• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.245
Tháng 12 : 4.355
Tháng trước : 51.575
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khoa Tin học - Ngoại ngữ đẩy mạnh các hoạt động dạy học theo góc cho học viên đào tạo cấp Trung đoàn trưởng bộ binh, Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp Huyện tại Học viện Lục quân

Để nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho học viên đào tạo cấp trung đoàn trưởng bộ binh, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện tại Học viện Lục quân, Khoa Tin học - Ngoại ngữ luôn tích cực nghiên cứu, thường xuyên đổi mới các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học viên; trong đó, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các hoạt động dạy học theo góc.

Tiếng Anh là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo huấn luyện cho học viên đào tạo cấp Trung đoàn trưởng bộ binh, Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp Huyện tại Học viện Lục quân. Học viên luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của kĩ năng giao tiếp không chỉ trong học tập, công tác và trong cuộc sống hàng ngày nên đã cố gắng rất nhiều, luôn có thái độ cầu thị, và xác định cần thiết phải cải thiện kĩ năng giao tiếp tiếng Anh. Bên cạnh đó, môn tiếng Anh luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy Học viện nên chất lượng học tập của từng khóa học trong những năm gần đây được cải thiện rõ rệt.

 Tuy nhiên, thực tế cho thấy kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của học viên vẫn còn một số hạn chế do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó việc vận dụng phương pháp dạy học hiện đại để nâng cao kỹ năng giao tiếp của khoa chưa thực sự phong phú, thiếu tính liên tục và chưa đa dạng trong các hoạt động giao tiếp thực tế. Đối tượng học viên chủ yếu là các cán bộ, sĩ quan cấp tiểu đoàn, độ tuổi từ 30 - 40, họ đã từng học tiếng Anh ở cấp phân đội. Tuy nhiên, do thời gian dài không sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong công tác, khi tham gia khóa học tại Học viện, mặc dù có thái độ học tập nghiêm túc, họ vẫn gặp phải khó khăn trong việc phát âm, từ vựng, đặc biệt là khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Nhiều học viên lo ngại mắc lỗi, dẫn đến tâm lý "sợ thất bại", điều này đã cản trở quá trình giao tiếp và làm giảm hiệu quả học tập. Để nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho đối tượng này, Khoa Tin học - Ngoại ngữ cần đẩy mạnh các hoạt động dạy học theo góc, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học viên; tạo ra môi trường học tập cởi mở, khuyến khích học viên thực hành nhiều hơn, từ đó giúp học viên tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày.

Dạy học theo góc (hay còn gọi là “teaching in corners”) là phương pháp giảng dạy nhấn mạnh vai trò trung tâm của học viên trong lớp học, tổ chức lớp học thành các khu vực học tập riêng biệt, mỗi khu vực thực hiện một nhiệm vụ cụ thể. Phương pháp này giúp học viên phát huy tính tích cực, sáng tạo và khả năng hợp tác, từ đó đạt được mục tiêu học tập. Lớp học được chia thành 3-4 góc học như: quan sát, phân tích, áp dụng và trải nghiệm. Giảng viên sẽ giới thiệu nhiệm vụ, hướng dẫn học viên chọn góc và cung cấp tài liệu để nghiên cứu, thực hiện, đảm bảo hiệu quả học tập.

Đối với đối tượng học viên cấp Trung đoàn trưởng bộ binh, Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp Huyện tại Học viện Lục quân, để thực hành hiệu quả kỹ năng nói tiếng Anh sau mỗi bài học, giảng viên có thể áp dụng phương pháp dạy học theo ba góc: góc quan sát, góc phân tích và góc áp dụng. Mỗi góc sẽ thực hiện các nhiệm vụ như sau:

Góc quan sát: Học viên xem video liên quan đến chủ đề bài học và trả lời các câu hỏi về nội dung video trên máy tính. Thông qua việc này, học viên sẽ nắm được cách sử dụng từ vựng, mẫu câu và cách xây dựng ý tưởng cho một chủ đề, từ đó có thể tự xây dựng bài nói cho nhóm mình.

Góc phân tích: Học viên đọc bài mẫu, trả lời các câu hỏi và phân tích nội dung liên quan đến chủ đề trong tài liệu. Việc phân tích bài mẫu giúp học viên hiểu được phương pháp thực hiện một bài nói và áp dụng vào việc xây dựng bài nói mới cho nhóm mình.

Góc áp dụng: Học viên sử dụng từ vựng, mẫu câu, kiến thức từ các bài học nghe và đọc để lập dàn ý và xây dựng bài nói theo chủ đề của nhóm. Tùy vào mức độ tự tin và khả năng, học viên có thể thực hiện nhiệm vụ này với hoặc không cần sự trợ giúp từ giảng viên.

Trong quá trình học tập, giảng viên sẽ thường xuyên theo dõi, phát hiện những khó khăn của học viên để có thể hướng dẫn kịp thời và trực tiếp. Sau đó, giảng viên tổ chức cho các nhóm báo cáo và thảo luận kết quả từ các góc học. Cuối cùng, giảng viên đưa ra nhận xét, đánh giá và kết luận về buổi học.

Có thể khẳng định rằng, khi triển khai các chủ đề nói tiếng Anh theo phương pháp dạy học theo góc, không khí lớp học sẽ trở nên cởi mở và thu hút hơn, khuyến khích học viên tham gia tích cực vào các hoạt động học tập. Phương pháp này giúp học viên phát huy tính sáng tạo, khám phá và cải thiện khả năng giao tiếp một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, giảng viên có thể dành nhiều thời gian hơn để hướng dẫn, hỗ trợ học viên trong quá trình làm việc nhóm, từ đó nâng cao chất lượng dạy học.

Chính vì vậy, để nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, Khoa Tin học - Ngoại ngữ cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng phương pháp dạy học theo góc trong giảng dạy tiếng Anh cho học viên đào tạo cấp Trung đoàn trưởng bộ binh, Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp Huyện tại Học viện Lục quân. Phương pháp này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả học tập mà còn đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh cho đối tượng học viên trong thời gian tới.

Một số hình ảnh lớp học theo phương pháp dạy học theo góc:

 

 


Tác giả: KTHNN. Trịnh Thị Như Quỳnh
Tổng số điểm của bài viết là: 44 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?