Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 921
Tháng 03 : 67.257
Tháng trước : 35.349
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đức và tài của người cán bộ cách mạng vào xây dựng đội ngũ cán bộ Học viện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phẩm chất và năng lực của người cán bộ cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, đối với người cán bộ cách mạng, hai mặt đức và tài, phẩm chất và năng lực, không thể thiếu mặt nào, cũng không thể coi nhẹ mặt nào. Do đó, từ rất sớm Người đã dày công vun đắp để đào tạo cho Ðảng, cho đất nước một đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, vừa hồng lại vừa chuyên.

Quan điểm của Bác, đức và tài phải luôn gắn bó chặt chẽ, quan hệ biện chứng với nhau trong nhân cách của người cán bộ cách mạng. Trong mối quan hệ đó, thì đức phải được đặt lên hàng đầu, đức phải có trước tài, đức là “gốc”. Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, vì có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Bên cạnh đó, Người cũng còn xác định, có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai.

Bác Hồ thăm một đơn vị bộ đội thuộc Quân khu 4 (năm 1961)

Trong những năm qua, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng ta về đức và tài của cán bộ cách mạng vào xây dựng đội ngũ cán bộ, Thường vụ Đảng ủy Học viện và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ Học viện có số lượng tương đối phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, công tác cán bộ vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm như: có cấp ủy viên ở một số tổ chức cơ sở đảng chưa nắm vững yêu cầu, quy trình nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ. Mốt số cấp ủy, chỉ huy đơn vị chưa gắn kết chặt chẽ các khâu trong công tác cán bộ. Số ít cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ý thức tổ chức kỷ luật kém dẫn đến vi phạm phải xử lý kỷ luật.

Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với những tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thực hiện “phi chính trị hóa ” Quân đội với những thủ đoạn thâm độc, quyết liệt và trực diện hơn. Quân đội tiếp tục điều chỉnh tổ chức, lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, linh hoạt, cơ động, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Công tác giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng Nhà trường thông minh tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Học viện đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cao hơn. Đặt ra vấn đề cơ bản thường xuyên, lâu dài và cấp bách cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đức và tài của người cán bộ cách mạng để xây dựng đội ngũ cán bộ Học viện trong thời kỳ mới.

Một là, quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ

Công tác quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ là cơ sở lý luận và thực tiễn để các tổ chức, cá nhân quán triệt và vận dụng trong xây dựng đội ngũ cán bộ của đơn vị, hướng đến mục tiêu hình thành ở đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về đạo đức, tài năng và phải lấy đạo đức là cái trước tiên. Thực hiện vấn đề này đặt ra cho các cấp ủy đảng, nhất là vai trò của cấp ủy cơ sở là phải nghiên cứu, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đức và tài trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ. Đề cao việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên là việc làm thường xuyên mà mọi cấp ủy, tổ chức đảng phải thấu triệt. Trong đó, phải coi trọng đúng mức việc phát triển toàn diện, thống nhất cả đức và tài, lấy đạo đức làm gốc cho tài năng phát triển. Vì vậy, cấp ủy đảng các cấp, nhất là cấp ủy và tổ chức đảng cơ sở trong Học viện cần nghiên cứu, nắm vững giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về đức và tài trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Gắn với việc quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Thường vụ Đảng ủy Học viện về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.

 Chủ động, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc; mở rộng hình thức tuyên truyền giáo dục, kịp thời thông tin, định hướng dư luận, thống nhất nhận thức tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ trẻ; kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng với luân chuyển và đi thực tế ở các đơn vị để rèn luyện cán bộ trong thực tiễn, tạo sự thống nhất về nhận thức; đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, xây dựng kế hoạch, tiến hành công tác cán bộ đảm bảo nguyên tắc, có hiệu quả, đúng đường lối công tác cán bộ của Đảng trong Học viện.

Hai là, tăng cường lãnh đạo, quản lý, giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ của các cấp ủy đảng

Các cấp ủy, tổ chức đảng ở Học viện cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, phát hiện, tháo gỡ khó khăn, biểu dương khen thưởng kịp thời; chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ.

Tăng cường công tác quản lý đội ngũ cán bộ, thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu, xem xét cán bộ, đánh giá đúng đắn từng cán bộ và đội ngũ cán bộ; đề ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng cán bộ được chính xác, thiết thực; bố trí, sử dụng cán bộ đúng chỗ, thích hợp và có hiệu quả cao. Nội dung quản lý cán bộ phải toàn diện cả số lượng lẫn chất lượng, quản lý từng con người lẫn đội ngũ; quản lý từng loại cán bộ, từng cấp, từng ngành; quản lý cả phẩm chất và năng lực, sức khoẻ và kiến thức chuyên môn; quản lý lịch sử chính trị cán bộ với quá trình hoạt động thực tiễn và sinh hoạt của cán bộ tại cơ quan, đơn vị; nắm chắc tình hình gia đình, hậu phương và các mối quan hệ xã hội của cán bộ; quản lý hồ sơ cán bộ theo phân cấp…. Nắm chắc cán bộ thì việc sử dụng cán bộ mới chính xác và việc giáo dục, rèn luyện cán bộ mới có hiệu quả. Vì vậy, cấp ủy, bí thư, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp, cần thông qua quá trình hoạt động thực tiễn và sinh hoạt của cán bộ để nắm chắc mạnh, yếu của cán bộ; thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chức trách của từng người mà đánh giá, xem xét cán bộ; kết hợp chặt chẽ việc quản lý đội ngũ cán bộ với quản lý đội ngũ đảng viên; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, các tổ chức và quần chúng để quản lý cán bộ. Phát huy trách nhiệm quản lý của cán bộ chủ trì các cấp đối với cán bộ thuộc quyền, đề cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức đảng, cơ quan chính trị và các cơ quan chuyên trách trong việc quản lý cán bộ. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, cán bộ, chiến sỹ trong việc quản lý cán bộ và việc cán bộ các cấp quản lý lẫn nhau. Xây dựng và thực hiện thành nền nếp, chế độ công tác quản lý, thủ tục quản lý và các hồ sơ quản lý cán bộ (tự nhận xét hàng năm, bổ sung lý lịch, chế độ nhận xét cán bộ, chế độ lấy ý kiến phê bình của quần chúng; các sổ sách, giấy tờ, đăng ký thống kê về cán bộ).

Các cấp ủy, tổ chức đảng ở Học viện phải tích cực giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ cho cán bộ tại chức, nhằm tiếp tục bổ túc cho cán bộ những vấn đề mà họ còn thiếu, giúp cán bộ hoàn thiện phẩm chất và năng lực toàn diện hơn để có thể hoàn thành nhiệm vụ trước mắt. Giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện không chỉ đối với những cán bộ trẻ mà ngay cả những cán bộ đã có tuổi quân, tuổi đời cao trong các cơ quan, đơn vị. Đây là việc làm thường xuyên do yêu cầu của việc hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu nâng cao trình độ cán bộ đặt ra. Bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ có thể vận dụng những hình thức sau: Cử cán bộ đi dự các lớp tập huấn do cấp trên mở; đơn vị tự mở các lớp bồi dưỡng tại chức; đi tập huấn hoặc bổ túc thêm ở các trường bên ngoài Quân đội, cấp trên giáo dục, bồi dưỡng cấp dưới, cán bộ có kinh nghiệm kèm cặp cán bộ trẻ chưa có kinh nghiệm. Trong các hình thức bồi dưỡng cán bộ, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chú trọng hình thức cấp trên bồi dưỡng cấp dưới. Đây là việc làm thể hiện tính tích cực, chủ động, năng động của đơn vị, vừa đơn giản, tiết kiệm, vừa có hiệu quả cao. Kết hợp động viên cán bộ tự học tập, rèn luyện, nghiên cứu nâng cao trình độ và tự hoàn thiện nhân cách của mình. Phải đưa vấn đề tự học của cán bộ thành tiêu chuẩn đánh giá, bình xét cán bộ hàng năm. Đó là con đường tích cực nhất để nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ ở đơn vị.

Ba là, thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch công tác cán bộ

Đây là nội dung, biện pháp rất quan trọng, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng. Do vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng ở Học viện phải thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên (bí thư), người chỉ huy, cơ quan chính trị, cơ quan cán bộ các cấp, các ngành trong Quân đội. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra toàn diện về công tác cán bộ, trực tiếp quản lý cán bộ theo phân cấp. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể cấp ủy quyết định; đồng thời, thực hiện đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.  Những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ phải do tập thể cấp ủy thảo luận và quyết nghị theo đa số. Những vấn đề cán bộ và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền cấp trên quyết định, tập thể cấp ủy (cấp đề nghị) đã thảo luận và quyết nghị, nhưng ý kiến của chính ủy, chính trị viên (bí thư) hoặc người chỉ huy khác với ý kiến của cấp ủy thì phải báo cáo đầy đủ lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Chính ủy, chính trị viên (bí thư), người chỉ huy phải đề xuất và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Thực hiện cá nhân, tổ chức đề xuất, cơ quan chính trị thẩm định, tập thể cấp ủy quyết định về cán bộ và công tác cán bộ; đồng thời, chịu trách nhiệm về việc thực hiện trên. Cán bộ, đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành các nghị quyết, quyết định của cấp ủy, tổ chức đảng; cấp ủy cấp dưới phải chấp hành quyết định của cấp ủy cấp trên về cán bộ và công tác cán bộ.

Thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật... Có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ... Nghiên cứu ban hành quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn... Quy định về trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện lạm quyền, mất dân chủ trong công tác cán bộ.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng đội ngũ cán bộ và kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Để thực hiện tốt vấn đề này, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Học viện tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cần nhận thức rõ: cán bộ là nhân tố quyết định thành bại của cách mạng, khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng. Mọi vấn đề về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ thuộc thẩm quyền của cấp ủy, tổ chức đảng, được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Về số lượng, phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan, đơn vị cơ bản đủ theo biên chế của cơ quan, đơn vị và Học viện. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ. Cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ. Thực hiện tốt công tác quản lý, nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đối với cán bộ. Trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ phải thực hiện đồng bộ các khâu: quy hoạch, nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển; trong đó, quản lý, đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhất, quản lý chặt, đánh giá cán bộ đúng thì mới quy hoạch, sử dụng đúng.

Tuy nhiên, trong xây dựng đội ngũ cán bộ phải xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ; đồng thời, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm. Có quy định cụ thể nhằm xử lý những trường hợp cán bộ vi phạm kỷ luật, pháp luật nhưng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy trình công tác cán bộ; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ. Mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và Hội đồng quân nhân trong tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế của Trung ương, Quân ủy Trung ương và thường vụ Đảng ủy Học viện nhằm kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm không để hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm hoặc đến tuổi nghỉ hưu. Không lấy việc bố trí chức vụ, phong, thăng quân hàm, nâng lương để thực hiện chính sách cán bộ.

Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa công tác cán bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” xác định: “Cán bộ là khâu then chốt, là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Như vậy, khâu then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải bắt đầu từ công tác cán bộ. Nếu thực hiện tốt công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ thì sẽ góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngược lại, nếu không thực hiện tốt sẽ có hệ lụy tương ứng. Bởi vậy, trong tiến hành công tác cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Học viện phải coi đó là một nội dung cơ bản, rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung, biện pháp tiến hành công tác cán bộ phải đặt trong tổng thể các biện pháp công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lấy hiệu quả của công tác cán bộ là một nội dung quan trọng để đánh giá tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Việc đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ của các cấp ủy đảng phải trên cơ sở gắn kết giữa yêu cầu chung về phẩm chất, năng lực của cán bộ với các tiêu chí thực hiện Chỉ thị 05 và những biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra. Khi đánh giá chất lượng cán bộ phải gắn với phân tích chất lượng đảng viên, tạo cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”; đồng thời, khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để việc kết hợp hai mặt công tác trên có hiệu quả, cần phát huy vai trò của bí thư, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong Học viện; xây dựng đội ngũ cấp ủy vững mạnh, đoàn kết, thống nhất cao; thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ trì ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm, nhất là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, ... Đồng thời, có chủ trương, biện pháp toàn diện, đồng bộ, tính khả thi cao; thực sự coi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt và phải bắt đầu từ công tác cán bộ, gắn liền với công tác cán bộ.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, 12.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết TW3, khóa VIII về chiến lược cán bộ.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết TW4, khóa XI, XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2011, 2016.

5. Nghị quyết số 600-NQ/ĐU ngày 26/6/2019 của Đảng ủy Học viện Lục quân lãnh đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ Học viện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 T.S.H


Tác giả: CTD. Trần Sinh Huy
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?