Đột phá từ xây dựng đội ngũ nhà giáo “vừa hồng, vừa chuyên”
Là trung tâm giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) cán bộ trung, cao cấp và nghiên cứu khoa học (NCKH) quân sự lớn, có uy tín của Quân đội ta, những năm qua, Học viện Lục quân đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, bảo đảm “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Xác định đội ngũ nhà giáo là “hạt nhân”, đóng vai trò then chốt, quyết định chất lượng GD-ĐT, thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Lục quân và các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là “Đề án xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo” của Bộ Quốc phòng.
Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực chuyên môn, phương pháp, tác phong khoa học cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện thông qua thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy, lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, luân chuyển thực tế, theo phương châm “nhà trường gắn liền với đơn vị”; đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng thi, xét giảng viên giỏi các cấp.
Một buổi học chiến thuật tại Học viện Lục quân. Ảnh: TIẾN LINH
Học viện đề ra mục tiêu đến năm 2030, có trên 95% giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn, 80% qua cương vị chỉ huy, quản lý đơn vị theo quy định; từ 20 đến 30% cán bộ, giảng viên đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; trên 90% giảng viên có trình độ sau đại học (trong đó, trên 30% trình độ tiến sĩ); trên 50% cán bộ quản lý giáo dục có trình độ sau đại học; mỗi năm, có từ 3 cán bộ, giảng viên trở lên được công nhận chức danh phó giáo sư, phấn đấu có giáo sư và nhà giáo ưu tú.
Học viện quan tâm bồi dưỡng kiến thức toàn diện, chuyên sâu, năng lực sư phạm tốt; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức tổng hợp với nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, chuyển đổi số cho đội ngũ giảng viên. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các khoa giảng viên, trực tiếp là bộ môn trong bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Mỗi nhà giáo phải luôn tích cực, chủ động tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, uy tín, năng lực, kỹ năng, phương pháp sư phạm, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và NCKH, là tấm gương sáng để học viên học tập và noi theo.
Đối với cán bộ quản lý giáo dục, Học viện tập trung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý cơ quan, đơn vị và tham mưu, đề xuất, phối hợp tổ chức, điều hành quá trình giáo dục-đào tạo và NCKH; kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan với các khoa giảng viên và hệ quản lý học viên trong duy trì thực hiện nghiêm các quy chế, quy định. Tích cực nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, hình thức, phương pháp dạy-học và thi, kiểm tra, đánh giá kết quả. Bồi dưỡng nội dung, biện pháp, kinh nghiệm tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị, kết hợp với huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật ở các cơ quan, đơn vị.
Một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên là Học viện thực hiện tốt công tác quy hoạch, bình xét, đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, giảng viên. Cấp ủy, chỉ huy các cấp rà soát, bình xét, đánh giá chặt chẽ, thực chất đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, làm cơ sở để xây dựng, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, nhất là cán bộ chủ trì, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, cán bộ, giảng viên nòng cốt có học hàm, học vị cao. Quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm giảng viên và cán bộ quản lý trẻ có phẩm chất tốt, năng lực giỏi.
Công tác quy hoạch cán bộ bảo đảm đồng bộ, có cơ cấu, độ tuổi hợp lý, có lớp đương nhiệm, lớp kế cận, kế tiếp, tính kế thừa, liên tục, vững chắc. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; có chính sách khuyến khích, đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên. Học viện tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu xây dựng Học viện thông minh, hiện đại, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong các hoạt động. Kịp thời tôn vinh các tập thể, cá nhân giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong giảng dạy, NCKH, quản lý giáo dục, xây dựng đơn vị.
Với những giải pháp đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả, những năm gần đây, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Học viện không ngừng được nâng lên. 100% giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của Học viện có trình độ đại học trở lên; trong đó, 3,58% phó giáo sư, 16,1% tiến sĩ; 48,37% thạc sĩ, chuyên khoa I. Từ năm 2020 đến nay, có 143 giảng viên được công nhận "Nhà giáo giỏi" cấp học viện; 20 giảng viên được công nhận "Nhà giáo giỏi" cấp Bộ Quốc phòng.
Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Học viện luôn tâm huyết, trách nhiệm cao, tích cực đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Nhiều cán bộ, giảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các cấp khen thưởng. Đây là cơ sở, động lực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT và NCKH, xây dựng Học viện Lục quân thông minh, hiện đại trong thời kỳ mới, không ngừng tô thắm truyền thống tốt đẹp của đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân: “Kiên định vững vàng, đoàn kết nhất trí, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”./.
Trung tướng, TS ĐỖ MINH XƯƠNG, Giám đốc HVLQ