Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.450
Tháng 11 : 34.280
Tháng trước : 62.002
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số nội dung biểu hiện bản lĩnh “7 dám” của giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay

Bản lĩnh “7 dám” của giảng viên trẻ khoa học xã hội nhân văn các học viện, trường sĩ quan quân đội là kết quả kết tinh các giá trị cao đẹp của người quân nhân cách mạng, hợp thành nhân cách đặc trưng của người giảng viên trẻ khoa học xã hội nhân văn quân đội, bảo đảm cho họ có đủ phẩm chất và năng lực giải quyết một cách độc lập, đúng đắn, sáng tạo mọi nhiệm vụ được giao; luôn vững vàng, kiên định trước mọi khó khăn, thử thách.

 

Bản lĩnh là đức tính (phẩm chất) tự quyết định một cách độc lập, sáng tạo suy nghĩ, thái độ, hành động của mình và không dao động trước bất cứ một tác động bên ngoài nào. Với đội ngũ cán bộ, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết” (1). Đối với đội ngũ cán bộ trong Quân đội, phát biểu tại Hội nghị Quân uỷ Trung ương lần thứ Sáu, Nhiệm kỳ 2020 - 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân uỷ Trung ương khẳng định: “Phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám”: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung” (2).

Đội ngũ giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn các học viện, trường sĩ quan quân đội với số lượng đông đảo, có ưu thế về sức trẻ và được đào tạo cơ bản, thống nhất nên có vai trò ngày càng quan trọng đối với hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của các học viện, trường sĩ quan quân đội. Trong đó, “7 dám” là nhân tố nổi bật, bảo đảm cho giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn luôn có đủ phẩm chất, năng lực và giữ vững quyết tâm, khát vọng cống hiến đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của các học viện, trường sĩ quan quân đội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Nội dung bản lĩnh “7 dám” của giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn các học viện, trường sĩ quan quân đội được biểu hiện trên các khía cạnh:

“Dám nghĩ”: Đây là phẩm chất đầu tiên, có ý nghĩa quyết định trong tổng thể bản lĩnh “7 dám” của giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn các học viện, trường sĩ quan quân đội. Bởi vì, muốn hành động đúng thì trước hết phải có nhận thức đúng. Trước các nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp thì mỗi giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn cần suy nghĩ để đưa ra những quyết định, những cách thức, biện pháp nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều này được biểu hiện ở quyết tâm nghĩ cho được những tri thức mới, đúng đắn về môn học, bài học mà mình đảm nhiệm để xây dựng cách thức, phương pháp truyền đạt tri thức cho học viên một cách hiệu quả; nghĩ về con đường, cách thức để mang lại hiệu quả cao, thiết thực trong nghiên cứu khoa học, góp phần làm phong phú tri thức khoa học xã hội và nhân văn quân sự trong tình hình mới.

 “Dám nói”: Là phẩm chất cao quý, biểu hiện ở bản lĩnh bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm cá nhân về một vấn đề, một hiện tượng xã hội để đồng chí, đồng nghiệp trao đổi, làm sáng tỏ. Có “dám nói” thì những suy nghĩ tích cực, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả mới lan toả đến mọi thành viên trong tập thể để cùng đi đến mục tiêu chung là hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, “dám nói” không có nghĩa là “bạ đâu nói đó”, nói một cách tuỳ tiện mà phải nói đúng nơi, đúng lúc, đúng thời điểm, nói trên tinh thần xây dựng, vì cái chung, vì sự tiến bộ. Bên cạnh đó, “dám nói” còn gắn với việc nói làm sao có sức thuyết phục, có khả năng phản biện để bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, cái lạc hậu, phản tiến bộ.

 “Dám làm”: Là phẩm chất rất quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, bản lĩnh, năng lực của giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn các học viện, trường sĩ quan quân đội trong xây dựng mục tiêu, kế hoạch, chương trình hành động nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cùng các nhiệm vụ khác được giao. “Dám làm” là mạnh dạn làm việc, nhưng hoàn toàn đối lập với thói làm liều, làm ẩu, làm cho qua việc, làm đối phó với cấp trên, hay chỉ làm vì lợi ích cá nhân.

 “Dám chịu trách nhiệm”: Giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn các học viện, trường sĩ quan quân đội muốn giành được thành tựu trong công tác thì nhất định phải dám nghĩ, dám nói, dám làm và phải dám chịu trách nhiệm về cách nghĩ, những lời nói, việc làm của cá nhân cũng như tập thể mình phụ trách. Dám chịu trách nhiệm còn phải là bản lĩnh “không né tránh khuyết điểm”, bởi vì, đã có gan dám làm, dám phụ trách thì phải là người sẵn sàng “có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó” (3). Có như thế mới thực sự tiến bộ, trưởng thành.

“Dám đổi mới, sáng tạo”: Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nhất là những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nên những những chuyển biến nhanh chóng, sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn các học viện, trường sĩ quan quân đội phải là những người tiên phong trong “dám đổi mới, sáng tạo”. Có như vậy, mới bắt kịp được xu thế phát triển của thời đại, kịp thời cập nhật những tri thức mới để bổ sung, làm phong phú những kiến thức của bài giảng; vận dụng có hiệu quả phương pháp dạy học tích cực, tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại và chuyển đổi số để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, “dám đổi mới, sáng tạo” của giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn các học viện, trường sĩ quan quân đội còn được biểu hiện ở dũng khí, tinh thần đấu tranh kiên quyết với những cách nghĩ, cách làm bảo thủ, tiêu cực, tư duy lối mòn, bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa trong công tác.

Giảng viên trẻ khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Lục quân thực hành thông qua bài giảng, nâng cao năng lực chuyên môn

“Dám đương đầu với khó khăn, thử thách”: Với tính đặc thù của môi trường quân sự, nên quá trình thực hiện nhiệm vụ của giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn các học viện, trường sĩ quan quân đội tất yếu không tránh khỏi những khó khăn, thử thách, nhất là: Kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm thực tiễn quân sự của giảng viên trẻ chưa nhiều nên việc vận dụng vào luận giải những vấn đề lý luận của bài giảng còn nhiều rào cản, đòi hỏi mỗi giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn các học viện, trường sĩ quan quân đội càng phải có bản lĩnh “dám đương đầu với khó khăn, thử thách”, vươn lên trong công tác, khẳng định mình, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

 “Dám hành động vì lợi ích chung”: Tính chỉnh thể, tính hướng đích trong bản lĩnh “7 dám” của giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn các học viện, trường sĩ quan quân đội là hướng tới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; góp phần xây dựng bộ môn, khoa, học viện, trường sĩ quan vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”. Theo đó, “dám hành động vì lợi ích chung” là đặt lợi ích của tập thể, của đơn vị lên trên, lên trước lợi ích cá nhân; kết hợp hài hoà giữa lợi ích tập thể và cá nhân; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, lối sống vị kỷ, coi thường tập thể, không dám đưa ra sáng kiến, cách làm mới vì tập thể./.

H.N.S

Tài liệu tham khảo

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.187.

(2). Nguyễn Phú Trọng (2023), Phát biểu tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 03/7/2023.

(3). Hồ Chí Minh (1948), “Sửa đổi lối làm việc” Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.301.


Tác giả: KMLNTTHCM. Hoàng Ngọc Sơn
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?