Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.151
Tháng 04 : 72.386
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khoa Tin học Ngoại ngữ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

Tác động của Cuộc cách mạng 4.0 tới tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, có cả những tác động tích cực và có cả những mặt không tích cực. Mặt tiêu cực đây chính là các thế lực phản động, thù địch; chúng lợi dụng cuộc cách mạng này vào mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và sự bình yên của nhân dân. Đây chính là một thách thức không nhỏ trong cuộc đấu tranh chống lại những “thông tin độc hại trên mạng”…

Với lượng thông tin khổng lồ chống, phá, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, thì việc tiếp cận thông tin thiếu định hướng sẽ dễ dẫn đến mất phương hướng, rơi vào cực đoan khi bị tác động của các hệ tư tưởng phản tiến bộ. Các thế lực phản động, thù địch tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thủ đoạn tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch nhằm tạo ra sự dao động về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, để từ đó thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và trong xã hội, tiến tới làm tan rã và mất vai trò cầm quyền của Đảng. Đây là một thủ đoạn không mới, bởi ngay từ khi ra đời, chủ nghĩa Mác - Lênin đã phải đấu tranh liên tục, không khoan nhượng với các quan điểm sai trái núp dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là có không ít người, mà trong đó có một bộ phận cán bộ, đảng viên trong và ngoài quân đội đã xuất hiện những khoảng trống trong ý thức hệ, tích cực nói theo những luận điệu sai trái của các thế lực phản động, thù địch. Do vậy, hơn lúc nào hết, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hội nghị chi bộ Khoa Tin học Ngoại ngữ

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị, Chi ủy, Chỉ huy Khoa Tin học - Ngoại ngữ đã quán triệt sâu rộng trong đơn vị nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cụ thể:

Một là, không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục.

Công tác tuyên truyền, giáo dục của Chi ủy, Chỉ huy Khoa Tin học - Ngoại ngữ đối với cán bộ, đảng viên trong Chi bộ được tiến hành thường xuyên, liên tục. Công tác này đã giúp cho cán bộ, đảng viên tại đơn vị nhận thức tốt trong việc tiếp cận, sàng lọc, phân tích và xử lý thông tin - một trong những yếu tố quan trọng, thậm chí là quyết định trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai, trái của các thế lực phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ nhận thức tốt đến năng lực trình độ để phân biệt được đúng, sai, tránh tình trạng bị lợi dụng, kích động, dẫn tới những hành vi cực đoan (có thể là vô tình…).

Hai là, Cán bộ, đảng viên khi tiếp xúc và sử dụng thông tin cần chú trọng nâng cao tính đảng.

Từ khi triết học ra đời, tính đảng đã trở thành một vấn đề, một nội dung của các cuộc đấu tranh tư tưởng. Chủ nghĩa Mác - Lênin xuất phát từ thế giới quan duy vật lịch sử, phương pháp luận biện chứng đã khẳng định: tính đảng là biểu hiện tập trung nhất của tính giai cấp, phản ánh lợi ích giai cấp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến việc tu dưỡng tính đảng cho cán bộ, đảng viên. Theo Người, “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc”, nếu “kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”.

Đảng viên cần phải thể hiện tính đảng trong đánh giá, nhìn nhận và xử lý thông tin. Tính đảng của đảng viên là sự thừa nhận một cách tự nguyện và tuyệt đối trung thành với nền tảng tư tưởng, lý tưởng cách mạng mà Đảng lựa chọn. Đội ngũ đảng viên là những người trực tiếp tuyên truyền, thực hiện đưa nghị quyết, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Hơn ai hết, đây là những người phải nắm chắc, hiểu sâu nguyên tắc của Đảng và đường lối, chủ trương của Đảng để tuyên truyền đúng, đủ đến các tầng lớp nhân dân. Người đảng viên khi tiếp xúc với nhân dân, với các cơ quan báo chí phải phát ngôn đúng với chức trách, nhiệm vụ, vị trí công tác của mình, đặc biệt cần bám sát các quy định, quy chế phát ngôn do các cơ quan chức năng ban hành. Khi tham gia mạng xã hội, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Đảng, của tổ chức mà mình là thành viên, đồng thời thể hiện là công dân gương mẫu.

Ba là, Cán bộ, đảng viên trong Chi bộ cần phải thường xuyên cập nhật, đăng tải những thông tin chính thống, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp, đồng thời tích cực phòng, chống những thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng.

Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Công tác thông tin, tuyên truyền một số đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa kịp thời, hình thức chưa phong phú... Việc dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và định hướng dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời. Kết quả thực hiện một số chủ trương của Đảng về quản lý báo chí, truyền thông, xuất bản, quản lý Internet, mạng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu”. Đây chính là những rào cản lớn gây nên những khó khăn, bất lợi trong công tác thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở nước ta hiện nay.

Quán triệt tinh thần đó, trên trang mạng internet và mạng xã hội của mình, mỗi đảng viên chúng ta nên tích cực kêu gọi, động viên mọi người chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các chủ trương chính sách, các cuộc vận động, nhất là các nội dung có tính thời sự, đang cần sự tham gia của đông đảo người dân, các vấn đề đang có ý kiến khác nhau. Đảng viên cần tích cực giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, thông tin tốt, có ích về quê hương, đất nước, đơn vị,...; làm lan tỏa gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện của giá trị nhân văn..., trên trang cá nhân hoặc các trang cộng đồng thay vì chia sẻ các thông tin ngẫu hứng, vô bổ. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần luôn ý thức rằng mỗi thông tin, mỗi status của mình đưa lên “có ích gì cho hay không”. Do đó, chuẩn mực dành cho cán bộ, đảng viên có phần khắt khe hơn nhưng thực sự là cần thiết, bởi trong nhiều trường hợp, những gì được đưa lên mạng internet và mạng xã hội không còn là vấn đề cá nhân mà trở thành hình ảnh, uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, của đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ trong hệ thống của Đảng nói riêng./.


Tác giả: KTHNN. Trần Khánh Hòa
Tổng số điểm của bài viết là: 129 trong 27 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?