Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.534
Tháng 04 : 49.679
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhìn thấy gì qua sự cố mất điện ở Venezuela

Những năm gần đây, Venezuela thường xuyên xảy ra tình trạng mất điện trong diện rộng mà theo Chính phủ nước này là do những hành động phá hoại của các thế lực thù địch. Tháng 3 năm 2019, một vụ mất điện trên diện rộng đã khiến các hoạt động của quốc gia Nam Mỹ này gần như trên bờ sụp đổ. Điện lực là nền tảng sống còn mà xã hội hiện đại dựa vào, sự an toàn và ổn định của nó liên quan đến an ninh quốc gia, ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Chúng ta thấy được gì qua sự cố mất điện ở Venezuela?

Vừa bước ra khỏi “tuần lễ đen tối”, vào ngày 07/3/2019, Venezuela lại trải qua sự cố mất điện toàn quốc “chưa từng có trong lịch sử đất nước này”. Thời gian mất điện kéo dài một tuần, tình trạng thiếu điện, thiếu nước và nhiệt độ cao 400C gần như đã đưa Venezuela đến bờ vực sụp đổ. Ngay sau đó, Chính phủ Venezuela tuyên bố việc mất điện là kết quả của “các cuộc tấn công điện từ và mạng” được lên kế hoạch cẩn thận của Mỹ. Tổng thống Maduro đã chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành lệnh động viên quân sự vào ngày 13/3/2019 triển khai một đợt diễn tập quân sự vào ngày 16/3/2019, tập trung vào “bảo vệ hệ thống cung cấp điện và nước”. Để cải thiện khả năng phòng thủ của hệ thống điện, cần phải hiểu các thủ đoạn tiến công có thể gặp phải.

 

 

Phương thức tiến công bằng công nghệ thông tin

Mất điện quy mô lớn bắt đầu vào chiều ngày 07/3/2019 đã khiến cho nhiều khu vực bị ảnh hưởng. Chính phủ Venezuela cho biết, lý do mất điện là sự cố tình phá hủy nhà máy thủy điện Guri của Mỹ. Nguồn cung cấp điện cho Venezuela chủ yếu là từ sản xuất thủy điện, trong đó hầu hết các nguồn điện được cung cấp bởi nhà máy thủy điện Guri. Đài truyền hình Phương Nam Venezuela cho biết, trong thời gian tiêu thụ điện cao điểm vào chiều ngày 07/3/2019, hệ thống trạm thủy điện Guli đã bị tấn công khiến bị quá tải dẫn đến ngừng hoạt động. Ngoài ra, 3 trong số 5 máy phát điện dự phòng đã bị hỏng. Tổng thống Venezuela Maduro cho rằng, hệ thống quyền lực của đất nước đã phải chịu các cuộc tấn công mạng quy mô lớn. “Các cuộc tấn công mạng công nghệ cao chống lại Venezuela đã được phát động. Chỉ có Mỹ mới có công nghệ (đủ để tiến hành cuộc tiến công) như vậy”.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Cuba Díaz-Canel đã viết trên Twitter vào ngày 13/3/2019: “Tội phạm xâm lược Venezuela dường như đã bị kích thích bởi những hành vi ác độc hơn cả việc phong tỏa Leningrad của Đức Quốc xã. Mục đích là làm cho cả thành phố rơi vào đói kém. Không ai nghi ngờ rằng, việc mất điện ở Venezuela là kết quả của sự phá hoại của người Mỹ”. Một chuyên gia an ninh mạng yêu cầu được giấu tên cho biết “với việc sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và internet trong các hệ thống điện, virus mạng và tấn công mạng đã mang lại rủi ro cho an ninh hệ thống điện”. Hiện tại, các cuộc tiến công mạng chống lại lưới điện có thể được chia thành ba loại: phương thức thành phần, phương thức giao thức và phương thức cấu trúc liên kết.

- Phương thức thành phần dựa vào việc tiến công một phần cụ thể của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin lưới điện, thông qua việc cung cấp cho các nhà khai thác dữ liệu sai lệch, phá hủy thiết bị lưới điện hoặc ngắt thiết bị lưới điện trong một khu vực cụ thể.

- Phương thức giao thức là nhằm vào giao thức thông tin lưới điện của thiết bị tự động điện, chiếm quyền điều khiển thông tin liên lạc giữa các nút lưới điện, khiến tăng lượng điện quá mức, dẫn đến tổn thất kinh tế và an toàn, thậm chí là hư hỏng thiết bị do quá tải điện.

- Phương thức cấu trúc liên kết là nhằm vào các đặc điểm của mạng hệ thống điện, phát động một cuộc tiến công xâu chuỗi vào một hoặc nhiều mục tiêu, từ đó gây ra sự cố chuỗi cung ứng điện.

Đã có tiền lệ, Mỹ sử dụng virus mạng để tiến công các hệ thống điện của các quốc gia khác. Vào tháng 6/2010, một loại virus mạng có tên Shocknet đã bùng phát ở một khu vực rộng lớn của Iran, gây ra tổn thất lớn cho hệ thống điện hạt nhân Iran, đây là virus mạng đầu tiên tiến công cơ sở hạ tầng năng lượng cơ bản trong thế giới thực. Năm 2013, Snowden, người nắm được bí mật kế hoạch PRISM của Mỹ, tiết lộ chính Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ và Israel đã tạo ra virus Shocknet tiến công Iran.

So với các cơ sở hạ tầng khác, tính chất liên kết của hệ thống điện khiến cho việc “kéo một cái mà đụng đến toàn thân” cực kỳ dễ dàng. Ví dụ, sự gia tăng đột ngột về nhu cầu năng lượng của một lưới nhất định có thể khiến đường truyền đến khu vực bị quá tải và sụp đổ, thậm chí khiến hầu hết các máy phát điện trong lưới bị dừng hoạt động và thoát khỏi mạng lưới. Ý tưởng tiến công mạng trên lưới điện chủ yếu tập trung vào hành động này. Trong thời đại internet, ngày càng nhiều thiết bị gia dụng công suất cao như lò vi sóng, lò nướng điện, điều hòa nhiệt độ... đã được kết nối với mạng Internet. Nếu các tin tặc thông qua tiến công mạng, khởi động đồng thời mang tính quy luật đối với những thiết bị điện này, nhu cầu điện tăng đột ngột sẽ gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của lưới điện.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, sự xâm nhập vào hệ thống điện quy mô tổ chức khác nhau, phương thức khác nhau sẽ gây ra sự phá hoại và mức độ thiệt hại khác nhau. Từ cuối tháng 12/2015 đến giữa tháng 01/2016, 8 công ty điện lực của Ukraina đã bị tiến công mạng, dẫn đến mất điện quy mô lớn ở khu vực phía Tây Ukraina, cuộc sống và sản xuất của 1,4 triệu người dân đã bị ảnh hưởng đáng kể. Đây là cuộc tiến công phá hoại được thực hiện từ không gian mạng đối với không gian thực thể, là các cuộc tiến công đe dọa mạng liên tục cấp độ cao. Sự cố mất điện quy mô lớn ở Venezuela lần này, ở một mức độ nào đó đã tái diễn lại cảnh tượng trên.

Tác động vật lý vào hệ thống điện

Vào ngày 13/3/2019, Trang tin Inforos của Nga đăng bài viết nhận định: “Mặc dù, Mỹ phủ nhận lên kế hoạch gây mất điện ở Venezuela nhưng khi sự cố mất điện xảy ra, Thượng nghị sĩ Mỹ Rubio đã từng nói trên Twitter: nhà máy điện đã bị cắt và bây giờ máy phát điện dự phòng tại sân bay cũng đã gặp sự cố. Kết quả không bao lâu nữa, máy phát điện dự phòng của sân bay thực sự cắt điện”. Mỹ muốn lợi dụng vụ việc này để kích động sự bất mãn của người dân Venezuela với chính phủ. Công ty Điện lực Nhà nước Venezuela thông báo tại nhà máy thủy điện Guri, nơi chiếm khoảng 60% nguồn cung cấp điện của đất nước, đã tìm thấy các dấu hiệu “phá hoại do con người tạo ra”.

Từ Chiến tranh thế giới thứ II đến nay, cuộc tiến công vào các cơ sở điện lực không chỉ là phương thức chính để phá hủy tiềm lực chiến tranh của đối thủ, mà còn là một trong những biện pháp quan trọng buộc đối phương phải chịu khuất phục. Có hai phương pháp tác động đó là trực tiếp hoặc gián tiếp.

- Phương thức ngắt nguồn điện trực tiếp chính là sự phá hủy cứng đối với thực thể cần tiêu diệt. Những quốc gia càng tập trung đầu mối điện lực, khả năng chống lại thiệt hại càng kém. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, tại Đức với 1,4% các nhà máy điện đã chiếm đến 51% tổng sản lượng điện của đất nước. Lực lượng quân đồng minh tiến hành oanh tạc chiến lược các nhà máy điện khiến ngành công nghiệp Đức bị tê liệt và không lâu sau bị đánh bại. Ngược lại, Nhật Bản có quy mô các nhà máy điện nhỏ hơn, với 75% lượng điện tạo ra được cung cấp bởi một số lượng lớn các nhà máy điện nhỏ nằm rải rác, điều này vô hình chung đã tránh được mối nguy hại “tất cả trứng nằm trong cùng một giỏ”. Báo cáo “Điều tra ném bom chiến lược” của phe đồng minh vào thời điểm đó đã thừa nhận “sẽ rất khó, nếu không nói là không thể phá hủy hoàn toàn” nguồn cung cấp điện của Nhật Bản.

- Phương thức ngắt điện gián tiếp cũng xuất hiện trong Chiến tranh Kosovo năm 1999. Qua 78 ngày ném bom, NATO đã phá hủy hơn 80% các mục tiêu năng lượng như điện lực, dầu mỏ của Nam Tư, ngoài ra còn sử dụng bom sợi than chuyên dùng cho phá hủy mạng lưới điện, khiến Nam Tư bị mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình và kết quả của cuộc chiến Kosovo. Sức tiến công của phương thức gây mất điện dạng sát thương mềm này vào đối phương cũng không hề thua kém so với phá hủy cứng.

Phe đối lập Venezuela và Mỹ tuyên bố việc mất điện là do sự buông lỏng quản lý của chính phủ Venezuela nhưng nhiều cư dân mạng đã trưng một bản ghi nhớ của phe đối lập Venezuela vài năm trước, được lấy từ trang web WikiLeaks. Bản ghi nhớ được soạn thảo bởi CANVAS, một tổ chức phi chính phủ liên kết với đảng đối lập Guaido của Venezuela, tuyên bố “việc phá hoại các cơ sở điện lực có thể kích động sự bất mãn của công chúng đối với chính phủ mà bất cứ phương thức nào khác của phe đối lập đều không thể làm được”.

Thấy gì qua sự cố mất điện ở Venezuela?

Trong “tuần lễ đen tối” của sự cố mất điện ở Venezuela, nhiệt độ ở nhiều khu vực lên tới 400 C. Bệnh nhân chờ phẫu thuật trong bệnh viện rên rỉ kêu than. Sự mất điện khiến 80% khu vực trong toàn quốc bị mất nước và người dân phải sử dụng nhiều thùng chứa khác nhau để lấy nước trực tiếp từ các con sông đô thị bị ô nhiễm. Sự giận dữ của công chúng cũng gây ra bạo lực đường phố và cướp bóc. Tại thành phố giàu có dầu mỏ Maracaibo, hàng trăm cửa hàng đã bị cướp phá.

Các quốc gia trên thế giới rất coi trọng việc duy trì sự an toàn của hệ thống điện và đã áp dụng các biện pháp bảo hộ lập pháp, phòng ngừa về mặt kỹ thuật, phân tán rủi ro để nâng cao năng lực chống lại sự phá hoại mạng lưới điện. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Thời báo Hoàn cầu, Vương  Phương Phương, giáo sư tại Đại học Quốc phòng (Trung Quốc) cho rằng “năng lực phát điện và truyền tải an toàn mạng lưới điện phải là một phần quan trọng trong khả năng chiến lược của đất nước, việc xây dựng thời bình cần nhằm tới việc bảo vệ và chuẩn bị trước cho thời chiến. Không chỉ đánh giá cẩn thận quy mô bố trí và vị trí cần thiết của nhà máy điện, mà cả các phòng ốc, đường dây của các nhà máy điện trọng yếu cũng phải có khả năng bảo vệ nhất định. Các đường dây tải điện quan trọng có thể chuyển đổi thành các phương thức che giấu và chôn ngầm dưới đất. Những cơ sở quan trọng, nhà máy và bệnh viện cần được trang bị bộ máy phát điện dự phòng. Đây là những biện pháp cần thiết để tăng cường bảo vệ vật lý của hệ thống điện”.

Mỹ là quốc gia đã ra tay đầu tiên và đi trước thế giới một bước. Trong một báo cáo khảo sát của công ty bảo mật thông tin Symantec (Mỹ) cho thấy tin tặc đã xâm nhập vào cơ sở hạ tầng điện lực của nhiều nước phương Tây và “có khả năng phá hủy toàn bộ lưới điện quốc gia”. Báo cáo cũng đề cập đến một loạt các cuộc tiến công của hacker chống lại các công ty năng lượng điện lực của Mỹ. Bộ Năng lượng Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển các công cụ và công nghệ cải thiện an ninh mạng của các hệ thống điều khiển truyền tải năng lượng như điện, dầu và khí đốt của quốc gia. Ngoài ra, Mỹ cũng tổ chức 6 phòng thí nghiệm quốc gia để phát triển các công nghệ như: phương thức ứng dụng, xác minh lỗ hổng, phân tích rủi ro và chia sẻ thông tin giữa các nhân viên liên quan cho hệ thống giám sát lưới điện thế hệ mới. Để ngăn chặn các cuộc tiến công của tin tặc vào hệ thống điện lực, Mỹ không chỉ sắp xếp cho lực lượng mạng phụ trách bảo vệ hệ thống thông tin nhà máy điện hạt nhân, mà còn đào tạo các “chiến binh không gian mạng” để nâng cao năng lực bảo vệ lưới điện khỏi các cuộc tiến công. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng nhiều lần tổ chức diễn tập “bão táp mạng” để rèn luyện năng lực của Chính phủ Mỹ, các công ty điện lực và các tổ chức tư nhân để cùng nhau đối phó với các mối đe dọa trên mạng và đảm bảo an ninh lưới điện.

Một góc độ khác, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu mạng của Hiệp hội nghiên cứu văn hóa quân sự Trung Quốc là Đỗ Văn Long nhận định “nguyên nhân thực sự gây ra sự cố mất điện ở Venezuela vẫn rất khó để xác định chính xác”. Chính phủ Venezuela nói rằng, từng có hiện tượng sau khi máy bay của Mỹ bay qua, nước này mới xuất hiện sự cố mất điện ở diện rộng. Máy bay tác chiến điện tử thông qua phương thức xâm nhập không dây, bơm virus vào hệ thống điện, tạo ra sự quá tải cực lớn, thực sự có thể gây đoản mạch, thậm chí phá hủy các cơ sở phần mềm và phần cứng, khiến hệ thống điện khó phục hồi trong thời gian ngắn.

Như vậy, qua sự cố mất điện ở Venezuela có thể nhận thấy trong chiến tranh hiện đại, việc sử dụng các thủ đoạn công nghệ để phá hủy hệ thống điện lực của một quốc gia sẽ có tác động xã hội rộng hơn so với một cuộc tiến công quân sự theo nghĩa truyền thống. Bất kể đối phương sử dụng phương thức thủ đoạn nào, việc bảo vệ an toàn mạng lưới điện cũng cần được đi trước một bước, đó cũng là biện pháp hiệu quả nhất. Chỉ có làm tốt công tác phòng hộ, mới có thể có biện pháp phản ứng hiệu quả./.


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?