Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.419
Tháng 04 : 44.890
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Cách đây tròn 90 năm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930). Từ đây, cách mạng Việt Nam có một đảng cách mạng chân chính dẫn đường cho toàn dân đứng lên đánh đổ ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến đem lại độc lập cho dân tộc, ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm nên những chiến công oanh liệt của thế kỷ XX.

Ngày nay, những thành tựu to lớn qua hơn 30 năm đổi mới đã làm cho thế và lực của nước ta được nâng cao trên trường quốc tế, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ như ngày hôm nay. Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020), chúng ta cùng nhìn lại những đóng góp, sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và từng bước biến nước ta trở thành thuộc địa của chúng. Trước cảnh nước mất nhà ta, nhân dân lầm than, khổ cực, nhiều phong trào yêu nước đã nổ ra nhưng đều thất bại vì chưa có đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn. Ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra nước ngoài để tìm đường cứu nước. Trải qua hành trình khắp năm châu, bốn biển, năm 1917, Người trở lại Paris và tích cực hoạt động trong Đảng xã hội Pháp. Tháng 7/1920, Người đã bắt gặp “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin và tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1].

Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp tháng 12-1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp

 

Nguyễn Ái Quốc tích cực chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là quá trình vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn xã hội Việt Nam và Người cũng có những sáng tạo độc đáo phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Một là, Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo quy luật ra đời Đảng cộng sản của chủ nghĩa Mác - Lênin và chỉ ra quy luật ra đời đặc thù của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngay sau khi tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập Đảng. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, hoạt động tích cực trong Hội liên hiệp thuộc địa, xuất bản báo “Người cùng khổ” để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào các nước thuộc địa. Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đi Liên Xô dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản và có nhiều hoạt động tích cực tại Quốc tế Cộng sản như: tham dự Đại hội Quốc tế Nông dân, Quốc tế Thanh niên, Quốc tế Công hội đỏ,… Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra báo Thanh niên, mở lớp đào tạo cán bộ cách mạng cho 75 đồng chí. Những bài giảng của Người được tập hợp thành cuốn sách “Đường cách mệnh” xuất bản năm 1927. Trong tác phẩm Người nêu rõ: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[2].

Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là: nguyên tắc tập trung dân chủ, phải đoàn kết thống nhất, lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển và phải có kỷ luật nghiêm minh... Người khẳng định vấn đề có ý nghĩa quyết định trong xây dựng Đảng là: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[3].

Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân. Vận dụng sáng tạo quy luật này ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế nghèo nàn lạc hậu như Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đây chính là sáng tạo nổi bật nhất của Hồ Chí Minh trong quá trình vận động thành lập Đảng. Người trung thành với nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về quy luật ra đời của Đảng, đồng thời có bổ sung, sáng tạo vào quy luật ấy với điều kiện cụ thể của Việt Nam, đó là phong trào yêu nước. Hồ Chí Minh đã phân tích rất kỹ tính chất xã hội, cơ cấu giai cấp của xã hội Việt Nam để chỉ ra quy luật này.

Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời từ các cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, số lượng ít, chủ yếu là công nhân khai thác mỏ, đồn điền mà chưa phải là công nhân đại công nghiệp như ở phương Tây. Tuy vậy, giai cấp công nhân Việt Nam cũng là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, có tinh thần cách mạng triệt để nhất, có mối liên hệ mật thiết với nông dân, là lực lượng lãnh đạo cách mạng. Phong trào công nhân diễn ra nhưng quy mô còn nhỏ, tổ chức chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, phong trào yêu nước Việt Nam diễn ra sôi nổi, rộng khắp, thu hút được đông đảo các giai cấp, tầng lớp tham gia. Vì vậy, phong trào công nhân và phong trào yêu nước cần phải hỗ trợ nhau để thu hút lực lượng đông đảo trong xã hội, nhất là nông dân.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa “chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”, cần phải được truyền bá, thẩm thấu vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước để tạo nên sự chuyển biến về chất, trở thành hành động cách mạng của dân tộc Việt Nam. Chính sáng tạo của Hồ Chí Minh về quy luật ra đời đặc thù của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp được lực lượng đông đảo trong nhân dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mà đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, nhất là thông qua tổ chức và hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, chủ nghĩa Mác - Lênin đã thẩm thấu vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Thời kỳ 1927 - 1929 là thời kỳ chuyển biến của cách mạng Việt Nam. Phong trào công nhân Việt Nam chuyển mạnh từ tự phát đến tự giác, phong trào yêu nước phát triển với chất lượng mới. Qua đó, tạo nên làn sóng cách mạng dân tộc, dân chủ mạnh mẽ, tạo điều kiện chín muồi cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự ra đời của 03 tổ chức cộng sản vào cuối năm 1929, đầu năm 1930 cho thấy việc thành lập Đảng đã được chuẩn bị chu đáo về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Với nhãn quan chính trị nhạy bén, nhằm thống nhất thành một Đảng duy nhất để lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc với vai trò phái viên của Quốc tế cộng sản đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930).

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 

Hai là, Hồ Chí Minh xác định: giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam.

Trong các văn kiện thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt) do Hồ Chí Minh soạn thảo xác định: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”[4]. Đây là đường lối đúng đắn của cách mạng Việt Nam với hai giai đoạn: Giải phóng dân tộc đem lại độc lập cho dân tộc được đặt lên hàng đầu, tiếp đó cách mạng phải tiến lên giai đoạn xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa để thực sự giải phóng giai cấp, giải phóng con người, đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, con người được phát triển toàn diện. Đây là hai giai đoạn không có sự phân biệt về không gian và thời gian, nó gắn liền với nhau, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, giải phóng dân tộc là tiền đề, là điều kiện để giải phóng giai cấp, giải phóng con người và giải phóng giai cấp, giải phóng con người sẽ bảo đảm cho độc lập dân tộc được vững chắc, “độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.

Ba là, sáng tạo của Hồ Chí Minh về việc xác định lực lượng tiến hành cách mạng.

Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ: Liên minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân là động lực của cách mạng vô sản. Vận dụng sáng tạo quan điểm đó vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: Công nông là chủ cách mệnh, bên cạnh đó Người cũng chỉ ra: học trò, nhà buôn, điền chủ nhỏ là bầu bạn cách mệnh của công nông. Trong “Sách lược vắn tắt”, Hồ Chí Minh xác định về từng lực lượng cách mạng: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng. Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến… Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến, v.v.) thì phải đánh đổ”[5].

Đây chính là chủ trương tập hợp tất cả các giai cấp, tầng lớp, lực lượng có tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng đứng về phe công nông, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng, đồng thời phân hóa, cô lập kẻ thù, là sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh trong huy động sức mạnh toàn dân làm cách mạng.

Đảng lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945)

 

Để thực hiện được việc tập hợp lực lượng toàn dân tộc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến tính tiên phong và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tính tiên phong của Đảng, theo Người là thể hiện ở đường lối chính trị đúng đắn. Người nêu rõ: “Đảng là đội tiên phong của đạo quân vô sản gồm một số lớn của giai cấp công nhân và làm cho họ có đủ năng lực lãnh đạo quần chúng”[6]. Trong Lời kêu gọi nhân thành lập Đảng, Người cũng chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta”[7]. Các văn kiện thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, các bài viết cũng như thư gửi Trung ương Đảng và Quốc tế Cộng sản trong những năm 30 thế kỷ XX, Hồ Chí Minh dùng rất nhiều từ như: “thu phục”, “lôi kéo”, “liên lạc”, “dìu dắt”, v.v.. nhằm khẳng định tính tiên phong và vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc tổ chức, tập hợp, đoàn kết dân tộc đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc và của giai cấp.

Bốn là, sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc đặt tên Đảng và chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước Đông Dương.

Trong khi Quốc tế Cộng sản có chỉ thị thành lập một Đảng Cộng sản chung cho ba dân tộc Đông Dương. Trong thảo luận tại Hội nghị thành lập Đảng, Hồ Chí Minh giải thích: “Cái từ Đông Dương rất rộng và theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, vấn đề dân tộc là vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt buộc các dân tộc khác gia nhập Đảng, làm như thế là trái với nguyên lý của chủ nghĩa Lênin. Còn cái từ An Nam thì hẹp, mà nước ta có ba miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ.

Do đó, từ Việt Nam hợp với cả ba miền và cũng không trái với nguyên lý của chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc”, nên Hội nghị nhất trí với cách giải thích của Người và đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ trương đó của Người tuân thủ những nguyên lý xây dựng đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, có tính đến yếu tố dân tộc, nhằm thức tỉnh ý thức dân tộc, khơi dậy sức mạnh của ba dân tộc Đông Dương, đồng thời tạo ra sự tin cậy về chính trị để đoàn kết, giúp đỡ nhau một cách tự nguyện, bình đẳng và có hiệu quả.

Những sáng tạo của Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở một nước thuộc địa đã được thực tế cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới trong thế kỷ XX kiểm chứng là đúng đắn và khoa học. Đây là sự cống hiến quan trọng của Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận Mác - Lênin. Trải qua gần 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam với sự sáng lập và rèn luyện của Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành những thắng lợi vẻ vang, có ý nghĩa lịch sử to lớn. Ngày nay, những tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị, soi sáng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

T.N.T


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 30.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 289.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 289.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 1.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 3.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 4.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 22.


Tác giả: KML. Trần Nho Tuấn
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 115 trong 34 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?