Phát huy giá trị văn hóa, con người việt nam trong phát triển đất nước theo tinh thần đại hội XIII của Đảng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: quá trình phát triển đất nước phải gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Trong đó Đảng ta coi phát huy giá trị văn hoá như một trọng tâm gồm: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững..”
Xuất phát từ những điều kiện tự nhiên, điều kiện lịch sử hết sức đặc biệt, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam có những giá trị, phẩm chất độc đáo: đó là tinh thần yêu nước nồng nàn và nhân văn; đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh hùng trong chiến đấu; sáng tạo trong lao động sản xuất; đó là tinh thần cố kết cộng đồng, lòng khoan dung, cởi mở…Những giá trị văn hóa ấy đã gắn kết các cá nhân thành cộng đồng, cùng chung tay xây dựng đất nước. Trong quá trình phát triển đất nước, nhất là thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định; phát huy giá trị văn hóa trong phát triển đất nước, trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là nội dung tất yếu trong chiến lược lâu dài. Bởi vì, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi” như một cách khẳng định vị trí và vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, động lực chính của sự phát triển đất nước là giá trị văn hóa dân tộc và giá trị con người Việt Nam. Thực tiễn đã chứng minh từ khi nước ta giành được độc lập, xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là hơn 35 năm đổi mới, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc không những được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và nhân dân nuôi dưỡng, phát huy; đồng thời có những hình thức phát triển phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu của đất nước; văn hóa và giá trị văn hóa còn trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, kết hợp với du lịch, dịch vụ, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Hiệu quả cao nhất mà văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam mang đến chính là nuôi dưỡng tình quê hương đất nước, là nhân lên lòng yêu nước, ý chí khát vọng và tinh thần cống hiến của mỗi người dân ra sức thi đua lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu và công tác vì sự phát triển toàn diện của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự trường tồn của dân tộc.
Tuy nhiên, văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam vẫn còn những điểm cần nghiên cứu, suy xét trong đời sống thực tại của xã hội. Năm 2021 là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của đất nước khi Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh và chỉ rõ: “Lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn”. Từ thực tiễn của đất nước, Đảng ta cũng đã nhìn nhận đánh giá thực tại của đất nước về văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam: đó là sự xuống cấp khá nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ; đó là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu quan tâm, chia sẻ với cộng đồng, thiếu trách nhiệm với xã hội; tư tưởng ngại lao động, thích hưởng thụ, chạy theo lối sống thực dụng; lợi dụng văn hóa để hoạt động mê tín dị đoan để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để phát huy giá trị của văn hoá, con người Việt Nam trong phát triển bền vững đất nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần quán triệt và thực hiện một số nội dung sau:
Một là, nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của các giá trị văn hóa, con người Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước. Hiện nay, phát huy giá trị văn hoá Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ta. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, cũng như tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông. Phát triển văn hóa xét cho đến cùng chính là vì con người, vì sự ấm no, hạnh phúc của con người. Con người vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, đồng thời cũng là mục tiêu của phát triển văn hóa. Vì thế, đầu tư cho văn hóa cũng chính là đầu tư cho con người. Thực tế qua thời gian phòng, chống đại dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả thiên tai, muốn thành công phải khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay hành động, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các giá trị văn hoá dân tộc.
Hai là, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Ba là, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Phát huy giá trị văn hóa là phát triển cùng với kinh tế, củng cố quốc phòng, do đó phát huy những giá trị văn hóa không của riêng ai, mà của mọi cấp, mọi ngành. Trong đó, cần tập trung phát triển giá trị văn hóa: giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và mọi người dân; phát huy giá trị văn hóa là giữ cho được cái gốc, giá trị nền tảng tinh thần của cả dân tộc đồng thời phát huy không đơn thuần là các hoạt động biểu diễn, những bộ phim, vở kịch mà để làm sao văn hóa và giá trị văn hóa chứa đựng trong mọi công việc, lĩnh vực của đời sống xã hội, trong hoạt động của mỗi con người, mỗi tập thể, trong giá trị của mỗi sản phẩm hàng hóa. Mục đích cao nhất là phát huy giá trị văn hóa để phục vụ đất nước đưa phát triển văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tạo dựng sự phát triển bền vững của đất nước.
Bốn là, phát triển và phát huy đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực văn hóa trong quá trình phát triển đất nước. Để làm được điều đó, chắc chắn chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; xây dựng môi trường văn hoá một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hoá thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế. Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, tính cộng đồng và khát vọng vươn lên. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hoá ứng xử của người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và đảng viên. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hoá, con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, đức tính cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại.
Năm là, tập trung nguồn lực phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực văn hóa. Văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam là một lĩnh vực phong phú, rộng lớn, nhưng cũng hết sức tinh tế, nhạy cảm. Vì vậy, công tác quản lý văn hóa, cụ thể là tập trung nguồn lực phát triển các giá trị văn hóa cũng cần phải có nhận thức, những kế hoạch hành động vừa mang tầm chiến lược, nhưng cũng hết sức cụ thể. Để phát huy sức mạnh văn hóa, giá trị văn hóa, con người Việt Nam, năng động hóa nền văn hóa dân tộc, đồng thời hạn chế sự phân tầng trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, cần phân định rõ những lĩnh vực văn hóa cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và những lĩnh vực có thể do thị trường điều tiết theo sự định hướng của Nhà nước. Cần đổi mới nội dung, phương thức đầu tư phát triển văn hóa, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, cũng như tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý lĩnh vực các giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Phát huy các giá trị văn hóa, con người Việt Nam là một nội dung quan trọng của đời sống xã hội, có vị trí, vai trò ảnh hưởng sâu sắc trong sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân, sự vững chắc của cộng đồng và rộng hơn là sự phát triển mỗi quốc gia. Đây là một trong những nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần quyết tâm cao với những giải pháp đồng bộ và thể hiện rõ trách nhiệm chính trị của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và từng cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
P.V.X
___________
Tài liệu tham khảo:
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1 tr.206, 221-222, 262-264.