• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 187
Tháng 04 : 54.975
Tháng trước : 65.721
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại thống nhất non sông đất nước

Trong lịch sử hiện đại Việt Nam, có một con đường không chỉ đơn thuần là tuyến vận tải quân sự mà đã trở thành biểu tượng của ý chí, lòng dũng cảm và tinh thần quật cường của cả dân tộc - đó chính là Đường Hồ Chí Minh. Con đường dài hàng nghìn km này không chỉ vận chuyển vũ khí, lương thực mà còn là tuyến liên lạc huyết mạch, tiếp sức cho tiền tuyến trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Cách đây tròn 66 năm, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương: “Mở con đường bí mật xuyên Trường Sơn để bảo đảm yêu cầu chi viện cho cách mạng miền Nam Việt Nam”. Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) làm nhiệm vụ mở đường giao thông quân sự vào miền Nam dọc theo dãy Trường Sơn, vận chuyển hàng quân sự, đưa đón cán bộ, bộ đội hành quân vào chiến trường.

Đường mòn Hồ Chí Minh có “cột mốc số 0” được đặt ở thị trấn Lát phía tây Nghệ An kéo đến đèo Mụ Giạ, chạy dọc tuyến Tây Trường Sơn sang đất Lào, xuống phía đông Cam-pu-chia rồi vào Việt Nam. Không có máy móc hiện đại, không vật tư dồi dào, nhưng Đường Hồ Chí Minh vẫn được mở rộng liên tục thành hệ thống đường bộ, đường thủy trên sông, đường ống xăng dầu và đường dây thông tin. Tất cả được vận hành trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và hứng chịu hàng nghìn trận không kích từ không quân Mỹ. Trong 16 năm từ khi mở đường đến năm 1975, đường Hồ Chí Minh đã vươn dài đến Lộc Ninh với chiều dài đường bộ gần 17.000 km, đường giao liên dài trên 3.000 km, đường ống dẫn xăng dầu dài gần 1.400 km, đường thủy trên sông Xê Băng Hiêng, Xê Công, Mê Công… để thả gạo, xăng dầu theo dòng chảy hoặc vận chuyển hai chiều bằng canô, thuyền gắn máy… Nhờ vậy, sức người, sức của đưa vào chiến trường miền Nam qua đường Hồ Chí Minh ngày càng tăng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Trường Sơn, qua tuyến đường Hồ Chí Minh, đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu, đảm bảo cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường, đưa hơn 650.000 cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương, trong đó có 310.000 thương, bệnh binh, đồng thời giúp bảo đảm chi viện đắc lực cho chiến trường Lào và Cam-pu-chia.

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” - những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu dường như đã khắc họa sống động tinh thần và khí phách của hàng vạn con người đã làm nên một trong những kỳ tích vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam: Đường Hồ Chí Minh. Vượt rừng, băng suối, đội bom đạn, lực lượng Bộ đội Trường Sơn đã làm nên điều tưởng chừng không thể: một “đại công trường” giữa đại ngàn, nơi từng bước chân, từng nhát cuốc, từng giọt mồ hôi và cả máu của hàng chục vạn người được ghi vào sử sách như một bản hùng ca bất tử. Người Mỹ có thể ném bom san phẳng rừng, nhưng không thể ngăn bước chân bộ đội Trường Sơn. Và quả thực, giữa mưa bom bão đạn, từng đoàn xe vẫn âm thầm lăn bánh, từng đoàn quân vẫn tiến vào chiến trường miền Nam như những dòng máu đỏ chạy dọc Tổ quốc.

Đường mòn Hồ Chí Minh giữ vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các trận đánh, chiến dịch, chiến lược của Quân đội ta, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trên cơ sở hậu cần vững chắc do tuyến đường cung cấp, quân ta đã có thể triển khai các chiến dịch lớn như Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã ngày đêm bám trụ nơi rừng núi hiểm trở để xây dựng, mở rộng và bảo vệ tuyến đường mặc dù không quân Mỹ ném bom, rải chất độc hóa học và đánh phá dữ dội. Trong suốt cuộc Tổng tiến công, đường Hồ Chí Minh được mở rộng và nâng cấp thành hệ thống đường cơ giới, cho phép xe tăng, pháo binh và Quân đội ta cơ động nhanh vào trung tâm miền Nam. Chính nhờ sự chi viện mạnh mẽ, kịp thời và liên tục về lực lượng, vũ khí, lương thực, thuốc men, trang thiết bị… qua tuyến đường chiến lược này, quân dân ta đã có đủ điều kiện để đi đến thắng lợi quyết định, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Đường Hồ Chí Minh ngày nay hiện hữu rõ ràng với những cung đường nhựa trải dài, với các điểm di tích, bia tưởng niệm khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Nếu như đường Hồ Chí Minh năm xưa là con đường huyền thoại, có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dẫn đến thắng lợi hoàn toàn, thì ngày nay, đường Hồ Chí Minh là con đường gắn kết chặt chẽ các dân tộc Việt Nam từ Bắc chí Nam; con đường đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Việt Nam đi đến thắng lợi. Đường Hồ Chí Minh là minh chứng hùng hồn cho chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong thời đại mới, con đường ấy vẫn còn đó - không chỉ trên bản đồ, mà trong trái tim mỗi người Việt Nam.

Đối với mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên quốc phòng và chiến sĩ tại Học viện Lục quân, việc tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa của đường Hồ Chí Minh không chỉ khơi dậy lòng tự hào dân tộc mà còn là cách tri ân các thế hệ cha anh đã ngã xuống trên con đường này và khắp chiều dài đất nước vì độc lập, tự do của dân tộc. Đồng thời, mọi quân nhân cần phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập tự chủ, truyền thống đại đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào hoàn thành thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

 

Một số hình ảnh tư liệu của cán bộ, chiến sĩ ta trên Đường Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12, Viện lịch sử quân sự Việt Nam (2010), Đường Hồ Chí Minh - Khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.

2. Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (2005).


Tác giả: KTHNN. Đỗ Thị Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?