Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.860
Tháng 04 : 68.060
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xu thế chiến tranh trí tuệ nhân tạo

Trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ vũ khí trang bị trí tuệ nhân tạo ngày càng hoàn thiện và kinh nghiệm sử dụng trong thực tiễn chiến đấu được tích lũy phong phú, là lực lượng tác chiến với loại hình mới, tính chất mới, sức mạnh tác chiến của các vũ khí trang bị ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong chiến tranh tương lai; sẽ làm thay đổi quy luật, phương thức tác chiến chiến tranh.

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã phát triển vô cùng nhanh chóng. Là công nghệ mũi nhọn chiến lược, trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người đều được ứng dụng công nghệ này, đồng thời trở thành động lực quan trọng khiến cách mạng khoa học công nghệ, cách mạng sản xuất và cách mạng quân sự mới liên tục đi vào chiều sâu, phát triển đan xen lẫn nhau. Trí tuệ nhân tạo sẽ nâng cao rất nhiều tính năng, hiệu quả tác chiến của vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự, làm thay đổi phương thức tác chiến và hình thái chiến tranh trong tương lai. Khi cuộc cách mạng tin học hóa đi vào chiều sâu, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong lĩnh vực quân sự mới như: Nhận biết tình thế, xử lý thông tin, chỉ huy điều khiển, hỗ trợ quyết sách, tăng cường hệ thống tác chiến tự động, tiềm năng con người.

Những cường quốc như: Mỹ, Nga đều coi trí tuệ nhân tạo là công nghệ mũi nhọn chiến lược có tiềm năng ứng dụng nhiều nhất vào lĩnh vực quân sự, nhanh chóng nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị thông minh hóa, đồng thời có ý đồ thông qua triển khai cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự để chiếm ưu thế trong cuộc chạy đua quân sự quyết liệt.

Mỹ coi trí tuệ nhân tạo là trụ cột quan trọng để giữ ưu thế quân sự, giữ quyền chủ đạo cuộc chạy đua nước lớn, duy trì địa vị bá chủ toàn cầu. Thông qua đổi mới công nghệ và đổi mới lý luận, phát triển công nghệ mang tính cách mạng, nhằm triệt tiêu sức mạnh quân sự đang tăng lên nhanh chóng của Trung Quốc, Nga,… Trí tuệ nhân tạo, hệ thống tự động hóa, mini hóa, dữ liệu lớn (big data), chế tạo vật liệu mới,… được xác định là các lĩnh vực phát triển trọng điểm. Gần đây, Mỹ đã đưa dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, hệ thống năng lượng mini, vũ khí năng lượng cao, nâng cấp tiềm năng con người,… là những ngành công nghệ then chốt để duy trì ưu thế quân sự của Mỹ.

Nga coi trí tuệ nhân tạo là công nghệ then chốt để hiện đại hóa vũ khí trang bị. Trong “Chủ trương phát triển vũ khí quốc gia 2018-2025” do Nga công bố năm 2017, việc nghiên cứu phát triển và trang bị vũ khí trí tuệ nhân tạo được đưa vào nội dung trọng điểm, bao gồm hệ thống phòng thủ trên không và trên vũ trụ, lực lượng hạt nhân chiến lược, hệ thống thông tin liên lạc, trinh sát, chỉ huy điều khiển, trang bị tác chiến điện tử, máy bay không người lái, rô-bốt, hệ thống phòng hộ cá nhân người lính,… Hệ thống tác chiến tự hoạt được coi là trọng điểm phát triển của vũ khí trang bị trí tuệ nhân tạo. Căn cứ theo yêu cầu “Kế hoạch tổng hợp các dự án chuyên ngành phát triển trang bị kỹ thuật rô-bốt quân sự tiên tiến năm 2025”. Điển hình sự phát triển và sử dụng trong thực tiễn tác chiến của xe không người lái có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như: Trinh sát tầm xa, xử lý thông tin tình báo, rà phát mìn và chướng ngại vật, tiến công hỏa lực,…

Cùng với công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày càng hoàn thiện và kinh nghiệm sử dụng trong thực tiễn chiến đấu được tích lũy phong phú cùng khả năng nâng cao đáng kể năng lực tác chiến, vũ khí trang bị sử dụng trí tuệ nhân tạo trở thành trang bị vũ khí tác chiến chủ yếu. Trong tương lai, nhiệm vụ tác chiến ở mặt trận dưới nước phần lớn sẽ do hệ thống tác chiến không người lái đảm nhiệm, tàu ngầm chủ yếu sẽ chỉ là phương tiện chuyên chở, phóng thả (thu hồi) và là trung tâm chỉ huy tác chiến dưới nước, không trực tiếp tham gia tác chiến. Trong điều kiện tác chiến trên không, hệ thống quản lý chiến đấu gắn trên máy bay được phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo có thể nhận biết tình thế chính xác hơn, nhanh chóng hơn, phản ứng nhanh nhạy hơn, lựa chọn chiến thuật, quản lý và sử dụng vũ khí hiệu quả hơn so máy bay có người lái. Thực tiễn trên chiến trường Syria, Quân đội Nga đã đưa vào sử dụng xe tác chiến không người lái (UGV) và máy bay không người lái (UAV) phối hợp với Quân đội chính phủ Syria tiến công một điểm cao do lực lượng vũ trang IS chiếm giữ, đây là trận chiến đấu trên bộ đầu tiên trên thế giới do hệ thống tác chiến tự hoạt giữ vai trò chủ đạo. Cùng với sự thâm nhập của yếu tố trí tuệ nhân tạo trong toàn bộ các yếu tố trang bị, quá trình tác chiến, lĩnh vực chiến tranh, tác chiến sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành phương thức tác chiến chủ đạo. Chiến tranh trí tuệ nhân tạo là một hình thái chiến tranh phát triển từ chiến tranh thông tin hóa đến một giai đoạn cao hơn.

Trong chiến tranh hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ quyết sách chỉ huy điều khiển sẽ giúp xua tan dần “đám mây mù” chiến tranh. Phương thức ra quyết sách chỉ huy điều khiển truyền thống ngày càng khó thích ứng với nhu cầu của chiến tranh thông tin hóa. Công nghệ xử lý dữ liệu trí tuệ nhân tạo như dữ liệu lớn, học máy,… có ưu thế lớn chưa từng thấy mà con người không thể sánh nổi trên các mặt như: Tìm kiếm, lưu trữ, tính toán, khai thác nguồn dữ liệu khổng lồ; đặc biệt là thích ứng với xử lý các loại dữ liệu mục tiêu như hình ảnh vệ tinh, tín hiệu ra đa. Sau khi thông qua xử lý và nhận biết mục tiêu, dữ liệu thông tin quân sự sẽ được cung cấp cho sĩ quan và người lính, dùng để phán đoán, nhận định tình hình và những thay đổi trên chiến trường một cách nhanh chóng, chính xác, từ đó nâng cao đáng kể chất lượng quyết sách.

Trang bị số lượng lớn vũ khí trí tuệ nhân tạo buộc phải thay đổi biên chế, thể chế và tổ chức tác chiến, đồng thời ra đời phương thức tác chiến trí tuệ nhân tạo. Tiêu biểu là khái niệm tác chiến “Bầy ong máy bay không người lái, “sát thương dạng phân tán” mà Quân đội Mỹ đã nghiên cứu phát triển, thông qua tiến hành tổ chức biên chế hỗn hợp hệ thống tác chiến không người lái số lượng lớn có tính năng tác dụng khác nhau, lựa chọn hình thức bố trí phân tán, tổ chức thành nhóm tác chiến kết hợp các khả năng trinh sát thám trắc, gây nhiễu điện tử, tiến công mạng, giáng đòn hỏa lực, thực hiện tác chiến của cụm vũ khí trang bị sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Chiến tranh tương lai (nếu xảy ra), trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành nhân tố giành thắng lợi trong chiến tranh, vũ khí trang bị ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành trang bị tác chiến chủ yếu trong mọi không gian chiến trường trên bộ, trên biển, trên không, trên vũ trụ, trên mạng, không gian điện từ, trình độ trí tuệ nhân tạo trở thành tiêu chí quan trọng và chuẩn mực cơ bản để đánh giá trình độ hiện đại hóa của quân đội./.

N.T.L


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?