Một số biện pháp tâm lý - xã hội phát triển uy tín sư phạm cho người giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân hiện nay
Uy tín sư phạm của người giảng viên ở Học viện Lục quân (HVLQ) được hình thành, phát triển thông qua quá trình hoạt động và giao tiếp sư phạm, qua quá trình người giảng viên học tập, rèn luyện và phấn đấu bền bỉ. Trong khi đó, giảng viên trẻ ở HVLQ là những người có tuổi đời, tuổi nghề còn ít. Mỗi giảng viên trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết, niềm đam mê với sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Họ là những chủ thể tích cực, năng động trong hoạt động sư phạm quân sự. Những năm qua, đội ngũ giảng viên trẻ ở HVLQ hầu hết luôn nỗ lực, cố gắng trong học tập, rèn luyện phát triển phẩm chất và năng lực, nâng cao uy tín sư phạm của bản thân, được cấp trên, tập thể các khoa, đồng đội và học viên tin tưởng, ghi nhận.
Giảng viên tham gia diễn tập đi trinh sát thực địa
Hiện nay nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của HVLQ có bước phát triển mới, hướng tới xây dựng HVLQ thông minh, hiện đại. Học viện tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Chất lượng của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, những vấn đề đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ giảng viên trẻ, đặc biệt là vấn đề uy tín sư phạm của người giảng viên. Chính vì vậy, người giảng viên trẻ ở HVLQ cần thực hiện tốt một số biện pháp tâm lý - xã hội sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người giảng viên trẻ
Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu góp phần tạo nên uy tín sư phạm của người giảng viên. Phẩm chất chính trị là yêu cầu chủ đạo, bảo đảm sự tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, giai cấp trong giảng dạy. Vì vậy, người giảng viên trẻ phải chấp hành tốt kế hoạch giáo dục chính trị của Học viện, của các khoa; cần tự giác nghiên cứu, học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó hoàn thiện phẩm chất và năng lực trong giảng dạy, góp phần phát triển uy tín nghề nghiệp sư phạm cho bản thân.
Hai là, củng cố xu hướng nghề nghiệp sư phạm quân sự cho giảng viên trẻ
Xu hướng nghề nghiệp sư phạm quân sự của người giảng viên là hệ thống những động cơ, mục đích nghề nghiệp sư phạm quân sự, thúc đẩy định hướng hoạt động nghề nghiệp sư phạm quân sự của người giảng viên. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là các khoa giảng viên cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, xây dựng định hướng giá trị nghề nghiệp sư phạm quân sự cho giảng viên trẻ; xây dựng động cơ, mục đích hoạt động sư phạm quân sự vững chắc cho họ. Mặt khác, người giảng viên trẻ, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Học viện, tự giác, tích cực học tập, rèn luyện, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.
Ba là, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người giảng viên trẻ trong hoạt động sư phạm
Tính tích cực và chủ động, sáng tạo là cơ sở giúp cho người giảng viên trẻ chuyển hóa những tri thức khoa học, kỹ xảo, kỹ năng sư phạm vào nội dung từng bài giảng, từng hình thức huấn luyện sát với từng đối tượng học viên. Do vậy, người giảng viên trẻ phải luôn nỗ lực, xây dựng ý chí quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn, đề cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, người giảng viên trẻ phải nhận thức đúng đắn, sâu sắc ý nghĩa to lớn về mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Học viện đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, bồi dưỡng và nâng cao kiến thức toàn diện cho người giảng viên trẻ, đặc biệt là kiến thức chuyên ngành giảng dạy
Kiến thức là thành phần quan trọng nhất giúp hình thành và phát triển năng lực sư phạm cho người giảng viên trẻ. Người giảng viên chỉ có thể hoạt động sư phạm và giảng dạy tốt khi nắm bắt được lôgíc và bản chất khoa học những vấn đề mình giảng dạy. Vì thế, cấp ủy, chỉ huy các cấp, khoa giảng viên cần nghiên cứu, đánh giá đúng mức độ phát triển nhân cách người giảng viên trẻ, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, phương pháp bồi dưỡng phù hợp với từng giảng viên; phát huy vai trò của đội ngũ chủ nhiệm bộ môn, giảng viên có uy tín sư phạm cao trong việc bồi dưỡng, rèn luyện giảng viên trẻ. Hơn nữa, để có chất lượng hoạt động sư phạm quân sự tốt đòi hỏi người giảng viên trẻ phải lao động công phu, nỗ lực lớn cả về trí tuệ, đầu tư thời gian và công sức; chủ động tích cực tự giác, nghiêm túc trong mọi hoạt động sư phạm.
Uy tín sư phạm luôn là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan chặt chẽ đến chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ của người giảng viên nói chung, người giảng viên trẻ nói riêng. Phát triển uy tín sư phạm cho người giảng viên trẻ ở HVLQ là một trong những vấn đề có tính cấp thiết góp phần to lớn vào nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội theo mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo đề ra./.