Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 380
Tháng 03 : 66.716
Tháng trước : 35.349
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuổi trẻ Quân đội học tập và làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay

Trong toàn bộ di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc ta, phong cách của Người là một bộ phận quan trọng. Đó là những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người; thể hiện một nhân cách lớn, siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, nhân văn, là phong cách của một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ. Trong đó, phong cách dân vận Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn, nhất là trong tình hình hiện nay.

Phong cách dân vận Hồ Chí Minh là những nguyên tắc, lề lối, cách thức tương đối ổn định từ tư duy đến sự biểu đạt bằng ngôn ngữ nói, viết và hành động cụ thể của Người để vận động nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phong cách dân vận Hồ Chí Minh được hình thành từ đòi hỏi bức thiết của thực tiễn cách mạng, từ bản chất dân chủ của chế độ xã hội mới ở nước ta, bởi lẽ, “cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”[1]. Do đó, làm công tác dân vận để đoàn kết toàn dân, hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng đặt ra.

Phong cách dân vận Hồ Chí Minh được thể hiện ở nhiều nội dung khác nhau trong một chỉnh thể thống nhất.

Trước hết, phong cách dân vận Hồ Chí Minh được thể hiện ở tinh thần tôn trọng nhân dân, gần gũi nhân dân, lắng nghe và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân.

Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò to lớn, có ý nghĩa quyết định của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Nhân dân lao động là nguồn gốc, động lực, sức mạnh quyết định thành bại của cách mạng, là đối tượng thụ hưởng mọi thành quả của sự nghiệp cách mạng gian khổ, khó khăn, lâu dài. Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[2].

Thanh niên Học viện Lục quân phối hợp với đoàn thanh niên địa phương làm công tác dân vận

Với Hồ Chí Minh, “nước lấy dân làm gốc”; “nước ta là nước dân chủ”; “nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Vì vậy, “gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[3]. Do đó, “việc dân vận rất quan trọng”, dân vận là nhằm “vận động tất cả lực lượng, mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”[4].

Thứ hai, phong cách dân vận Hồ Chí Minh là “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Đây là phong cách mang tính khoa học, thiết thực, cụ thể, hiệu quả; là sự thống nhất biện chứng giữa nói và làm, giữa lý luận và thực tiễn. 

“Óc nghĩ” được Hồ Chí Minh đặt ở vị trí hàng đầu. Theo Người, công tác dân vận không chỉ là những thao tác cụ thể, những công thức có sẵn mà bản thân nó là một khoa học - khoa học về con người, một nghệ thuật - nghệ thuật tiếp cận và vận động con người, phải dày công tìm tòi suy nghĩ để phân tích chính xác tình hình nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn sinh động để vận động nhân dân có hiệu quả.

“Mắt trông” là quan sát mọi sự việc, hiện tượng từ thực tiễn phong trào cách mạng của quần chúng. Với sự nhạy cảm, tinh tế trong quan sát, kết hợp với “óc nghĩ” xác định được đúng, sai, nhận rõ bản chất và hiện tựợng của từng sự việc, từng vấn đề để làm đúng, tham mưu kịp thời với Đảng và Nhà nước để có các giải pháp đúng đắn, kịp thời đưa phong trào của quần chúng đi đúng hướng. Hồ Chí Minh muốn nhắc nhở cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận phải thường xuyên sâu sát cơ sở. Vì chỉ có sát cơ sở mới có thể “thấy” mọi sự việc, vấn đề.

“Tai nghe”, theo Hồ Chí Minh, cùng với “óc nghĩ”, “mắt trông”, người làm công tác dân vận còn phải đồng thời nắm bắt kịp thời các thông tin từ quần chúng. Đòi hỏi phải biết nghe dân nói, từ đó mà hiểu được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân; loại trừ những thông tin thiếu chân thực, thiếu chính xác. Nghe dân nói cũng là để biết dân đã hiểu gì, hiểu đến mức như thế nào, đã làm như thế nào và làm được đến đâu.

“Chân đi” là yêu cầu gắn với cơ sở, một đòi hỏi bức thiết, luôn đặt ra đối với cán bộ dân vận. Đây cũng là một yếu tố chống căn bệnh quan liêu, hành chính, làm việc theo kiểu giấy tờ của các cơ quan. 

“Miệng nói” là thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nhất là tuyên tuyền miệng, một hình thức tuyên truyền không thể thiếu của người làm công tác dân vận. Người cán bộ dân vận phải thường xuyên có trách nhiệm tuyên truyền, cổ động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng...

“Tay làm” là thể hiện quan niệm học đi đôi với hành, là gương mẫu, làm gương trước cho quần chúng. Nếu nói để dân nghe, thì làm để dân thấy, dân tin, dân học làm theo.

“Mắt trông, tai nghe, chân đi là yêu cầu sát cơ sở, sát thực tế, đến với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách. “Miệng nói, tay làm” là phong cách quan trọng nhất hiện nay.

Thứ ba, Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về thực hành dân vận.

Theo Hồ Chí Minh, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[5]. Vì vậy, Người luôn tự mình nêu gương và là tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Như người đã khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[6]. Chính tấm gương đạo đức của Người đã cảm hóa, thu phục được quần chúng nhân dân kể cả những ai vốn chưa có cảm tình với Đảng, với chính quyền cách mạng để làm cho họ tự nguyện đi theo sự nghiệp cách mạng và những người đã tích cực đi theo sự nghiệp cách mạng thì càng hăng hái hơn.

Phong cách dân vận Hồ Chí Minh có giá trị to lớn và sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam nói chung, đối với Quân đội ta nói riêng. Ngay từ ngày đầu thành lập Lực l­ượng vũ trang cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ công tác dân vận là một chức năng, một nhiệm vụ chính trị của quân đội kiểu mới. Người chỉ rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Đội hoạt động theo nguyên tắc tập trung lực l­ượng, động viên toàn dân”[7]. Quán triệt tinh thần đó, trong quá trình xây dựng và trưởng thành, tuổi trẻ Quân đội đã phát huy được sức mạnh tổng hợp; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, xây dựng được nhiều mô hình dân vận hiệu quả; luôn tiên phong đi đầu giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, phòng, chống tội phạm và các hoạt động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động… 

Qua đó, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; chưa chủ động đổi mới nội dung, hình thức, phương thức hoạt động cho phù hợp với từng địa bàn; sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức, cơ quan, đơn vị có nội dung chưa sát, chưa kịp thời; hiệu quả có nơi, có lúc chưa cao. Trong giai đoạn hiện nay, việc học tập và làm theo Bác bao hàm nhiều nội dung mới với yêu cầu cao hơn. Theo đó, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, phong cách dân vận của Người nói riêng đối với thanh niên Quân đội đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn, cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường giáo dục, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, trách nhiệm cho thanh niên Quân đội về học tập và làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh.

Đây là biện pháp đầu tiên, là cơ sở, tiền đề để thực hiện các biện pháp khác, bởi có nhận thức đúng thì hành động mới đúng. Mặt khác, có trách nhiệm tốt sẽ luôn tận tâm, tận lực với công việc. Ngược lại, trách nhiệm chưa cao hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ đi liền với tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc được chăng hay chớ.

Nội dung giáo dục cho thanh niên Quân đội phải được tiến hành toàn diện, song phải có trọng tâm, trọng điểm; trước mắt, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục để thanh niên Quân đội nắm được quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân, về công tác dân vận; nội dung biểu hiện phong cách dân vận Hồ Chí Minh và tấm gương mẫu mực của Người về thực hành dân vận; các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân đội về công tác dân vận và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Về hình thức giáo dục, cần sử dụng linh hoạt nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, nhất là thông qua sinh hoạt của các tổ chức với các hình thức sinh hoạt như: sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập, sinh hoạt tự phê bình và phê bình… và các hội nghị: cấp uỷ, chi bộ, hội nghị sơ, tổng kết, giao ban... Thông qua các buổi sinh hoạt là biện pháp hữu hiệu để thống nhất nhận thức, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và bản thân mỗi người về học tập và làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và các tổ chức quần chúng về việc đẩy mạnh học tập, làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh

Lãnh đạo, chỉ đạo việc quản lý, giáo dục, rèn luyện học tập, làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và quần chúng toàn quân là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp, chính ủy, chính trị viên và các tổ chức quần chúng các cấp.

Các cấp ủy đảng và người chỉ huy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo việc xác định mục đích, xây dựng động cơ, thái độ, ý thức trách nhiệm học tập, làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên và quần chúng; coi đây là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân, trong quá trình triển khai, thường xuyên bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và đặc điểm tình hình đơn vị để tiếp tục cụ thể hoá nội dung chuẩn mực bảo đảm tính thống nhất, sát với tình hình thực tiễn của đơn vị. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, thanh niên, hội viên, làm chuyển biến toàn diện chất lượng học tập, làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc việc học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng về ý nghĩa, nội dung phong cách dân vận Hồ Chí Minh trong thời kỳ mớilàm cho hình ảnh, phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” toả sáng trong toàn xã hội. Phát huy vai trò cơ quan chính trị trong tham mưu, đề xuất nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo học tập và làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh cho người cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Ba là, phát huy vai trò tích cực, chủ động, tự giác của thanh niên Quân đội trong tự học tập và làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh.

Đây là một biện pháp cơ bản, quan trọng, trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả của việc học tập và làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh.

Các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương làm tốt công tác dân vận

Nội dung tự giáo dục rèn luyện rất đa dạng, phong phú trên tất cả các mặt, các lĩnh vực công tác. Trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ Quân đội và cơ quan đơn vị, thanh niên Quân đội tự lập kế hoạch, xác định nội dung, yêu cầu và phương pháp tự học tập, rèn luyện cụ thể sao cho phù hợp với chức trách nhiệm vụ bản thân và điều kiện thực tiễn của đơn vị. Mỗi thanh niên trong đơn vị Quân đội xây dựng việc tự học tập, tự rèn luyện phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa học với hành, gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, làm có kế hoạch, giữ vững nguyên tắc. Gắn quá trình tự học tập, tự rèn luyện với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Mỗi thanh niên Quân đội cần vận dụng tổng hợp các phương pháp để biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Tự đọc tài liệu, sách, báo, cập nhật thông tin hàng ngày là phương pháp quan trọng để bổ sung tri thức, nâng cao hiểu biết để vận dụng những bài học hay, kinh nghiệm tốt vào tổ chức và giải quyết sáng tạo các nhiệm vụ trong thực tiễn. Thường xuyên kiểm tra, rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc tự học tập, làm theo của thanh niên Quân đội. Coi đây là một trong những tiêu chuẩn cần thiết để xem xét, đánh giá, bổ nhiệm, để bạt họ trên các cương vị tiếp theo.

Bốn là, kịp thời tôn vinh, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến và kiên quyết đấu tranh với các quan điểm, nhận thức sai trái trong học tập và làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh

Đây là nội dung, biện pháp tạo động lực cho thanh niên Quân đội đẩy mạnh việc học tập, làm theo phong cách Hồ Chí Minh. Để việc học tập, làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh của thanh niên Quân đội có hiệu quả, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp cần chỉ đạo, định hướng tuyên truyền sâu rộng trong đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học tập, làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh trong đời sống thanh niên Quân đội. Kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục việc học tập, làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh với các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của Đảng, Nhà nước, Quân đội và đơn vị. Tổ chức tuyên dương, khen thưởng những điển, hình tiên tiến trong học tập và làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh, biểu dương, cổ vũ động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích, cách làm tiêu biểu trong học tập và làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh. Thông qua việc tuyên truyền sâu rộng về những tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập, làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh, sẽ khích lệ phong trào, tạo niềm tin trong cuộc sống, góp phần làm xuất hiện nhiều tấm gương mới có sức lan toả sâu rộng và tiếp tục thúc đẩy phong trào thi đua học tập, làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh của thanh niên Quân đội.

Học tập và làm theo phong cách dân vận Hồ Chí Minh bao hàm nhiều nội dung mới với yêu cầu cao hơn trong tình hình hiện nay. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm của mỗi người đối với Đảng, với Bác; đồng thời, là cơ sở góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Những nội dung, biện pháp trên có mối quan hệ biện chứng, tác động, bổ sung lẫn nhau, nên cần được tiến hành đồng bộ, toàn diện, tránh tuyệt đối hóa hoặc coi nhẹ một biện pháp nào. Có như vậy, việc học tập và làm theo Bác của thanh niên Quân đội mới thực sự có hiệu quả, đi vào chiều sâu.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 283.

[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 453.

[3], [7]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 502, tr. 716.

[4]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 232, tr. 233.

[5]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 1, tr. 284.

[6]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 627.


Tác giả: KMLNTTHCM. Nguyễn Quốc Duy
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 11 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?