Tình báo Quốc phòng Việt Nam - chặng đường 79 năm hành trình từ không đến có, từ sơ khai đến trưởng thành
Trung tuần tháng 3 năm 1945, một máy bay B-29 của quân Anh chở theo 3 người Việt, gồm: Trần Hiệu, Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Phòng với hành trình bay từ Dhaka (Bangladesh), qua vịnh Bengal (Ấn Độ), vịnh Thái Lan, vào Biển Đông, vịnh Bắc Bộ và đi vào châu thổ Sông Hồng để thực hiện kế hoạch nhảy dù xuống Miếu Môn, nhưng vì pháo phòng không Nhật bắn và có sương mù nên không thực hiện được, buộc phải quay về. Một tháng sau, hành trình cũ lặp lại và cả ba đã nhảy dù thành công xuống làng Tiên Lữ - huyện Quốc Oai - tỉnh Hà Đông.
Đồng chí Trần Hiệu - Thủ trưởng đầu tiên của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam
Thực ra đây là những tù chính trị người Việt tại Madagascar, được liên quân Anh - Pháp tuyển chọn, huấn luyện họ trở thành những tình báo viên và đưa về Việt Nam hoạt động để phục vụ cho quân đồng minh trong việc giải giáp quân Nhật tại Đông Dương. Sau này, chính họ là những người đi tiên phong, tiền bối lão thành trong việc đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam.
Ngay sau khi thực hiện nhảy dù thành công, trở về với đất mẹ sau bao năm tù đày và lưu lạc nơi xứ người. Mặc dù, Quốc Oai - tỉnh Hà Đông lúc bấy giờ đang là vùng quân Nhật chiếm đóng, nhưng nhờ được sự che chở, đùm bọc và giúp đỡ nhân dân ta trong vùng nên họ đã sớm tìm về được nhà Trần Hiệu tại làng Phúc Lâm - huyện Mỹ Đức - Hà Tây (Hà Nội ngày nay).
Không lâu sau đó, họ đã bắt liên lạc được với Xứ uỷ Bắc Kỳ, Phó Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ là đồng chí Trần Quốc Hoàn đã đưa Trần Hiệu và các đồng chí của mình đến gặp Tổng Bí thư Trường Chinh. Tổng Bí thư động viên “Các đồng chí đã biết lợi dụng được bọn đế quốc, thực dân để trở về với Đảng, với nhân dân và tham gia hoạt động cách mạng”.
Lúc này, Trần Hiệu được chính thức giao nhiệm vụ ẩn náu tại một ngôi chùa ở xóm La Dương - xã La Phù - huyện Hoài Đức với ba nhiệm vụ chính đó là “Tiếp tục giữ liên lạc bình thường với người Anh và thực hiện liên lạc bằng điện đài giữa Xứ uỷ Bắc Kỳ và Trung ương. Đồng thời, chuẩn bị nội dung, chương trình để mở các lớp huấn luyện về trinh sát quân sự cho xứ ủy và cấp trên”.
Đến ngày 25/10/1945, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã chính thức công bố Quyết định thành lập Phòng Tình báo trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, đánh dấu cho sự ra đời của lực lượng Tình báo Quốc phòng Việt Nam. Sau chiến thắng Biên giới năm 1950, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị 07/CT nhằm tăng cường công tác tình báo phục vụ trực tiếp cho sự chỉ đạo chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình mới.
Tiếp đó, ngày 17/5/1951, Chính phủ ra Sắc lệnh số 42/SL thành lập Ban Tình báo chiến lược với bí danh là Nha Liên lạc trực thuộc Phủ thủ tướng. Việc thành lập Nha Liên lạc là bước ngoặt quan trọng của Tình báo Quốc phòng. Ngay sau khi thành lập, Nha Liên lạc chọn địa bàn xã Thượng Ấm - huyện Sơn Dương - tỉnh Tuyên Quang làm trụ sở hoạt động và tiến hành công tác tin tức, phục vụ sự nghiệp cách mạng. Đây được coi là dấu ấn của sự khởi đầu đầy vinh quang đối với Tình báo Quốc phòng Việt Nam.
Thực tế trong thời gian trước năm 1945, các xứ ủy, khu ủy và lực lượng vũ trang các phân khu ở từng địa phương đã hình thành tổ chức nắm địch của riêng mình với nhiều tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, lực lượng chủ yếu là kiêm nhiệm, cách thức tổ chức chưa thống nhất, phương thức hoạt động còn tự phát và hiệu quả nắm địch chưa cao.
Để bảo đảm nắm chắc tình hình địch và chủ động chuẩn bị lâu dài cho kháng chiến trên phạm vi toàn quốc, ta chủ trương xây dựng cơ quan Tình báo Quân sự thống nhất từ Bộ Quốc phòng xuống đến các đơn vị, địa phương trên cơ sở hợp nhất các lực lượng Tình báo của Đảng và Quân đội.
Đây là tổ chức Tình báo đầu tiên của quốc gia Việt Nam và là tiền thân của Tổng cục Tình báo Quốc phòng Việt Nam sau này. Từ đó, ngày 25 tháng 10 hằng năm đã chính thức trở thành Ngày truyền thống ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam.
Từ ngày thành lập đến nay, 79 năm một chặng đường gian lao mà anh dũng, vinh quang và trách nhiệm với những chiến công xuất sắc trên mặt trận thầm lặng. Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn phát triển, viết nên những trang sử riêng của thời đại mình, thời đại Hồ Chí Minh giàu sự tích và đẫm màu huyền thoại, không thẹn với tiền nhân và hậu thế.
Thực tế đấu tranh với kẻ thù trên lĩnh vực tình báo đã trực tiếp kiến tạo ra lớp thế hệ cán bộ tình báo giỏi với những điệp viên xuất sắc đã trở thành huyền thoại như: Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức,... Đây thực sự là những điệp viên hoàn hảo, cán bộ tình báo giỏi và là người chỉ huy có tầm nhìn chiến lược của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam.
Với những thành tích xuất sắc trên mặt trận thầm lặng, Tình báo Quốc phòng Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, cùng với đó là nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác cho những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương đến thăm và làm việc với Tổng cục Tình báo Quốc phòng - Bộ Quốc phòng
Đánh giá về vai trò ngành tình báo, Tổng Bí thư , Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí Tô Lâm khẳng định “Trong gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Tình báo Quốc phòng Việt Nam đã không ngừng tiến bộ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó; đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như sự nghiếp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay”.
Bảy mươi chín năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Tình báo Quốc phòng Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng cả về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động và trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, xứng đáng là công cụ nắm địch sắc bén, tai mắt tinh tường của Đảng và Quân đội.
Chặng đường 79 năm hành trình từ không đến có và từ sơ khai đến trưởng thành. Hôm nay nghĩ về hôm qua, lòng bỗng tràn đầy kiêu hãnh, giá trị tinh thần thiêng liêng bất diệt, niềm kiêu hãnh vô bờ của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam, nó tiềm chứa một sức mạnh vật chất phi thường, niềm tự hào vô bờ, niềm tin mãnh liệt và là hành trang quyết định cho chúng tôi, thế hệ cán bộ trẻ sau này trên chặng đường tiếp bước cha, anh với một niềm kiêu hãnh trọn vẹn, cho hôm nay, mai sau và mãi mãi.
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam, cán bộ giảng viên Khoa Trinh sát - Học viện Lục quân, một thành phần quan trọng của ngành Tình báo, chúng tôi nguyện tiếp tục phấn đấu vươn lên, cống hiến trí tuệ, sức trẻ và lòng nhiệt thành cho việc dạy tốt và học tốt; góp phần xây dựng Khoa Trinh sát và Học viện Lục quân vững mạnh toàn diện “Mẫu mực tiêu biểu”; góp phần xây dựng ngành Tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; không ngừng rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và chuyên môn nghiệp vụ đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới; xứng đáng với truyền thống “Trung dũng, kiên cường, độc lập, sáng tạo, bí mật khôn khéo, đoàn kết quyết thắng”./.