• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 602
Tháng 04 : 47.328
Tháng trước : 65.721
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệp định Pari - mốc son lịch sử, thắng lợi đỉnh cao của ngoại giao Việt Nam

Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, được ký ngày 27/1/1973 tại thủ đô Pari (Pháp), là một dấu mốc lịch sử có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Hiệp định không chỉ là thành quả của cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao, mà còn là minh chứng sinh động cho bản lĩnh, trí tuệ và tầm vóc của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường, nổi bật là sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ rơi vào thế bị động, phải đối mặt cùng lúc với tổn thất nặng nề về quân sự, làn sóng phản chiến lan rộng trong nước và sự phản đối ngày càng gay gắt từ cộng đồng quốc tế đối với tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam. Trước sức ép toàn diện đó, chính quyền Mỹ buộc phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 13/5/1968, các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu tại Pari, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, mở ra giai đoạn “vừa đánh, vừa đàm” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cuộc đàm phán tại Pari kéo dài gần 5 năm, với nhiều vòng thương lượng căng thẳng diễn ra trên cả hai kênh: công khai và bí mật. Đặc biệt, các phiên đàm phán tại Hội nghị Pari, nhất là những cuộc thương lượng giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ của phái đoàn Việt Nam và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger bên phái đoàn Mỹ, được ví như những trận đấu trí ngoại giao đầy căng thẳng và quyết liệt. Những cuộc đối thoại này thể hiện rõ bản lĩnh ngoại giao kiên cường, linh hoạt và khôn khéo của phía Việt Nam.

Trong suốt quá trình đàm phán, Việt Nam thể hiện lập trường kiên định, không thỏa hiệp về những vấn đề cốt lõi; đồng thời, biết mềm dẻo, linh hoạt để tạo điều kiện tiến tới thỏa thuận cuối cùng. Việc Mỹ buộc phải công nhận vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là một bước ngoặt ngoại giao mang tính chiến lược. Những thắng lợi chiến lược trên mặt trận quân sự của ta, đặc biệt là chiến thắng vang dội trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” kéo dài 12 ngày đêm (18 - 29/12/1972), đã tạo thế và lực quan trọng cho phái đoàn Việt Nam trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pari.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari chính thức được ký kết. Theo đó, Mỹ cam kết rút toàn bộ quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí và phương tiện chiến tranh ra khỏi miền Nam Việt Nam, và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Hiệp định cũng công nhận vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, điều mà Mỹ từng kịch liệt phản đối. Đây là một thắng lợi ngoại giao to lớn, mở ra thời cơ chiến lược cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Một số hình ảnh tư liệu về Lễ ký kết chính thức Hiệp định Pari 1973

Thắng lợi tại Hội nghị Paris là kết quả tổng hợp của đường lối đối ngoại kiên định, linh hoạt và sáng tạo, kết hợp giữa nguyên tắc bất biến với chiến lược ứng biến linh hoạt: “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bên cạnh đó, đây còn là minh chứng rõ ràng cho phương châm kết hợp đấu tranh quân sự với đàm phán ngoại giao đúng đắn của Đảng ta.

Thành công tại Hội nghị Pari còn thể hiện hiệu quả của việc kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc là ý chí kiên cường, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và sự hy sinh to lớn của nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây là nền tảng tạo nên sức mạnh nội lực, giúp Việt Nam có vị thế và chính nghĩa vững chắc trên bàn đàm phán. Sức mạnh thời đại là sự ủng hộ rộng rãi của phong trào hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới, đặc biệt từ các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình ở Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác. Đây là yếu tố thuận lợi của thời đại, giúp Việt Nam tranh thủ được sự đồng tình và hậu thuẫn trên trường quốc tế. Việc kết hợp nhuần nhuyễn hai nguồn sức mạnh này đã tạo nên một mặt trận toàn diện: chính trị, quân sự và ngoại giao, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi tại Hội nghị Pari.

Hiệp định Pari là một trong những chiến thắng ngoại giao vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, một cường quốc như Hoa Kỳ buộc phải ký kết rút quân và chấm dứt chiến tranh trong thế bị động. Hiệp định Pari đã kết thúc sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam, tạo điều kiện quyết định cho chiến thắng của nhân dân Việt Nam vào ngày 30/4/1975, đưa đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Không dừng lại ở phạm vi quốc gia, Hiệp định Pari còn khẳng định vị thế và chính nghĩa của Việt Nam trên trường quốc tế, là thắng lợi của công lý, của phong trào hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Thành công này phản ánh rõ nét hiệu quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính nghĩa và đậm tính nhân văn, một trong những di sản lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hiệp định Pari vừa là mốc son trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, vừa là bài học quý báu về bản lĩnh chính trị, sự kiên trì giữ vững nguyên tắc, tầm nhìn chiến lược và nghệ thuật đối ngoại linh hoạt. Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên tại Học viện Lục quân. Việc nghiên cứu, học tập và thấm nhuần giá trị lịch sử của Hiệp định Pari có ý nghĩa thiết thực, nhằm giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và nâng cao bản lĩnh chính trị cho người quân nhân cách mạng trong thời kỳ mới. Thông qua quá trình học tập và nghiên cứu về sự kiện lịch sử này, cán bộ, giảng viên và học viên tại Học viện Lục quân phát huy truyền thống hào hùng của lịch sử dân tộc, từ đó xây dựng quyết tâm, ý chí, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Học viện thông minh, hiện đại. Việc nghiên cứu những bài học quý giá từ Hiệp định Pari cũng là cơ sở để mỗi quân nhân bồi dưỡng ý thức, trách nhiệm, tinh thần độc lập, tự chủ và bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng ứng phó với mọi thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tài liệu tham khảo

1. Bảo Tàng Hồ Chí Minh, Hiệp định Pari - Dấu ấn phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (2023).

2. Nguyễn Thành Lê, Cuộc đàm phán Pari về Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (1998).

3. Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ, Những cuộc tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước Hội nghị Pari, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (2023).

 

 

 

 

 

 


Tác giả: KTHNN. Lê Đình Kiểm
Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?