Nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng trong luyện tập chỉ huy - cơ quan 1 bên, 1 cấp trên bản đồ cho học viên ĐX29, ĐP33, ĐC25, ĐT27, ĐH16
Thực hiện chương trình, kế hoạch huấn luyện đã được Giám đốc Học viện phê duyệt, từ ngày 28 đến ngày 31 tháng 10 năm 2024, Học viện tổ chức luyện tập chỉ huy - cơ quan 1 bên, 1 cấp trên bản đồ cho học viên ĐX29, ĐP33, ĐC25, ĐT27, ĐH16. Rút kinh nghiệm về luyện tập cho chủ nhiệm các binh chủng năm học 2023 - 2024, năm học 2024 - 2025 - năm đầu tiên Học viện triển khai luyện tập cho học viên đào tạo lữ đoàn trưởng, chủ nhiệm các binh chủng sư đoàn bộ binh các khung lữ đoàn trong đội hình chiến dịch tiến công.
Việc tổ chức luyện tập chỉ huy, cơ quan của các khung lữ đoàn bảo đảm cho chiến dịch tiến công quy mô vừa do Bộ tổ chức là thực hiện chủ trương bám sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường với thực tiễn huấn luyện chiến đấu tại đơn vị. Học viện xác định công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các khung tập trong đội hình chiến dịch phải hết sức chặt chẽ, nhịp nhàng, gắn chặt công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến đấu của các lữ đoàn với công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch, cụ thể như sau:
Một là, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng khung tập
Mỗi khung tập được tổ chức thành khung của một lữ đoàn binh chủng hoàn chỉnh bảo đảm cho nhiệm vụ của cả chiến dịch; do đó, thời gian làm công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu của từng lữ đoàn sẽ phải tuân thủ thời gian của chiến dịch, do tư lệnh chiến dịch quy định. Vấn đề đặt ra trong đợt luyện tập lần này là: làm sao để phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp các khung lữ đoàn trong đội hình chiến dịch? Để trả lời câu hỏi trên, các khung tập phải xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ của mình, vừa có sự độc lập trong công tác, vừa phải phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các binh chủng theo sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của cấp chiến dịch.
Học viên luyện tập chỉ huy - cơ quan 1 bên, 1 cấp trên bản đồ
Ngay từ khi triển khai kế hoạch luyện tập, đã có những ý kiến của các khoa chuyên ngành về thời gian làm công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu. Khoa Chiến dịch, đơn vị chủ biên phương án luyện tập đã tiếp thu, giải trình cặn kẽ từng ý kiến góp ý của các khoa, trên cơ sở đó tổ nội dung điều chỉnh, bổ sung kế hoạch luyện tập cho sát với từng đối tượng. Đồng thời, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng khung tập phải bám sát vào thực hiện mục đích, nhiệm vụ chung của toàn chiến dịch.
Hai là, tổ chức điều hành luyện tập chặt chẽ theo đúng kế hoạch luyện tập đã được phê duyệt
Quá trình luyện tập, giảng viên hướng dẫn các cương vị của từng khung tập đã bám sát vào kế hoạch điều hành chung của Khoa Chiến dịch, kế hoạch điều hành luyện tập của từng khoa chuyên ngành để duy trì luyện tập từng vấn đề huấn luyện chặt chẽ, chu đáo; giảng viên từng khung đã bám sát vào nguyên tắc lý luận, tổ chức luyện tập cho học viên theo đúng kế hoạch, tích cực làm mẫu, sửa tập, đổi tập linh hoạt. Trên cơ sở đó, học viên vừa luyện tập, vừa kịp thời rút kinh nghiệm thông qua sửa tập của giảng viên. Sau mỗi vấn đề huấn luyện, các khung tập đều tổ chức rút kinh nghiệm ngắn để làm cơ sở cho tiến hành vấn đề huấn luyện tiếp sau đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, khoa giảng viên trong điều hành luyện tập, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót để điều chỉnh cho luyện tập những năm tiếp theo
Quá trình luyện tập, mặc dù các khung tập đã phối hợp, điều hành ăn khớp, nhịp nhàng; tuy nhiên, khi thực hiện kế hoạch điều hành luyện đã bộc lộ những hạn chế cần phải điều chỉnh đó là: bố trí thời gian của một số vấn đề huấn luyện chưa hợp lý, chưa có thời gian chuyển tiếp giữa các nội dung trong cùng một vấn đề huấn luyện. Quá trình làm công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến đấu của từng khung tập có thời điểm chưa gắn với thực hiện nhiệm vụ chung của chiến dịch, chưa thể hiện vận dụng linh hoạt công tác tham mưu tác chiến ở từng khung tập. Có đồng chí học viên trên cương vị lữ đoàn trưởng vận dụng nguyên tắc lý luận còn máy móc, kết luận, đánh giá tình hình còn chung chung chưa gắn chặt với địa bàn tác chiến. Tất cả những hạn chế, khuyết điểm trên đã được giảng viên các khung tập chỉ ra, đây là cơ sở để Khoa Chiến dịch tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung, rút kinh nghiệm luyện tập ở những năm tiếp theo.
Thông qua tổ chức luyện tập chỉ huy cơ quan 1 bên, 1 cấp trên bản đồ đã góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, điều hành của chỉ huy lữ đoàn binh chủng khi gắn với công tác bảo đảm cho 1 chiến dịch cụ thể trên một hướng chiến lược, qua đó củng cố thêm về nội dung, kiến thức lý luận đã học để vận dụng phù hợp trong điều kiện tác chiến mới chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra). Đồng thời, thông qua luyện tập để các khoa giảng viên và cơ quan Phòng Đào tạo kiên quyết khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức, điều hành, chuẩn bị luyện tập, nâng cao chất lượng phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị đạt chất lượng, hiệu quả hơn trong thời gian tới./.
T.T.T