Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 108
Tháng 04 : 66.308
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệp ước cấm sản xuất vật liệu phân hạch – FMCT

Ngày 25/10/2020, Liên Hiệp quốc đã tuyên bố Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 01/2021 sau khi Honduras trở thành nước thứ 50 phê chuẩn Hiệp ước. Đây là điều kiện đủ để Hiệp ước có hiệu lực trong 90 ngày bất chấp sự phản đối của các nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây là một bước thành công của nhân loại trong cuộc chiến chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Bên cạnh Hiệp ước TPNW còn có một Hiệp ước khác cũng đang được xúc tiến là Hiệp ước cấm sản xuất vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân và các thiết bị nổ khác - FMCT. Trong khuôn khổ bài viết sẽ phân tích quá trình hình thành Hiệp ước FMCT.

Khởi đầu của hoạt động hạn chế và nghiêm cấm sản xuất vật liệu phân hạch có thể được sử dụng làm vũ khí bắt đầu vào năm 1956. Khi Mỹ đề xuất chuyển từ 30 đến 60 tấn uran đang dùng trong quân sự vào mục đích hòa bình. Liên Xô đã không tán thành vì số lượng hạt nhân phân hạch dành cho chế tạo vũ khí hạt nhân mà Liên xô đang sở hữu còn kém xa Mỹ. Phải đến năm 1982 khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô là Gromuko A. phát biểu đề nghị dừng quá trình sản xuất hạt nhân phân hạch khi Moscow đã có được một phần lợi thế so với Washington về vũ khí hạt nhân và kho vật liệu hạt nhân phân hạch dành cho mục đích quân sự. Năm 1992, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hội nghị giải trừ quân bị (CD) tại Giơ-ne-vơ xem xét khả năng soạn thảo hiệp ước về dừng sản xuất vật liệu phân hạch cho mục đích quân sự nhưng do sự bất đồng ý kiến của các thành viên nên tại buổi thảo luận quốc tế lần đầu tiên về “Hiệp ước cấm sản xuất vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân và các thiết bị nổ khác” (FMCT) đã được chuyển sang tháng 9/2006.

Phương án được Mỹ đề xuất là uran được làm giàu với tỉ lệ đồng vị uran-233, uran-235 lớn hơn 25%, plutoni với tỉ lệ đồng vị plutoni-238 nhỏ hơn 80% và cấm các hoạt động nhằm tách chất phóng xạ ra khỏi nhiên liệu hạt nhân, cũng như làm giàu uran và plutoni bằng phương pháp phân rã đồng vị sau khi ký Hiệp ước. Hiệp ước FMCT được đề xuất không có chức năng kiểm soát những nguyên liệu hạt nhân phân hạch đang sản xuất và đã tồn trữ nằm trong sự bảo đảm kiểm soát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), bao gồm cả những chất thải. Mỗi thành viên tham gia Hiệp ước sẽ có quyền nhận được thông tin về quá trình thực thi Hiệp ước thông qua các phương án hợp pháp của mình bao gồm cả hệ thống kỹ thuật theo dõi của quốc gia. Tất cả các vấn đề tranh cãi sẽ được giải quyết thông qua đàm phán tương ứng, trong trường hợp cần thiết sẽ nằm dưới sự trợ giúp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc. Phía Mỹ hy vọng với đề cương đưa ra như trên sẽ loại bỏ số chất phóng xạ đã làm giàu vào mục đích quân sự được tồn trữ trước đây ra khỏi phạm vi của Hiệp ước FMCT. Ngoài ra, Hiệp ước trên cũng không hạn chế đối với các công tác nghiên cứu cũng như sản xuất và sử dụng các nguyên liệu dùng cho cho mục đích dân sự và quân sự (trong đó bao gồm cả nguyên liệu cho các lò điện hạt nhân) nếu như nó không được dùng để tạo ra các vụ nổ hạt nhân. Điểm này được ghi vào Hiệp ước đặc biệt có ý nghĩa vì nếu các tàu ngầm hạt nhân Mỹ sử dụng uran có mức độ làm giàu thấp sẽ làm giảm các tính năng kỹ - chiến thuật.

Vào năm 2006 đã có 50 quốc gia tuyên bố ủng hộ Hiệp ước mới. Tuy nhiên, Washington đã phân hóa được nhóm các nước thuộc Phong trào không liên kết mà trước đó, các nước này sẽ từ chối đề cập Hiệp ước này nếu như không xem xét đến lợi ích chung của nhóm về an ninh hạt nhân (không sử dụng vũ khí hạt nhân chống các quốc gia không sở hữu chúng). Trong số những nước ủng hộ Mỹ tuyệt đối là Peru và Chile. Các nước phản đối gồm Angieri, Israel, Ấn Độ, Iran, Trung Quốc, Pakistan và Syria. Một số quốc gia khác như Ai cập, Pháp … chấp nhận vai trò trung lập nhằm lợi dụng sự nỗ lực của các quốc gia khác để đạt được lợi ích cho mình. Do có những bất đồng không thể giải quyết được nên phương án đầu tiên này đã bị loại bỏ.

Đến tháng 5/2009, công việc soạn thảo Hiệp ước FMCT lại có thêm một luồng gió mới khi tại Hội nghị giải trừ quân bị thông qua văn kiện tiếp tục tham vấn về Hiệp ước này và thành lập một tổ công tác. Theo đó, từ năm 2014 trong cơ cấu của Liên Hiệp quốc sẽ thành lập một tiểu ban các chuyên gia cấp Nhà nước để xây dựng các tiền đề kỹ thuật, cơ sở soạn thảo các điều khoản cho Hiệp ước sẽ được đưa ra bàn luận trong lần Hội nghị giải trừ quân bị tiếp theo cũng như được đưa ra bàn thảo tại các hội nghị và các diễn đàn quốc tế khác. Quá trình nhiều năm đàm phán chỉ rõ mâu thuẫn chính về các điều khoản cơ bản của Hiệp ước này là giữa hai nhóm nước sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân. Ngay trong các nước tham dự cũng chia ra nhóm ủng hộ hoàn toàn cấm vũ khí hạt nhân và nhóm ủng hộ duy trì chế độ kiểm tra nghiêm ngặt mọi quy trình của vật liệu phân hạch (từ sản xuất, sử dụng, tái chế, tiêu hủy và các vấn đề liên quan).

Hiện nay, đã có thay đổi căn bản về nhận thức vai trò và vị trí của Hiệp ước này trên trường quốc tế. Nếu như những năm 1990, việc tham gia nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc được xem như là đóng góp cho quá trình hình thành Hiệp ước thì trong những năm gần đây với sự tham gia của 186 quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân vào Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đã làm mất đi ý nghĩa về việc hình thành FMCT. Bởi vì khi tham gia NPT, các quốc gia này cũng đồng thời chấp nhận nghĩa vụ cấm sản xuất vật liệu phân hạch dành cho mục đích chế tạo vũ khí. Mặt khác, các quốc gia sản xuất chủ yếu vật liệu này là Nga, Mỹ, Anh, Pháp vào cuối những năm 80 đầu 90 đã ngừng sản xuất vật liệu phân hạch vào mục đích vũ khí, chỉ còn các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Pakistan và Triều Tiên cần phải thông qua nghĩa vụ như vậy.

Một trong những khó khăn trong quá trình đàm phán Hiệp ước chính là phạm vi áp dụng. Lập trường của Nga coi vật liệu phân hạch bao gồm uran có đồng vị 235 và 233 cao hơn 90%, plutoni với đồng vị 239 cao hơn 95%. Các nước thuộc Phong trào không liên kết và nhiều nước khác đều lấy điều khoản 20 trong điều lệ của Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế làm cơ sở với phạm vi áp dụng rộng rãi. Lập trường của Mỹ và các nước đồng minh nằm ở giữa: vật liệu phân hạch bao gồm plutoni (ngoại trừ plutoni có đồng vị 238 hơn 80%), uran ( ngoại trừ uran có đồng vị 233 và 235 với 20% trở lên riêng biệt hay trong hợp chất, cũng như bất kỳ hợp chất vật liệu phóng xạ nào có lẫn vật liệu nêu trên và Mỹ cũng đang lưỡng lự chưa đề cập đến chất đồng vị phóng xạ neptunium 237).

Một vấn đề khác cũng chứng tỏ sự khác biệt và mâu thuẫn gay gắt về vấn đề có hay không tính đến kho vật liệu hạch nhân đã tồn trữ (đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của quốc tế với mục đích cuối cùng là thủ tiêu toàn bộ). Brazin, Ai cập, Mexico và Nam Phi tuyên bố họ sẽ đấu tranh để các cường quốc hạt nhân phải chấp nhận nghĩa vụ này. Có chung quan điểm như vậy nhưng với thái độ mềm dẻo hơn là các nước thuộc Phong trào không liên kết và các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân. Năm cường quốc hạt nhân hiện tại cùng chung quan điểm không để Hiệp ước bao gồm kho vật liệu phân hạch tồn trữ với lý do là tại Hội nghị giải trừ quân bị năm 1995 đã ký một Thỏa thuận về nghiêm cấm sản xuất vật liệu phân hạch trong tương lai. Lập trường tương tự cũng được Ấn độ và Đức chia sẻ.

Để phục vụ công tác xác minh, đa số các nhà phân tích đều lấy tiêu chuẩn có sẵn của tổ chức IAEA. Mỹ cũng cơ bản đồng ý với ý kiến này nhưng cũng nêu ra phương án thành lập một tổ chức của Hiệp ước này có nhiệm vụ thanh tra đột xuất, phát hiện các vi phạm hay các vấn đề phát sinh. Nga và Trung Quốc dự định phương án thành lập một chế độ kiểm soát riêng có sự có mặt của các chuyên gia phân tích IAEA.

Về thời hạn áp dụng, các nước không liên kết đề xuất Hiệp ước vô thời hạn nhưng sẽ có cơ chế linh động để thay đổi theo biến động phát triển của khoa học và công nghệ. Mỹ, Nga đề nghị giới hạn trong 15 hoặc 25 năm với khả năng sẽ gia hạn tiếp.

Phần lớn các nước đều nhất trí đơn giản hóa quá trình đưa Hiệp ước này có hiệu lực. Mỹ đề xuất điều kiện chỉ cần năm cường quốc hạt nhân phê chuẩn là đủ. Nga yêu cầu phải có phê chuẩn của cả các nước cường quốc hạt nhân và nước có hạt nhân (bao gồm cả Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên) cũng như các nước có tiềm năng sản xuất thiết bị hạt nhân, sở hữu các thiết bị hạt nhân nhạy cảm, trước hết là các thiết bị làm giàu uran và tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hiện nay, Hiệp ước FMCT vẫn chưa thành công. Nguyên nhân chính là Pakistan đang trong cuộc chạy đua với Ấn Độ về lĩnh vực vũ khí hạt nhân, hiện tại chưa tích lũy đủ số lượng vật liệu phân hạch cần thiết để chấp nhận dừng sản xuất mà không ảnh hưởng đến an ninh của mình. Vì vậy, Ixlambat lợi dụng nguyên tắc đoàn kết của Hội nghị giải trừ quân bị để phủ quyết quá trình thông qua nghị quyết bắt đầu tương ứng. Để giải quyết bế tắc, Nga đề nghị đổi từ hình thức đàm phán sang tư vấn nhưng Mỹ kịch liệt phản đối và cho biết sẽ có khả năng rút chủ đề này ra khỏi chương trình nghị sự của Hội nghị giải trừ quân bị và đưa sang thảo luận tại các hội nghị quốc tế khác. Phương án này không nhận được sự ủng hộ của Nga, Ấn Độ và Trung Quốc bởi vì hiện thực hóa thực tế Hiệp ước này có lẽ sẽ chẳng lôi kéo trách nhiệm được hết các nước có liên quan đến hạt nhân nhưng lại làm hết hiệu lực của tổ chức quốc tế đặc biệt trong lĩnh vực giải trừ quân bị dưới bảo hộ của Liên Hiệp quốc. Có thể nói vẫn còn những sự bất đồng về nguyên tắc giữa các quốc gia trong quá trình soạn thảo Hiệp ước FMCT, có thể dự đoán trong tương lai gần việc đạt được thỏa hiệp để bắt đầu ký kết Hiệp ước sẽ khó đạt được./.


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?