Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.679
Tháng 04 : 58.325
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam – phương châm huấn luyện xuyên suốt quá trình giáo dục, đào tạo 73 năm qua ở Học viện Lục quân

Học viện Lục quân là trung tâm giáo dục – đào tạo lớn của Quân đội ta, lịch sử Học viện đã gắn liền với sự hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Với chức năng nhiệm vụ là đào tạo cán bộ Chỉ huy – tham mưu trung cao cấp, đào tạo sau đại học cho toàn quân và các nước bạn Lào, Căm-pu-chia, trong 73 năm qua (07/7/1946 – 07/7/2019), Học viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó nội dung cốt lõi, chủ yếu là huấn luyện Nghệ thuật quân sự. Quá trình huấn luyện đã phát huy cao độ truyền thống Nghệ thuật quân sự Việt Nam, từng bước phát triển phù hợp với điều kiện tác chiến mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong đó nổi bật nhất là lịch sử chống giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Những chiến công vang dội từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung đến thời đại Hồ Chí Minh với những Bạch Đằng, Xương Giang, Đống Đa, Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và đỉnh cao là Đại thắng Mùa xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, non sông thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là kết quả của sự vận dụng và phát triển Nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam.

Từ ngày dựng nước đến nay, dân tộc ta đã trải qua hàng chục cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hàng trăm cuộc khởi nghĩa vũ trang và phần lớn đều giành chiến thắng. Để giành được thắng lợi đó, ngoài tinh thần yêu nước, truyền thống cố kết dân tộc, chúng ta còn có một nền nghệ thuật quân sự tài tình, độc đáo và sáng tạo. Nét nổi bật của nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam đó là nghệ thuật quân sự của “Toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt”; nêu cao tư tưởng “Chủ động, tích cực tiến công”; “Lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều” về chiến lược. Đồng thời, biết tập trung lực lượng nhiều hơn địch một cách hợp lý để đánh thắng địch trong các chiến dịch và các trận chiến đấu. Chúng ta chủ động lựa chọn đối tượng, mục tiêu tác chiến, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, không cho địch phát huy sở trường, hạn chế sức mạnh của chúng. Mặt khác, chúng ta luôn dựa chắc vào nền tảng ưu thế tuyệt đối về chính trị, tinh thần của chiến tranh chính nghĩa, đánh địch bằng thế trận chiến tranh nhân dân, dựa chắc vào dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng toàn dân đánh giặc. Nghệ thuật quân sự Việt Nam là nghệ thuật quân sự của một dân tộc nhỏ thường xuyên chống lại chiến tranh xâm lược của những nước lớn, nên phải dùng mưu, kế, thế, thời, “Lấy đoản binh chế trường trận”, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông. Hiện nay, nghệ thuật quân sự truyền thống đó vẫn được chúng ta kế thừa, phát huy, phát triển lên tầm cao hơn, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trải qua 73 năm, Học viện Lục quân luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng là “Quá trình huấn luyện là quá trình truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu và truyền thống tốt đẹp của quân đội, dân tộc cho người học”. Với phương châm huấn luyện là “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”; “Huấn luyện kết hợp với giáo dục, học tập đi đôi với rèn luyện, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn với chiến trường và đơn vị”, Học viện đã đề ra những chủ trương sát thực như: “Học những gì chiến trường cần thiết, bám sát và phục vụ cho chiến trường, vận dụng những kinh nghiệm đánh giặc của dân tộc, nội dung sát thực”, “Gắn nhà trường với đơn vị, lý thuyết với thực hành, chú trọng chất lượng và hiệu quả thực tế, gắn huấn luyện với nghiên cứu khoa học”. Do vậy, mọi cán bộ, giảng viên trong Học viện luôn bám sát tình hình nhiệm vụ của cách mạng, của Quân đội trong các giai đoạn lịch sử để thể hiện trong từng bài giảng, bài tập, từng công trình nghiên cứu, nhất là luôn coi trọng giáo dục và “Phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam”, coi đây là phương châm huấn luyện xuyên suốt quá trình giáo dục, đào tạo.

Việc giáo dục và phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong các nhà trường quân đội nói chung, Học viện Lục quân nói riêng giúp cho học viên có một tư duy sáng tạo và nhãn quan quân sự sâu rộng, có phẩm chất, năng lực tốt, nắm được kinh nghiệm và bài học lịch sử để hiểu rõ những vấn đề lý luận quân sự hiện đại, là yêu cầu không thể thiếu được, là nền tảng tri thức của mọi sĩ quan trong thực hiện nhiệm vụ. Nó còn nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản của truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam để nâng cao tri thức quân sự, niềm tin chiến thắng, niềm tự hào dân tộc, biết vận dụng vào học tập, nghiên cứu tại Học viện và công tác sau khi ra trường.

Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, các cơ quan, khoa giảng viên và các hệ học viên nhận thức đúng về vị trí, vai trò của việc phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam, đã và đang tiến hành tốt những nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Một là: Luôn nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Việc giáo dục, phát huy nghệ thuật quân sự truyền thống nhằm trang bị những kiến thức cơ sở ban đầu cho người học để có vốn liếng và hành trang tiếp thu kiến thức mới vận dụng trong các hình thức chiến thuật, loại hình chiến dịch và các môn học khác, góp phần bồi dưỡng tri thức quân sự, nâng cao năng lực trí tuệ, hiểu biết sâu sắc các qui luật thuộc các lĩnh vực hoạt động quân sự. Tri thức quân sự thông qua truyền thụ những kinh nghiệm thực tiễn - một cơ sở rất quan trọng để phát triển lý luận quân sự hiện đại - là phương tiện nhận thức hiệu quả nhất góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ khi ra trường thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, các học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Lục quân có cơ sở để nghiên cứu, giảng dạy, đề xuất những phát triển mới trong lĩnh vực nghệ thuật quân sự.

Hai là: Luôn đổi mới nội dung, chương trình, hình thức và phương pháp giảng dạy gắn chặt với phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam; chỉ đạo, định hướng công tác nghiên cứu biên soạn các công trình tổng kết lịch sử, kinh nghiệm chiến đấu.

Trong giáo dục, đào tạo, Học viện luôn đổi mới nội dung, chương trình, hình thức và phương pháp giảng dạy gắn chặt với giáo dục phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam và luôn chỉ đạo định hướng công tác nghiên cứu biên soạn các công trình tổng kết, kinh nghiệm chiến đấu như là một công việc thường xuyên, một nhiệm vụ chủ yếu.

Trên cơ sở chương trình do Bộ Quốc phòng ban hành, các khoa chuyên ngành cùng với Phòng Đào tạo đã nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung những nội dung theo cấp độ nâng cao, phù hợp với từng đối tượng, trên cơ sở lồng ghép việc giáo dục truyền thống vào các môn học cụ thể như giới thiệu chiến lệ trước khi học các hình thức chiến thuật, loại hình chiến dịch. Riêng bộ môn Lịch sử nghệ thuật quân sự (trước đây gọi là Chiến sử - Lịch sử chiến tranh) thuộc khoa Chiến dịch vẫn luôn được duy trì và quan tâm xây dựng thành một bộ môn quan trọng trong tổ chức của Học viện, nội dung chương trình luôn được quan tâm đổi mới, được tăng thêm thời gian phù hợp với từng đối tượng học viên. Hiện nay, môn học này là môn học bắt buộc của các đối tượng học viên cả trong nước và quốc tế, cả đào tạo chỉ huy - tham mưu và đào tạo sau đại học. Các môn học khác của các khoa cũng đều có nội dung lồng ghép nghệ thuật quân sự truyền thống vào trong bài giảng, bài tập.

Về chỉ đạo định hướng công tác nghiên cứu biên soạn, Ban Giám đốc Học viện, các ngành chức năng nhất là phòng Khoa học quân sự, phòng Thông tin khoa học quân sự luôn chỉ đạo, tham mưu định hướng công tác nghiên cứu biên soạn các công trình tổng kết lịch sử, kinh nghiệm chiến đấu trong kế hoạch hàng năm nên việc nghiên cứu biên soạn được tiến hành rất tích cực. Nhiều công trình tổng kết lịch sử, sách tổng kết kinh nghiệm chiến đấu đã được biên soạn công phu, chất lượng cao, thực sự là nguồn tài liệu quan trọng cho cán bộ, giảng viên, học viên nghiên cứu, chọn lọc vận dụng vào quá trình học tập, đưa vào các bài giảng, các công trình nghiên cứu, trong luận văn luận án, cũng như là tài liệu quí trong các tủ sách, thư viện trong toàn quân.

Ba là: Trong giảng dạy luôn gắn chặt huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm truyền thống; trong nghiên cứu khoa học luôn coi nghệ thuật quân sự truyền thống là cơ sở quan trọng nhất của các công trình khoa học.

Nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giảng dạy là một vấn đề lớn và là yêu cầu cấp thiết trong các nhà trường quân đội. Để giáo dục và phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong giáo dục, đào tạo tại Học viên Lục quân, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử các khoa chuyên ngành đã luôn chú trọng vấn đề này. Tất cả các bài giảng, bài tập đều có sự lồng ghép bài học lịch sử, kinh nghiệm chiến đấu của Quân đội, dân tộc ta vào những nội dung cụ thể, luôn có những ví dụ trong các cuộc chiến tranh trước đây như là những minh chứng cho những vấn đề lý luận mới mà giảng viên trình bày, việc gắn chặt huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm truyền thống là phương châm xuyên suốt trong dạy và học tại Học viện. Việc lồng ghép truyền thống nghệ thuật quân sự với truyền đạt kiến thức mới luôn được Ban Giám đốc chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ, được các khoa giảng viên vận dụng linh hoạt và phù hợp.

Những đề xuất mới của các công trình khoa học, luận văn, luận án của học viên đều trên cơ sở khảo cứu kinh nghiệm thực tiễn, đều lấy những kinh nghiệm thực tiễn của các cuộc chiến tranh trước đây làm minh chứng và làm cơ sở cho những đề xuất trong tương lai. Tuy những kinh nghiệm, những bài học truyền thống nghệ thuật quân sự trong các cuộc chiến tranh trước đây có nội dung không còn phù hợp với đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử nhưng nó luôn là cơ sở thực tiễn quan trọng cho những đề xuất mới. Việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện vấn đề này tại Học viện Lục quân là xuyên suốt, nhờ vậy các công trình nghiên cứu, luận văn, luận án có chất lượng cao, luôn được đánh giá tốt, có giá trị thực tiễn, tính khả thi cao.

Bốn là: Tích cực mời những tướng lĩnh, nhà chỉ huy giỏi, những nhân chứng lịch sử nói chuyện, truyền thụ những kinh nghiệm chiến tranh cho các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên trong Học viện.

Những quy luật, bài học kinh nghiệm được rút ra qua các cuộc chiến tranh đã để lại cho chúng ta ngày nay tài sản vô giá có thể kế thừa, phát huy, phát triển cho phù hợp với điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, trong điều kiện hòa bình, nhiều sĩ quan chưa trải qua chiến tranh, kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu chưa nhiều, bởi vậy việc truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, giáo dục truyền thống nghệ thuật quân sự cho mọi sĩ quan là một việc làm cấp thiết cả trước mắt và lâu dài. Giáo dục truyền thống nghệ thuật quân sự của dân tộc, của Quân đội ta cho thế hệ trẻ không phải vì hoài cổ, nuối tiếc với những gì đã qua mà chính là “Ôn cổ, tri tân”, lấy xưa phục vụ nay và như Lê-nin nói: “Nghiên cứu lịch sử không phải tìm ra những mẫu mực sẵn có trong quá khứ, cho các hoạt động thực tiễn của mình mà để có một tư duy sáng tạo - phẩm chất không thể thiếu của người chỉ huy quân sự”, đó là việc làm thường xuyên không chỉ ở nhà trường mà cả ở các đơn vị.

Nội dung này đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện qua các thời kỳ, các phòng chức năng, các khoa chuyên ngành, nhất là phòng Thông tin khoa học quân sự chú trọng và tổ chức thực hiện rất tích cực. Hàng năm Học viện đã mời nhiều tướng lĩnh, nhà chỉ huy giỏi, những người trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường có nhiều kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu về Học viện nói chuyện, truyền đạt kinh nghiệm chiến đấu cho cán bộ, giảng viên, học viên. Những buổi nói chuyện, truyền đạt kinh nghiệm chiến đấu là rất thiết thực, bổ ích, những bài học được rút ra đã được cán bộ, giảng viên, học viên tiếp thu và nghiên cứu, vận dụng vào từng bài giảng, bài tập, từng công trình nghiên cứu khoa học, được phát triển phù hợp với điều kiện mới về địch, ta trong từng giai đoạn lịch sử. Những bài học thực tiễn, người thật, việc thật là trực quan sinh động nhất, giúp cho các thế hệ học viên không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn coi những tướng lĩnh, những nhà chỉ huy giỏi như là những tấm gương để tiếp tục phấn đấu, học tập theo những người đi trước. Hiện nay và tương lai vấn đề này cần được tiếp tục phát huy nhiều hơn nữa.

Năm là: Tích cực tổ chức thực tập, nghiên cứu thực tế cho cán bộ, giảng viên và học viên

Để rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn, nhà trường và đơn vị, chiến trường, Học viện đã tổ chức cho các lớp học viên Đào tạo ngắn đi nghiên cứu, tham quan thực tế ở các đơn vị trong toàn quân để nghiên cứu địa hình, nghiên cứu địa bàn diễn ra các trận đánh, chiến dịch trong chiến tranh giải phóng trước đây, tham quan vũ khí trang bị mới của các quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân, học tập kinh nghiệm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), huyện (quận)…Tổ chức đi thực tập trên các cương vị theo chức danh đào tạo ở các đơn vị cấp trung, sư đoàn trong toàn quân cho học viên các lớp Đào tạo dài hạn nhằm giúp học viên làm quen với cương vị lãnh đạo, chỉ huy được đào tạo, học tập kinh nghiệm của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở các đơn vị, nghiên cứu vận dụng nội dung đã học vào thực tiễn ở đơn vị…Đó là những nội dung học tập quý, những bài học sinh động nhất giúp người học hệ thống kiến thức đã học, tổng hợp, tiếp thu kiến thức thực tiến bổ sung vào quá trình học tập và công tác.

Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên, Học viện đã thường xuyên tổ chức các đoàn tham quan, nghiên cứu thực tế (thường bố trí vào dịp nghỉ hè); cử cán bộ đi thực tế, luân chuyển cán bộ về các đơn vị trong toàn quân để nghiên cứu địa hình trên mọi miền Tổ quốc, học tập, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy của các học viện, nhà trường, kinh nghiệm huấn luyện, quản lý chỉ huy bộ đội của các đơn vị…để bổ sung vào nội dung, chương trình và phương pháp huấn luyện nghệ thuật quân sự để bài giảng được phong phú hơn, mang tính khả thi hơn. Vì vậy, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Sáu là: Làm tốt công tác phục vụ, bảo đảm cho huấn luyện

Để quá trình “Dạy” và quá trình “Học” được tiến hành đồng bộ, đạt hiệu quả cao trong “Dạy học” các môn học nói chung, việc phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam nói riêng phải được sự phục vụ bảo đảm chu đáo và đồng bộ. Học viện Lục quân thường xuyên được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương về công tác bảo đảm. Công tác bảo đảm cho huấn luyện gồm nhiều nội dung, trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, nhưng nội dung bảo đảm thiết thực nhất cho nghiên cứu nghệ thuật quân sự phải nói đến công tác bảo đảm về giảng đường, phòng học, phương tiện dạy học, thao trường, bãi tập… Những năm gần đây, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã chỉ đạo sát việc bảo đảm cho huấn luyện, nghiên cứu khoa học như: xây dựng, cải tạo các giảng đường, phòng học, nhất là các giảng đường chuyên dùng cho các khoa. Hệ thống phương tiện dạy học hiện đại như: sa bàn điện tử, máy tính, máy chiếu, bảng điện tử thông minh, mạng Mis-ten, hệ thống tự động hóa chỉ huy trong sở chỉ huy diễn tập, hệ thống điều hành huấn luyện… đã góp phần rất lớn trong việc biến quá trình “đào tạo” của Học viện thành quá trình “tự đào tạo” của học viên, nhất là góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả nghiên cứu  và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai, không gian chiến tranh, môi trường tác chiến, vũ khí trang bị có nhiều phát triển, đối tượng tác chiến sẽ có nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, đòi hỏi Nghệ thuật quân sự Việt Nam phải phát triển lên một tầm cao mới. Quy luật của chiến tranh là “Mạnh được, yếu thua”, dân tộc và Quân đội ta thắng giặc bằng sức mạnh tổng hợp, trong đó nghệ thuật quân sự là nội dung cốt lõi. Việc giáo dục và phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam ở Học viện Lục quân hơn 7 thập kỷ qua luôn là phương châm xuyên suốt quá trình giáo dục, đào tạo, là bài học kinh nghiệm quí, là truyền thống vẻ vang của “Học viện Lục quân anh hùng”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

N.T.S


Tác giả: KCD. Nguyễn Trọng Sỹ
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?