Một số biện pháp tâm lý sư phạm xây dựng và hoàn thiện phong cách chỉ huy cho học viên đào tạo trung đoàn trưởng ở Học viện Lục quân hiện nay
Phong cách chỉ huy của người cán bộ lãnh đạo - quản lý bộ đội được hình thành, phát triển thông qua hoạt động thực tiễn và trong quá trình đào tạo tại các nhà trường quân đội. Học viện Lục quân là trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học có uy tín của quân đội. Trong những năm qua, Học viện Lục quân luôn quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương, các chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo nguồn nhân lực cho Quân đội và đã đạt được những thành tựu to lớn.
Học viên tập bài trinh sát thực địa
Học viên sau khi tốt nghiệp ra trường đã khẳng định được trình độ, năng lực chuyên môn…, có phong cách chỉ huy khoa học, phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn một số học viên còn biểu hiện phong cách chỉ huy thiếu linh hoạt. Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ giáo dục, đào tạo; xây dựng Học viện Lục quân thông minh, hiện đại đã đặt ra cho Học viện phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo sát với yêu cầu, nhiệm vụ của các đơn vị trong toàn quân. Thực hiện phương châm chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị và xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao”. Trong đó, xây dựng và hoàn thiện phong cách chỉ huy cho học viên là một nội dung quan trọng, cấp thiết hiện nay. Để góp phần thực hiện được mục tiêu đào tạo học viên sau khi ra trường, cần làm tốt một số biện pháp tâm lý sư phạm sau:
Một là, Giáo dục nâng cao nhận thức về phong cách chỉ huy cho học viên trong quá trình đào tạo
Đây là biện pháp cơ bản đầu tiên nhằm định hình phong cách chỉ huy cho học viên, vì nhận thức là điều kiện nền tảng ban đầu, quan trọng để hình thành niềm tin, hành vi, thói quen, các phẩm chất nhân cách tốt đẹp cho học viên nói chung, phong cách chỉ huy của học viên nói riêng.
Vì vậy, các cấp ủy, chỉ huy các cấp và đội ngũ giảng viên cần phải giúp học viên thấy được vai trò, tầm quan trọng của phong cách chỉ huy đối với bản thân, nghề nghiệp. Giáo dục nâng cao nhận thức phải tiến hành trên tất cả các nội dung của quá trình giáo dục, đào tạo từ khoa học cơ bản, khoa học cơ sở đến chuyên ngành quân sự. Trong đó, chú trọng các nội dung khoa học xã hội và nhân văn, khoa học quân sự. Vị trí ý nghĩa của phong cách “Quyết đoán, sáng tạo, dân chủ - đoàn kết, sâu sát, cụ thể, gương mẫu về mọi mặt”, để họ có kiến thức, năng lực toàn diện, tạo cơ sở vững chắc xây dựng phong cách của người chỉ huy quân sự, từ đó người học tích cực nghiên cứu, học tập xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm rèn luyện nghiêm túc, đúng đắn. Đồng thời, ngăn chặn, loại trừ biểu hiện của kiểu phong cách thụ động, máy móc, nguyên tắc, thiếu tôn trọng tập thể, thiếu gương mẫu trong sinh hoạt và công tác.
Hai là, Tổ chức tốt hoạt động học tập, rèn luyện xây dựng phong cách chỉ huy cho học viên theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo
Thực tiễn cho thấy, phong cách chỉ huy của học viên không thể phát triển, hoàn thiện nếu không tổ chức tốt các hoạt động học tập, rèn luyện phát triển phong cách chỉ huy cho học viên. Do đó, các chủ thể trong Học viện Lục quân cần tuân thủ mục tiêu, kế hoạch đào tạo, phù hợp với trình độ phát triển của học viên theo từng năm học, từng nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với điều kiện, khả năng của đơn vị và cơ sở vật chất bảo đảm. Bởi vì, hoạt động học tập, rèn luyện phong cách chỉ huy cho học viên là một bộ phận nằm trong hệ thống các hoạt động học tập, rèn luyện nói chung, hướng đến thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu đào tạo luôn gắn với vai trò của từng bộ phận sư phạm trong Học viện như đội ngũ giảng viên, đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nhân viên phục vụ và đội ngũ học viên.
Ba là, Tăng cường các mối quan hệ giao tiếp xã hội nhằm rèn luyện phong cách chỉ huy cho học viên
Giao tiếp xã hội là mục tiêu quan trọng góp phần tích cực trong phát triển, hoàn thiện phong cách chỉ huy cho học viên, vì giao lưu, giao tiếp chính là một trong những con đường cơ bản nhằm hình thành và phát triển nhân cách con người. Bản thân mỗi học viên là những nhân cách đã trưởng thành nhất định, có rất nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, học tập và công tác. Thông qua các mối quan hệ giao lưu giúp nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi, thói quen, sự trải nghiệm và kĩ năng, văn hóa ứng xử, giao tiếp, giải quyết tình huống; đồng thời hình thành những nét phong cách riêng có của cá nhân, có thể dùng để phân biệt với người khác.
Bốn là, Phát huy tính tích cực, tự giác của học viên trong tự học tập, tự rèn luyện hoàn thiện phong cách chỉ huy
Tự học tập, rèn luyện có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc xây dựng phong cách chỉ huy cho học viên. Các tác động từ bên ngoài, các biện pháp, lực lượng khác dù có tốt đến đâu nhưng nếu bản thân học viên không có động cơ, thái độ đúng đắn, thiếu tích cực, tự giác rèn luyện thì cũng không thể hoàn thiện phong cách chỉ huy một cách đúng đắn.
Tính tích cực, tự giác của học viên là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Trước tiên là của nhu cầu, động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn, khát khao trở thành người cán bộ, sỹ quan có nhân cách, phong cách chỉ huy tốt, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đó còn là kết quả của toàn bộ quá trình dạy học, giáo dục của đội ngũ giáo viên, động viên, khích lệ, định hướng, giúp đỡ của đội ngũ cán bộ quản lý, của tập thể đơn vị mà học viên là thành viên, của truyền thống, danh dự của bản thân, gia đình, địa phương.
Phong cách chỉ huy là một trong những yếu tố cơ bản góp phần giúp người cán bộ lãnh đạo - quản lý trung đoàn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, phát triển, hoàn thiện phong cách chỉ huy cho học viên đào tạo trung đoàn trưởng ở Học viện Lục quân hiện nay trong quá trình đào tạo là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết./.
L.H.L