Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.919
Tháng 04 : 50.064
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo

Ngày 11/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Người chỉ rõ “Mục đích của thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Theo Bác, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”1, cho nên, Người xem việc nâng cao dân trí là một công việc cần phải thực hiện cấp tốc để làm cho mọi người Việt Nam, ai ai cũng có kiến thức để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà. Do vậy, Bác luôn đề cao vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên: “Anh chị em chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc”2. Do đó, phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt, yêu nghề, yêu trường, tận tụy hết lòng thương yêu chăm sóc, giáo dục học sinh, xứng đáng với vị trí người thầy.

Theo Bác, nếu không có thầy cô giáo hết lòng dạy dỗ con em nhân dân lao động ngày hôm nay thì không thể xây dựng được một xã hội tốt đẹp tương lai như mọi người mong muốn. Vì vậy, các thầy, cô giáo là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; không những là người nắm đạo lý mà còn truyền đạo lý, đào tạo ra những con người toàn diện, có tri thức, có lý tưởng, có đạo đức, có sức khỏe. Trong bài phát biểu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (21/10/1964), Người căn dặn: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”3.

Chủ tịch Hồ Chí minh thăm và nói chuyện với thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Quan niệm của Bác về nhiệm vụ của thầy, cô giáo rất sâu sắc và mang tầm chiến lược vì nó không chỉ đáp ứng được yêu cầu cấp bách của nước ta lúc bấy giờ mà là ánh hào quang soi sáng con đường chúng ta tiến bước vào nền văn minh trí tuệ sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Bác luôn nhắc nhở thầy, cô giáo: “Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”4. Đồng thời, Người còn chỉ rõ, thầy, cô giáo phải dạy những điều cơ bản cho người học, đó là học phải đi đôi với hành, lý luận phải đi liền với thực tế, học tập phải kết hợp với lao động. Bác nêu ra những yêu cầu cụ thể trong giảng dạy: “Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy như thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của nhà nước”5.

Để làm tốt sứ mệnh cao quý đó, đội ngũ nhà giáo còn phải biết tự trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng học hỏi tích lũy kiến thức; phải yêu nghề của mình, phải có chí khí cao thượng, khó khăn phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ; phải yên tâm công tác, phải đoàn kết; đồng thời phải luôn luôn ra sức thi đua trong học tập và công tác, thật thà, thẳng thắn tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ.

 Là những người chở đò âm thầm lặng lẽ, chèo lái con thuyền kiến thức đưa các thế hệ học sinh cập bến vinh quang, người thầy giáo luôn phải là tấm gương sáng về nhân cách và trí tuệ, không ngừng học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, chiếm lĩnh tri thức khoa học. Bác yêu cầu thầy, cô giáo dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt; phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn, nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”6.

Khắc ghi lời Bác dạy, kế thừa truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước nhà, trong đó chăm lo, xây dựng, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục luôn được coi trọng. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt; chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”7. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đây là dịp để các nhà giáo thấm nhuần và vận dụng tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người, nỗ lực phấn đấu để xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, luôn vững vàng trên bục giảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày càng phát triển.

Trước yêu cầu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Lục quân luôn quán triệt, vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối giáo dục - đào tạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; chú trọng chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, được đào tạo cơ bản, chính quy và từng bước trẻ hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự cho toàn quân.

Thiếu tướng, TS Đỗ Minh Xương, Giám đốc Học viện trao thưởng cho các giảng viên đạt thành tích tốt tại hội thi giảng viên giỏi cấp Học viện

Đội ngũ giảng viên Học viện không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, tự học, tự rèn một cách thường xuyên để tiếp nối một cách xứng đáng các thế hệ nhà giáo đi trước. Tích cực học tập, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, vận dụng phương pháp dạy học tích cực, năng động, sáng tạo, linh hoạt; chủ động nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng môn, chủ đề, nội dung và đối tượng đào tạo; đẩy mạnh hoạt động phương pháp, trao đổi học thuật, nâng cao chất lượng giảng bài. Đồng thời, rèn luyện phương pháp làm việc khoa học, tâm huyết hết lòng vì học viên thân yêu; tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, năng lực nhằm tạo ra những “sản phẩm” tốt, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Học viện không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 -20/11/2022), cùng với ý nghĩa cao cả và những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh, tri ân, động viên các hoạt động trong ngành giáo dục của Việt Nam, khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ giảng viên Học viện Lục quân nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, xứng đáng với sự vinh danh của xã hội.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.627.

2.Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.556.

3, 4. Hồ Chí Minh: Sđd, t.14, tr.402, 747.

5. Hồ Chí Minh Sđd, t.10, tr.274.

6. Hồ Chí Minh: Sđd, t.15, tr.507.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, tập II,  Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

L.V.H

 


Tác giả: HSDH. Lê Văn Hội
Tổng số điểm của bài viết là: 92 trong 19 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?