Học viện Lục quân chung tay phòng chống mua bán tạng người tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội
Ghép tạng là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20, là thành tựu kỳ diệu nhất của y học Việt Nam và cũng là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối. Thế giới đã thực hiện ghép tạng thành công cho hàng trăm nghìn người mỗi năm, Việt Nam cũng đã thực hiện thành công trên 1.000 ca ghép. Việc hiến, tặng mô, tạng là việc làm rất ý nghĩa, nhân văn, góp phần nhân lên tình yêu thương đồng loại trong cuộc sống hiện nay. Hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp giúp tiếp nối hy vọng, ươm mầm sự sống cho nhiều bệnh nhân đang chờ đợi được ghép tạng. Kết quả đăng ký hiến, ghép tạng trong thời gian qua đã giúp cứu chữa, duy trì sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị suy mô, tạng, đồng thời góp phần nâng cao vị trí, vai trò của ngành y tế Việt Nam trong triển khai những kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu, phức tạp hàng đầu của y học hiện đại.
Tuy nhiên, pháp luật vẫn chưa được hoàn thiện đủ để ngăn chặn những hành vi buôn bán tạng người đang diễn biến phức tạp. Ở nước ta, tình trạng mua bán tạng người tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố có các bệnh viện đầu ngành về ghép tạng (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…). Trước nhu cầu ghép tạng đang ngày càng tăng cao, tình trạng mua bán tạng diễn ra ngày càng khó lường với nhiều hình thức tinh vi. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là tiếp cận người có nhu cầu mua (ghép) bộ phận cơ thể tại các bệnh viện hoặc thông qua mạng xã hội tìm kiếm người mua, người bán (dưới hình thức cho, hiến tặng), ra giá và thu tiền của người bệnh với giá cao, hứa hẹn trả cho người bán giá thấp để trục lợi. Sau khi đi đến thống nhất, các đối tượng môi giới trung gian sẽ hợp pháp hóa toàn bộ giấy tờ. Các đối tượng có thể in ấn, làm giả con dấu, giấy tờ, sau đó đưa vào các bệnh viện, các trung tâm nơi có tổ chức ghép và thu lợi nhuận rất lớn.
Hiện nay, pháp luật nước ta nghiêm cấm mua, bán mô, bộ phận cơ thể người. Vấn đề này được quy định rất rõ trong Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Song, công tác phòng, chống mua bán tạng người ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định, xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu đó là: Hành lang pháp lý có nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán tạng người có lúc, có nơi chưa hiệu quả; công tác phát hiện, điều tra của các cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn; tình hình kinh tế - xã hội tại một số khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn; nguồn hiến tạng sau chết/chết não còn hạn chế; việc quản lý xét nghiệm chỉ số kháng nguyên bạch cầu (HLA) chưa chặt chẽ dẫn đến việc một số đối tượng thông đồng, cấu kết với các cơ sở y tế điều chỉnh chỉ số của người bán nhằm tăng tỷ lệ tương thích với người mua, khiến người mua dễ dàng đồng ý mua tạng, từ đó thúc đẩy “thị trường mua bán tạng”.
Để đẩy mạnh công tác phòng, chống có hiệu quả với tình trạng buôn, bán tạng người trong cả nước nói chung, tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong Quân đội nói riêng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn Học viện cần thường xuyên quán triệt các các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán tạng người với toàn thể cán bộ, nhân viên, học viên và người lao động tích cực hưởng ứng và thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người đối với việc phòng, chống mua bán tạng người tại các cơ sở khám, chữa bệnh nói chung và của Quân đội nói riêng. Tăng cường công tác tuyên truyền tới các đối tượng là quân nhân, thân nhân và nhân dân trên địa bàn đóng quân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc hiến tặng mô, tạng, từ đó ủng hộ, đăng ký và sẵn sàng thực hiện. Một người hiến tạng có thể cứu sống 8 đến 10 người khác. Tất cả cán bộ, nhân viên, học viên và người lao động trong toàn Học viện hãy cùng nhau chung tay đấu tranh phòng, chống nạn mua bán tạng người. Hãy để cho việc hiến tặng tạng trở thành hành động cao quý nhất từ tấm lòng từ thiện của mỗi người, với tinh thần “cho đi là còn mãi”, để cho hành động nhân văn ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội và được nhiều người hưởng ứng tích cực./.
Tác giả: PHCKT. Phạm Thị Phương Dung