Pháo binh trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975
Trong nhận thức của người Pháp, người Mỹ và thế giới, Tây Nguyên là yết hầu quan trọng, là “nóc nhà của Đông Dương”; với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng, “Ai chiếm được Tây nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương”.
Đánh giá đúng vị trí chiến lược của Tây Nguyên, cùng với so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường miền Nam, bằng sự nhạy bén và sáng suốt, Bộ Chính trị đã chọn Tây Nguyên là chiến dịch mở đầu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Đầu năm 1975, lực lượng địch ở Tây Nguyên gồm Quân đoàn 2, Quân khu 2 và lực lượng tăng cường (Sư đoàn bộ binh 23; 7 tiểu đoàn biệt động quân; 36 tiểu đoàn bảo an; 1 lữ đoàn tăng thiết giáp; 230 khẩu pháo; 1 sư đoàn không quân).
Thực hiện ý định của Bộ Chính trị, tháng 01/1975 Thường vụ Quân ủy Trung ương họp quán triệt và quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên (mật danh A275). Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: 5 sư đoàn (10, 320, 316, 3, 968) và 4 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công, 2 trung đoàn pháo binh, 1 trung đoàn tăng thiết giáp, 3 trung đoàn pháo phòng không... cùng lực lượng vũ trang địa phương các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Trong chiến dịch lịch sử này, lực lượng pháo binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chi viện kịp thời, hiệu quả cho tất cả các giai đoạn, đợt tác chiến chiến dịch.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên bàn phương án tác chiến
Giai đoạn 1, nghi binh tạo thế: Ngay từ tháng 01/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chỉ đạo các đơn vị súng cối địa phương đánh vào La Sơn, Thanh An; pháo xe kéo Đ74 bắn vào các căn cứ Non Nước, bãi Ủi, Đồn Tam, Chốt Mỹ, sân bay Cù Hanh, Sở chỉ huy các trung đoàn 23, 6, 9 của địch. Pháo binh trong biên chế của Sư đoàn bộ binh 10, Sư đoàn bộ binh 3, Trung đoàn bộ binh 95A chi viện cho bộ binh tiêu diệt căn cứ Adun, cắt đường 14 ở Ea H’leo, chiếm Đường 19 ở đèo Thượng An, cắt đứt Đường 21 ở Tây Khánh Dương; đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn, Đức Lập; Trung đoàn pháo binh 675 bí mật cơ động xuống Nam Buôn Ma Thuột nhưng vẫn để lại điện đài và duy trì liên lạc bình thường; huy động các lực lượng làm đường, xây dựng công sự trận địa để lừa địch. Với kế hoạch nghi binh hoàn hảo của chiến dịch, trước giờ “G” Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị cô lập với đồng bằng ven biển miền Trung và Nam Trung bộ (trừ Đường số 7), nhưng địch địch vẫn phán đoán ta sẽ đánh Kon Tum, phần lớn lực lượng của chúng vẫn ở Kon tum, không tăng cường cho Buôn Ma Thuột.
Cố Trung tướng, Anh hùng LLVT Khuất Duy Tiến, tác giả của kế hoạch nghi binh
Giai đoạn 2, thực hiện các trận đánh then chốt của chiến dịch: Đúng 02.00 ngày 10/3 ta bắt đầu thực hiện trận then chốt mở đầu, tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, chiến dịch đã sử dụng 119 khẩu pháo các loại (gấp 1,5 lần địch) tập trung hỏa lực chế áp sở chỉ huy Sư đoàn 23, khu kho Mai Hắc Đế, tiểu khu Đắk Lắk, khu thiết giáp của địch; đến 11.00 ngày 11/3 bộ đội ta làm chủ thị xã. Sau khi chi viện cho bộ binh xe tăng đánh chiếm xong thị xã, các cụm pháo binh đã cơ động sang phía Đông, thực hiện quyết tâm của Chiến dịch đánh quân địch ứng cứu giải tỏa. Ngày 13, 14, 15/3 pháo binh đã chi viện cho các đơn vị của 3 sư đoàn bộ binh (316, 10, 320) đánh bại Trung đoàn 53 địch phản kích ra sân bay; chiếm căn cứ Trung đoàn 45, Liên đoàn 21 Biệt động quân, tiến đánh Nông Trại, Phước An, Bản Đôn, Chư Nga, Chư Pao, quét sạch toàn bộ tàn quân địch ở ngoại vi thị xã Buôn Ma Thuột; tiêu diệt các lực lượng ứng cứu giải tỏa, xóa sổ Sư đoàn 23 ngụy, giải phóng hầu hết tỉnh Đắk Lắk, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên.
Sau khi kế hoạch tái chiếm Buôn Ma Thuột bị thất bại thảm hại, toàn bộ lực lượng còn lại của Quân đoàn 2 ở Kon Tum và Pleiku (10 liên đoàn biệt động quân, bảo an, công binh, thông tin; 3 thiết đoàn, 6 tiểu đoàn pháo binh, cơ quan quân đoàn và các lực lượng khác; tổng cộng khoảng 15.000 tên và hàng nghìn xe các loại) tháo chạy về Tuy Hòa theo Đường số 7, đồng thời đưa Lữ dù 3 lên án ngữ Đường 21. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, các đơn vị pháo binh cơ động chi viện kịp thời cho Sư đoàn 320 truy kích địch trên Đường số 7, Sư đoàn 10 tiêu diệt địch trên đường 21, Sư đoàn 968 đánh chiếm Kon Tum, Pleiku, ngày 22/3 toàn bộ vùng Tây Nguyên rộng lớn được giải phóng.
Bộ đội và nhân dân Tây Nguyên kéo pháo 85mm vào trận địa bắn ngắm trực tiếp
Giai đoạn 3, phát triển thắng lợi xuống vùng ven biển Khu 5: Trên đà thắng lợi, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã lệnh cho các đơn vị tiếp tục phát triển, tiến xuống đồng bằng. Lực lượng pháo binh chiến dịch tiếp tục cơ động chi viện cho Sư đoàn 320 và Trung đoàn 958 tiến công theo Đường số 7, tiêu diệt và bắt sống 11 tiểu đoàn bộ binh địch ở Tuy Hòa; Sư đoàn bộ binh 10 theo Đường 21, lần lượt tiêu diệt địch ở khu vực đèo M’Drắk - Phượng Hoàng, Buôn Thi, Dục Mỹ, sau đó tiến về giải phóng Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh; Sư đoàn 968 và Trung đoàn 95A phát triển theo Đường 19 tiêu diệt địch ở căn cứ An Khê, Phú Phong, sân bay Gò Quánh, Bình Định.
Bản đồ Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975
Như vậy, sau 1 tháng tiến công liên tục (từ 4/3 đến 03/4/1975) Chiến dịch Tây Nguyên đã kết thúc, ta đã tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2, Quân khu 2 ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 28.000 tên địch, thu và phá hủy 154 máy bay, 1.096 xe quân sự, 17.188 súng các loại; giải phóng 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Bổn, Quảng Đức) và một số tỉnh Trung Bộ. Thắng lợi to lớn của chiến dịch đã đánh dấu sư trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang Tây Nguyên, trong đó có Pháo binh. Thắng lợi đó một lần nữa khẳng định, pháo binh xứng đáng là hỏa lực chủ yếu của lục quân và hỏa lực mặt đất chủ yếu của Quân đội ta. Chiến dịch Tây Nguyên đã làm thay đổi cơ bản so sánh tương quan lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch, tạo bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển thành tổng tiến công trên toàn miền Nam Việt Nam./.