Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.490
Tháng 03 : 67.826
Tháng trước : 35.349
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức mạnh chính trị - tinh thần trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” để kịp thời động viên, khơi dậy và quy tụ sức mạnh tinh thần quật khởi của toàn thể quốc dân đồng bào nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. 75 năm đã trôi qua, những âm hưởng hào hùng ấy vẫn luôn hiện hữu, như mệnh lệnh thúc giục của non sông, đất nước; vẫn mãi vang vọng, trường tồn và biểu hiện sức mạnh tinh thần bất diệt của dân tộc Việt Nam - Một dân tộc anh hùng, yêu chuộng hoà bình, khát vọng độc lập và tiến bộ xã hội.

Với mong muốn duy trì khoảng thời gian hoà bình quý báu để phát triển sản xuất, phục hồi sức dân và làm mọi công tác chuẩn bị trước khi bước vào cuộc chiến tranh khó tránh khỏi nhằm bảo vệ nhà nước non trẻ trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện sách lược linh hoạt hết mức có thể, nhưng với bản chất xâm lược, hiếu chiến, thực dân Pháp đã cố tình gây hấn chiến tranh, nhằm phá hoại thành quả của Cách mạng Tháng Tám, dã tâm xâm lược áp đặt sự thống trị dân tộc ta một lần nữa. Nhận rõ tình thế cách mạng đó, Đảng ta cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt chủ động phát động cuộc chiến tranh nhân dân chính nghĩa, chống lại chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Thay mặt Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù rất ngắn gọn, súc tích, nhưng đã lan toả sức mạnh chính trị - tinh thần và thẩm thấu vào từng con tim, khối óc, ý chí quyết tâm chiến đấu chống giặc đến cùng của mỗi người dân Việt Nam. Chính sức mạnh chính trị - tinh thần ấy đã hoà quyện, nhân lên và phát huy tác dụng của toàn dân tộc nói chung, cũng như của các lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng; trở thành mệnh lệnh từ “hồn thiêng sông núi” thôi thúc ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong mọi tầng lớp Nhân dân. Nội dung cũng như các thành tố cơ bản cấu thành sức mạnh chính trị - tinh thần trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được biểu hiện trên các phương diện cơ bản:

Thứ nhất, sức mạnh chính trị - tinh thần trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu thị trực tiếp và sinh động sức mạnh từ nền chính trị độc lập mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đổ biết bao xương máu giành được trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Điều này, ngay trong bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy [1]. Chính nền độc lập mà Nhân dân ta giành được là nền tảng chính trị vững chắc thúc đẩy tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc nhằm bảo vệ và giữ vững thành quả cách mạng. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã hiệu triệu quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

“Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên![2].

Thứ hai, sức mạnh chính trị - tinh thần trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu thị niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những âm hưởng hiệu triệu trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ niềm tin vào khát vọng hòa bình và thắng lợi của cuộc chiến tranh chính nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa[3], đó là lòng tin vào sức mạnh giác ngộ chính trị của cả dân tộc với tinh thần yêu nước nồng nàn, có ý chí quyết tâm cao và có tinh thần chịu đựng khó khăn, hy sinh, gian khổ đi đến thắng lợi cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:

“Nay tuy châu chấu đá voi,

Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”[4].

Thứ ba, sức mạnh chính trị - tinh thần trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu thị sức mạnh khát vọng độc lập, tự do của cả dân tộc. Hồ Chí Minh khẳng định: gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm. Kháng chiến thắng lợi muôn năm” (5). Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là sự tiếp nối và khẳng định mục tiêu xuyên suốt của Nhân dân ta luôn hướng tới là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu đó là ngọn đuốc dẫn đường, tạo nên sức mạnh vô địch của dân tộc ta mà không thế lực nào có thể khuất phục được.

Thứ tư, sức mạnh chính trị - tinh thần trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, cũng như nghệ thuật nắm thời cơ cách mạng. Hồ Chí Minh nêu rõ: Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên chống thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước [6]. Có thể thấy, đây không đơn thuần là kêu gọi tập hợp lực lượng cho cách mạng, mà còn chứa đựng và phản ánh tư tưởng của đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện - Nghệ thuật chiến tranh nhân dân đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Cùng với sự phản ánh đường lối kháng chiến của dân tộc, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến còn biểu thị rõ tư duy chiến lược quân sự nhạy bén trong nắm thời cơ, chớp thời cơ để giành quyền chủ động trên chiến trường của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người kêu gọi: “Giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”[7].

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như luồng sinh khí sức mạnh chính trị - tinh thần tỏa ra từ đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thôi thúc ý chí quyết tâm mãnh liệt đánh thắng kẻ thù xâm lược ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Sau mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quân và dân Thủ đô đã bùng lên khí thế anh dũng, kiên cường “quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô với hình ảnh “cảm tử quân” đã gan góc chiến đấu và dũng cảm hy sinh, ôm “bom ba càng” lao vào phá xe tăng địch, chặn bước tiến của quân thù đã khắc hoạ nên bức tượng đài bất tử về lòng quả cảm, tinh thần yêu nước bất khuất và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Với khí thế chiến đấu hào hùng được nhân lên bởi nguồn sức mạnh chính trị - tinh thần bất tận từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đã hoà quyện, thẩm thấu vào tổng thể các yếu tố khác hợp thành sức mạnh vật chất to lớn, mang lại những thắng lợi vang dội trong cuộc khắng chiến chống quân Pháp xâm lược. Điều này đã giữ vững và nhân lên niềm tin cho quân và dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung quyết tâm chiến đấu. Giữ vững khí thế cách mạng ấy, trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến mưu trí, sáng tạo, anh dũng, kiên cường của quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tạo ra bước ngoặt cách mạng, làm cơ sở, nền tảng để chúng ta tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và đi đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước; hiện thực hoá khát vọng mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Hiện nay, với dã tâm thâm độc, các thế lực thù địch vẫn đang hằng ngày, hằng giờ gia tăng các hoạt động phá hoại thành quả cách mạng, kìm hãm sự phát triển và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta. Do đó, phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta tiếp tục nêu cao cảnh giác cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý chí quật cường để chủ động tiến công làm thất bại mọi âm mưu cùng hành động của các thế lực thù địch xâm phạm đến chủ quyền an ninh quốc gia; giữ vững môi trường hoà bình để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tài liệu tham khảo:

[1], [2], [3], [5], [6], [7]. Hồ Chí Minh (1946), “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 553.

[4]. Hồ Chí Minh (1953), “Con voi với con muỗi”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 103.

 


Tác giả: KMLNTTHCM. Lê Sỹ Tiệp
Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?