Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 214
Tháng 04 : 48.359
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình chấp hành Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP)

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP) là một trong những văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 12/6/1968, mở đường cho 3 nước cùng ký kết Hiệp ước vào ngày 01/7/1968 tại các thành phố Moskva, Washington, Luân Đôn và chính thức có hiệu lực từ ngày 05/3/1970. Theo đó, các nước Liên Xô, Mỹ và Anh được giao trọng trách theo dõi thực thi Hiệp ước.

Tại Hội nghị tổng kết thường kỳ công tác thực thi Hiệp ước diễn ra từ ngày 17/4 đến ngày 12/5/1995 tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở thành phố New York đã thông qua quyết định mở rộng Hiệp ước không giới hạn và không điều kiện. Căn cứ theo Hiệp ước, các cường quốc hạt nhân được chính thức công nhận là các quốc gia đã tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân trước ngày 01/01/1967 gồm: Liên Xô (Nga), Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc.

Sự tham gia của các nước về Hiệp ước

Tính đến tháng 8/2020 đã có 191 quốc gia ký tham gia Hiệp ước này. Có hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không được quốc tế thừa nhận là cường quốc hạt nhân (vì tiến hành thử nghiệm vũ khí sau ngày 01/01/1967) là Ấn Độ và Pakistan không tham gia Hiệp ước. Ngoài ra còn có Israel không thừa nhận cũng như không phản đối thông tin mình sở hữu vũ khí hạt nhân. Israel cũng phản đối việc xây dựng tại khu vực Trung Đông một vùng lãnh thổ không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Năm 2003, CHDCND Triều Tiên tuyên bố rời khỏi Hiệp ước. Trong các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017 nước này đã tiến hành hàng loạt các vụ thử hạt nhân. Tuy nhiên Bình Nhưỡng vẫn được coi là thành viên của Hiệp ước, bởi vì quốc gia này đã không thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để rời khỏi Hiệp ước. Một số nước thành viên của Hiệp ước (Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Bỉ...) cho rằng theo Điều 10 của Hiệp ước cần phải có các đảm bảo để việc rút khỏi Hiệp ước sẽ không phải là biện pháp trốn tránh những vi phạm đã thực hiện trong thời gian còn là thành viên. Iran cũng là một nước thành viên của Hiệp ước nhưng đã vi phạm Hiệp ước từ giữa những năm 1980 cho đến tận thời điểm Bản Thỏa thuận kế hoạch hành động toàn diện chung được 6 nước (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức) ký vào năm 2016 về cùng giám sát chương trình hạt nhân của Iran. Nam Sudan là quốc gia phi hạt nhân nhưng không tham dự Hiệp ước.

Một số vấn đề thực hiện Hiệp ước trong thời gian vừa qua

Điều 1 của Hiệp ước có nội dung buộc các cường quốc hạt nhân: “không được chuyển giao vũ khí hạt nhân hoặc chuyển quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân dù trực tiếp hay gián tiếp cho bất kỳ ai, không được giúp đỡ các quốc gia phi hạt nhân sản xuất hay sở hữu vũ khí hạt nhân, không cổ vũ hay xúi giục các quốc gia đó sở hữu cũng như kiểm soát vũ khí hạt nhân”.

Điều 2 có quy định đối với các quốc gia phi vũ khí hạt nhân: “không được tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ bất kỳ ai hoặc kiểm soát chúng, cũng như không được sản xuất hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào, không được tiếp nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào để sản xuất vũ khí hạt nhân”.

Những điều khoản này cũng được áp dụng đối với các thiết bị gây ra các vụ nổ hạt nhân dùng cho mục đích hòa bình, bởi vì chúng sẽ dễ dàng được chuyển đổi mục đích sử dụng thành vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ngày nay các nước thành viên khối NATO đang vi phạm các điều, khoản hiệp ước. Đặc biệt là Mỹ đã vi phạm điều 1 của Hiệp ước khi sử dụng lực lượng không quân của các nước thành viên NATO, các nước phi hạt nhân để thực hiện kế hoạch tác chiến có sử dụng đầu đạn hạt nhân (được gọi là sứ mệnh hạt nhân chung của NATO). Trong đó bao gồm việc bố trí các đơn vị tác chiến hạt nhân, kế hoạch huấn luyện nhóm phi công điều khiển, sử dụng máy bay mang vũ khí hạt nhân, sân bay và các đơn vị hậu cần đảm bảo mặt đất ở các quốc gia trên. Việc này đồng nghĩa đối với các nước thành viên khối NATO nói trên đã vi phạm Điều 2 của Hiệp ước. Không loại trừ khả năng chính các quốc gia này sẽ nắm giữ vũ khí hạt nhân một cách gián tiếp hoặc trực tiếp, mặc dù các quốc gia đó đều phủ định điều này. NATO cũng không công nhận việc vi phạm Hiệp ước và tiếp tục khẳng định sự tuân thủ Hiệp ước của các nước thành viên .

Trong Hiệp ước cũng khẳng định quyền của các quốc gia thành viên “được tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu, sản xuất và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình”. Cũng như việc trao đổi rộng rãi trên trường quốc tế thiết bị máy móc, nguyên liệu, các thông tin khoa học kỹ thuật về sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình. Hiệp ước cũng đề cập đến việc các nước có thành tựu phát triển cao ở lĩnh vực này sẽ chia sẻ hợp tác với các nước phi hạt nhân để phát triển năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình có tính đến đặc thù của từng khu vực. Thời gian gần đây, các nước trong khu vực Châu Á, Trung Đông, Mỹ Latinh ngày càng quan tâm hơn đến việc phát triển năng lượng hạt nhân. Điều đó làm tăng tính chất phức tạp của công tác không phổ biến vũ khí hạt nhân. Vấn đề nan giải ở đây là các quốc gia đang phát triển có thể là quốc gia tái xuất ra thế giới của những công nghệ tiên tiến nhạy cảm cho các nước thứ ba. Đặc biệt là, tồn tại nguy cơ các tổ chức phi chính phủ sẽ sở hữu các công nghệ tiên tiến đa tác dụng có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, Hiệp ước còn ràng buộc các nước thành viên phải “tự nguyện tiến hành đàm phán để chấm dứt chạy đua vũ trang trong tương lai gần nhất và giải trừ vũ khí hạt nhân, cũng như ký kết Hiệp ước về giải trừ vũ khí toàn diện và triệt để đặt dưới sự kiểm soát quốc tế nghiêm ngặt và hiệu quả”.

Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có trách nhiệm kiểm soát theo dõi thực hiện các điều khoản của Hiệp ước. Các nước thành viên Hiệp ước sẽ ký kết các thỏa thuận riêng lẻ với IAEA. Vì vậy vào đầu những năm 1990, khi phanh phui các hoạt động hạt nhân giấu giếm của Iraq thì đồng thời đã phát hiện ra những kẽ hở trong hệ thống giám sát của IAEA. Năm 1997, Biên bản bổ sung mở rộng đáng kể khả năng kiểm soát hoạt động hạt nhân đã được thông qua với sự đồng thuận của các quốc gia sở hữu hạt nhân.

Việc đánh giá và báo cáo thực thi Hiệp ước được diễn ra 05 năm một lần tại hội nghị tổng kết của các nước thành viên. Để chuẩn bị cho hội nghị này, hằng năm sẽ có các khóa họp của các ủy ban trù bị, cũng như các buổi tham vấn song phương hay đa phương và nhiều cuộc gặp gỡ trao đổi khác. Sau khi thông qua quyết định mở rộng Hiệp ước không giới hạn và không điều kiện vào năm 1995, cơ chế hoạt động của Hiệp ước được củng cố hơn. Tuy nhiên trong báo cáo tổng kết năm 2000 lại chỉ ra chiều hướng gia tăng xu thế đi ngược lại với mục đích không phổ biến vũ khí hạt nhân. Các cường quốc hạt nhân đã vin vào các nguyên nhân khách quan để từ chối hàng loạt các đề xuất đã được thông qua của các quốc gia phi hạt nhân (tiến hành tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân trong một thời hạn cụ thể, đặt mọi hoạt động hạt nhân dưới sự kiểm soát của IAEA…).

Hội nghị tổng kết năm 2005 đã không thể thông qua báo cáo tổng kết và tìm ra các biện pháp tăng cường kiểm soát cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân bởi do mâu thuẫn và lập trường khác nhau giữa các thành viên.

Hội nghị tổng kết năm 2010 diễn ra trong bầu không khí mang tính xây dựng hơn mặc dù chưa giải quyết được các mâu thuẫn cơ bản giữa các nước thành viên. Thành quả chính là việc ký kết thành công Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược STAT-3 giữa Nga và Mỹ. Đây là bước đi thiết thực tế giữa hai cường quốc hạt nhân trên con đường đạt được các mục đích của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP).

Sau quá trình đàm phán lâu dài đã đi dến thống nhất thông qua bản kế hoạch hành động đến năm 2015 bao gồm 64 điểm. Một trong các quyết định được thông qua là yêu cầu trong năm 2012 sẽ triệu tập hội nghị gồm: Tổng thư ký Liên Hợp QUỐC, 3 cường quốc giám sát thi hành Hiệp ước, với tất cả các quốc gia vùng Trung Đông nhằm biến khu vực này trở thành nơi không sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Nhưng do mâu thuẫn gay gắt (chủ yếu là giữa Israel và các quốc gia Ả rập khác) nên không thể thông qua nghị quyết.

Hội nghị gần nhất năm 2015 diễn ra tại trụ sở Liên Hợp quốc, lại một lần nữa không thể thông qua báo cáo tổng kết. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh mâu thuẫn gay gắt giữa hai nhóm là các nước “phản đối hạt nhân” gồm đa số thành viên ủng hộ và nhóm “5 cường quốc hạt nhân”.

Mục tiêu chính của hội nghị với sự tham gia của 162 quốc gia và hơn 100 tổ chức quốc tế và phi chính phủ là xem xét toàn diện việc thực hiện 3 nguyên tắc trụ cột của NTP: không phổ biến hạt nhân, giải trừ hạt nhân và sử dụng kỹ thuật hạt nhân cho mục đích hòa bình.

Căng thẳng nhất là các cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề giải trừ hạt nhân. 05 cường quốc hạt nhân phải đối đầu không chỉ với nhóm các nước có truyền thống phản đối kịch liệt vũ khí hạt nhân, mà còn cả đông đảo các quốc gia phi hạt nhân vốn có sự ủng hộ tích cực với các quốc gia này. Tại hội nghị đã xuất hiện những khái niệm mới: Các phát biểu nhân văn được coi như là thành quả khích lệ của quá trình giải trừ hạt nhân, còn việc đạt được cấm sở hữu vũ khí hạt nhân của tất cả cộng đồng quốc tế được coi là “giao ước tinh thần chung”.

Các nước ủng hộ mạnh mẽ cho giải trừ hạt nhân (như: Áo, Brazil, Ai Cập, Kazakhstan, Mexico, New Zealand, Nam phi và một số nước khác) chỉ ra những “lỗ hổng” trong các văn kiện quốc tế liên quan đến vũ khí hạt nhân nói riêng. Để triệt tiêu các “lỗ hổng” này các nước đề nghị soạn ra một hiệp ước hoặc công ước đặc biệt loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Mặc dù điều này dường như lặp lại điều khoản được ghi rõ ở trong NTP. Đó là điều khoản: “hủy bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân sẽ trở thành điều khoản bắt buộc của Hiệp ước giải trừ vũ khí toàn diện và triệt để trong tương lai”. Học thuyết kiềm chế hạt nhân cũng bị lên án sâu sắc. Đây cũng là hàng rào cản trở con đường nhân loại thoát khỏi hiểm họa của vũ khí hạt nhân.

Những khó khăn của việc thực hiện Hiệp ước trong thời gian tới

Hội nghị tổng kết công tác thực thi NTP giai đoạn 2016-2020 sẽ phức tạp và căng thẳng hơn. Nguyên do đại dịch Covid nên hội nghị được chuyển dịch qua năm 2021. Theo ý kiến chung của các nước thành viên hy vọng sẽ tạo ra khoảng thời gian để các nước thành viên đàm phán tìm được giải pháp nhượng bộ nhau ở các vấn đề căng thẳng. Nhưng những mâu thuẫn quốc tế cơ bản sâu sắc trong thực thi NTP sẽ khó có thể đưa đến kết quả tốt đẹp của hội nghị.

Nhóm các nước phản đối hạt nhân với sự ủng hộ rộng rãi của thế giới tiếp tục đưa ra hàng loạt các sáng kiến khác nhau nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân do không phù hợp với các tiêu chuẩn nhân đạo. Nếu như 5 cường quốc hạt nhân coi ý tưởng chính của NTP là không phổ biến vũ khí hạt nhân thì các nước thuộc phong trào không liên kết lại coi giải trừ toàn diện vũ khí hạt nhân mới là mục tiêu chính là một thế giới không vũ khí hạt nhân. Sự đối lập này càng sâu sắc hơn do xuất hiện trào lưu luận điểm quốc tế: bất kỳ quốc gia nào sở hữu vũ khí hạt nhân đều bị coi là tội ác chống lại nhân loại và tiến tới ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cũng bị lên án vì những hành động phá vỡ nguyên tắc không phổ biến, mập mờ các khái niệm về biện pháp hạn chế và kiểm soát, che giấu các khái niệm phân biệt đối xử của hiệp ước. Các nước này cũng bị lên án do không có hành động thực tiễn về giải trừ vũ khí, cũng như không phối hợp trợ giúp tích cực các nước đang phát triển áp dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình.

Đồng thời, thành viên các nước không liên kết nhận thấy tình hình phức tạp hơn do hành động hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của các cường quốc hạt nhân. Theo quan điểm của họ, chính sách này đang dần vi phạm NTP, đẩy một số quốc gia coi sở hữu vũ khí hạt nhân là công cụ chắc chắn đảm bảo an ninh quốc gia (ví dụ như CHDCND Triều Tiên). Điều này cũng làm cho các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không tham gia Hiệp ước như Ấn Độ, Pakistan, Israel có lợi thế hơn so với các nước thành viên của Hiệp ước.

Vấn đề nan giải giữa các nước thành viên của Hiệp ước là việc thông qua Hiệp ước đảm bảo không sử dụng vũ khí hạt nhân chống các quốc gia phi hạt nhân (được gọi là đảm bảo an ninh thụ động). Các tuyên bố đơn phương của các cường quốc hạt nhân về đảm bảo “hạn chế” trong thời đại hiện nay được coi là không đáp ứng đủ. Nhận thấy việc giậm chân tại chỗ trong vấn đề này, các nước không liên kết tuyên bố ưu tiên hàng đầu là ký kết vô điều kiện một hiệp ước đảm bảo an ninh cho các quốc gia phi hạt nhân.

Vấn đề nan giải khác là việc tạo ra tại Trung Đông một khu vực không sử dụng vũ khí giết người hàng loạt. Nếu như không có chuyển biến tích cực nào ở lĩnh vực này sẽ dẫn đến đổ vỡ niềm tin vào Hiệp ước của hàng loạt các quốc gia Ả rập. Để thương thảo riêng chủ đề trên từ ngày 18-22/11/2019 tại thành phố New York, Mỹ đã diễn ra một hội nghị chuyên đề thông qua thông cáo chính trị về chủ đề nêu trên, đề ra tính cấp thiết soạn thảo Hiệp ước về khu vực không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với sự tham gia của tất cả các nước trong khu vực nhưng Mỹ và Israel cùng phủ quyết hội nghị này. Điều đó chứng tỏ hai nước này không mong muốn có một hội nghị thành công, cũng như kéo dài vô thời hạn thời gian thành lập tại Trung Đông một khu vực không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tình hình càng trở nên tồi tệ bởi Mỹ đưa ra sáng kiến riêng trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân (“Tạo ra môi trường để giải trừ vũ khí hạt nhân”, “ Hợp tác quốc tế về theo dõi giải trừ vũ khí hạt nhân”...). Hiện tại chưa bàn tới tính hữu ích của các sáng kiến trên của Mỹ nhưng trước hết chúng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khỏi các hoạt động vi phạm của chính Mỹ trong vấn đề kiểm soát và phổ biến vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, có thể kể ra một số việc tiêu biểu như: Mỹ đơn phương rời khỏi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung, Hiệp ước phòng thủ tên lửa, Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran, Hiệp ước về vũ trụ mở, từ chối phê chuẩn Hiệp ước cấm toàn diện các vụ thử hạt nhân cũng như đưa ra các yêu cầu phi lý để gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược.

Như vậy, mặc dù NTP có giá trị to lớn cho phép thế giới tránh khỏi phổ biến tràn lan vũ khí hạt nhân, kiềm chế các cuộc xung đột sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, cũng như tạo tiền đề cho quá trình giải trừ hạt nhân, nhưng nó cũng làm sâu sắc thêm mâu thuẫn nghiêm trọng giữa 5 cường quốc hạt nhân và các nước thành viên hiệp ước. Hoạt động của hàng loạt quốc gia và các tổ chức quốc tế phá hoại nền tảng của Hiệp ước và ảnh hưởng xấu đến quá trình thực thi của nó. Trong bối cảnh như vậy, dự báo mâu thuẫn giữa các quốc gia hạt nhân và phi hạt nhân cũng như ngay giữa nội bộ 5 cường quốc hạt nhân càng ngày càng sâu sắc là rất rõ ràng. Nó cản trở mọi cuộc đàm phán giải quyết các mâu thuẫn trong khuôn khổ NTP, còn trong tương lai sẽ làm suy yếu đáng kể thể chế không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Để giải quyết được cơ bản tình hình này, chỉ bằng cách thông qua các biện pháp chính trị - ngoại giao trên các diễn đàn quốc tế thường niên dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng quan tâm đến lợi ích của nhau./.

 


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?