còn thô sơ, nghèo nàn và thiếu thốn, nên đã gặp nhiều bất lợi khi giao chiến quy mô lớn theo hình thức chiến tranh quy ước với quân Pháp.

Trước tình thế hiểm nghèo ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe được một báo cáo: “Có một đại đội của ta bị lạc ở Hà Bắc, đơn vị đó đã dựa vào nhân dân trong vùng, vừa chiến đấu vừa phát triển lực lượng và đánh địch có hiệu quả ở phía sau lưng địch”. Câu chuyện ngay lập tức lóe lên trong đầu Đại tướng một phương án mà bấy lâu nay ông đang tìm kiếm với mục đích phân chia lực lượng phân tán khắp nơi để địch không thể tìm thấy chủ lực của ta nhưng vẫn duy trì được khả năng đánh địch liên tục. Ngay sau đó ý định đã được thực thi, Đại tướng đã trình kế hoạch của mình lên Trung ương Đảng và Bác Hồ.

Ngày 14 tháng 10 năm 1947, ý kiến của Đại tướng đã được Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức nhất trí thông qua. Thực hiện kế hoạch của Đại tướng, Quân đội ta được phân chia thành những đại đội đi sâu vào hoạt động độc lập trong vùng địch tạm chiếm, biến hậu phương của địch trở thành tiền phương của ta.

Theo đó, Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo điều chỉnh bộ đội chủ lực của Bộ và các Khu (1, 10, 12) phân tán thành các “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. “Đại đội độc lập” được xác định là đơn vị bố trí ở từng địa phương cấp huyện, “Tiểu đoàn tập trung” là đơn vị chủ lực bố trí ở những nơi cơ động và hoạt động tập trung trong từng khu vực, từng mặt trận.

Quán triệt chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, đến cuối tháng 10 năm 1947 trên địa bàn Việt Bắc có 30 đại đội độc lập được triển khai ở các huyện trọng điểm trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên; Bắc Cạn; Cao Bằng; Lạng Sơn; Tuyên Quang và khoảng 20 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh tập trung triển khai thế trận phản công trên cả ba mặt trận Sông Lô, Đường số (2, 3) và Đường số 4.

Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, nước cờ cao tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức làm phá sản chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp, bảo vệ an toàn các cơ quan lãnh đạo kháng chiến và căn cứ địa Việt Bắc; bảo toàn được lực lượng và phát triển bộ đội chủ lực, từng bước đưa cuộc kháng chiến của quân và dân ta chuyển sang giai đoạn, tầm cao mới. Chính nhờ phương án “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” ấy, quân ta đã giữ vững thế chủ động trên chiến trường, đẩy quân Pháp vào tình thế bị động, sa lầy.

Sau những thất bại của kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh ở Việt Bắc, quân Pháp ngày càng bị sa lầy, hoang mang và lo lắng cho việc giữ vững vùng chúng đã chiếm đóng. Bởi vì, khi ấy các đại đội chủ lực của ta đã đi vào hoạt động sâu trong vùng địch kiểm soát, trực tiếp thúc đẩy phong trào đấu tranh du kích của Nhân dân phát triển mạnh, buộc quân Pháp phải phân tán đối phó, không thể tập trung lực lượng càn quét như trước kia.

 “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” được xác định là phương châm tác chiến chủ yếu của bộ đội chủ lực ta chiến trường Việt Bắc và một số địa phương trong vùng lúc bấy giờ. Thành công đó thể hiện nét độc đáo sáng tạo về nghệ thuật dùng binh và kinh nghiệm quý báu không chỉ tầm chiến dịch mà cả chiến lược; không chỉ trên chiến trường Việt Bắc năm 1947, mà ngày càng được nhân rộng, bao quát rộng khắp trên phạm vi cả nước.

Nhiều năm sau, kinh nghiệm quý báu đó tiếp tục được phát huy, nhân rộng và vận dụng có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu điều kiện mới của chiến tranh trên các chiến trường. Một vài dấu ấn không đủ nói hết những phẩm chất quân sự thiên tài của Đại tướng. Thế nhưng nó cũng cho chúng ta thấy ở những thời điểm quan trọng của trận đánh, Đại tướng luôn có những quyết định sáng suốt, tiên liệu sự việc chính xác đến không ngờ. Đó cũng là một trong những yếu tố để tên tuổi của Võ Nguyên Giáp, trở thành Vị tướng huyền thoại và Đại tướng của lòng dân.

Hôm nay, giữa mùa xuân đổi mới, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đây là dịp để ta nhìn lại và hướng tới. Thế hệ cán bộ, giảng viên trẻ của Học viện Lục quân nói chung, Khoa Trinh sát nói riêng hôm nay, quyết tâm rèn chí, luyện tài, học tập noi gương Đại tướng; tiếp tục phát huy sức trẻ và lòng nhiệt thành. Mãi mãi xứng đáng với trí tuệ và nhân cách của Đại tướng, người anh cả Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.


Tác giả: KTS. Nguyễn Tiến Công
Tổng số điểm của bài viết là: 36 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?