• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 110
Tháng 01 : 24.290
Tháng trước : 58.940
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ đội Pháo cao xạ 67 năm “Anh dũng – Quyết thắng” vững bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng (01/4/1953 ÷ 01/4/2020)

Nửa cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đem quân xâm lược Việt Nam, đội quân viễn chinh Pháp chỉ mới có tàu chiến và vũ khí trên bộ. Từ khi máy bay của Pháp xuất hiện ở chiến trường Việt Nam cho đến năm 1945, không quân Pháp hoàn toàn làm chủ bầu trời, chưa một chiếc máy bay nào bị bắn rơi.

Với tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngay từ đầu những năm kháng chiến chống thực dận Pháp xâm lược, Đảng và Bác Hồ đã chú trọng xây dựng lực lượng Phòng không, để đối phó với không quân Pháp. Sau một loạt thất bại và bị thua đau ở các chiến dịch: “Chiến dịch Việt Bắc năm 1947; chiến dịch biên giới thu Đông 1950” thực dân Pháp ngày càng điên cuồng dùng máy bay oanh tạc vào các lực lượng và ném bom tàn sát đồng bào ta ở nhiều địa phương, đứng trước tình hình đó, cùng với yêu cầu đặt ra đối với Quân đội ta, là phải có lực lượng Phòng không đủ mạnh, để đánh máy bay địch, bảo vệ đội hình chiến đấu, bảo vệ các tuyến giao thông và bảo vệ nhân dân, đó là yêu cầu khách quan và bức thiết của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực hiện chủ trương của Quân ủy và chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 01/4/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP), Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ Việt Nam, đã ký Quyết định số 06/QĐ thành lập “Trung đoàn pháo cao xạ 367”. Trung đoàn Pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bộ đội Pháo cao xạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

 

Trong thư gửi cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 367, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Trong hoàn cảnh một đất nước, một Quân đội chưa có Không quân, thì Binh chủng Pháo cao xạ lại càng rất quan trọng. Trung đoàn 367 là một trong những đơn vị có trang bị tương đối hiện đại đầu tiên của Quân đội ta, sẽ làm cơ sở và nòng cốt cho việc phát triển lực lượng Phòng không to lớn sau này. Sự ra đời của Pháo cao xạ đánh dấu một bước trưởng thành của Quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy hiện đại”. Từ đây, ngày 01 tháng 4 hàng năm trở thành ngày truyền thống vẻ vang của bộ đội Pháo cao xạ. Ngày 17 tháng 4 năm 1953, Trung đoàn 367 chia thành nhiều khối bí mật sang nước bạn, huấn luyện và tiếp nhận vũ khí mới. Chỉ sau thời gian ngắn huấn luyện tại nước bạn, đơn vị đã diễn tập bắn đạn thật hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ở trong nước, cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ngày càng gay go ác liệt, quân và dân ta trên các chiến trường đang khẩn trương chuẩn bị cho những trận chiến đấu mới. Hướng về Tổ quốc, cuối năm 1953, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 367 nhận lệnh về nước mang theo sức mạnh mới, vũ khí mới cùng quân và dân cả nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ - trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của dân tộc ta với thực dân Pháp xâm lược.

Để bảo vệ và chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã lấy Không quân là lực lượng duy nhất để tiếp tế cho Điện Biên Phủ, đồng thời, dùng không quân ngăn chặn sự tiến công của ta. Với quyết tâm cắt đứt “cầu hàng không” tiếp viện của địch, bám sát và yểm trợ đội hình tiến công của bộ binh, ròng rã 9 đêm liền; cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 367 đã cùng các đơn vị bạn dùng sức người kéo từng khẩu pháo vượt qua nhiều đồi cao, vực thẳm để vào trận địa; rồi lại bằng sức người kéo từng khẩu pháo ra chuẩn bị lại để đánh chắc thắng, thực hiện phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Kéo pháo vào đã khó khăn nhưng kéo pháo ra còn gian khổ và khó khăn hơn nhiều. Địch đã phát hiện ra đường kéo pháo của ta, chúng đánh phá suốt ngày đêm, nhất là những nơi địa hình hiểm trở. Nhưng với tinh thần “Anh dũng - Quyết thắng”, ngày 14/3/1954 Đại đội Pháo cao xạ 815, lần đầu nổ súng bắn rơi tại chỗ một máy bay trinh sát của địch, đây là chiếc máy bay của địch bị bắn rơi đầu tiên trên bầu trời Điện Biên Phủ.

Sự xuất hiện của Pháo cao xạ, cùng với chiến công đầu tiên càng làm tăng thêm niềm phấn khởi, tin tưởng của bộ đội, nó đã cổ vũ cán bộ, chiến sỹ thi đua lập công trên khắp mặt trận, đồng thời gây cho quân Pháp bàng hoàng, khiếp sợ. Chúng tăng cường chống phá và mở chiến dịch “tiêu diệt Pháo cao xạ Việt Minh”, trong bom đạn quân thù, cán bộ chiến sĩ Pháo cao xạ nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quyết bám trụ trên mâm pháo với khẩu hiệu “còn người còn pháo, còn chiến đấu” với tinh thần ấy Bộ đội Pháo cao xạ đã vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, chiến đấu dũng cảm, không sợ mất mát hi sinh, luôn bám sát đội hình chiến đấu của chiến địch, bảo vệ đồi hình tiến công của bộ binh và pháo binh ta, trong 55 ngày đêm, Bộ đội Pháo cao xạ đã bắn rơi 52 máy bay, chặn đứng “cầu hàng không” chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, lừng lẫy 5 Châu, chấn động địa cầu của quân và dân ta.

Sự ra đời của Bộ đội Pháo cao xạ, đã đánh dấu một bước trưởng thành và phát triển lớn mạnh của Quân đội ta, từ 2.700 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có 350 đảng viên) trên đất Bộc Nhiêu, cho đến đầu những năm 1960 lực lượng Pháo cao xạ đã phát triển thành một Binh chủng hiện đại, với hàng chục trung đoàn với cả tầm trung và tầm thấp thực sự trở thành một lực lượng đông đảo rộng khắp có vai trò hết sức quan trọng trong đội hình Quân chủng Phòng không - Không quân, cùng với toàn quân và toàn dân ta lập nên những chiến công hiển hách. Trong trận đấu trưa ngày 5/8/1964 địch đã sử dụng 64 lượt máy bay xuất phát từ các tàu sân bay, thuộc hạm đội 7, ồ ạt đánh phá Sông Gianh, mũi Giòn-Quảng Bình, Cửa Hội, Bến Thủy - Nghệ An đến Lạch Trường - Thanh Hóa, Bãi Cháy - Quảng Ninh, đòn tấn công bất ngờ này, nhằm uy hiếp ý chí chiến đấu của quân và dân ta, đồng thời, nâng đỡ tinh thần cho ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam. Với tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, Bộ đội Pháo cao xạ, hiệp đồng chặt chẽ cùng Bộ đội Hải quân, dân quân tự vệ và nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh đã giáng một đòn chí mạng vào uy thế của không lực Hoa Kỳ, bắn rơi 8 máy bay bắt sống tên giặc lái đầu tiên Anvaret. Trong trận chiến đấu đầu tiên này Trung đoàn 280 bảo vệ Thành Phố Vinh chiến đấu ngoan cường, trong vòng 30 phút bắn rơi 2 máy bay Mỹ, đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu dũng cảm, như khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát, bị thương 3 lần vẫn chỉ huy đánh địch đến hơi thở cuối cùng. Bị thua đau trong từng nấc thang của cuộc chiến phá hoại, đế quốc Mỹ càng mở rộng cuộc chiến tranh đánh phá ra khắp miền Bắc. Hơn 8 năm chống chiến tranh phá hoại, Bộ đội Pháo cao xạ luôn sát cánh cùng với các lực lượng Phòng không - Không quân, luôn ở tuyến đầu ôm lấy mục tiêu mà bảo vệ, chốt giữ các mục tiêu trọng điểm, những nơi gian khổ ác liệt nhất. Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12/1972, Bộ đội Pháo cao xạ là lực lượng chủ yếu đánh ban ngày với các loại máy bay chiến thuật của Mỹ, bảo vệ an toàn cho các sân bay, các trận địa tên lửa ra đa và các mục tiêu trọng yếu khác, ban đêm trực tiếp tham gia đánh các loại máy bay gây nhiễu, hộ tống cho đội hình B52. Bộ đội Pháo cao xạ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắn rơi hàng chục máy bay địch, trong đó, có 3 máy bay chiến lược B52, góp phần to lớn làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng súng, Pháo cao xạ của 3 thứ quân, đã bắn rơi gần 3.100 máy bay, gồm đủ các kiểu loại hiện đại nhất của Không quân Mỹ, chiếm gần 75% máy bay Mỹ bị bắn rơi trên toàn miền Bắc. Trong đó, Bộ đội Pháo cao xạ Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi 1.502 chiếc, bằng 57% tổng số máy bay Mỹ bị Quân Chủng Phòng không - Không Quân bắn rơi, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng Tổ quốc, Bộ đội Pháo cao xạ được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, nhiều cá nhân tập thể được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều huân, huy chương các loại.

Trải qua 67 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh PK-KQ, Bộ đội Pháo cao xạ Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng, phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, từ ít đến nhiều, từ thô sơ đến hiện đại, vượt qua mọi khó khăn thử thách chiến đấu hy sinh, càng đánh càng thắng, càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.

Ngày nay, tác chiến đường không đã có sự thay đổi căn bản và đặt ra yêu cầu rất cao, xong với sức cơ động nhanh, hỏa lực mạnh vai trò của Pháo cao xạ trong lực lượng Phòng không 3 thứ quân vẫn hết sức quan trọng. Pháo cao xạ là một trong những lực lượng chủ yếu trong thế trận chiến tranh nhân dân, tiêu diệt các phương tiện đột nhập tiến công đường không bảo vệ các mục tiêu yếu địa  và tham gia bảo vệ các lực lượng trong từng khu vực phòng thủ của đất nước. Pháo cao xạ cùng với các lực lượng tên lửa phòng không, không quân và các loại hỏa lực phòng không khác, tạo nên một hệ thống hỏa lực liên hoàn, rộng khắp, nhiều tầng nhiều lớp có hiệu quả tiêu diệt các phương tiện xâm nhập và tập kích đường không của các thế lực thù địch.

Để xây dựng Bộ đôi Pháo cao xạ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi phải chủ động nghiên cứu, kế thừa và phát triển toàn diện, những bài học đã được tích lũy trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lên một tầm cao mới, nhất là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật tác chiến phòng không nhân dân. Tích cực chuẩn bị nhiều biện pháp đối phó, đặc biệt là tác chiến điện tử trong chiến tranh công nghệ cao. Cùng với đó, Bộ đội Pháo cao xạ cùng cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quan điểm chiến tranh nhân dân, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, không ngừng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.

V.T.S


Tác giả: KQC. Vương Thanh Sơn
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 26 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?