Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 981
Tháng 04 : 49.126
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góp phần tìm hiểu vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Hướng tới Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc gắn liền với sự lớn mạnh của Đảng cách mệnh chân chính - Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta càng cảm phục về tư tưởng, tầm vóc và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt tiến trình cách mạng đất nước nói chung, trong vận động hợp nhất các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930 Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Trong bối cảnh lịch xã hội Việt Nam từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược năm 1858 đến những năm đầu thế kỷ XX, đã liên tiếp nổ ra các cuộc khởi nghĩa lớn, nhỏ của nhân dân ta. Tuy nhiên, tất cả các cuộc khởi nghĩa đó đều thất bại vì thiếu một đường lối đúng đắn, thiếu một phương pháp đấu tranh thích hợp và nhất là chưa có một tổ chức lãnh đạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh lịch sử đó, với lòng yêu nước sâu sắc cùng khát vọng giành lại hoà bình, độc lập cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã quyết tâm tìm đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Chính ý chí và khát vọng ấy đã đưa người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy ở đó con đường cách mạng đúng đắn - cách mạng vô sản. Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, để biến mục tiêu, lý tưởng cách mạng thành hiện thực, Nguyễn Ái Quốc quan tâm hàng đầu đó là sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi theo Người “Cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng, để trong thì vận động quần chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy” (1). Theo đó, Người vừa tiếp tục hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện cần thiết về tư tưởng, chính trị và tổ chức để thành lập một Đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam. Điều này được biểu hiện trên các hoạt động cụ thể là:

Về tư tưởng: Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam nhằm làm chuyển biến nhận thức của quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, làm cho hệ tư tưởng Mác - Lênin từng bước chiếm ưu thế trong đời sống xã hội, làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào yêu nước xích dần đến lập trường của giai cấp công nhân. Nội dung truyền bá là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin được cụ thể hóa cho phù hợp với trình độ của các giai tầng trong xã hội. Người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam không phải bằng các tác phẩm kinh điển, những cuốn sách lý luận đồ sộ mà bằng các tác phẩm ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ quần chúng. Những bài viết, bài giảng với lời văn giản dị, nội dung thiết thực đã nhanh chóng được truyền thụ đến quần chúng. Người đã vạch trần bản chất xấu xa, tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân thuộc địa, nhân dân Việt Nam; nêu lên mối quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc. Người đã sử dụng những phương pháp thích hợp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam: từ chỗ thức tỉnh đến định hướng hành động, rồi đào tạo đội ngũ những người tuyên truyền thông qua một tổ chức vừa tầm thích hợp. Những phương pháp tuyên truyền từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Về chính trị: Nguyễn Ái Quốc đã phác thảo những vấn đề cơ bản về đường lối cứu nước đúng đắn của cách mạng Việt Nam, thể hiện tập trung trong những bài giảng của Người cho những cán bộ cốt cán của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Năm 1927, được in thành sách lấy tên là “Đường Cách mệnh”. Những vấn đề then chốt trong tác phẩm có tác dụng lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa Phương Đông. Những vấn đề đó là: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chủ yếu là công nông, vì vậy phải tổ chức quần chúng lại; cách mạng muốn thành công phải có một Đảng Cộng sản lãnh đạo; phải có đường lối và phương pháp cách mạng đúng; cách mạng giải phóng dân tộc phải liên hệ chặt chẽ với cách mạng vô sản thế giới…Người chỉ rõ: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền; phải bền gan, phải hy sinh; phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” (2).

Người nêu lên những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam như tính chất giải phóng dân tộc của cách mạng, những động lực chủ yếu của nó - công nhân và nông dân là “gốc cách mệnh”, “học trò, nhà buôn, điền chủ nhỏ” là bầu bạn cách mệnh của công nông. Những luận điểm đó là nền tảng hình thành liên minh công nông và mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng dân tộc giải phóng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Người còn nêu quan điểm cực kỳ quan trọng: “Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng”. Đồng thời, Người xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới: “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ” (3) và “ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả” (4).

Về tổ chức: Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo về công tác tư tưởng, công tác chính trị, Nguyễn Ái Quốc còn dày công chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) tiến tới thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6/1925) để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là một tổ chức tiền thân có tính chất quá độ, vừa tầm, thích hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam bấy giờ. Nó giúp cho những người Việt Nam yêu nước xuất thân từ các thành phần, tầng lớp dễ tiếp thu tư tưởng cách mạng của Người, phản ánh tư duy sáng tạo và là thành công của Người trong chuẩn bị về mặt tổ chức cho Đảng ra đời. Chính những thanh niên yêu nước và sục sôi hoài bão cách mạng trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã thực hiện phong trào “vô sản hóa” để đi sâu vào phong trào đấu tranh của quần chúng, truyền bá lý luận Mác - Lênin và đường lối cách mạng đúng đắn vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, giác ngộ họ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác. Đồng thời, thông qua “vô sản hóa” lớp lớp thanh niên yêu nước được rèn luyện trong thực tiễn, giác ngộ lập trường giai cấp công nhân sâu sắc, hiểu rõ nguyện vọng, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, tiến tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tạo điều kiện chín muồi và hợp quy luật cho sự ra đời của Đảng.

Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (Pháp)12/1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Có thể thấy rằng, sự chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam vào những ngày đầu Xuân năm 1930 là những đóng góp to lớn, vững chắc và là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc - Người thanh niên yêu nước chân chính, tài ba, lỗi lạc.

Đảng vinh quang - Bác Hồ vĩ đại

Tuyên truyền Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02/1930 - 03/02/2020

Hướng tới Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020) và mừng Xuân Canh Tý 2020, chúng ta càng tự hào về Đảng quang vinh bao nhiêu thì càng thấy công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc nói chung, với quá trình ra đời và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng hôm nay nguyện ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người để góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, hạ thấp uy tín của Người đối với cách mạng Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 289.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.304.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.287.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.329./.

 

P.T.H


Tác giả: KCH. Phan Trọng Hưng
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?