Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 987
Tháng 04 : 69.484
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển nhân cách người giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Lục quân hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) ở Học viện Lục quân (HVLQ) là một trong những lực lượng sư phạm quan trọng trong hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện. Hoạt động ấy đòi hỏi người giảng viên KHXH&NV phải có những phẩm chất nhân cách đặc thù, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân cách là một vấn đề trung tâm trong hệ giá trị về con người. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một tấm gương sáng, biểu tượng sáng ngời về phẩm chất và năng lực của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách có ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn, là mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm của Người về nhân cách là kết hợp hài hòa giữa truyền thống của dân tộc Việt Nam với tiếp thu những tinh hoa nhân loại, đặc biệt là chủ nghĩa nhân đạo của C.Mác, F.Ăngghen và V.I.Lênin. Những luận giải về nhân cách của Người đến nay đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và nhận định: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách là hệ thống, khoa học, nhân văn và toàn diện nhất.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách được khái quát gồm: đức và tài (phẩm chất và năng lực), trong đó đức là gốc của con người, nhất là người cán bộ. Theo Người, cái cốt lõi, nền tảng của nhân cách người cán bộ cách mạng là đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”[1]. Nội dung đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất toàn diện và sâu rộng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, động cơ vì nước, vì dân và ý chí quyết tâm thực hiện động cơ đó là hai phẩm chất cốt lõi của đạo đức cách mạng. Trong đấu tranh cách mạng, những động cơ cách mạng như: lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, động cơ chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội... là những bộ phận cấu thành đạo đức của người cán bộ cách mạng, của con người xã hội chủ nghĩa… Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức không đối lập với tài năng. Giữa đức và tài có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tạo nên nhân cách hoàn chỉnh, tạo nên giá trị xã hội của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Có tài phải có đức, có tài không có đức tham ô, hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài ví như ông Bụt ở trong chùa, không làm hại gì nhưng cũng không lợi gì cho loài người”[2]. Quan điểm của Người về nhân cách luôn có tác dụng định hướng, chỉ đạo việc bồi dưỡng xây dựng và hoàn thiện nhân cách người cán bộ nói chung, người giảng viên KHXH&NV nói riêng.

Giảng viên KHXH&NV ở HVLQ là những người thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học các môn KHXH&NV như: triết học, tư tưởng Hồ Chí Minh, Công tác đảng, công tác chính trị, Lịch sử Đảng, Kinh tế Chính trị, Tâm lý học, Nhà nước và Pháp luật…

Như vậy, nhân cách người giảng viên KHXH&NV ở HVLQ là tổng hòa các phẩm chất xã hội, được người giảng viên lĩnh hội trong hoạt động và giao tiếp sư phạm quân sự ở HVLQ và ngoài đơn vị, phản ánh giá trị xã hội của họ trong môi trường hoạt động sư phạm quân sự và ngoài xã hội.

Nhân cách người giảng viên KHXH&NV là hệ thống phẩm chất và năng lực, phương pháp tác phong công tác hoạt động trong môi trường sư phạm quân sự đáp ứng theo yêu cầu, nhiệm vụ, chức trách được giao. Đồng thời, được hình thành và phát triển trong suốt quá trình học tập và công tác trong môi trường sư phạm quân sự; phẩm chất ấy là kết quả của quá trình giáo dục, rèn luyện không ngừng và luôn vận động, phát triển phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và yêu cầu xây dựng Quân đội trong từng giai đoạn cách mạng.

Hiện nay, tuyệt đại đa số đội ngũ giảng viên KHXH&NV ở HVLQ được đào tạo cơ bản ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, họ có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Học viện. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện ngày càng phát triển. Chính vì vậy, phát triển nhân cách người giảng viên KHXH&NV ở HVLQ cần được quan tâm, là yêu cầu quan trọng và cấp thiết, đảm bảo cho đội ngũ giảng viên luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Vì vậy, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc phát triển, hoàn thiện nhân cách người giảng viên KHXH&NV ở HVLQ trong tình hình hiện nay, cần thực hiện tốt một số biện pháp tâm lý - xã hội cơ bản như sau:

Một là, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng xu hướng nghề  nghiệp quân sự vững vàng, ổn định, xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng của người giảng viên KHXH&NV

Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có vai trò chủ đạo trong việc phát triển,
hoàn thiện nhân cách. Việc giáo dục, bồi dưỡng nhân cách người giảng viên KHXH&NV là đòi hỏi thường xuyên, liên tục. Ngoài việc trang bị cho họ những kiến thức khoa học phổ thông, kiến thức chuyên môn, những tri thức đạo đức mới,… cần phải chú ý việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và những tri thức nghiệp vụ có liên quan đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Giáo dục mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho đội ngũ giảng viên KHXH&NV là một nội dung cơ bản trong xây dựng đạo đức cách mạng, nhằm nâng cao giác ngộ chính trị, lập trường giai cấp công nhân, thế giới quan cộng sản chủ nghĩa và phương pháp luận khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, Học viện trong tình hình mới.

Hai là, thông qua hoạt động thực tiễn và giao tiếp, bồi dưỡng và rèn luyện nhân cách

Là con đường quan trọng có ý nghĩa quyết định cho sự hình thành, phát triển nhân cách người giảng viên.

Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, thực tiễn cách mạng đặt ra nhu cầu cho con người hơn mười trường đại học. Thực tiễn hoạt động sư phạm quân sự là hoạt động chủ đạo, có vai trò trực tiếp trong việc phát triển nhân cách người giảng viên KHXH&NV ở HVLQ.

Nhân cách con người hình thành và phát triển trong hoạt động, thông qua hoạt động có đối tượng của chủ thể mà cá nhân lĩnh hội được những kinh nghiệm xã hội - lịch sử, phản ánh được những quan hệ xã hội ấy mà hình thành nên nhân cách của mình. Chính thông qua quá trình hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học... người giảng viên nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, qua đó, người giảng viên tự ý thức, tự đánh giá đúng bản thân mình. Cho nên, đi đôi với việc tổ chức học tập ở nhà trường, phải đặc biệt chú trọng bồi dưỡng giảng viên trong thực tiễn cuộc sống, qua thực tiễn công tác, qua phong trào quần chúng, phong trào cách mạng của quần chúng.

Ba là, phát huy vai trò của tập thể khoa giảng viên nơi người giảng viên làm việc và công tác để phát triển nhân cách người giảng viên KHXH&NV

Là biện pháp quan trọng góp phần phát triển nhân cách người giảng viên. Vì nhân cách bị quy định bởi điều kiện xã hội - lịch sử và các mối quan hệ xã hội cụ thể của mỗi con người. Sự tác động, ảnh hưởng của điều kiện xã hội - lịch sử đối với nhân cách ở hai phạm vi chủ yếu, đó là môi trường xã hội rộng lớn và môi trường gần gũi.

Nhân cách người giảng viên KHXH&NV được hình thành và phát triển trong tập thể mà người đó sống, học tập, rèn luyện và công tác. Đây là môi trường gần gũi hằng ngày, hằng giờ, tác động đến sự phát triển nhân cách người giảng viên. Do đó, tập thể khoa giảng viên có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển, hoàn thiện nhân cách người giảng viên.

Bốn là, động viên giảng viên KHXH&NV tích cực tự giáo dục, rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách của mình

Nhân cách người giảng viên không chỉ được hình thành và phát triển thông qua con đường tổ chức giáo dục, đào tạo mà còn được hình thành bằng con đường tự giáo dục, tự rèn luyện để phát triển, hoàn thiện nhân cách của mình. Người giảng viên là chủ thể tích cực trong hoạt động thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, đồng thời còn là chủ thể chủ động lĩnh hội các kiến thức, kinh nghiệm mọi mặt, rèn luyện các phẩm chất nhân cách đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của mình. Do đó, người giảng viên phải thông qua quá trình đào tạo và hoạt động thực tiễn để biến quá trình đó thành quá trình tự giáo dục, tự hoàn thiện nhân cách của mình. Trong điều kiện ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội làm cho kiến thức của nhân loại tăng lên nhanh chóng, đòi hỏi người giảng viên phải luôn bổ sung hiểu biết cho mình, tích cực học tập, tu dưỡng, hoàn thiện mình mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chức trách được giao.

Giảng viên KHXH&NV ở HVLQ là một lực lượng cùng với đội ngũ giảng viên các khoa trong toàn Học viện trực tiếp góp phần quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của Quân đội nhân dân Việt Nam. Do vậy, quan tâm đến quá trình phát triển, hoàn thiện nhân cách người giảng viên KHXH&NV ở HVLQ là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết./.

NQT

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG - ST, H-2016.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG - ST, H-2021.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia H-2011, tập 5, 10.

4. Leonchiev, Hoạt động - ý thức - nhân cách, Nxb Giáo dục, H-1989.

5. Phạm Minh Hạc, Giáo dục nhân cách, đào tạo nhân lực, Nxb Chính trị quốc gia, H-1997.

6. Tổng cục Chính trị, Tâm lý học quân sự, Nxb QĐND, H-1998.

7. Tổng cục Chính trị, Tâm lý lãnh đạo - quản lý bộ đội, Nxb QDND, H-2002, 2017.

8. Tổng cục Chính trị, Tâm lý quản lý bộ đội, Nxb QĐND, H-2019.

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 252 – 253.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2011, tập 10, tr. 245 – 346.


Tác giả: CTD. Nguyễn Quang Trung
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?