Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 177
Tháng 04 : 48.322
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga soi đường, dẫn lối Cách mạng Việt Nam

Đêm 24, ngày 25 đến rạng sáng 26-10-1917 (theo lịch cũ nước Nga), dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã đứng lên khởi nghĩa vũ trang và kết thúc thắng lợi. Từ đó, ngày 25-10-1917 (tức ngày 7-11-1917) trở thành ngày thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại.

Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa lịch sử và thời đại to lớn, là sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, là cuộc cách mạng có tính thời đại, khai phá con đường cho nhân loại đi tới tương lai và mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là động lực mạnh mẽ thức tỉnh, cổ vũ, soi đường, dẫn lối các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của giai cấp phong kiến, tư sản, tự cứu lấy mình và tự giải phóng; là xung lực thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh mẽ ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ la-tinh. Dưới ánh sáng ngọn đuốc Cách mạng Tháng Mười Nga, nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đã vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc và lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có Việt Nam. Điều đó được thể hiện trên một số khía cạnh cơ bản sau:

1. Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam.

Đầu thế kỷ XX, Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng đường lối cứu nước, các nhà yêu nước dân chủ tư sản như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đang lạc hướng, tất cả các phong trào yêu nước nổ ra đều bị thất bại thì Cách mạng Tháng Mười Nga thành công như một hồi chuông thức tỉnh quần chúng lao khổ toàn thế giới đứng lên đấu tranh, giải phóng dân tộc. Đúng như cụ Phan Bội Châu đã nhận định: “Thình lình đang giữa khi gió đục mây mù có trận gió xuân thổi tới, thình lình đang giữa khi trời khuya đất ngủ có hình thái dương mọc lên, trận gió xuân ấy, tia thái dương ấy chính là chủ nghĩa xã hội vậy”.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã gây sự chú ý mãnh liệt đối với người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước. Tháng 7-1920, khi nghiên cứu “Bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc được con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam. Từ đó, Người hoàn toàn tin tin tưởng và đi theo con đường cách mạng Lênin đã lựa chọn. Người đã nhận ra chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản và “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các giai cấp bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người nêu rõ: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”.

Các bài học lý luận - thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, truyền bá vào Việt Nam, giúp những người Việt Nam yêu nước tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn là không có lựa chọn nào khác ngoài cách mạng vô sản, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích Nga trong đấu tranh giành chính quyền, Người đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị đủ các điều kiện để thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam dựa trên các nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của V.I.Lênin. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam.

Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cách mạng ở mỗi nước, trong đó có Việt Nam, trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới. Dưới ánh sáng soi đường, dẫn lối của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác với các thắng lợi huy hoàng trong cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cụ thể: Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ phong kiến và đập tan ách thống trị của bọn thực dân, làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tiếp đến là Đảng đã lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, viết nên bản hùng ca Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện trọn vẹn lời Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, làm nên khúc tráng ca khải hoàn Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Đó là minh chứng hùng hồn cho thấy ảnh hưởng to lớn, sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga; chứng minh tính đúng đắn của con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn, qua đó khẳng định sức sống bất diệt của những giá trị mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo lập và khẳng định Cách mạng Việt Nam đã kế tục vẻ vang sự nghiệp Cách mạng Tháng Mười Nga.

Với tầm vóc và ý nghĩa vĩ đại của Cuộc Cách mạng, tại Lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

2. Cách mạng Tháng Mười Nga khởi đầu sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và toàn diện của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đối với Cách mạng Việt Nam.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiều mặt của Liên Xô. Tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Liên Xô được nảy nở từ Cách mạng Tháng Mười Nga và không ngừng được củng cố, phát triển.

Cách mạng Tháng Mười Nga và Nhà nước Xô Viết đã ảnh hưởng rất sâu sắc tới lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, những người cộng sản và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đồng chí Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên kéo cờ đỏ trên chiến hạm của Pháp để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga. Quốc tế Cộng sản và Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều nhà lãnh đao cách mạng tiền bối như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai...Nhiều chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô. Thắng lợi quân sự của Hồng quân Liên Xô trước chủ nghĩa phát xít tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho Cách mạng Tháng Tám thành công.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô luôn đi đầu, cùng với các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đã giành cho cách mạng Việt Nam sự cổ vũ to lớn, trực tiếp, hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Liên Xô đã giành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn về chính trị, quân sự, ngoại giao, góp phần quan trọng vào chiến thắng Đế quốc Mỹ. Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam trên tuyến đầu chống chủ nghĩa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi đã góp phần mở đường cho phong trào độc lập dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi để Liên Xô và các nựớc xã hội chủ nghĩa anh em xây dựng và phát triển đất nước, tạo ra cân bằng về chiến lược quân sự với các nước tư bản chủ nghĩa, ngăn chặn âm mưu gây chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình thế giới.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã đi đầu trong việc giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội như: Viện trợ nhiều hàng hóa, vật tư, thiết bị trị giá nhiều tỷ rúp - đôla; cử nhiều đoàn chuyên gia giúp phát triển các lĩnh vực kinh tế quan trọng; đào tạo các thế hệ cán bộ; xây dựng nhiều công trình kinh tế - xã hội, trong đó có các công trình trọng điểm quốc gia như thủy điện Hòa Bình, thủy điện Trị An, cầu Thăng Long, Liên doanh Dầu khí Viêtsopetro, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cung Văn hóa Hữu nghị, Bệnh viện Hữu nghị...Thực hiện sự hợp tác nhiều mặt, Việt Nam đã cung cấp cho Liên xô nhiều hàng hóa quan trọng như rau quả, cà phê, chè, may mặc, da giày...

Tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, phát triển Việt Nam - Liên Xô trong nhiều thập kỷ đã trở thành mối quan hệ mẫu mực của quan hệ quốc tế theo chủ nghĩa quốc tế vô sản giữa hai dân tộc cùng chung lý tưởng một cách trong sáng, thủy chung. Mỗi bước đường thắng lợi của cảch mạng Việt Nam đều ghi lại dấu ấn quan trọng sự đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ chí tình, to lớn, toàn diện, hiệu quả trên nhiều mặt của nhân dân Liên Xô anh em. Quan hệ Việt Nam - Liên Xô đã được lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại soi sáng; được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công xây dựng, vun đắp trở thành truyền thống quý báu, có tác dụng thiết thực đối với bước đường phát triển của cách mạng Việt Nam.

Ba là, Cách mạng Việt Nam kiên định, trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo những thành tựu của Cách mạng Tháng Mười Nga; tăng cường đấu tranh bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời kỳ mới

Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì CNXH. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Đó vừa là tư tưởng, tình cảm, vừa là sự lựa chọn cách thức, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng để từng bước hiện thực hóa con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn - con đường Cách mạng Tháng Mười Nga.

Sau năm 1991 là thời kỳ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại và phong trào cộng sản quốc tế khắc phục khủng hoảng, thoái trào để tiếp tục phục hồi và phát triển trên một trình độ mới thông qua cải cách, đổi mới để phát triển. Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Với tư tưởng gắn cải cách, đổi mới với sự nghiệp giải phóng, sáng tạo và phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với tình hình của đất nước, đã đề ra các biện pháp đột phá để giải quyết các vấn đề của đất nước trên cơ sở kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu to lớn của Việt Nam trong xây dựng chủ nghĩa xã hội; sự phục hồi của các đảng cộng sản, đảng cánh tả ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở khu vực châu Âu; xu hướng cánh tả và hướng theo chủ nghĩa xã hội của nhiều nước châu Mỹ La-tinh... đã khẳng đinh sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác-Lênin, của Cách mạng Tháng Mười Nga; khẳng định sức sáng tạo và tương lai tươi sáng của chủ nghĩa xã hội.

Tầm vóc lịch sử, ý nghĩa to lớn và bài học quan trọng hàng đầu của Cách mạng Tháng Mười Nga là xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, là thực hiện sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quá trình cách mạng. Những nguyên tắc: Tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, kỷ luật nghiêm minh và tự giác, đoàn kết thống nhất trong Đảng,... là những nguyên tắc cơ bản về xây dựng Đảng kiểu mới mà thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ ra, được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng thành công vào quá trình tổ chức, xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhờ đó, Đảng ta thật sự xứng đáng là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.

Yêu cầu nhiệm vụ mới đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. Phải dành nhiều công sức, trí tuệ, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng; phát huy truyền thống cách mạng, bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong của Đảng; đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, ngang tầm nhiệm vụ cách mạng.

Ngày nay, tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp và chứa đựng những yếu tố khó lường. Song, học thuyết Mác - Lênin và dấu ấn lịch sử của cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga vẫn luôn tỏa sáng soi đường, dẫn lối và tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên xây dựng CNXH, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong mọi tình huống.

* Danh mục tài liệu tham khảo:

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr.300.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.2, tr.280.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.8, tr.572.

- Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 90 năm cách mạng Tháng Mười vĩ đại, Hà Nội, 2007.

Ngay trong đêm 7/11/1917, Đại hội các Xô Viết được triệu tập, thành lập Chính quyền Xô Viết do V.I.Lenin đứng đầu

Tối 6/11, rạng sáng 7/11/1917, lực lượng thủy thủ, chiến sĩ Cận vệ đỏ và binh sĩ cách mạng tràn vào Cung điện Mùa Đông ở Petrograd (nay là St. Petersburg), bắt giữ các bộ trưởng của Chính phủ lâm thời.

Thủy quân ở Kronstadt kéo về Petrograd chống chính phủ Tư sản Nga (8/1917) Thủy quân ở Kronstadt kéo về Petrograd chống chính phủ Tư sản Nga (8/1917)

H.M.C

 

 

 

 


Tác giả: PDT. Hồ Mạnh Cường
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?