Quân y Học viện triển khai các biện pháp Phòng, chống ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum
Trong 05 tháng đầu năm 2023, một số địa phương trong nước đã xảy ra ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum (ngộ độc botulinum), gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cộng đồng, có trường hợp đã tử vong.
Để chủ động phòng, chống sự cố ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum (C. botulinum) tại Học viện. Quân y Học viện cập nhật thông tin và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh như sau:
I. CẬP NHẬT THÔNG TIN
1. Thông tin chung
Ngộ độc botulinum là bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, do độc tố tấn công hệ thần kinh của cơ thể. Sau khi sử dụng thực phẩm có chứa độc tố từ 12 đến 36 giờ, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng yếu cơ kiểm soát mắt, mặt, miệng, họng, có thể lan đến cổ, tay, chân và cơ hô hấp, do đó gây khó thở và có thể tử vong. Do độc tố có hiệu lực cực cao, ngộ độc botulinum được coi là một trong những mối đe dọa khủng bố sinh học tiềm tàng. Trên thế giới phần lớn các trường hợp ngộ độc là do rau, hoa quả đóng hộp; cá Hồi hun khói, trứng cá Hồi lên men, xúc xích, thịt hun khói…. Ở Việt Nam trong những ca mắc bệnh ghi nhận gần đây thường do thịt, thực phẩm đóng hộp, pate, cá chép muối ủ chua. Ngoài ra, tất cả các thực phẩm khác như rau, củ, quả, hải sản...vẫn có nguy cơ bị nhiễm vì khuẩn nếu không được bảo đảm an toàn và được ủ bọc kín.
Vi khuẩn Clostridium botulinum
2. Mầm bệnh
Trực khuẩn C. botulinum là vi khuẩn gram dương, kỵ khí, sinh nha bào, tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau (đất, phân động vật, nước biển, ruột hài sản, đặc biệt có trong thức ăn dự trữ, nhất là thực phẩm đóng hộp). Khi gặp môi trường thuận lợi, có dinh dưỡng, thiếu không khí, các nha bào phá vỡ vỏ bọc, sinh sôi, phát triển và sinh độc tố. Độc tố của C. botulinum bản chất là protein, có ái lực cao với tổ chức thần kinh. Bệnh nhân có thể ngộ độc do một hoặc nhiều loại độc tố cùng lúc. Độc tố của vi khuẩn là một trong những chất gây chết người nhiều nhất được biết đến, tác dụng lên hệ thần kinh rất mạnh và gây tê liệt cơ và hộ hấp.
3. Đường lây
- Bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hóa, do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn C. botulinum.
- Bệnh có thể bị lây nhiễm qua vết thương, vết chích ma túy.
4. Triệu chứng
- Ủ bệnh: Thường từ 12-36 giờ, sau khi ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng và tỷ lệ tử vong càng cao.
- Lâm sàng: Vì độc tố vi khuẩn có ái tính với hệ thống thần kinh nên bệnh nhân ngộ độc botulinum có biểu hiện chủ yếu là triệu chứng thần kinh ngoại biên.
+ Nôn, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt, da khô.
+ Đau bụng, bụng chướng, táo bón.
+ Sốt nhẹ hoặc không sốt, không rối loạn ý thức.
+ Các triệu chứng thần kinh điển hình:
* Liệt cơ mắt: Giãn đồng tử, mất phản xạ ánh sáng.
* Liệt điều tiết, liệt cơ vận động nhãn cầu.
* Liệt màn hầu, co thắt họng: Nghẹn, sặc đường mũi, doãi cơ hàm, nhai, nuốt khó.
* Liệt cơ thanh quản: Nói khàn, giọng mũi, nói nhỏ, nói không thành tiếng.
II. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH
1. Dự phòng chung
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo 05 chìa khóa để có thực phẩm an toàn hơn, là cơ sở cho các chương trình giáo dục, đào tạo đối với những người xử lý thực phẩm và người tiêu dùng. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, đó là: Giữ sạch sẽ; để riêng sống và chín; nấu kỹ; giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn và sử dụng nguồn nước và nguyên liệu an toàn.
2. Dự phòng ngộ độc botulinum
- Phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình chế biến. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Thực hiện ăn chín, uống chín; ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Hạn chế sử dụng các thực phẩm đóng gói, hộp và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cả muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn; khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
- Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3. Các cơ quan, đơn vị
- Tích cực Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, văn bản, hướng dẫn của Đảng, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng về an toàn thực phẩm (Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư khóa XIII về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 86/CT-BQP ngày 29/12/2022 của Bộ Quốc phòng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong Quân đội trong tình hình mới; Kế hoạch số 93/KH-BCĐ ngày 30/3/2023 của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về an toàn thực phẩm trong Quân đội về tổ chức thực hiện công tác an toàn thực phẩm trong Quân đội năm 2023...). Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sỹ, người lao động trong đơn vị các thông tin cơ bản về ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn C. botulinum, trọng tâm là mầm bệnh, đường lây, các biểu hiện lâm sàng, sự nguy hiểm của bệnh. Thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Chủ động cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng để nắm chắc tình hình dịch bệnh trong cộng đồng. Khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh trong đơn vị kịp thời báo cáo ngay chỉ huy đơn vị và cơ quan quân y để phối hợp và có phương án xử lý kịp thời, chính xác. Phối hợp chặt chẽ với Ngành Quân nhu và các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm cho bộ đội, nhất là các lực lượng thực hiện nhiệm vụ ở ngoài đơn vị./.