Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.488
Tháng 04 : 67.688
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiện trạng và giám sát việc thực hiện các Hiệp định Quốc tế về vũ khí Hóa học

Vũ khí Hóa học là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt dễ chế tạo. Một trong những thành phần cơ bản của vũ khí Hóa học là các hợp chất hữu cơ chứa phốt pho (phosphorus). Mặc dù đã có những tài liệu quốc tế được biên soạn nhằm đấu tranh chống phổ biến vũ khí Hóa học nhưng vẫn hiện hữu nguy cơ sử dụng vũ khí Hóa học trong các cuộc xung đột quân sự và khủng bố, cũng như nguy cơ đầu độc bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa phốt pho.

Trong các cuộc chiến tranh, xung đột từ xa xưa, con người đã biết sử dụng các loại vũ khí Hóa học như tên tẩm thuốc độc của thổ dân da đỏ dùng tiêu diệt ác thú, đánh giặc ngoại xâm hay sử dụng chất độc bỏ vào giếng nước ăn tiêu diệt sinh lực đối phương. Trước Công nguyên, người Ấn Độ đã biết dùng khói hơi ngạt để hạ đối phương. Tuy nhiên, vũ khí Hóa học được phổ biến nhất từ thế kỷ XX khi lần đầu tiên được quân Đức sử dụng 22/4/1915 để chống quân Anh - Pháp. Vũ khí Hóa học trong chiến tranh hiện đại là một loại vũ khí hủy diệt lớn dựa trên độc tính cao và tác động nhanh của chất độc quân sự. Thành phần chính gồm: Chất độc quân sự và các phương tiện sử dụng chúng (gồm: đạn dược Hóa học và phương tiện đưa chúng tới mục tiêu; thiết bị phun, rải chất độc). Vũ khí Hóa học có phạm vi tác động lớn cả về tính chất, mức độ sát thương lẫn không gian, thời gian tác động (gây nhiễm từ vài phút tới vài ngày hoặc tuần); hiệu quả sát thương cao, khó phát hiện kịp thời, gây khó khăn phức tạp cho việc phòng chống và khắc phục hậu quả; gây thiệt hại lớn cho môi trường sinh thái và hậu quả xấu cho các thế hệ sau.

Sự kiện ngày 22/4/1915, Quân đội Đức sử dụng khí Clo trên sông Ypres chống quân Pháp đánh dấu sự khởi đầu kỷ nguyên của vũ khí hủy diệt hàng loạt. Những năm 1935-1936, Italia vẫn dùng vũ khí Hóa học trong chiến tranh chống Ethiopia; trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ sử dụng rộng rãi vũ khí Hóa học như: Chất độc da cam, CS, SARIN,... gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài. Trong thế giới đương đại, vũ khí sinh học và vũ khí hạt nhân cũng được liệt vào hàng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, khác với vũ khí sinh học và hạt nhân, sự đơn giản trong điều chế sản xuất khiến cho vũ khí Hóa học trở lên dễ tiếp cận hơn, điều này tạo điều kiện sử dụng cho các tổ chức vũ trang bất hợp pháp và khủng bố. Những nước chính thức thừa nhận sở hữu vũ khí Hóa học gồm: Albania, Lybia, Iraq, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Triều Tiên và Syria.

Vũ khí Hóa học (gồm loại 1, 2 và 3, phân loại theo mức độ tác động đến cơ thể con người) khi sử dụng trong chiến đấu được chia thành 2 nhóm. Thuộc về nhóm 1 là những loại không sát thương, tức là chỉ lâm thời làm mất sức chiến đấu của đối phương. Các chất hướng thần lâm thời tác động vào hệ thần kinh trung ương, gây ra những cơn hoảng loạn và sợ hãi, ảo giác, cũng như mù và điếc tạm thời. Các chất dạng kích thích tác động vào niêm mạc mắt, đường hô hấp trên gây chảy nước mắt, đau buốt trong miệng, khó thở, ho mạnh. Nhóm thứ 2 là những chất độc gây chết người, dùng để tiêu diệt sinh lực của đối phương. Liệt vào hàng những chất này gồm các chất độc thần kinh, cũng như các chất gây nở loét, ung nhọt trên da và ngạt thở. Phần lớn những chất độc thần kinh là những hợp chất hữu cơ chứa phốt pho. Khi thâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp, da hoặc ống tiêu hóa (dạ dày, ruột) cùng với thức ăn và nước, chất độc gây ra chứng tiết nước bọt quá nhiều, thu hẹp đồng tử mắt, khó thở, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, co giật và liệt.

Trường hợp được sử dụng dưới dạng bay hơi hoặc xon khí, vũ khí Hóa học gây nở loét, ung nhọt trên da thâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da hoặc đường hô hấp. Những dấu hiệu ngộ độc chủ yếu là da ửng đỏ, ngứa, những vết nở loét to, nhỏ khó liền. Nếu bị trúng độc bởi các chất gây ngạt, sẽ dẫn đến phù phổi. Trong số những chất độc được sử dụng làm vũ khí hóa học, các chất gây tê liệt thần kinh chiếm vị trí đặc biệt. Những chất này có tính ổn định Hóa học rất cao và độc tính cực mạnh. Liều lượng gây chết người của các chất đó chỉ là vài microgam/1kg trọng lượng cơ thể.

Năm 1930 có thể coi là năm ra đời chất độc chứa phốt pho hữu cơ dùng trong chiến đấu, khi đó người ta đã tổng hợp được một loạt thuốc trừ sâu có chứa chất độc phốt pho hữu cơ. Năm 1936 tại Đức, tiến sĩ Gerhard Schrader lần đầu tiên đã tổng hợp được chất Hóa học mà sau đó người ta gọi là chất “Tabun” với mục đích là thuốc trừ địch hại, tuy nhiên sau đó người ta đã phát hiện độc tính mạnh của chất này đối với con người, đây là hợp chất đầu tiên thuộc chất độc thần kinh nhóm “G”. Theo luật pháp của Đức, cần phải thông báo về những hợp chất mới phát minh có thể sử dụng vào mục đích quân sự. Quân đội Đức đã nhanh chóng biết đến độc tính của “Tabun. Tiến sĩ Gerhard Schrader và các cộng sự tiếp tục thực hiện những nghiên cứu của mình và sau đó họ phát hiện thêm một chất độc nữa, được đặt tên là chất độc SARIN để ghi nhớ công lao của những người đã tạo ra chất này, gồm: Schrader, Ambros, Ritter Ruediger et Van der Linde; ghép những chữ cái đầu thành SARIN. Một nhà Hóa học khác người Anh là Ranajit Ghosh cũng tìm kiếm những chất Hóa học diệt địch hại mới. Đầu thập niên 50 thế kỷ XX, ông đã thành công trong việc tổng hợp một loạt chất với độc tính được thừa nhận là quá đủ để sử dụng làm thuốc trừ sâu. Những chất này hiện nay mọi người đều biết với công dụng là chất độc thần kinh - tác nhân nhóm “V”, có độc tính mạnh hơn các tác nhân nhóm “G”.

Độc tính mạnh của những chất này ngay lập tức thu hút sự chú ý của các nhà quân sự. Mặc dù những chất độc hữu cơ chứa phốt pho như tabun, sarin hay zoman chưa từng được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Thế giới thứ II nhưng số lượng lớn các chất này đến nay vẫn nằm trong kho quân sự của nhiều nước. Khả năng tiếp cận những chất độc hữu cơ chứa phốt pho với tư cách là thuốc trừ sâu ở các nước có nền kinh tế nông nghiệp đang phát triển dẫn đến nhiều vụ ngộ độc và cả những vụ chất độc xâm nhập cơ thể gây tử vong. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, tình trạng ngộ độc các chất hữu cơ chứa phốt pho dẫn đến tử vong hàng năm cướp đi sinh mạng của 300.000 người. Hiện nay đã có những nỗ lực của cộng đồng thế giới nhằm giảm bớt việc sử dụng các hợp chất hữu cơ chứa phốt pho để làm thuốc trừ sâu, tuy vậy người ta vẫn không ngừng sử dụng những loại thuốc diệt cỏ chứa phốt pho thế hệ mới, đơn cử như chất Glyphosat, một loại kháng sinh không tác động lên phần lớn thực vật biến đổi gen dẫn đến những vụ ngộ độc trong đời sống hàng ngày. Ví dụ như ở Israel đã ghi nhận một vụ ngộ độc thuốc trừ sâu chứa phốt pho khi sử dụng quả nho không được rửa trước khi ăn.

Tất cả các chất độc hữu cơ chứa phốt pho đều có khả năng tích tụ trong cơ thể suốt một thời gian dài và khi đạt đến nồng độ cao chúng có thể gây ra ngộ độc trầm trọng, thậm chí chết người. Tính ổn định tương đối cao của một số chất độc hữu cơ chứa phốt pho, đơn cử như các tác nhân thần kinh thuộc nhóm “V”, cho phép người ta sử dụng chúng trong chiến đấu để gây ô nhiễm khu vực địa hình, sau khi bị phun rải chất này ở nơi đó sẽ không tồn tại sự sống của người và động vật. Do các chất độc thuộc nhóm “V” bị phân hủy chậm dưới tác động của nước và độ ẩm, tình trạng ô nhiễm các nguồn nước sông hồ sẽ kéo dài trong nhiều tháng.

Khía cạnh sinh thái của vấn đề cũng nảy sinh do tồn tại một số lượng lớn vũ khí Hóa học chưa bị tiêu hủy từ thời Chiến tranh Thế giới thứ II. Có thể nêu ví dụ là số vũ khí Hóa học do đội quân Quan Đông của Nhật bỏ lại sau khi bị tiêu diệt trong cuộc Chiến tranh Xô-Nhật (tháng 8-9/1945). Theo một số thông tin, nhiều loại đạn chứa chất độc được chôn cất dưới lòng sông của Viễn Đông, những sông đó một phần chảy trên lãnh thổ Nga. Vấn đề đáng lo ngại là việc tìm kiếm và tiêu hủy chúng có thể bị kéo dài nhiều thập niên.

Trải qua nhiều thế kỷ, đã xuất hiện những tài liệu chính thức đầu tiên ngăn cấm việc sử dụng vũ khí hóa học. Năm 1899, theo sáng kiến của Hoàng đế nước Nga - Nikolai Đệ nhị, Hội nghị quốc tế La Hay lần thứ Nhất đã được tổ chức với sự tham gia của 27 quốc gia Châu Âu và Châu Á. Kết quả của hội nghị là: Một số công ước và tuyên bố quốc tế về luật lệ và tập quán chiến tranh được đưa vào bộ các tiêu chuẩn luật nhân đạo quốc tế. Vào năm 1925, Nghị định thư Giơnevơ cấm sử dụng chất gây ngạt, chất độc hoặc các loại khí độc hại hoặc sử dụng vũ khí vi trùng trong chiến tranh. Hiện nay, văn kiện quốc tế chủ yếu trong cuộc đấu tranh nhằm ngăn ngừa phổ biến vũ khí Hóa học là “Công ước về cấm nghiên cứu, sản xuất, tích trữ và sử dụng vũ khí Hóa học và về tiêu hủy vũ khí hóa học” (gọi tắt là CWC) được Tổng thư ký Liên Hợp quốc đưa ra ngày 13/01/1993 tại Paris (Pháp), 127 nước (trong đó có Việt Nam) đã kí và có hiệu lực từ 29/4/1997; gồm 24 điều cấm sử dụng, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển vũ khí Hóa học và quy định các nước phải tiêu hủy vũ khí Hóa học hiện có trong thời hạn 10-15 năm.

Căn cứ vào Nghị quyết số 1540 năm 2004, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã thành lập Ủy ban 1540 về ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học, cũng như các phương tiện mang. Ý tưởng chủ đạo trong Nghị quyết là áp đặt cho mọi quốc gia trách nhiệm phải xây dựng và thông qua văn bản pháp lý về ngăn ngừa tình trạng phổ biến tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (hạt nhân, hóa học, sinh học) cũng như phương tiện mang chúng. Một điểm bổ sung được đề cập trong Nghị quyết là xác lập sự kiểm soát thích đáng của quốc gia nhằm ngăn ngừa tình trạng vận chuyển bất hợp pháp những loại vật liệu có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Năm 2006 và 2008, Nghị quyết lần lượt được gia hạn thêm 2 năm, sau đó là 3 năm, cho đến ngày 20/4/2011 đã thông qua quyết định kéo dài thời hiệu của Nghị quyết thêm 10 năm nữa, tức là đến năm 2021.

Tháng 11/2016 diễn ra Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước về ngăn cấm vũ khí Hóa học tại La Hay (Hà Lan). Hội nghị ra tuyên bố lên án mọi hình thức sử dụng vũ khí Hóa học bất kể là ai, bất kỳ ở đâu. Hội nghị cũng được Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế ủng hộ. Hiện nay đã có 192 nước là thành viên Công ước CWC. Tính đến thời điểm hiện tại, những nước chưa tham gia Công ước CWC gồm có: Israel, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Ai cập và Nam Sudan.

Trong khuôn khổ thực hiện Công ước CWC, Nga đã công bố ngày cuối cùng thực hiện chương trình giải giáp vũ khí Hóa học của mình là ngày 31/12/2015, Lybia là ngày 31/12/2016. Tháng 8/2017, Vụ trưởng Vụ liên bang về lưa trữ và tiêu hủy vũ khí Hóa học Nga, ông Valery Kapashin thông báo cho các phương tiện truyền thông Nga các tác nhân chiến tranh Hóa học Nga đã được tiêu hủy 99,7%. Công trình nhà máy cuối cùng, hiện đang còn hoạt động để tiêu hủy vũ khí Hóa học ở Liên bang Nga là “Kizner” thuộc Cộng hòa Udmurtia (khởi công năm 2013). Theo số liệu, tính đến tháng 7/2017 đã vô hiệu hóa được hơn 99,2% toàn bộ lượng dự trữ vũ khí Hóa học được bảo quản trong kho. Lybia cũng tuyên bố đã tiêu hủy số vũ khí Hóa học cuối cùng vào ngày 11/01/2018. Mỹ cam kết tiêu hủy xong lượng dự trữ vũ khí Hóa học của mình trong thời gian đến năm 2023, đến nay Mỹ hoàn thành tiêu hủy 89,5% lượng vũ khí Hóa học đã được công bố thuộc loại 2 và 3.

Ngày 23/6/2014, Syria đã tổ chức đưa ra khỏi lãnh thổ nước này toàn bộ những thành phần của vũ khí Hóa học và tiến hành tiêu hủy xong vào cuối năm 2015. Theo thỏa thuận, việc tiêu hủy vũ khí Hóa học của Syria do lực lượng Liên quân thực hiện, tham gia gồm có: Mỹ, Đức, Phần Lan, Vương quốc Anh và Bắc Ailen. Lực lượng quân sự Mỹ tiếp nhận vũ khí hóa học, chuyên chở đưa lên chiếc tàu chuyên dụng MV Cape Ray và thực hiện tiêu hủy ngoài biển theo một công nghệ không gây hậu quả nguy hiểm cho môi trường xung quanh. Công nghệ này được các kỹ sư quân sự Mỹ ở bang Maryland nghiên cứu đề xuất.

Mặc dù có 192 nước tham gia Công ước CWC, tuy vậy đến nay vẫn tồn tại nguy cơ sử dụng các tác nhân thần kinh và chất độc hữu cơ chứa phốt pho trong hoạt động quân sự và khủng bố như: Cuộc xung đột quân sự giữa Iraq và Iran, hành động xâm lược của Iraq chống người Cuốc, các vụ khủng bố của giáo phái Aum Shinrikyo tại các thành phố của Nhật Bản như Matsumoto và Tokyo lần lượt vào các năm 1994 và 1995. Thậm chí, các nước phát triển cũng không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí Hóa học trái với những thỏa thuận quốc tế hiện nay. Ví dụ như chính Thủ tướng Anh bà Margaret Thatcher đã thảo luận ý tưởng sử dụng vũ khí Hóa học để chống lại quân đội của Saddam Husein sau khi Quân đội Iraq tràn sang xâm lược Kuweit năm 1990. Có những tin tức nói về việc sử dụng vũ khí Hóa học trong cuộc xung đột hiện nay ở Syria. Người ta đưa tin về những vụ tiến công tại các tỉnh như Allepo (ngày 16/9/2016) và tỉnh Idlib (tháng 4/2017), tuy nhiên truyền thông Syria cho rằng tình báo Mỹ đang tìm cách thực hiện các chiến dịch tấn công Hóa học nhằm đổ tội Chính phủ nước này. Các nước như Nga, Trung Quốc đang đề xuất một nghị quyết về việc tăng cường kiểm soát vũ khí Hóa học ở Iraq và Syria để ngăn chặn nguy cơ chất độc Hóa học rơi vào tay thế lực khủng bố ở các nước này.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý, hàng loạt chất độc hữu cơ chứa phốt pho cho đến nay vẫn được phổ biến rộng rãi để làm thuốc trừ sâu. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, tại Srilanca số vụ trúng độc bởi chất hữu cơ có chứa phốt pho chiếm tới gần 70% những ca ngộ độc trong đời sống hàng ngày với hậu quả cuối cùng là gây tử vong, tại Trung Quốc tính từ năm 1998 đến năm 2000 tỷ lệ này là 68%, tại Ấn Độ con số đó là 30% theo ghi nhận vào năm 1999.

Với sự xuất hiện những chất hữu cơ chứa phốt pho mới, các nước đã tập trung nghiên cứu để đề ra những qui định về sản xuất, sử dụng và tiêu hủy, ngăn chặn hoặc làm giảm bớt ảnh hưởng của chất độc vào cơ thể. Phần lớn thông tin có được về những phương thức điều trị nhiễm độc chất hữu cơ chứa phốt pho hiện nay được lưu giữ dưới dạng có thể tiếp cận công khai và việc sử dụng những thông tin đó phải góp phần phát triển các công nghệ y học trong lĩnh vực này.

Trên thế giới hiện nay, việc giải quyết những nhiệm vụ liên quan đến vũ khí Hóa học phải được triển khai thực hiện theo nhiều hướng khác nhau. Các chuyên gia tập trung vào một số biện pháp nổi bật sau:

* Nghiên cứu đề ra những phương thức mới tiêu hủy vũ khí Hóa học phù hợp với những tiêu chuẩn về an ninh sinh thái, cũng như đảm bảo an toàn cho sức khỏe của lực lượng nhân viên tham gia thực thi nhiệm vụ này;

* Nghiên cứu những phương thức thăm dò có độ nhạy cao để phát hiện chính xác và kịp thời các chất độc dùng trong chiến đấu và trong đời sống hàng ngày;

* Nghiên cứu bào chế những dược phẩm có hiệu quả cao để dự phòng nhiễm độc các chất thuộc về vũ khí hóa học;

* Thường xuyên quan trắc theo dõi tình hình thực hiện các thỏa thuận quốc tế về tiêu hủy lượng dự trữ vũ khí Hóa học và theo dõi nguy cơ vũ khí Hóa học bị người ta đưa ra sử dụng.

Một hướng rất quan trọng là thông tin rộng rãi trong xã hội, tuy vậy nguyên tắc phải tuân thủ ở đây là đảm bảo mức độ chính xác trung thực của thông tin và đấu tranh không khoan nhượng với hiện tượng đầu cơ thông tin về chủ đề: nước này hay nước khác, tổ chức này hay tổ chức khác sử dụng vũ khí hóa học.

Đối với nhiều người, cuộc chiến tranh Hóa học do Mỹ xúc tiến ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Tại Hội thảo “Đánh giá tác hại chất độc da cam/dioxin được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội (8/2016), 100 nhà khoa học Việt Nam và quốc tế lần đầu tiên thống nhất rằng chỉ trong vòng 10 năm (1961-1971), Mỹ đã thực hiện 19.905 vụ phun, rải khoảng 80 triệu lít chất độc Hóa học với 61% trong đó là chất độc da cam xuống 26.000 thôn, bản Việt Nam với diện tích 3,06 triệu hec-ta. Trong đó, 86% số diện tích bị rải chất độc 2 lần và 11% bị rải đến 10 lần. Chất độc da cam không chỉ làm môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn. Nó còn làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân với biết bao nhiêu thảm cảnh mà nhiều thế hệ phải gánh chịu. Ngoài hàng trăm ngàn người đã bị thiệt mạng vì loại chất độc đáng sợ này, con cháu của họ cũng đang phải vật lộn với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo như bị liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng dị tật bẩm sinh,... Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Việt Nam vẫn còn khoảng 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba. Không chỉ người dân Việt Nam mà ngay cả những binh lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia,... tham chiến cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam. Theo nguyên Tư lệnh lực lượng Hải quân - Không quân Mỹ ở Việt Nam giai đoạn 1968-1970, ít nhất 2,6 triệu lính Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam, Hàn Quốc có 100.000 trong tổng số 300.000 lính từng tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó 20.000 người đã chết. Nước Mỹ sau chiến tranh còn phải đối mặt với “Hội chứng da cam” đeo đẳng toàn xã hội. Chính phủ Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các tổ chức nhân quyền đang vận động, đấu tranh để buộc Mỹ phải có trách nhiệm trước tội ác chống lại loài người đã gây ra trên mảnh đất này. Ngày 25/6/2004, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định lấy ngày 10/6 hàng năm là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, không chỉ tích cực tiêu hủy vũ khí Hóa học, mà còn triển khai thực hiện một cách hiệu quả, đồng bộ các nghiên cứu khoa học-kỹ thuật trong lĩnh vực chữa trị hậu quả nhiễm độc do vũ khí Hóa học gây ra, cũng như thực hiện đồng bộ các biện pháp quan trắc theo dõi nguy cơ người ta có thể sản xuất, sử dụng vũ khí Hóa học, sẽ đảm bảo an ninh, an toàn cộng đồng thế giới trong lĩnh vực bảo vệ tránh những hậu quả từ việc sử dụng vũ khí Hóa học. Đương nhiên, mang ý nghĩa không kém phần quan trọng là kiểm soát nghiêm ngặt việc chấp hành tất cả những công ước quốc tế đã được thông qua từ trước đến nay về không sử dụng và tiêu hủy vũ khí Hóa học./.

N.T.L


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?