Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 875
Tháng 04 : 49.020
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc đua nghiên cứu và phát triển vaccine trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên toàn cầu

Dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới với tổng số ca nhiễm đã vượt con số 24 triệu ca. Việc nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine đã trở thành một hy vọng quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh. Các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh cùng nhiều nước đang nỗ lực hết sức để đầu tư vào nghiên cứu phát triển vaccine. Một loại vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả sẽ là chìa khóa bảo vệ vận mệnh của hàng tỷ người trên thế giới. Sau nhiều tháng nỗ lực, hoạt động nghiên cứu và phát triển vaccine ở nhiều quốc gia đã đạt được những bước tiến nhảy vọt. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến cuối tháng 7/2020, trong số các nhóm nghiên cứu phát triển vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu, Mỹ chiếm số lượng đông nhất, trong khi Trung Quốc có tiến độ nghiên cứu và phát triển nhanh nhất. Tổng cộng, đã có 31 quốc gia trên thế giới tham gia nghiên cứu phát triển vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, 22% số nhóm nghiên cứu phát triển vaccine đến từ Mỹ, 11% đến từ Trung Quốc và 8% đến từ Nga.

Nghiên cứu và phát triển vaccine, kỳ vọng lớn nhất của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên toàn cầu

Các nước đã sử dụng các phương thức khác nhau để chống dịch, như: cách ly và phong tỏa, tăng cường theo dõi và giám sát, vận động đeo khẩu trang, tăng cường giãn cách xã hội, duy trì đóng cửa trường học và ngừng sản xuất kinh doanh… Những biện pháp này một mặt không thể loại bỏ cơ bản virus, kiểm soát dịch bệnh; mặt khác, lại gây tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, nhiều nước do thiếu dứt khoát trong quá trình triển khai thực tế, không thực hiện thường xuyên, nên đã bỏ lỡ cơ hội vàng trong phòng chống dịch và khôi phục nền kinh tế - xã hội.

 Khi nào dịch bệnh mới có thể chấm dứt? Không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Các chuyên gia dự báo đời sống kinh tế và hoạt động giao lưu xã hội diễn ra song song với dịch bệnh sẽ trở thành trạng thái bình thường mới của thế giới, ngoại trừ có sự ra đời của vaccine thực sự an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả. Do vaccine nhận được sự kỳ vọng lớn nhất của thế giới hiện nay, nên tất cả những thông tin liên quan đến việc nghiên cứu và phát triển vaccine cũng đều thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Đến nay, dịch bệnh đã bùng phát hơn 8 tháng, các nước lớn trên thế giới đều đang tìm mọi cách để nghiên cứu và phát triển vaccine, bởi sự đột phá và đi đầu trong vấn đề này không chỉ mang lại danh tiếng và lợi nhuận, mà còn có thể làm thay đổi nhịp điệu, thậm chí xu hướng phát triển của xã hội loài người. Gần đây, quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine trên toàn cầu liên tục có những thông tin mới, nhưng cũng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động này đã xuất hiện những động thái khiến mọi người lo ngại.

Nhìn lại các dịch bệnh trong lịch sử loài người, phương pháp hữu hiệu cuối cùng để phòng chống đại dịch chủ yếu vẫn là dựa vào vaccine. Trong bối cảnh hiệu quả của các biện pháp chống dịch thực tế còn hạn chế và chậm phát huy tác dụng như cách ly phong tỏa, giãn cách xã hội, tiêu độc khử trùng phòng ngừa virus…, các nước đều gửi gắm hy vọng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vào vaccine. Theo giải thích của các chuyên gia vaccine Bắc Kinh, mấu chốt của vaccine là tính hiệu quả và an toàn. Trước đây, việc phát triển vaccine truyền thống cần khoảng 2 đến 3 năm hoặc thậm chí từ 5 đến 10 năm mới có thể hoàn thành. Tiến độ nghiên cứu và phát triển vaccine nhanh chóng như hiện nay là chưa từng có. Ngoài việc liên quan đến bản chất của virus SARS-CoV-2 và phương thức nghiên cứu phát triển vaccine, nguyên nhân còn đến từ việc các nước và cộng đồng sẵn sàng hợp tác đầu tư để vượt qua khó khăn, thêm vào đó là sự linh hoạt của các cơ quan quản lý đã giúp đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu và phát triển vaccine.

Nhìn chung, các thử nghiệm lâm sàng quốc tế được chia thành 3 giai đoạn. Trọng điểm của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 là quan sát sự an toàn khi sử dụng, xác định liều lượng an toàn và loại bỏ các phản ứng có hại. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 là mở rộng quy mô mẫu và nhóm đối tượng; trong đó, số lượng là vài trăm người, mục đích nhằm để khẳng định thêm tính hiệu quả và an toàn của vaccine trong nhóm đối tượng thử nghiệm, đồng thời xác định phương thức miễn dịch và liều lượng miễn dịch. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cần quy mô mẫu lớn hơn, quan sát chu kỳ lây lan để xác định tỷ lệ bảo vệ đối với nhóm dễ bị lây nhiễm, với quy mô lên tới hàng chục nghìn người. Theo Tuần san y khoa The Lancet, số ra ngày 20/7, đã có 250 loại vaccine mới đang được nghiên cứu phát triển và ít nhất có 17 loại vaccine đang ở trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Một số thành tựu về nghiên cứu vaccine

Ở Mỹ, Chính quyền Trump đã phát động Chiến dịch Warp Speed vào tháng 5/2020, đây là một dự án hợp tác giữa Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine xuống còn 8 tháng bằng cách kết hợp 3 lực lượng là các công ty dược phẩm, các cơ quan chính phủ và quân đội. Trước đó, Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ đầu tư hơn 2 tỷ USD để hỗ trợ 3 loại vaccine đang trong quá trình nghiên cứu phát triển. Ngày 11/8, Trump tuyên bố Chính phủ đã ký hợp đồng trị giá 1,53 tỷ USD với Công ty công nghệ sinh hóa Moderna của Mỹ để đặt mua 100 triệu liều vaccine. Đây là lần thứ 6 kể từ tháng 5/2020, Chính phủ Mỹ đạt được thỏa thuận đặt hàng vaccine. Tính đến nay, ít nhất Mỹ đã chi 9 tỷ USD để đặt hàng 800 triệu liều vaccine.

Ngày 11/8/2020, Tổng thống Nga V.Putin đã tuyên bố loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Nga có tên gọi “SPUTNIK-V” đã được cấp phép. Nga cũng trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine COVID-19. Ngay sau khi được công bố, thông tin này lập tức đã thu hút sự chú ý của toàn cầu. Putin nói rằng con gái của ông đã tiêm vaccine này và hiện cảm thấy dễ chịu, loại vaccine này khá hiệu quả và đã vượt qua tất cả các kiểm tra cần thiết. Tiếp đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko tiết lộ rằng, lô vaccine COVID-19 đầu tiên sẽ được sản xuất sớm nhất trong vòng 2 tuần và hy vọng sẽ sớm đưa vào sử dụng, mục tiêu trong 12 tháng đầu là sản xuất 500 triệu liều vaccine. Có người lạc quan, trong khi cũng có người hoài nghi về tiến triển quan trọng của việc nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. Vaccine của Nga vẫn chưa thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, song đã vội vàng tuyên bố đạt tiêu chuẩn và đăng ký bằng sáng chế vaccine. Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko đã bác bỏ và nhấn mạnh những cáo buộc vaccine của Nga không an toàn là vô căn cứ và xuất phát từ lo ngại cạnh tranh. Nga cho biết đã nhận được đơn đặt hàng từ 20 quốc gia với hơn 1 tỷ liều, trong đó Mỹ Latinh, Trung Đông và các nước Châu Á quan tâm mua nhiều nhất, đáng chú ý Brazil đang tìm cách trở thành một trong những nước sản xuất vaccine của Nga.

Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc đã cấp bản quyền sáng chế phát minh vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc. Người được cấp bằng sáng chế là một nhóm các nhà nghiên cứu do Trần Vy, Viện sĩ Viện kỹ thuật Trung Quốc, chuyên gia nghiên cứu công nghệ sinh học thuộc Trung tâm nghiên cứu y học quân sự của Viện Khoa học quân sự Trung Quốc dẫn đầu. Loại vaccine được cấp bằng sáng chế là Ad5-nCoV. Nhóm phát minh có 15 người, đây là bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu vaccine này đã nộp đơn vào ngày 18/3/2020 và được cấp phép vào ngày 11/8/2020. Ngày 13/8/2020, Tạp chí Y khoa quốc tế Journal of the American Medical Association (JAMA) đã công bố báo cáo về kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của một loại vaccine khác do Trung Quốc nghiên cứu phát triển. Đây là bài báo về thử nghiệm lâm sàng vaccine bất hoạt ngừa COVID-19 đầu tiên được công bố trên thế giới. Vaccine này do Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán thuộc Tập đoàn Sinopharm và Viện virus học Vũ Hán thuộc Viện Khoa học Trung Quốc phối hợp nghiên cứu phát triển, là thử nghiệm lâm sàng quốc tế giai đoạn 3 đầu tiên trên thế giới về vaccine bất hoạt COVID-19, bắt đầu được thực hiện tại Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) vào ngày 23/6 với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Nghiên cứu này do Chủ tịch China Biotech Dương Hiểu Minh và bác sỹ Hạ Thắng Lợi, Chủ nhiệm Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Hà Nam, dẫn đầu. Theo Dương Hiểu Minh, trong nửa cuối năm 2020, chậm nhất là đầu năm 2021, vaccine bất hoạt sẽ được sử dụng ở Trung Quốc và trên thế giới.

Nhiều trường đại học, học viện y khoa, công ty công nghệ sinh học và công ty dược của Anh, Singapore, Đức đang tích cực nghiên cứu phát triển vaccine ngừa COVID-19. Vaccine ngừa COVID-19 có một mắt xích liên kết cần thiết từ sản xuất cho đến sử dụng, đó chính là bảo quản và vận chuyển. Lọ thủy tinh đựng vaccine là thiết bị cần thiết để bảo quản vaccine, hiện nay đang khan hiếm trên toàn thế giới, các nhà sản xuất không thể cung cấp đủ số lượng. Theo dự báo về tình hình dịch bệnh hiện nay, nếu mỗi người được tiêm chủng một lần, khi tỷ lệ thẩm thấu toàn cầu của vaccine mới đạt 20% thì phải cần ít nhất 1,6 tỷ lọ vaccine và khi tỷ lệ thẩm thấu toàn cầu của vaccine đạt 70% thì phải cần ít nhất 5 tỷ lọ vaccine. Tuy nhiên, hiện nay năng lực sản xuất của toàn cầu mới chỉ có 200 triệu lọ, trong khi những lọ vaccine này vẫn cần được sử dụng để cung ứng các loại vaccine ngừa các bệnh khác như cúm, thương hàn...

Những xu hướng chính của quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine trên thế giới

Hiện nay, dường như quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine của các nước đều được thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, cố gắng vượt lên trước; điều này trên thực tế đã tạo ra sự ngăn cách, tranh giành và không thừa nhận lẫn nhau. Theo tiết lộ của WHO, trên thế giới hiện có ít nhất hàng trăm dự án nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 với hàng chục quốc gia đang tham gia cạnh tranh, trong đó các nước lớn đang tập trung mọi nguồn lực để về đích nhanh nhất có thể. Đến nay, có khoảng 120 dự án vaccine đã bước vào giai đoạn thử nghiệm ban đầu, khoảng 20 loại vaccine được WHO chọn làm ứng cử viên sơ bộ, trong đó 10 loại đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba, có triển vọng bước vào giai đoạn thử nghiệm tiêm chủng trên phạm vi lớn trong vài tháng tới. Việc các nước cạnh tranh nghiên cứu và phát triển vaccine vốn là điều tốt nhưng cạnh tranh không lành mạnh đã trở thành điều xấu.

Hiện nay, có ba xu hướng chính trong quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine trên toàn cầu đáng được quan tâm.

Thứ nhất, khuynh hướng chính trị quốc tế, địa chính trị và chủ nghĩa dân tộc nổi rõ trong quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine, nhiều nước áp dụng chủ nghĩa bảo hộ quốc gia vào quá trình này, nhấn mạnh ưu tiên cung cấp và đáp ứng nhu cầu trong nước.

Thứ hai, coi cuộc cạnh tranh nghiên cứu và phát triển vaccine là cuộc cạnh tranh chiến lược quốc tế. Các phương tiện truyền thông Mỹ bình luận rằng cuộc chạy đua vaccine giữa Mỹ và Nga hiện nay, bao gồm cả việc công bố thông tin, khiến người ta không khỏi liên tưởng đến hình ảnh của cuộc đua đổ bộ lên Mặt trăng giữa Mỹ và Liên Xô. Bởi, việc nghiên cứu và phát triển ra vaccine trước không những có thể nắm quyền chủ động trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, khôi phục kinh tế và việc làm của đất nước, mà còn mang lại lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD.

Thứ ba, quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine được thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không những không có trật tự và quy tắc, mà tiến triển và thành công của quá trình này đều không có được sự đánh giá và chứng nhận cơ bản, thống nhất và có uy tín. Mỗi quốc gia đều tự đặt ra tiêu chuẩn và tự công bố, không công nhận và hoài nghi lẫn nhau, không hợp tác và không chia sẻ thông tin để cùng nghiên cứu và phát triển vaccine với nhau, điều này không những gây bất lợi cho quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine trên toàn cầu, mà còn gây nên một loạt trở ngại nghiêm trọng và vấn đề phức tạp cho việc tiêm chủng và đánh giá hiệu quả của vaccine trong tương lai. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh “sẽ không có ai được an toàn trừ khi tất cả mọi người đều an toàn”.

Sau khi quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine xuất hiện những vấn đề này, việc phân phối, thử nghiệm tiêm chủng và sử dụng rộng rãi của vaccine trên toàn cầu sau này sẽ phải đối diện với những vấn đề lớn hơn. Mỹ đang tìm cách kiểm soát thị trường vaccine, muốn mua lại toàn bộ quá trình nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine của các công ty dược phẩm lớn trên thế giới; đồng thời, tiếp tục tăng cường đầu tư cho quá trình này. Do lo ngại về sự can thiệp của Mỹ, Chính phủ Anh tuyên bố vaccine do Anh nghiên cứu và phát triển trong tương lai không được sản xuất tại Mỹ. Anh đã mua 190 triệu liều vaccine thuộc 3 dự án khác nhau, trong đó có dự án chuẩn bị được bán cho các nước đang phát triển với giá rẻ. Như vậy, nếu ba vấn đề trên không được giải quyết kịp thời, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong việc nghiên cứu phát triển vaccine, tiêm chủng thử nghiệm và phân phối vaccine… trên toàn cầu, biến thành một cuộc “chiến tranh lạnh vaccine”, đưa thế giới rơi vào một cuộc đấu không lành mạnh còn kinh hoàng hơn cả dịch bệnh.

WHO đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ việc nghiên cứu và phát triển vaccine trên toàn cầu nhưng từ góc độ khoa học và tính khả thi, không một quốc gia nào có thể phát triển một loại vaccine vạn năng có thể sử dụng thích hợp cho toàn thế giới, bởi họ không nắm được diễn biến và tình hình mới nhất của dịch bệnh, cũng như triệu chứng của các ca bệnh trên toàn cầu. Hiện nay, chỉ có WHO mới có thông tin tương đối toàn diện và có hệ thống về tình hình dịch bệnh cũng như các ca bệnh trên toàn cầu. Hàng nghìn nhân viên của WHO được phân bổ ở các nơi trên thế giới hàng ngày đều đang thu thập các thông tin liên quan. Do virus không ngừng biến đổi, nên khó tránh khỏi sự xuất hiện của các chủng đột biến và virus SARS-CoV-2 cũng không ngoại lệ khi đã có các dấu hiệu biến thể, điều này quyết định mức độ khó khăn của quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine./.

N.T.L


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Tổng số điểm của bài viết là: 38 trong 14 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?