Đỉnh cao của nghệ thuật sử dụng pháo binh trong đại thắng mùa Xuân 1975
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thế kỷ XX; biểu hiện sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; là kết quả của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo với chiến lược và nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta; là sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, quân, binh chủng tham gia chiến dịch. Trong đó pháo binh là lực lượng quan trọng, xứng đáng là hỏa lực mặt đất chủ yếu của Quân đội và hỏa lực chủ yếu của lục quân.
Mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy là Chiến dịch tiến công Tây Nguyên tháng 3 năm 1975; chiến dịch mang tầm vóc chiến lược, là sự phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó có pháo binh. Trong trận then chốt mở đầu tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột, với ưu thế vượt trội về lực lượng (5 trung đoàn, 2 tiểu đoàn pháo binh tổ chức thành 6 cụm pháo binh với 15.500 viên đạn) được chuẩn bị chu đáo về thế trận và phương pháp tác chiến; lực lượng pháo binh đã bắn gần 5.000 viên đạn pháo cỡ lớn vào các mục tiêu như: Sở chỉ huy Sư đoàn 23, Sở chỉ huy tiểu khu Đắk Lắk, căn cứ liên hiệp quân sự và 7 trận địa pháo binh địch tạo ra đòn hỏa lực áp đảo chi viện kịp thời cho Sư đoàn bộ binh 316 đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã; sau 32 giờ chiến đấu ta đã làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột.
Sau đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột, từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 3, các đơn vị pháo binh đã cơ động sang phía Đông với 54 khẩu pháo các loại chi viện cho Sư đoàn bộ binh 10 thực hiện trận then chốt thứ 2 tiêu diệt địch đổ bộ đường không ở Nông trại Phước An, đập tan cuộc phản kích của địch, xoá sổ Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn, giải phóng hầu hết tỉnh Đắk Lắk, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch; buộc chúng phải rút chạy khỏi Tây Nguyên.
Nắm chắc thời cơ chiến dịch, các đơn vị pháo binh đã tập kích hỏa lực kéo dài 60 phút vào các mục tiêu trong thị xã Cheo Reo chặn đứng cuộc rút chạy của địch, chi viện cho Sư đoàn bộ binh 320 truy kích địch giành thắng lợi, giải phóng thị xã Phú Bổn, Phú Túc, làm chủ Cheo Reo và các tỉnh Tây Nguyên.
Các đơn vị pháo binh xe kéo chuẩn bị cho chiến dịch
Đòn điểm trúng huyệt ở Buôn Ma Thuột và giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên làm cho địch hoang mang cao độ; buộc chúng phải rút về cố thủ phòng tuyến Huế - Đà Nẵng. Thế và thời cơ đã đến, ta quyết định mở chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Trong chiến dịch này lực lượng pháo binh tham gia với 4 trung đoàn pháo xe kéo (103 khẩu) và 284 khẩu pháo mang vác, kết hợp với pháo binh Quân khu Trị - Thiên chi viện cho các hướng tiến công.
Từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 3 dưới sự chi viện kịp thời, hiệu quả của pháo binh, ta đã giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên - Huế và Tam Kỳ, Quảng Ngãi. Địch ở Thành phố Đà Nẵng trở nên hỗn loạn, bọn cố vấn Mỹ và một phần lực lượng ngụy quyền cấp cao dùng trực thăng tháo chạy. Để chi viện cho chiến dịch đánh địch rút chạy ở Khu liên hợp Quân sự Đà Nẵng. Ngày 28 tháng 3, các đơn vị pháo 130mm, pháo Đ74 và ĐKB bắn phá vào Sở chỉ huy Quân khu 1 - Quân đoàn 1 ngụy, Sân bay Đà Nẵng, Sân bay Nước Mặn, bán đảo Sơn Trà, Hòa Bằng, Trà Kiệu, Vĩnh Điện. Sân bay Đà Nẵng bị tê liệt hoàn toàn. Sau đó tập trung bắn vào cảng Đà Nẵng, bãi biển Mỹ Khê tạo điều kiện cho 5 hướng tiến công của Quân đoàn 2 và Quân khu 5 tiến vào thành phố. Đến 15 giờ cùng ngày quân ta đã làm chủ hoàn toàn thành phố Đà Nẵng.
Sau khi mất Tây Nguyên và Trung Bộ, lực lượng còn lại của địch dồn về xung quanh Sài Gòn. Tính đến ngày 20 tháng 4 năm 1975, có 6 Sư đoàn bộ binh (22, 25, 5, 18, TQLC, Biệt động quân); 4 Lữ đoàn (1, 4, Dù 3, kỵ binh); 3 Liên đoàn bảo an và lực lượng cảnh sát phòng vệ dân sự; về pháo binh có 125 khu vực trận địa, 512 khẩu pháo.
Lực lượng pháo binh ta có 55 tiểu đoàn (20 trung, lữ đoàn và 8 tiểu đoàn độc lập), 789 khẩu pháo (421 pháo xe kéo, 32 khẩu pháo phản lực và 336 khẩu pháo mang vác) ta đã tổ chức thành 30 cụm pháo binh các cấp, cùng với pháo binh của các lực lượng hải quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích... được bố trí liên hoàn chặt chẽ trên cả 5 hướng tiến công.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh bàn phương án tác chiến
Để tạo thế cho các quân đoàn chủ lực cơ động và triển khai áp sát Sài Gòn. Từ ngày 14 tháng 4, Đại đội 26 (Tiểu đoàn 21) với 3 khẩu pháo 130mm đặt trận địa bắn ở Hiếu Liêm và 300 viên đạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm tê liệt hoàn toàn Sân bay Biên Hoà trong suốt 11 ngày đêm.
Sau khi mở toang “Cánh cửa thép” Xuân Lộc, 17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, Bộ chỉ huy chiến dịch hạ lệnh nổ súng tiến công. Pháo binh Quân đoàn 2 trên hướng Đông và Đông Nam sử dụng 108 khẩu pháo và súng cối, thực hành hỏa lực chuẩn bị 45 phút, sau đó chuyển sang chi viện trực tiếp cho bộ binh, xe tăng đánh chiếm Long Thành, Đức Thạnh, Bà Rịa, Nước Trong. Pháo binh Quân đoàn 4 sử dụng 83 khẩu pháo các loại bắn dồn dập vào Trảng Bom, Hố Nai, Sở chỉ huy Quân đoàn 3 và Sở chỉ huy Sư đoàn không quân ngụy ở Biên Hòa, chi viện cho bộ binh, xe tăng tiến đánh các đơn vị của Sư đoàn bộ binh 18 địch. Pháo binh chiến dịch và pháo binh Quân đoàn 1 tập trung 59 khẩu chi viện trực tiếp cho bộ binh, xe tăng tiến công căn cứ Phú Lợi, cắt Đường 13 không cho Sư đoàn bộ binh 5 ngụy từ Lai Khê lên Sài Gòn. Pháo binh Quân đoàn 3 và Lữ đoàn 38 của Bộ bắn phá các mục tiêu trong căn cứ Đồng Dù, chi viện cho bộ binh đánh cắt Đường 1 và 22. Trên hướng Tây Nam, Đoàn 232 sử dụng 89 khẩu pháo các loại bắn vào Tân An, Thủ Thừa, Tân Hiệp chi viện cho Sư đoàn bộ binh 5, Sư đoàn bộ binh 8 đưa lực lượng ra chốt chặn Đường 4.
3 giờ sáng ngày 28 tháng 4, pháo phản lực ĐKB bố trí ở Quới Xuân (hướng Tây Nam) bắn phá dữ dội vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Đến rạng sáng ngày 29 tháng 4, pháo 130mm thuộc Lữ đoàn 164 Quân đoàn 2 bố trí ở Nhơn Trạch khống chế, làm cho Sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt hoàn toàn.
Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh
Trận đánh vào Bộ Tổng tham mưu chế độ Sài Gòn đã chứng minh sức mạnh to lớn của hỏa lực pháo binh ta. Đúng 10 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, chỉ với 43 phát đạn pháo 130mm của Lữ đoàn 45, Sở chỉ huy Bộ Tổng tham mưu địch đã hoàn toàn bị chế áp, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh, xe tăng ta thừa thắng xung phong đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu bên trong. 11 giờ 30 phút lá cờ bách chiến, bách thắng của ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đánh dấu bước phát triển cao nhất của nghệ thuật sử dụng pháo binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là chiến dịch tiến công quy mô lớn chưa từng có trên chiến trường nước ta, vượt qua tất cả các chiến dịch lớn trước đó trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Trong chiến dịch lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã khéo léo vận dụng nguyên tắc sử dụng pháo binh; kết hợp tốt ba yếu tố: thời cơ, thế trận, lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm tốt công tác chuẩn bị, thiết bị chiến trường và tích cực lấy pháo, đạn địch trang bị cho mình để giành ưu thế về sức mạnh hỏa lực; cơ động nhanh, tạo bất ngờ về thời gian và lực lượng; tập trung ưu thế, bảo đảm đánh nhanh, thắng nhanh, đánh tiêu diệt lớn; sử dụng các hình thức hỏa lực, lựa chọn phương pháp bắn linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng loại mục tiêu và địa hình nơi diễn ra các chiến dịch, trận đánh để phát huy tối đa hỏa lực của pháo binh; vì vậy đã tạo ra hỏa lực áp đảo quân địch trong những trận đánh then chốt, thời điểm quyết định của chiến dịch.
Từ thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, pháo binh ta đã phát huy tốt truyền thống vẻ vang "Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng"; là tiền đề quan trọng để lực lượng pháo binh ngày nay tiếp tục phát huy và thực hiện tốt các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhắc lại truyền thống vẻ vang của Đại thắng mùa Xuân 1975, mỗi cán bộ, giảng viên Khoa Pháo binh, Học viện Lục quân luôn nhận thức sâu sắc những bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật sử dụng pháo binh và luôn tự hào về những vinh quang đó. Đồng thời là niềm cổ vũ động viên, khích lệ và tiếp thêm sức mạnh, ý chí, nghị lực cho mỗi cán bộ, giảng viên Khoa Pháo binh hôm nay tiếp bước nhiệm vụ của thế hệ cha ông đi trước đào tạo ra lớp lớp cán bộ pháo binh trong toàn quân vừa hồng, vừa chuyên góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Tài liệu tham khảo: “Lịch sử nghệ thuật sử dụng pháo binh trong chiến dịch (1945 - 1975)”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 1996.