Học viện Lục quân tham dự lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo
Căn cứ công văn số 1841/NT-NG ngày 13/8/2024 của cục Nhà Trường và kế hoạch số 320/KH-ĐT ngày 15/8/2024 của Phòng Đào tạo về việc cử cán bộ tham dự lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo, Học viện Lục quân đã cử một số cán bộ Khoa, Bộ môn của các Khoa: Thông tin - Tác chiến điện tử, Tin học - Ngoại ngữ, Sư phạm quân sự, tham dự lớp tập huấn với khóa học: “Kỹ năng số hóa học liệu”, tại Học viện Viettel/ Tập đoàn Công Nghiệp - Viễn thông Quân đội, Xã Thạch Hòa, Huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, là một chương trình giúp học viên khám phá và ứng dụng những công nghệ AI hiện đại trong việc xây dựng học liệu số, không chỉ nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn mang lại trải nghiệm học tập phong phú và cá nhân hóa cho học viên.
Tham dự lớp tập huấn có 50 học viên là cán bộ, giảng viên, giáo viên của các học viện, trường trong toàn quân và đội ngũ giảng viên tham gia trực tiếp giảng dạy lớp tập huấn, thuộc Học viện Viettel. Lớp tập huấn diễn ra trong ba ngày, với nội dung tập huấn được thực hiện theo quy trình ba bước: trước, trong và sau đào tạo. Trước đào tạo: khảo sát đánh giá năng lực; nội dung xây dựng bài giảng - 3 phút (1000 từ); hoàn thành xây dựng Slide theo nội dung chuẩn bị, cài đặt công cụ Capcut, Microsoft Office 2019 trở lên. Trong đào tạo: một số điều cần biết về năng lực số hóa trong hoạt động học tập, đào tạo; quy trình số hóa và kỹ thuật xây dựng nội dung (ứng dụng AI); hướng dẫn xây dựng kịch bản và các nguyên tắc thiết kế bài giảng; xây dựng bài học video dạng Slideshow, giảng viên số bằng Powerpoint, MC AI, Capcut… (Ứng dụng AI). Sau đào tạo: sau 03 ngày, học viên tiếp tục hoàn thiện bài giảng trên nội dung đã đăng ký và kịch bản đã xây dựng, dưới sự hỗ trợ của Học viện Viettel.
Thông qua lớp tập huấn, học viên đã nắm được khái niệm số hóa; phân biệt sự số hóa và chuyển đổi số; hai hình thức số hóa (số hóa thông tin (Digitization) và số hóa quy trình (Digitalization)); các dạng số hóa dữ liệu lưu trữ (số hóa hồ sơ và số hóa hình ảnh); thực hành theo nhóm với kỹ năng sử dụng công nghệ AI trong giảng dạy, học cách sử dụng ChatGPT để tạo ra bài giảng tương tác, sinh động và được hướng dẫn cách tích hợp ChatGPT vào hệ thống quản lý lớp học hiện có. Lớp tập huấn còn tăng cường phương pháp giảng dạy hỗ trợ học viên cá nhân; sử dụng ChatGPT để cá nhân hóa nội dung giảng dạy cho từng học viên dựa trên khả năng và sở thích; tạo ra các bài tập và hoạt động học tập phù hợp với trình độ và nhu cầu của từng học viên. Bên cạnh đó, ứng dụng ChatGPT trong soạn giáo án và tài liệu; đồng thời, hướng dẫn chi tiết cách sử dụng ChatGPT để nhanh chóng soạn thảo giáo án và tài liệu giảng dạy; tận dụng ChatGPT để tạo các bài kiểm tra và đánh giá học tập một cách hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ học viên thông qua tương tác AI; sử dụng ChatGPT như một công cụ để tạo ra các buổi hỏi đáp, thảo luận trực tuyến, giúp học viên giải đáp thắc mắc mọi lúc, mọi nơi; khám phá cách ChatGPT có thể giúp học viên tự học và nghiên cứu độc lập. Thực hiện quản lý lớp học và theo dõi tiến độ học tập; hướng dẫn giảng viên cách sử dụng ChatGPT để quản lý thông tin và tiến độ học tập của học viên và tận dụng ChatGPT để tổ chức các hoạt động nhóm, tạo ra môi trường học tập hợp tác và tương tác.
TS, Bùi Quang Tuyên, Giám đốc Học viện Viettel, giới thiệu chuyên đề: ‘Tập huấn kỹ năng số hóa’ cho cán bộ, giảng viên, giáo viên thuộc các học viện, trường trong toàn quân
Các cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
Sau lớp tập huấn, các đồng chí cán bộ Khoa, Bộ môn sẽ tập huấn lại nội dung này tại Học viện Lục quân theo kế hoạch được phân công của Học viện. Đồng thời, cấp ủy, chỉ huy Khoa sẽ xây dựng kế hoạch chỉ đạo các Bộ môn triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong dạy học năm học 2024 -2025; đồng thời, tăng cường kiểm tra việc ứng dụng chuyển đổi số, tiếp tục ứng dụng các công cụ AI trong việc xây dựng học liệu; phát triển kho nội dung học tập phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập tại Học viện và phục vụ công tác đào tạo, số hóa quy trình, sản phẩm trong thời gian tới./.