Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 55
Tháng 04 : 59.933
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ sắp rút khỏi hiệp ước bầu trời mở?

Ngày 12/02/2020, Giám đốc Cục Kiểm soát và không phổ biến vũ khí - Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Yermakov tuyên bố “Nga tin tưởng vào sự sáng suốt của các đối tác nước ngoài, đồng thời kêu gọi duy trì Hiệp ước Bầu trời mở như một trong số ít trụ cột cấu trúc an ninh còn lại ở Châu Âu”. Giới phân tích lo ngại quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở của Mỹ sẽ làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang mới đầy nguy hiểm giữa Mỹ và Nga.

Hiệp ước Bầu trời mở

Khái niệm “quan sát lẫn nhau từ trên không” (mutual aerial observation) lần đầu được Tổng thống Mỹ Eisenhower đề xuất với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Bulganin tại Hội nghị Genève năm 1955. Năm 1989, hiệp ước Bầu trời mở (The Treaty on Open Skies - OS) theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ George H.W. Bush được đàm phán bởi các thành viên lúc đó của NATO và Hiệp ước Warsaw, ký kết tại Helsinki (Phần Lan) ngày 24/3/1992, có hiệu lực từ ngày 01/01/2002 được coi là một trong những biện pháp xây dựng lòng tin và kiểm soát vũ khí quan trọng sau Chiến tranh Lạnh.

Hiệp ước Bầu trời mở thiết lập chương trình các chuyến bay phi vũ trang giám sát trên không toàn bộ lãnh thổ các nước thành viên nhằm thúc đẩy sự cởi mở, minh bạch hơn trong các hoạt động quân sự, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau… bằng cách cho phép tất cả các bên tham gia (bất kể quy mô, vai trò) trực tiếp thu thập thông tin qua hình ảnh trên không về các lực lượng quân sự và các hoạt động liên quan. Không liên quan đến hàng không dân sự, Hiệp ước OS là một trong những nỗ lực quốc tế rộng lớn nhất cho đến nay nhằm hỗ trợ giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện có hoặc trong tương lai, mở rộng khả năng ngăn chặn khủng hoảng và quản lý các tình huống khủng hoảng.

Ngoài ra, mục đích của Hiệp ước OS cũng bao gồm cả ý nghĩa tốt đẹp là hợp tác chia sẻ dữ liệu thu thập được và đôi khi là chia sẻ cả chi phí. Theo Hiệp ước OS, để tiến hành các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau, 34 quốc gia thành viên phải thông báo trước 72 giờ để nước chủ nhà có thời gian phản hồi.

Lý do của người Mỹ

Tổng thống Donald Trump có ý rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định này chủ yếu vì 4 nguyên nhân sau.

Thứ nhất, rút nước Mỹ ra khỏi những thỏa thuận đa phương quốc tế và xem xét lại những thỏa thuận song phương mà Mỹ đã tham gia ký kết là một định hướng quan điểm chính sách cơ bản mà Tổng thống Donald Trump đã kiên định thực hiện kể từ khi lên cầm quyền ở Mỹ đến nay. Tổng thống Donald Trump và cộng sự coi những thỏa thuận này là xâm hại chủ quyền quốc gia của Mỹ và gây hại nhiều hơn làm lợi cho nước Mỹ. Do vậy, việc Tổng thống Donald Trump dự định rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước OS mở không có gì mới lạ nếu như không muốn nói là lô-gic.

Thứ hai, trên thực tế cho đến nay, Hiệp ước OS mất dần tác dụng thật sự đối với Mỹ. Trước hết, Mỹ hiện đã bố trí mạng lưới vệ tinh gián điệp toàn cầu rất hiện đại với hiệu ứng cao hơn rất nhiều những chuyến bay trinh thám theo khuôn khổ hiệp ước. Trên phương diện này, không thể không xác nhận là Mỹ đã đi xa hơn Nga. Sau đó là chuyện cả Mỹ lẫn Nga đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước, giống câu chuyện đã diễn ra đối với Hiệp ước về tên lửa tầm trung (INF) mà Mỹ đã rút khỏi.

Thứ ba, Trung Quốc không tham gia Hiệp ước OS, do đó, Mỹ có chủ ý xoá kết quả ván bài cũ (mà Trung Quốc không tham gia cùng chơi) để chơi ván bài mới, có sự tham gia của Trung Quốc.

Thứ tư, Mỹ không còn sẵn sàng chia sẻ kết quả trinh thám với các nước khác và muốn chấm dứt trách nhiệm ấy trong khi lo ngại về khả năng Nga sẽ trao đổi kết quả trinh thám về Mỹ và đồng minh cho các đối tác của Nga không tham gia hiệp ước, đặc biệt là Trung Quốc.

Mối lo của người Nga

Nga dọa sẽ đáp trả Mỹ mạnh mẽ nếu nước này rút khỏi hiệp định, vì 3 lý do sau:

Thứ nhất, hiệp định mang lại cho Nga cơ hội trinh sát hợp pháp trên lãnh thổ Mỹ và vô cùng hữu ích đối với Nga; đặc biệt là trong bối cảnh tình hình Nga vẫn còn có những bất cập nhất định trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ gián điệp bằng vệ tinh.

Thứ hai, Mỹ và Nga là hai đối tác và đối thủ chính trong hiệp định nhưng trong đó còn có câu chuyện về mối quan hệ giữa Nga và NATO. Một khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước OS, Nga sẽ không còn có thể tận lợi được như lâu nay từ hiệp ước trong phương diện quan hệ với NATO và với các nước thành viên NATO.

Thứ ba, điều này thể hiện là chính Mỹ có ý định rút khỏi hiệp ước chứ không phải Nga đơn phương gây tổn hại đến những cấu trúc và thể chế an ninh chung, làm huỷ hoại lòng tin lẫn nhau đã được gây dựng và kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang mới.

Cảnh báo những hệ quả khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước

Thông tin về việc Mỹ sắp rút khỏi Hiệp ước OS từng được Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Mỹ Eliot Engel đề cập vào ngày 07/10/2019 khi bày tỏ lo ngại về khả năng điều này sẽ sớm được thông qua. Trong lá thư gửi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ MuffBrien, Engel lo ngại sâu sắc trước các thông tin chính quyền Trump đang xem xét rút khỏi OS, đồng thời kêu gọi phản đối mạnh mẽ một hành động liều lĩnh như vậy sẽ chỉ có lợi cho Nga và có hại cho các đồng minh, các đối tác cũng như những lợi ích an ninh quốc gia. “Rút khỏi OS sẽ gây thêm hoài nghi về những cam kết của Mỹ đối với an ninh của Ukraina và sẽ giúp Nga củng cố lý lẽ rằng Mỹ là một đối tác không đáng tin cậy ở khu vực”.

Ngày 26/10/2019, 11 thành viên Thượng viện Mỹ đã viết thư yêu cầu Tổng thống Donald Trump không rút khỏi hiệp ước và kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ đảm bảo rằng Moskva tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. Trước đó, một số thành viên của Quốc hội Mỹ cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự, họ gọi việc rút khỏi thỏa thuận là “món quà cho Tổng thống Nga Putin” và Hiệp ước OS đang tiếp tục phục vụ cho lợi ích an ninh của Mỹ, đặc biệt quan trọng trong việc giám sát các hoạt động của Quân đội Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraina. Việc rời bỏ hiệp ước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng của Quân đội Mỹ trong việc giám sát trên không đối với Nga và các quốc gia thành viên khác.

Khi còn ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, James Mattis cho rằng việc tham gia Hiệp ước OS là “lợi ích quan trọng nhất” của Mỹ. Động thái rút khỏi Hiệp ước OS của Mỹ đánh dấu một nốt trầm tiếp theo trong mối quan hệ vốn đã “không cơm lành canh ngọt” giữa Nga và Mỹ, trong bối cảnh hai bên vừa khai tử Hiệp ước INF và cũng “chưa dứt khoát” về tương lai của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) sắp hết hiệu lực vào năm 2021. Giới phân tích lo ngại rằng, nguy cơ Hiệp ước OS bị đổ vỡ sẽ làm gia tăng những rủi ro tiềm ẩn trong quan hệ Nga - phương Tây.

Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Daryl Kimball cũng cho rằng Hiệp ước OS có lợi cho Mỹ, các đồng minh và cả Nga. Nó cung cấp thông tin về hoạt động quân sự của Nga, Mỹ và các đồng minh Châu Âu; sự minh bạch giúp giảm nghi ngờ và nguy cơ xung đột. OS là một nhân tố quan trọng đối với an ninh của Mỹ và Châu Âu; quyết định rút khỏi hiệp ước này sẽ là một đòn giáng mạnh vào sự ổn định của khu vực Đồng Âu cũng như của Ukraina. Bộ Ngoại giao Ukraina ra tuyên bố nêu rõ “Hiệp ước OS là một trong những hiệp ước quốc tế cơ bản về an ninh và kiểm soát vũ khí ở Châu Âu”, đồng thời nhấn mạnh rằng Ukraina “lưu tâm tới việc duy trì và thực thi hiệp ước này”.

Là hiệp ước mang đến sự minh bạch về việc xây dựng quân đội và các hoạt động quân sự, Hiệp ước OS giúp theo dõi các cuộc tấn công quân sự hoặc cảnh báo về một cuộc tấn công bất ngờ. Theo Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, Hiệp ước OS rất hữu hiệu trong việc xác nhận thực thi các thỏa thuận kiểm soát vũ trang. Giới phân tích lo ngại quyết định rút khỏi OS của Mỹ sẽ làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang mới đầy nguy hiểm giữa nước này và Nga.

Kể từ khi trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ với chủ trương “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump đã có nhiều quyết sách gây tranh cãi, đặc biệt là việc rút khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế trong nhiều lĩnh vực như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1, Hiệp ước INF... Dù cho đến thời điểm hiện nay, Washington chưa đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề này nhưng Moskva hết sức lo ngại về tình hình an ninh Châu Âu nếu kịch bản Mỹ rút khỏi hiệp ước trên trở thành hiện thực. Trao đổi với tờ Kommersant, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nêu rõ, Moskva sẽ đưa ra các biện pháp dựa trên lợi ích quốc gia nếu Mỹ rút khỏi OS. Việc Hiệp ước INF chính thức bị khai tử hồi tháng 8/2019 đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh Châu Âu cũng như sự ổn định chiến lược toàn cầu. Khi kịch bản này thành hiện thực thì mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ bị đẩy lên nấc thang căng thẳng mới trong bối cảnh hai bên vừa rút khỏi INF và chưa dứt khoát về tương lai của Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), vốn sẽ hết hạn vào đầu năm 2021./.

N.T.L


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 12 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?