Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 767
Tháng 10 : 45.749
Tháng trước : 66.035
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận dụng phương pháp dạy học đàm thoại và nêu vấn đề trong giảng bài lý luận chiến thuật

Giảng bài lý luận chiến thuật là một nội dung quan trọng trong môn học chiến thuật. Những năm trước đây, giảng bài lý luận chiến thuật chỉ cần thuyết trình cung cấp đủ kiến thức cho học viên. Tuy nhiên, cùng với yêu cầu cao của dạy học tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và lấy người học làm trung tâm, ngoài phương pháp thuyết trình, giảng bài lý luận chiến thuật còn vận dụng các phương pháp dạy học khác như: đàm thoại, nêu vấn đề.

 

Học viên học bài lý luận chiến thuật

Qua thực tế huấn luyện, vận dụng phương pháp tích cực trong giảng bài lý luận chiến thuật đã có những cách hiểu khác nhau và đặt ra nhiều câu hỏi: Trường hợp nào thì vận dụng phương pháp đàm thoại, phương pháp nêu vấn đề?  Cách vận dụng đó có gì giống và khác nhau?” Bài viết xin được bàn luận một số vấn đề về vận dụng 2 phương pháp này.

Đàm thoại (vấn đáp) là phương pháp hỏi đáp giữa giảng viên và học viên qua đó trang bị kiến thức mới, củng cố mở rộng và kiểm tra kiến thức đã học của học viên. Đàm thoại có các dạng: Đàm thoại gợi mở, đàm thoại củng cố mở rộng và đàm thoại kiểm tra.

Đàm thoại gợi mở là cách thức hỏi - đáp giữa giảng viên và học viên với mục đích trang bị kiến thức mới cho học viên. Đàm thoại củng cố - mở rộng với mục đích củng cố, mở rộng, hệ thống hóa, chính xác hóa… các kiến thức đã học của học viên. Đàm thoại kiểm tra giúp giảng viên kiểm tra kết quả học tập của học viên.

Dạy học nêu vấn đề là kiểu dạy học trong đó giảng viên nêu lên các mâu thuẫn trong lý luận và thực tiễn, tổ chức cho học viên cùng nghiên cứu, tìm tòi, luận giải các mâu thuẫn trong đó một cách sáng tạo, từ đó phát hiện những vấn đề mới cho bản thân và khoa học. Dạy học nêu vấn đề bao gồm các nhân tố: Vấn đề học tập, câu hỏi vấn đề, nhiệm vụ vấn đề và tình huống có vấn đề.

Vấn đề học tập là mâu thuẫn người học gặp phải trong quá trình lĩnh hội kiến thức mới, thường xuất hiện ở dạng “Tại sao, Vì sao?” Giải quyết được vấn đề đó, người học sẽ hiểu được bản chất của kiến thức mới mà không phải chỉ học thuộc đơn thuần.

Câu hỏi vấn đề là câu hỏi chứa đựng vấn đề học tập - nghiên cứu, nó không đặt ra một cách đơn lẻ, mà nằm trong hệ thống câu hỏi có tính lô gic; không phải là những câu hỏi nhớ lại kiến thức mà câu hỏi nhằm tìm tòi cách giải quyết vấn đề học tập.

Nhiệm vụ có vấn đề là vấn đề học tập được đặt ra dưới dạng nhiệm vụ, một giả thuyết, giả định đòi hỏi người học phải chứng minh, luận giải nó. Trong huấn luyện chiến thuật thường vận dụng trong tập bài tổ chức chuẩn bị chiến đấu.

Tình huống có vấn đề là một hoàn cảnh học tập cụ thể chứa đựng học tập đặt ra phải giải quyết. Trong huấn luyện chiến thuật thường vận dụng trong tập bài thực hành xử trí các tình huống chiến đấu.

Dạy học nêu vấn đề ở Học viện Lục quân thường vận dụng ở 3 cấp độ. Cấp độ 1: Giảng viên nêu vấn đề và tự giải quyết vấn đề; cấp độ 2: Giảng viên nêu vấn đề, gọi học viên giải quyết vấn đề; cấp độ 3: Giảng viên nêu vấn đề, định hướng cho học viên tự giải quyết vấn đề.

Bộ môn Huấn luyện Quốc tế, Khoa Chiến thuật thông qua bài giảng lý luận

Như vậy, trong bài giảng lý luận chiến thuật, thường vận dụng cả dạy học đàm thoại và nêu vấn đề (ở dạng câu hỏi vấn đề và nhiệm vụ có vấn đề). Hai phương pháp này có điểm giống nhau đều xuất hiện ở dạng câu hỏi với mục đích phát huy tính tích cực của người học. Tuy nhiên, giữa chúng có sự khác nhau, dạy học đàm thoại về hình thức xuất hiện trong bài giảng ở dạng “câu hỏi - đáp án”; về nội dung câu hỏi thường gắn với đáp án ngắn gọn, chính xác, được trình bày trong tài liệu, người học bằng kiến thức thường trực hoặc nghiên cứu tài liệu để trả lời; thời gian hỏi - đáp nhanh, mang tính tái hiện, thông báo. Dạy học nêu vấn đề về hình thức xuất thường ở dạng “vấn đề - giải quyết vấn đề”; về nội dung chứa đựng vấn đề có mâu thuẩn về lý luận và thực tiễn, đáp án thường không có hoặc chỉ một phần trong tài liệu; muốn giải quyết mâu thuẫn đặt ra, người học, giảng viên phải vận dụng tổng hợp kiến thức lý luận và thực tiễn, thông qua các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, quy nạp, diễn dịch để luận giải và chứng minh nhằm giải quyết vấn đề đặt ra; phức tạp hơn thông báo, tái hiện của đàm thoại và cần nhiều thời gian để đưa ra và giải quyết vấn đề.

Một bài giảng chiến thuật thường có dung lượng từ 2 đến 4 tiết học, nội dung kiến thức nhiều, vận dụng phương pháp đa dạng và phải phát huy tính tích cực người học; đó là một thử thách đối với giảng viên. Căn cứ vào nội dung, thời gian, yêu cầu đạt được để giảng viên vận dụng linh hoạt dạy học thuyết trình, đàm thoại hay nêu vấn đề. Khi vận dụng phương pháp nào cũng đòi hỏi phải sử dụng đúng hình thức, nội dung và cách tiến hành của phương pháp đó. Muốn vậy, giảng viên phải làm công tác chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu biên soạn bài giảng, bài giảng điện tử, kế hoạch giảng bài đầy đủ, đúng nội dung, hình thức theo từng phương pháp. Xem xét ở từng nội dung để sử dụng câu hỏi đàm thoại hay nêu vấn đề cho phù hợp. Đồng thời, hiệp đồng tài liệu và cung cấp trước vấn đề nghiên cứu cho học viên để họ chủ động tìm tòi, chuẩn bị nhằm giải quyết cơ bản vấn đề mâu thuẩn đặt ra, tránh bị động, khi gặp vấn đề thì không giải quyết được hoặc trả lời sơ sài làm giảm cảm hứng học tập. Trong thực hành giảng luôn làm chủ nội dung, phương pháp và thời gian. Đặc biệt, khi đưa ra các câu hỏi, vấn đề học tập, phải biết gợi mở tạo cảm hứng trả lời cho người học; đồng thời biết bắt đầu và kết thúc đúng kế hoạch, tránh bị sa đà, kéo theo tranh luận của học viên.

Dạy học đàm thoại và nêu vấn đề là những phương pháp dạy học tích cực, mỗi phương pháp có mục đích, hình thức, nội dung, cách tiến hành khác nhau. Trong giảng bài lý luận chiến thuật, giảng viên căn cứ vào yêu cầu cụ thể để làm tốt công tác chuẩn bị và vận dụng linh hoạt, hiệu quả khi thực hành giảng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Tổng cục chính trị, Lý luận dạy học đại học, Nhà xuất bản quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.

- Học viện Lục quân, Chuẩn bị và thực hành giảng bài lý luận, 2024. 

T.Q.D


Tác giả: KCT. Trần Quốc Dũng
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?