Quán triệt quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu vào nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở Học viện Lục quân
Hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, tri thức trở thành thước đo sự phát triển và dự báo tương lai cho mỗi quốc gia. Không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đều coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Đó là động lực thúc đẩy và là một điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. Phải coi đầu tư cho giáo dục là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho giáo dục đi trước và phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội. Huy động toàn xã hội tham gia giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của Nhà nước. Thấm nhuần quan điểm của Đảng ta, Học viện Lục quân đã quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giáo dục và đào tạo với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực.
Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu - quan điểm xuyên suốt của Đảng Cộng sản Vịêt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chỉ đạo nhằm phát triển giáo dục và đào tạo. Theo đó, ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày với các Bộ trưởng 6 nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc bấy giờ, trong đó có nhiệm vụ về giáo dục là “Diệt giặc dốt”. Tháng 7/1948, trong thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc, Bác Hồ viết: “Chúng ta cần phải có một nền kháng chiến và kiến quốc. Phải sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho hợp với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, phải có sách kháng chiến và kiến quốc, phải sửa đổi cách dạy cho hợp với sự đào tạo nhân tài kháng chiến và kiến quốc” [1].
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác, Đảng ta đã tiến hành cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam. Cuộc cải cách đầu tiên đặt ra với phương hướng và nguyên tắc là: dân chủ hóa nền giáo dục; đào tạo con người mới, gột rửa những tàn tích cũ đặt nền móng vững chắc cho nền giáo dục mới. Triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa II của Đảng, tháng 3/1956, Chính phủ đã thông qua Đề án Cải cách giáo dục lần thứ hai, mục tiêu là đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những công dân phát triển toàn diện, thống nhất hai hệ giáo dục của vùng tự do cũ và của vùng mới giải phóng thành hệ thống giáo dục phổ thông duy nhất 10 năm gồm ba cấp với giáo dục và đào tạo chuyên nghiệp.
Sau những năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược, đất nước trọn niềm vui, non sông liền một dải, ngày 11/11/1979, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về cải cách giáo dục trong điều kiện đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc cải cách giáo dục lần này với nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội; thống nhất giáo dục trong cả nước, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành giáo dục Việt Nam.
Quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” được đưa ra lần đầu tiên trong Nghị quyết số 04-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ngày 14/01/1993 khẳng định: “Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” [2]; Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 2, khoá VIII, năm 1996 tiếp tục khẳng định: “Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” [3]. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định thông qua các chủ trương phát triển và giải pháp cải thiện giáo dục và đào tạo của Đảng ta, nhất là từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”, giáo dục đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đặt yêu cầu,“Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt phát triển đất nước” [4].
Như vậy, trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo đóng vai trò then chốt, có vai trò chính yếu, được ưu tiên trước nhất, thậm chí đi trước một bước so với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác. Để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam không có con đường nào khác ngoài con đường phát triển giáo dục và đào tạo, đó là nền tảng của sự phát triển bền vững, quyết định tương lai của dân tộc, của đất nước; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển; giáo dục vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển của xã hội.
Vận dụng quan điểm của Đảng ta về giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở Học viện Lục quân
Quán triệt quan điểm, nghị quyết, chỉ thị về giáo dục và đào tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Lục quân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác giáo dục và đào tạo với nhiều giải pháp, đó là:
Chấp hành và thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về giáo dục và đào tạo. Trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 “Về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới”; Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2020 - 2030.
Tích cực đổi mới nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu đào tạo, Học viện xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch phù hợp với từng đối tượng và tổ chức điều hành chặt chẽ, lôgic, khoa học; kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, tăng cường học tập thực tế, thực tập tại đơn vị, tăng thời gian thực hành, luyện tập, diễn tập của học viên, đảm bảo tính liên thông, kế thừa, tích hợp và phát triển; cập nhật kịp thời sự phát triển của khoa học - công nghệ quân sự và nghệ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; mời các đồng chí có kinh nghiệm trong chiến đấu, xây dựng, huấn luyện đơn vị trong toàn quân về giới thiệu chuyên đề thông tin khoa học quân sự, qua đó, cán bộ, giảng viên, học viên vận dụng vào giảng dạy và học tập.
Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Học viện tích cực lựa chọn nguồn đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng, chất lượng tốt, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Theo đó, coi trọng kết hợp lựa chọn cán bộ đủ tiêu chí gửi đi đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Bên cạnh đó, chủ động, tích cực bồi dưỡng tại chỗ thông qua các hoạt động sư phạm của khoa, bộ môn và cử cán bộ, giảng viên đi luân chuyển, nghiên cứu, học tập thực tế ở các đơn vị. Đẩy mạnh các hoạt động phương pháp, như: thục luyện, giảng thử, thông qua, kiểm tra giảng, thi giảng viên dạy giỏi,… kết hợp đổi mới quy trình, thủ tục thi, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo… bảo đảm thực chất, tạo chuyển biến tích cực về khả năng, kỹ năng sư phạm, trình độ ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ.
Đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên với phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên, kết hợp nghiên cứu khoa học với đầu tư cơ sở vật chất hiện đại. Học viện chỉ đạo các khoa giảng viên vận dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học trong tiếp nhận thông tin; chủ động nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng khoa mục, chủ đề, nội dung và đối tượng học viên; đẩy mạnh hoạt động trao đổi học thuật, nâng cao chất lượng giảng bài.
Thuấn nhuần quan điểm: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là điều kiện tất yếu để hoàn thành mục tiêu xây dựng Học viện Lục quân theo mô hình “Nhà trường thông minh”, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2011, tr.537.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội. 1991, tr.56.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 1996.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội. 2011, tr.136.