Văn hóa đọc và tầm quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của người quân nhân ở Học viện Lục quân hiện nay
Ngày 24 tháng 2 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số: 1862/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2021 về việc lấy 21/4 hằng năm là ngày Sách Việt Nam. Trong môi trường quân đội, văn hóa đọc đóng vai trò then chốt trong việc bồi dưỡng tri thức, rèn luyện nhân cách và nâng cao bản lĩnh cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trẻ.
Văn hóa đọc trong quân đội, có thể hiểu là sự ứng xử văn minh, có ý thức và trách nhiệm của mỗi quân nhân đối với việc tiếp cận, lĩnh hội tri thức, thông tin và các giá trị văn hóa thông qua sách, báo, tài liệu và các nguồn thông tin chính thống khác. Hoạt động này bao gồm việc hình thành thói quen đọc thường xuyên, xây dựng sở thích đọc lành mạnh và phát triển kỹ năng đọc hiệu quả, phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và phát triển bản thân.
Hoạt động nghiên cứu tài liệu thường xuyên tại thư viện của Học viện Lục quân
Văn hóa đọc có ý nghĩa to lớn, không chỉ cung cấp nền tảng kiến thức vững chắc, mở rộng tầm nhìn cho người quân nhân trong mọi lĩnh vực của đời sống quân sự và xã hội, mà còn góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định và nâng cao năng lực toàn diện. Bởi vì, những lợi ích to lớn mà văn hóa đọc mang lại cho người quân nhân được thể hiện rõ nét qua việc:
Bồi dưỡng tri thức, phát triển trí tuệ, cảm xúc và bản lĩnh chính trị: Sách, báo, tài liệu quân sự và các ấn phẩm có giá trị là nguồn tri thức quý báu, được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn và lý luận quân sự tiên tiến. Việc đọc sách giúp quân nhân nắm vững đường lối quân sự của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và khả năng tác chiến. Đồng thời, thông qua những tác phẩm văn học, lịch sử, chính trị giúp quân nhân bồi dưỡng tình yêu Tổ quốc, đồng chí, đồng đội, nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, khả năng nhận diện và đấu tranh với các thông tin sai lệch, độc hại, giữ vững bản lĩnh chính trị trong mọi tình huống.
Rèn luyện tư duy, nâng cao kỹ năng diễn đạt và khả năng giải quyết vấn đề: Thông qua việc đọc, quân nhân học cách sử dụng ngôn ngữ chính xác, mạch lạc, giàu tính biểu cảm, rèn luyện tư duy phân tích, tổng hợp, đánh giá tình huống, phát triển khả năng sáng tạo và đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời trong thực tiễn công tác và chiến đấu.
Văn hóa đọc trong môi trường quân đội thời đại số: Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, văn hóa đọc trong quân đội cũng có những bước chuyển mình đáng kể. Bên cạnh sách, báo, tài liệu truyền thống, các phương tiện đọc điện tử, thư viện số, các nền tảng học tập trực tuyến đã trở thành những kênh quan trọng để quân nhân tiếp cận tri thức. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải chủ động trang bị kỹ năng sử dụng các phương tiện hiện đại, biết chọn lọc thông tin chính thống và có ý thức bảo vệ bí mật quân sự trên không gian mạng.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, thời gian qua ở Học viện Lục quân đã có nhiều chủ trương, biện pháp phát triển văn hóa đọc thiết thực, hiệu quả.
Giáo dục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa đọc; tổ chức các buổi tập huấn, tham gia tập huấn, quán triệt, học tập chuyên đề về vai trò, ý nghĩa của văn hóa đọc đối với sự phát triển toàn diện của người quân nhân cách mạng nói chung, của cán bộ, chiến sỹ trong toàn Học viện nói riêng, gắn với nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng cơ quan, đơn vị.
Điểm cầu Học viện Lục quân tham gia tập huấn chuyển đổi số
Quán triệt sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện các cơ quan, đơn vị đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để xây dựng, phát triển văn hóa đọc: Phòng Thông tin Khoa học quân sự thường xuyên củng cố, nâng cấp thư viện, phòng đọc của đơn vị, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết. Bổ sung thường xuyên, đa dạng các loại sách, báo, tạp chí, tài liệu quân sự, các ấn phẩm có giá trị về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ và trình độ của cán bộ, chiến sĩ. Chủ động chỉ đạo xây dựng và phát triển thư viện điện tử, kết nối với thư viện số dùng chung của Bộ Quốc phòng và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài liệu trực tuyến một cách an toàn, đúng quy định của quân đội. Hoạt động cà phê – sách ở Học viện đã thu hút đông đảo bạn đọc đến nghiên cứu, tham khảo tại thư viện. Hoạt động trao tặng sách của Học viện nhân Ngày Sách và văn hóa đọc lần thứ tư năm 2025 cho trường PTTH Lương Thế Vinh huyện Đức Trọng và trưng bày, triển lãm sách chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 – 30/4/2025 đã góp phần lan tỏa thông điệp ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, có ý nghĩa giáo dục cao và thúc đẩy phong trào đọc sách trong Học viện ngày càng phát triển, củng cố tình đoàn kết quân dân.
Nhân viên thư viện Học viện Lục quân bảo đảm tài liệu nghiên cứu, học tập cho học viên
Cấp ủy, chỉ huy các cấp xác định việc đọc sách, tự học, tự nghiên cứu là một tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực, phẩm chất của cán bộ các cấp. Yêu cầu cán bộ các cấp phải thực sự là tấm gương sáng trong văn hóa đọc, thường xuyên đọc sách, nghiên cứu tài liệu, cập nhật kiến thức mới. Cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch và tổ chức thường xuyên các hoạt động đa dạng, hấp dẫn như giới thiệu sách mới, nói chuyện chuyên đề theo các chủ đề chính trị, quân sự, văn hóa, lịch sử... tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, viết cảm nhận về sách, kể chuyện theo sách... Khen thưởng, biểu dương kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động đọc sách.
Thông qua đó, từng cán bộ, giảng viên, học viên, QNCN, chiến sỹ trong toàn Học viện đã nhận thức sâu sắc văn hóa đọc là một nhu cầu tự thân, là phương tiện quan trọng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, quân sự, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, giáo dục do đơn vị tổ chức, chủ động tìm hiểu thông tin, tài liệu nghiên cứu, học tập. Chủ động chia sẻ những cuốn sách hay, những thông tin bổ ích với đồng chí, đồng đội. Mạnh dạn đề xuất các ý tưởng, sáng kiến để nâng cao hiệu quả cho đơn vị.
Nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản tài liệu, sách báo; chủ động xây dựng kế hoạch đọc sách khoa học, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao và trình độ bản thân; tích cực học tập, nâng cao kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ cho việc đọc sách, nghiên cứu tài liệu trực tuyến. Có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân và bí mật quân sự khi truy cập internet và sử dụng các thiết bị điện tử.
Việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp trên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viên và cấp ủy, chỉ huy các cấp và ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi quân nhân, đã và sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào việc xây dựng một môi trường văn hóa đọc lành mạnh, góp phần xây dựng đơn vị, xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”./.
TVT