Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân hiện nay
Nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của người giảng viên nói chung, giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân hiện nay. Trong đó, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có ý nghĩa hết sức quan trọng, thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ trực tiếp góp phần nâng cao trình độ kiến thức, thành thục các kỹ năng của người giảng viên đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Học viện Lục quân trong tình hình mới.
Giảng viên trẻ tại Học viện Lục quân tích cực tham gia nghiên cứu khoa học
Đội ngũ giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân là nguồn nhân lực vô cùng quan trọng, là những giảng viên mới được điều động luân chuyển về các khoa giảng viên (có độ tuổi không quá 35 và có thâm niên giảng dạy dưới 5 năm), được đào tạo cơ bản tại các học viện, nhà trường trong toàn quân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kỹ năng cập nhật thông tin và ứng dụng công nghệ vào quá trình nghiên cứu và giảng dạy; có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần ham học hỏi, cầu thị, tiếp thu những tri thức mới. Song giảng viên trẻ còn ít kinh nghiệm thực tiễn, chưa thực sự mạnh dạn, còn tâm lý thiếu tự tin khi tham gia nghiên cứu khoa học. Vì vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần phải quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên trẻ đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo là vấn đề vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa có ý nghĩa cơ bản lâu dài.
Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ là tổng hợp các thành tố kiến thức, thái độ, kỹ năng nghiên cứu khoa học của giảng viên, bảo đảm cho hoạt động nghiên cứu khoa học thành thạo nhanh chóng và đạt hiệu quả cao. Năng lực nghiên cứu khoa học ở giảng viên trẻ được hình thành và phát triển trong suốt quá trình người giảng viên tham gia các hoạt động giảng dạy cũng như thực hiện các nhiệm vụ. Đó là sự tác động, chi phối và chuyển hóa lẫn nhau của các thành tố tâm lý: Kiến thức, thái độ, kỹ năng. Chỉ khi đội ngũ giảng viên trẻ nhận thức đúng đắn vị trí, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học thì họ mới bộc lộ thái độ đúng đắn, tích cực, thúc đẩy họ nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu những cái mới và sau đó khả năng nghiên cứu khoa học sẽ dần dần được hình thành và phát triển. Có thể nhận thấy, năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ được thể hiện rõ nhất trong kết quả nghiên cứu khoa học của họ.
Có thể khẳng định, nghiên cứu khoa học thực chất và chủ yếu chính là hoạt động thực hiện các đề tài, công trình khoa học ở các cấp. Đây chính là sản phẩm của quá trình tư duy, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm của người giảng viên nhằm tạo ra những sản phẩm trí tuệ và sản phẩm trí tuệ đó phải đảm bảo mang tính Đảng, tính khoa học, tính sáng tạo và tính thực tiễn. Khả năng nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, nhóm các yếu tố chủ quan (ý thức nghiên cứu khoa học; động cơ nghiên cứu khoa học; hứng thú nghiên cứu khoa học; phương pháp nghiên cứu khoa học...) giữ vai trò quyết định đến kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên. Nhóm các yếu tố khách quan (môi trường nghiên cứu; kinh phí nghiên cứu khoa học; sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đối với hoạt động nghiên cứu khoa học) đóng vai trò quan trọng, trực tiếp tác động đến kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ hiện nay.
Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân thực sự đã đi vào nền nếp, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có nhiều giảng viên trẻ đã làm chủ nhiệm những đề tài ở cấp khoa, cấp Học viện được nghiệm thu và đạt kết quả cao. Những kết quả mà hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ đã trực tiếp được áp dụng vào chính hoạt động giảng dạy của giảng viên cũng như tăng thêm uy tín của Học viện trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy vậy, trong tình hình hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, cần được khắc phục như: Một số giảng viên trẻ chưa nhận thức đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học; khả năng, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của một số giảng viên trẻ còn hạn chế; không ít giảng viên trẻ còn có biểu hiện ngại tiếp cận nghiên cứu với những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra...
Xuất phát từ những ưu điểm và hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ trong thời gian qua, nhằm góp phần nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên trẻ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đây là giải pháp đóng vai trò quan trọng hàng đầu, trực tiếp chỉ đạo, định hướng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ. Thực tế cho thấy, chỉ khi giảng viên trẻ có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học thì họ mới có thái độ đúng đắn trong nghiên cứu khoa học và từ đó sẽ thúc đẩy họ tích cực học hỏi, tiếp thu và rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu khoa học. Để thực hiện tốt giải pháp này, cần phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy các cấp mà trực tiếp là cấp uỷ, chỉ huy các khoa giảng viên đang trực tiếp quản lý đội ngũ giảng viên trẻ. Hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cho giảng viên trẻ phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài, từ đó góp phần chuyển quá trình nhận thức của họ từ tự phát sang tự giác. Có thể nhận thấy, những hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân chưa làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho giảng viên trẻ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, việc giáo dục nâng cao nhận thức là vấn đề có tính tất yếu khách quan nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân hiện nay.
Hai là, xây dựng động cơ, mục đích và hình thành thái độ nghiên cứu khoa học đúng đắn cho giảng viên trẻ.
Việc xây dựng động cơ, mục đích và hình thành thái độ nghiên cứu khoa học đúng đắn là giải pháp cơ bản, chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ hiện nay. Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ chỉ thực sự có hiệu quả khi họ có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, có thái độ tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, say mê nghiên cứu, tìm tòi những cái mới và sáng tạo ra những sản phẩm trí tuệ của riêng mình. Nói cách khác, quá trình người giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học luôn có sự thúc đẩy bởi động cơ, mục đích và thái độ đúng đắn. Khi có động cơ, mục đích, thái độ nghiên cứu khoa học đúng đắn, tích cực say mê nghiên cứu khoa học thì hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ sẽ đạt kết quả cao.
Ba là, tăng cường tổ chức các hình thức rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ
Kỹ năng nghiên cứu khoa học là một yếu tố căn bản có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ. Khi giảng viên trẻ thuần thục các kỹ năng nghiên cứu khoa học thì họ sẽ nhanh chóng tiếp cận, lĩnh hội các vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra; có những biện pháp để kịp thời khắc phục những khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học; tăng khả năng phát hiện và điều chỉnh phương pháp nghiên cứu, tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo đảm bảo hoạt động nghiên cứu khoa học đạt kết quả cao.
Kỹ năng nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ bao gồm: Kỹ năng phát hiện vấn đề; kỹ năng nghiên cứu sách, báo, tài liệu; kỹ năng điều tra, khảo sát thực tế... Các kỹ năng này có thể giúp giảng viên trẻ nhanh chóng tiếp cận, xử lý thông tin mới một cách chính xác; cùng với đó giúp họ có khả năng nắm chắc và hiểu ra bản chất của vấn đề, từ đó vận dụng những kiến thức của bản thân vào nghiên cứu và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Bốn là, tạo môi trường thuận lợi cho giảng viên trẻ trong quá trình nghiên cứu khoa học.
Yếu tố môi trường nghiên cứu giữ vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ. Khi giảng viên nói chung và giảng viên trẻ nói riêng được nghiên cứu trong môi trường thuận lợi với bầu không khí tâm lý tích cực, sẽ thúc đẩy họ say mê nghiên cứu, trau dồi kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Thực tế cho thấy, môi trường nghiên cứu của giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân đã được quan tâm đúng mức, giảng viên có điều kiện tốt để nghiên cứu và giảng dạy; hệ thống tài liệu phong phú... đây chính là những yếu tố quan trọng giúp giảng viên trẻ phát huy tốt những khả năng của bản thân trong quá trình tiếp cận và nghiên cứu những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra.
Năm là, tăng cường các chính sách động viên, khuyến khích giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học.
Các chính sách động viên, khuyến khích giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học giữ vai trò quan trọng để kích thích lực lượng này nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học. Các chính sách này ở cả hình thức vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, dù ở hình thức nào thì cũng phải tạo được động lực cho giảng viên trẻ khi nghiên cứu khoa học, kích thích họ tích cực, say mê nghiên cứu, dám tiếp cận những vấn đề mới mặc dù có thể phải đối mặt với những thất bại khi nghiên cứu.
Bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân hiện nay là một trong những yêu cầu khách quan đặt ra nhằm trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Học viện. Trong những năm tiếp theo, khi giảng viên trẻ có năng lực nghiên cứu khoa học thì họ sẽ nhanh chóng đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hóa, và hơn nữa giảng viên trẻ sẽ phát huy tốt tinh thần “7 dám”: “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020-2025./.
NTT