Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.612
Tháng 04 : 39.450
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách Trung Quốc chiếm lĩnh Liên Hiệp quốc và các tổ chức quốc tế

Khi Chính quyền Trump rút khỏi nhiều cơ chế đa phương của thế giới vốn được thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc rõ ràng trở thành nước được hưởng lợi nhất và tăng cường thúc đẩy các mục tiêu mà họ đã theo đuổi cả thập kỷ. Bắc Kinh đã liên tục hối thúc để đưa các quan chức Trung Quốc hoặc của các nước đối tác với họ vào vị trí lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế cũng như Liên Hiệp quốc. Bài viết phân tích chiến lược của Trung Quốc trong việc chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu trong các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức của Liên Hiệp quốc.

Ngay sau khi Trung Quốc áp dụng Luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông đã có hai tuyên bố đối đầu nhau được đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp quốc. Tuyên bố thứ nhất do Cuba soạn thảo, ủng hộ Bắc Kinh, nhận được sự tán thành của 53 nước thành viên. Tuyên bố thứ hai do Anh soạn thảo, bày tỏ quan ngại về bước đi của Bắc Kinh, nhận được sự ủng hộ của 27 nước. Việc Trung Quốc thắng thế và được ủng hộ tại Liên Hiệp quốc là thắng lợi ngoại giao gần đây nhất cho thấy Bắc Kinh đang thao túng các tổ chức quốc tế theo đúng hướng mà họ muốn.

Có được tầm ảnh hưởng ở Liên Hiệp quốc khiến Trung Quốc né tránh được sự giám sát của cộng đồng quốc tế đối với những việc họ làm ở trong và ngoài nước. Ví dụ như vào tháng 3/2020, Bắc Kinh đã giành được 1 ghế trong một ủy ban của Liên Hiệp quốc gồm 5 nước thành viên có nhiệm vụ chọn ra những người chịu trách nhiệm báo cáo các vụ vi phạm nhân quyền. Chính những quan chức này đã cáo buộc Bắc Kinh giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở các trại cải tạo ở Tân Cương. Mỹ đã tìm cách đưa vấn đề này ra Liên Hiệp quốc và kêu gọi sự ủng hộ từ các nước khác. Tuy nhiên, do mối quan hệ của Mỹ với các đối tác và đồng minh đang có nhiều rạn nứt nên nỗ lực này của Mỹ chưa đạt được kết quả.

 Thắng lợi của Trung Quốc trên trường quốc tế hiện đang là bài toán khiến Mỹ và các đồng minh đau đầu. Sau khi Liên Xô sụp đổ, những nước này đều trông chờ Liên Hiệp quốc sẽ trở thành một cơ chế thúc đẩy các giá trị nhân quyền và dân chủ. Thế nhưng giờ đây, khi mọi thứ dường như đang quay trở lại thời Chiến tranh Lạnh, cố vấn chính sách cấp cao của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Ashok Malik cho rằng Trung Quốc cảm nhận được thời cơ của họ đã đến và cần phải nắm lấy để kiểm soát các tổ chức quốc tế bởi đó chính là cách tạo lập ảnh hưởng hiệu quả nhất. Còn Washington lại cho rằng hệ thống Liên Hiệp quốc là một tổ chức bị chia thành nhiều phần tách biệt: một số phần Washington phải tìm cách bố trí lại nhằm đảm bảo tổ chức vẫn vận hành ổn thỏa và một phần thì không thể sửa chữa được nữa. Tháng 7/2020, Chính quyền Trump xúc tiến việc rút lui khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì cho rằng tổ chức này đã bị Trung Quốc hoàn toàn lũng đoạn ngay từ khi đại dịch COVID-19 mới xảy ra. Nhiều đồng minh của Mỹ cho rằng việc nước này rút lui khỏi các tổ chức như WHO chẳng khác nào trao cho Trung Quốc một món quà chiến lược. Các nước ngày càng quan ngại hơn khi vừa qua Bắc Kinh đã chỉ trích các nước dân chủ vì lên tiếng bênh vực Hồng Kông và Tân Cương, đồng thời Bắc Kinh cũng tham gia những cuộc đụng độ với Ấn Độ ở biên giới hai nước.

Với Bắc Kinh, những rạn nứt trong quan hệ đồng minh của Mỹ và cả việc Mỹ rút khỏi các cơ chế đa phương thực sự đã mang lại cho họ cơ hội, như lời của Tương Lan Hân - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến “Vành đai và Con đường” có trụ sở tại Thượng Hải: “Nếu Mỹ tự nguyện rút lui chứ không phải do chúng tôi đẩy họ đi, thì việc Trung Quốc lấp vào chỗ trống không thể được coi là hành động khiêu khích”. Trong số 15 cơ quan của Liên Hiệp quốc thì đại diện của Trung Quốc có mặt trong ban lãnh đạo của 4 cơ quan. Những thắng lợi liên tiếp trên trường quốc tế đã đưa Bắc Kinh vào vị thế có khả năng định hình các quy chuẩn của thế giới. Tổng thư ký người Trung Quốc của Liên minh Viễn thông quốc tế đã ủng hộ công ty công nghệ Trung Quốc Huawei trong cuộc chiến với Mỹ đồng thời liên tục hối thúc thế giới đưa ra hiệp ước Internet mới. Hiện có tới 30 tổ chức của Liên Hiệp quốc đã ký Bản ghi nhớ ủng hộ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, trong đó có cả Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp quốc. Như vậy, Trung Quốc có thể tuyên bố rằng các dự án trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của họ được Liên Hiệp quốc ủng hộ.

 Ông Moritz Rudolf, người sáng lập “Những cây cầu Á - Âu”, một công ty tư vấn của Đức chuyên nghiên cứu các dự án thuộc “Vành đai và Con đường”, nhận xét rằng Trung Quốc đã khiến Liên Hiệp quốc giống Trung Quốc hơn và điều này được tiến hành một cách bài bản có hệ thống. Tuy nhiên, cũng có một số vụ việc đã vạch trần Trung Quốc. Sau khi đưa một trong những quan chức cấp cao của mình vào vị trí Chủ tịch Interpol, Trung Quốc đã bắt giam ông này vào năm 2018 và cáo buộc ông tội tham nhũng. Vụ việc cho thấy các quan chức Trung Quốc dù có đứng đầu các tổ chức quốc tế thì cũng vẫn nằm trong sự kiểm soát của Bắc Kinh. Lãnh đạo Trung Quốc thì cho rằng mục tiêu của họ ở các tổ chức của Liên Hiệp quốc là rất nhân văn và rằng chính Trung Quốc đã nêu gương toàn cầu trong việc đối phó với đại dịch COVID-19.

Để có được vị trí ngày càng vững mạnh trong Liên Hiệp quốc như hiện nay, trên thực tế Trung Quốc cũng không phải bỏ ra quá nhiều. Tuy là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng Trung Quốc lại đóng góp theo mức của một nước được gọi là “đang phát triển”. Năm 2018, Trung Quốc đóng góp cho Liên Hiệp quốc 1,3 tỷ USD, một phần rất nhỏ so với mức đóng góp lên tới 10 tỷ USD của Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc cho vay và hỗ trợ hàng chục nước đang phát triển khác ở Châu Phi và khu vực Thái Bình Dương nhằm có thêm được những lá phiếu ủng hộ đã dễ dàng đánh bật các ứng cử viên được phương Tây hậu thuẫn khi ứng cử vào các vị trí quan trọng trong các cơ quan của Liên Hiệp quốc.

Châu Âu chia sẻ mối quan ngại với Mỹ về Trung Quốc nhưng lại có góc nhìn khác. Với Mỹ, Trung Quốc là đối thủ muốn đẩy Mỹ khỏi vị trí cường quốc dẫn dắt thế giới. Còn với Châu Âu, Trung Quốc là hiểm họa bởi Bắc Kinh muốn thay đổi trật tự thế giới dựa trên luật pháp, một hiểm họa mà chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đe dọa sẽ tiến hành. Đầu năm 2020, Mỹ, các nước Châu Âu và đối tác của họ như Ấn Độ đã gạt những hiềm khích sang một bên để cùng ngăn cản Trung Quốc giành được vị trí đứng đầu WIPO (tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới). Thông điệp mà Mỹ phản đối việc Trung Quốc nắm giữ tổ chức WIPO khá rõ ràng: Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ đã điều tra hơn 1.000 vụ đánh cắp công nghệ do các cá nhân và tổ chức có liên quan tới Trung Quốc tiến hành và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra thông cáo: “Chúng tôi không chấp nhận một nước chuyên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lại đứng đầu tổ chức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”. Phía Mỹ cũng cẩn thận đặt ra luật lệ để đảm bảo việc bỏ phiếu kín và hạn chế số người trong phòng bỏ phiếu nhằm tránh những “chiêu trò” Trung Quốc đã từng dùng để giành chiến thắng lợi như tại cuộc bầu chọn người đứng đầu FAO (tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hhiệp quốc) ở Rome năm 2019.

 Có thể thấy từ những năm 1978 tới nay, Trung Quốc không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế và tham gia vào các tổ chức liên chính phủ nhằm tìm kiếm những bệ phát triển. Các tổ chức như Ngân hàng thế giới, Tổ chức Tiền tệ quốc tế, các cơ quan Liên Hiệp quốc ngày càng có sự xuất hiện của nhiều người Trung Quốc ở các vị trí trọng yếu./.


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Tổng số điểm của bài viết là: 29 trong 13 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?