• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 213
Tháng 04 : 55.001
Tháng trước : 65.721
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khoa Công binh tích cực bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực, hiện đại cho đội ngũ giảng viên trẻ

Hiện nay, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong quân đội, việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đặc biệt là đối với đội ngũ giảng viên trẻ, đang trở thành một nhiệm vụ then chốt của các học viện, nhà trường quân đội nói chung và với Học viện Lục quân nói riêng. Từ yêu cầu đó, thời gian qua, Khoa Công binh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm bồi dưỡng, cập nhật và nâng cao phương pháp dạy học tích cực, hiện đại cho đội ngũ giảng viên trẻ, đáp ứng yêu cầu giáo dục – đào tạo trong tình hình mới.

Với đặc thù đào tạo chỉ huy – tham mưu chuyên ngành công binh, giảng viên không chỉ truyền đạt lý luận mà còn phải hướng dẫn học viên vận dụng lí luận đã được học vào tập bài gắn với chiến thuật binh chủng hợp thành trong các tưởng định cụ thể. Vì vậy, phương pháp dạy học truyền thống theo lối "giảng viên thuyết trình – học viên ghi chép" không còn phù hợp. Thay vào đó, Khoa Công binh đã chủ động đổi mới cách tiếp cận, tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên trẻ năng lực thiết kế, tổ chức bài giảng, tập bài nâng cao theo hướng lấy người học làm trung tâm, tăng cường tính tương tác, không để học viên thụ động, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên trong suốt quá trình học tập.

Theo đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Luật – Chủ nhiệm Khoa Công binh, để thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng, Khoa đã xây dựng kế hoạch cụ thể, bài bản theo từng giai đoạn. Trước hết là tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về phương pháp dạy học tích cực, hiện đại mà Học viện Lục quân đã và đang vận dụng, trong đó giới thiệu các mô hình, kỹ thuật dạy học hiện đại như: Dạy học theo phương pháp nêu vấn đề, phương pháp Graph, dạy học hợp tác, phương pháp đóng vai, phương pháp đảo chiều, dạy học tích hợp lý thuyết với thực hành trong tập bài nâng cao… Qua đó, giúp giảng viên trẻ nhận thức rõ hơn vai trò của phương pháp mới, đồng thời có điều kiện tiếp cận với các công cụ hỗ trợ hiện đại trong dạy học như công nghệ mô phỏng, ứng dụng số hóa bài giảng, phần mềm quản lý lớp học.

Song song với lý thuyết, Khoa Công binh cũng đặc biệt coi trọng bồi dưỡng thực tế. Các giảng viên trẻ được phân công dự giờ những tiết giảng, tập bài mẫu do các giảng viên có kinh nghiệm thực hiện, từ đó rút ra kinh nghiệm tổ chức bài giảng. Đồng thời, họ cũng được giao thực hành giảng, tập bài thử các nội dung chuyên ngành với sự tham gia góp ý của tổ bộ môn và lãnh đạo Khoa. Các buổi “tập giảng” được tổ chức thường xuyên, trở thành diễn đàn học thuật sôi nổi để các giảng viên trẻ mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, không ngừng hoàn thiện kỹ năng sư phạm.

Giảng viên trẻ tích cực biên soạn và thông qua bài giảng tại Khoa Công binh

Thiếu tá Đinh Hữu Long – một giảng viên trẻ mới về Khoa công tác hơn 2 năm chia sẻ: “Nhờ có các lớp bồi dưỡng của Học viện; được dự các buổi giảng, tập bài mẫu của các thầy có nhiều kinh nghiệm và được trực tiếp tham gia giảng thử, tôi đã dần tự tin hơn khi thực hiện giảng và tập bài theo các phương pháp dạy học tích cực. Trước đây, tôi thường theo khuôn mẫu giáo trình, bài giảng đã có, nhưng hiện tại tôi đã biết cách xây dựng bài giảng sao cho gắn liền với thực tiễn huấn luyện, lồng ghép tình huống chiến đấu cụ thể để học viên phát huy được khả năng vận dụng lí luận, hứng thú và dễ tiếp thu hơn”.

Bên cạnh hoạt động tự bồi dưỡng, Khoa Công binh còn tích cực cử cán bộ, giảng viên trẻ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Học viện tổ chức và tham gia các buổi hội thảo nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng dạy học tích cực và tập bài nâng cao của các khoa tổ chức. Đây là cơ hội để đội ngũ giảng viên trẻ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy hiện đại từ nhiều khoa khác nhau, từ đó mở rộng tư duy, làm phong phú thêm phương pháp sư phạm của cá nhân mình.

Kết quả bước đầu cho thấy, việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực tại Khoa Công binh đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng giờ dạy ứng dụng phương pháp tích cực tăng rõ rệt, chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng cao. Học viên hứng thú hơn với giờ học, chủ động phát biểu, tranh luận và tham gia các hoạt động nhóm. Tỷ lệ học viên đạt khá, giỏi trong các bài thi lí luận và thực hành tăng so với trước đây. Quan trọng hơn, đội ngũ giảng viên trẻ đã từng bước hình thành được phong cách giảng dạy riêng, năng động, sáng tạo và phù hợp với đặc thù đào tạo quân sự.

Tập bài nâng cao cho học viên chuyên ngành

Việc tích cực bồi dưỡng, nâng cao phương pháp dạy học tích cực cho giảng viên trẻ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại Khoa Công binh, mà còn là minh chứng cho sự đổi mới sâu sắc trong tư duy giáo dục của Học viện Lục quân trong thời đại chuyển đổi số, hiện đại hóa quân đội. Đây cũng là bước đi vững chắc để xây dựng một đội ngũ giảng viên vững vàng về chuyên môn, tinh thông về phương pháp, đáp ứng tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội trong thời kỳ mới theo phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”./.

N.N.T


Tác giả: KCB. Nguyễn Ngọc Thạch
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?