Bàn về chủ nghĩa dân túy trước thềm đại hội Đảng các cấp
Những năm qua, chủ nghĩa dân túy ngày càng nổi lên và có xu hướng lan rộng, gây nên những bất ổn trong nền chính trị - xã hội ở nhiều quốc gia; thách thức nhiều giá trị, định chế quốc tế. Đối với Việt Nam, chủ nghĩa dân túy vẫn là vấn đề khá mới mẻ, chưa có cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội để trở thành một “chủ nghĩa” hay “hệ tư tưởng”, mà mới biểu hiện dưới dạng quan điểm thể hiện qua lời nói và hành động của một số cá nhân. Tuy nhiên, những biểu hiện tiêu cực đó vẫn có sức phá hoại lớn đến đời sống kinh tế, chính trị - xã hội của Việt Nam. Vì vậy, việc nhận diện, nhất là mặt tiêu cực của chủ nghĩa dân túy để chúng ta có các giải pháp phòng, chống là việc cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trước thềm đại hội Đảng các cấp, không để những người có tư tưởng của chủ nghĩa dân túy lọt vào cấp ủy của các đơn vị.
Chủ nghĩa dân túy (populism) theo nghĩa gốc của từ populus trong tiếng Latinh là dân, quần chúng nhân dân. Trong nghĩa Hán Việt, chữ “túy” trong chủ nghĩa dân túy là say sưa, say mê. Chủ nghĩa dân túy là làm cho đám đông nghe và tin theo chủ đích chính trị của mình.
Hiện nay, Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, chủ nghĩa dân túy không có cơ sở kinh tế, chính trị - xã hội để tồn tại dưới dạng một “chủ nghĩa” ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa; khi mà dân chủ được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trong khi nhận thức về dân chủ của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân còn hạn chế, thực hiện dân chủ hình thức hoặc lợi dụng dân chủ để chia rẽ nội bộ; việc giải quyết một số vấn đề xã hội chưa hiệu quả, giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu, nghèo và bất bình đẳng trong xã hội có xu hướng gia tăng thì những biểu hiện dân túy vẫn có cơ sở để xuất hiện. Nhìn sâu vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam hiện nay, bước đầu có thể nhận diện các biểu hiện dân túy dưới mấy dạng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, những người có quan điểm dân túy hay đưa ra những phát ngôn gây sốc, cùng với những hành vi và hình ảnh “mị dân” để lấy lòng dân chúng
Trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam, đã và đang xuất hiện những biểu hiện của sự phát ngôn, hành vi, hình ảnh của một số ít người mang tính dân túy. Tại một số diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hay trong các sự kiện có đông dân chúng, có thể nhận thấy những biểu hiện dân túy thông qua các phát ngôn gây sốc của một số người có vị trí, địa vị không đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, bỏ qua những quy định pháp lý, thiếu tính khả thi, vượt quá hoặc không đúng thẩm quyền của cá nhân. Ngay sau đó, những phát ngôn này được đăng tải trên một vài tờ báo, hoặc lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của công chúng.
Biểu hiện này đã được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”.
Thứ hai, mượn danh vì dân chủ, đòi thực hiện thể chế chính trị “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền phân lập”
Biểu hiện này thường gặp ở những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị. Họ mượn danh nghĩa là đấu tranh vì dân chủ nhưng lại có những lời nói, hành động chống lại nền dân chủ của nhân dân, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Thậm chí cá biệt có cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phụ họa theo các thế lực thù địch đòi tự do dân chủ vô nguyên tắc, coi thường lãnh đạo, coi thường tổ chức. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, khi nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã chỉ rõ đó là biểu hiện: “Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái”.
Những người dân túy thể hiện thái độ không tôn trọng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Họ dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, mượn danh để đòi đổi mới chính trị vô nguyên tắc, tuyên truyền đòi đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập, dựng chuyện trong Đảng có phe này, phái kia, đối lập Đảng với Quốc hội; đòi để Nhân dân tự chọn món ăn tinh thần không cần định hướng, quản lý trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng; đòi dân chủ một cách tự do, vô tổ chức, vô hạn độ, dân chủ không gắn với kỷ luật, kỷ cương. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ biểu hiện đó là: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước”.
Thứ ba, xuyên tạc lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đòi từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Biểu hiện kiểu này xuất hiện ở những kẻ cơ hội, bất mãn chính trị hoặc những cán bộ, đảng viên đã phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ có thái độ phủ nhận lịch sử, cho rằng những năm tháng hào hùng đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là “thời kỳ đen tối”, “sai lầm” không thể chấp nhận. Những cá nhân này cũng hay lấy thực tế nước Đức thống nhất, lấy đời sống người dân Hàn Quốc và Triều Tiên để minh chứng cho luận điệu về sự sai lầm của lịch sử khi Việt Nam chọn con đường cách mạng vô sản, từ đó ra sức xuyên tạc lịch sử, hạ bệ lãnh tụ Hồ Chí Minh, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa chân chính để chấp nhận “chủ nghĩa xã hội nhân đạo, dân chủ”.
Thứ tư, lấy danh nghĩa bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc để tuyên truyền, kích động tư tưởng bài Trung, thân Mỹ
Đây cũng là một biểu hiện chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay. Để lôi kéo người dân, họ tung hô ngọn cờ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, biên giới quốc gia, chống ngoại xâm... nhưng thực chất là xúi giục, kích động người dân chống Đảng, chính quyền Nhà nước, hạ thấp uy tín lực lượng vũ trang...
Mượn danh bảo vệ chủ quyền biển, đảo để kích động biểu tình là một biểu hiện của chủ nghĩa dân túy (Ảnh biểu tình chống Dàn khoan 981 của Trung Quốc năm 2014 – Nguồn internet)
Sự nguy hại của các biểu hiện dân túy ở Việt Nam càng hiện hữu hơn khi các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị lợi dụng để cổ súy, câu kết thành lực lượng đối lập. Các biểu hiện dân túy nếu không sớm có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, thì sẽ giống như vi rút độc hại, gây ô nhiễm đời sống chính trị đất nước, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn từ sớm, từ xa các biểu hiện dân túy ở Việt Nam trước thềm đại hội đảng các cấp cần tiến hành đồng bộ các giải pháp như sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận diện và hiểu rõ nguy cơ, tác hại của chủ nghĩa dân túy, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện dân túy ở Việt Nam
Để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện dân túy ở Việt Nam hiện nay, trước tiên, cần làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí thống trị trong đời sống tinh thần của xã hội, tạo ra chất “miễn dịch” tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với những biểu hiện dân túy.
Cần tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nhận rõ những biểu hiện mang tính dân túy trong đời sống chính trị, bởi không phải khi nào mọi người cũng có thể phân biệt được đâu là người theo hay không theo chủ nghĩa dân túy, thậm chí dễ nhầm lẫn giữa những người vô nguyên tắc, vô chính phủ với những người mạnh mẽ, dám đưa ra tư tưởng đổi mới. Vì thế, cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần được cung cấp những kiến thức để nhận diện các biểu hiện dân túy, giúp mọi người cảnh giác, tham gia đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện dân túy dưới mọi hình thức.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức
Toàn Đảng, mỗi chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên cần kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định mục tiêu đổi mới; giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đây là chỗ dựa lý luận, là nền tảng tư tưởng để đấu tranh phòng, chống những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ, trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, không có khoa học nào vô tư đứng trên giai cấp, đứng ngoài chính trị mà đều phục vụ mục đích chính trị của giai cấp nhất định, giai cấp thống trị xã hội. Do đó, thiếu một lập trường kiên định, vững vàng thì sớm muộn sẽ rơi vào những quan điểm sai lầm, chệch hướng.
Chỉ kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân mới có thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng, nhân sinh quan cách mạng để xem xét, nhận định, phân tích một cách khách quan, toàn diện các hiện tượng chính trị, xã hội đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên thế giới, khu vực và trong nước để có thái độ, trách nhiệm và đề ra quyết sách đúng đắn, giải quyết hợp lý, hợp tình mọi vấn đề chính trị, xã hội.
Hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong các biểu hiện ấy, có biểu hiện manh nha của chủ nghĩa dân túy, có biểu hiện là “cơ hội” cho dân túy bộc phát, lên ngôi. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ rằng, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta, cũng như tương lai phát triển của dân tộc.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Ở Việt Nam, những người theo khuynh hướng dân túy, các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị cũng đang lợi dụng những yếu kém của chính quyền các cấp, nhất là những hiện tượng vô cảm, sách nhiễu dân của cán bộ, công chức, tệ tham nhũng, lãng phí để bôi nhọ, vu khống, phá hoại chính quyền nhân dân. Bởi vậy, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nội dung, giải pháp cơ bản, có hiệu quả để chủ động, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa các biểu hiện dân túy ở nước ta hiện nay.
Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế
Nhận thức đúng xu thế của thời đại, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Những năm qua, quá trình hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc tăng cường nguồn lực cho phát triển, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, cùng với quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại trên mọi lĩnh vực, chúng ta chưa có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế tác động tiêu cực của hội nhập nên những tư tưởng, quan điểm, hành vi dân túy có cơ hội xâm nhập vào đời sống xã hội nước ta. Tình hình đó đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức kinh tế - xã hội cần kiên định và thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo chiến lược đối ngoại trong hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Nhất quán nguyên tắc bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.
Trong Quân đội nói chung, Học viện Lục quân nói riêng, các biểu hiện của chủ nghĩa dân túy có thể được thể hiện ở một số ít cán bộ, chiến sĩ chưa tích cực tự giác phấn đấu, rèn luyện; bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, bàn lùi, không dám làm… Do vậy, đội ngũ bí thư, cấp ủy, người chỉ huy các cấp cần áp dụng đồng bộ các giải pháp như trên, chú trọng giải pháp giáo dục, phòng ngừa từ sớm, từ xa; xây dựng đoàn kết nội bộ, duy trì nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở; làm tốt công tác nhân sự cán bộ trước thềm đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 như: Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 2960 của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương; Hướng dẫn của Tổng cục Chính trị; Chỉ thị và Hướng dẫn của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện về đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Học viện tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Các cấp ủy phải xin ý kiến định hướng của cấp ủy cấp trên trực tiếp về nhân sự cán bộ khóa mới, lấy phiếu tín nhiệm ở chi bộ nơi dự kiến nhân sự tham gia cấp ủy công tác và làm tốt công tác thẩm tra lý lịch cán bộ, có như vậy sẽ phòng ngừa, ngăn chặn chủ nghĩa dân túy xâm nhập vào trong Quân đội nói chung cũng như Học viện Lục quân nói riêng./.
V.V.T