Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.928
Tháng 04 : 66.111
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng Chính trị giữ vững và phát huy truyền thống “Kiên định, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tham mưu chính xác, thực hiện hiệu quả”

Ngày 10 tháng 7 năm 1948, Ban Chính trị - Trường Bổ túc Quân chính trung cấp được thành lập. Đây chính là tiền thân của Phòng Chính trị -  Học viện Lục quân ngày nay. Trải qua 72 năm xây dựng và trưởng thành, với các tên gọi và vị thế khác nhau, song đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ trong Phòng Chính trị đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu, xây đắp nên truyền thống: “Kiên định, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tham mưu chính xác, thực hiện hiệu quả”.

72 năm qua, dù thay đổi tên gọi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ qua từng thời kỳ: từ Ban Chính trị khi mới thành lập, phát triển thành Phòng Chính trị, Cục Chính trị; năm 1984, theo yêu cầu nhiệm vụ, Cục Chính trị chuyển thành Hội đồng Phòng Chính trị và đến năm 1985 đổi tên thành Phòng Chính trị. Trong suốt chặng đường đã qua, Phòng Chính trị luôn nắm chắc các chỉ thị, hướng dẫn của cơ quan cấp trên, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tham mưu về chủ trương, biện pháp hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Học viện. Phòng Chính trị luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị và cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương. Các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của Phòng Chính trị luôn giữ vững lập trường tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Học viện Lục quân, phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, lập nhiều thành tích xuất sắc trong xây dựng, chiến đấu, công tác, góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch vững mạnh, Học viện vững mạnh toàn diện. Chặng đường lịch sử vẻ vang, truyền thống tốt đẹp của Phòng qua các thời kỳ đã giáo dục, động viên, cổ vũ lớp lớp các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của đơn vị không ngừng phấn đấu học tập, công tác và rèn luyện, xác lập những thành tích, kết quả, đỉnh cao mới. Đến nay, Phòng có 12 ban, ngành trực thuộc và Đoàn An điều dưỡng 198. Với những thành tích đã đạt được, Phòng Chính trị vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội, Học viện ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, nổi bật là Huân chương Chiến công hạng Ba (2002), Huân chương Lao động hạng Ba (2005), cùng nhiều danh hiệu khác cho các tập thể và cá nhân.

Những năm tiếp theo là thời gian tập trung thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ Học viện lần thứ XIII, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng chính quy của Học viện theo mô hình Nhà trường thông minh tiếp cận Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Dự báo tổ chức biên chế của Học viện có sự thay đổi. Từ đó, đặt ra nhiệm vụ cho Phòng Chính trị phải bám sát thực tiễn nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ Quân đội, Học viện nhằm thực hiện tốt công tác tham mưu nâng cao chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của Đảng ủy, chỉ huy Phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện

Đây là giải pháp xác định trách nhiệm, quyền hạn của các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là phát huy trách nhiệm của Đảng ủy, chỉ huy Phòng Chính trị; đồng thời, là một trong những nội dung cơ bản trong xây dựng tổ chức của các cấp chỉ huy; một nhiệm vụ lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Nếu không phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi đảng ủy viên, chỉ huy Phòng thì hiệu lực lãnh đạo của cấp ủy đảng sẽ giảm sút.

Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện mà trực tiếp là Chính ủy, Phó Chính ủy lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng, bảo đảm cho Phòng hoạt động đúng hướng, kịp thời; chăm lo kiện toàn tổ chức, biên chế, cơ cấu, bảo đảm chất lượng, số lượng. Đồng thời, uốn nắn những lệch lạc, thường xuyên rút kinh nghiệm; tăng cường bồi dưỡng và hướng dẫn hoạt động cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của Phòng về nghiệp vụ chuyên môn và năng lực tổ chức thực hiện. Quan tâm, tạo điều kiện không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hậu phương, gia đình của đội ngũ cán bộ, nhân viên của Phòng.

Các cấp ủy đảng, chỉ huy trong Phòng phải luôn là tập thể đoàn kết, có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ, kiểm tra uốn nắn mọi hoạt động của cơ quan; tuân thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và lắng nghe ý kiến của cấp dưới; đồng thời, phải thường xuyên rút kinh nghiệm và giải quyết tốt các mối quan hệ công tác; tuyệt đối tránh biểu hiện phó mặc, ỷ lại cho lãnh đạo, chỉ huy cấp trên hoặc khoán trắng cho cấp dưới. Chủ động phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng ban, ngành, xây dựng Phòng vững mạnh toàn diện.

Hai là, kết hợp chặt chẽ xây dựng Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với xây dựng Phòng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ; giải quyết tốt mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác         

Đây là giải pháp mang tính nguyên tắc, nhằm phát huy sức mạnh nội lực và ngoại lực. Bởi lẽ, có xây dựng tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì cấp ủy, đội ngũ đảng viên mới có điều kiện để rèn luyện, phấn đấu tốt. Toàn Phòng cũng như từng ban, ngành có xây dựng vững mạnh toàn diện thì đội ngũ cán bộ, nhân viên mới có môi trường thuận lợi để phát triển nhân cách toàn diện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từ đó, phải tăng cường quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, kết hợp chặt chẽ với xây dựng đội ngũ đảng viên; giải quyết tốt mối quan hệ giữa lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, giữa cấp trên với cấp dưới; phối hợp, kết hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, khoa, hệ, đơn vị trong Học viện và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân ở địa phương. Xây dựng mối đoàn kết thống nhất, cơ chế phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Thường xuyên rút kinh nghiệm và giải quyết tốt quan hệ công tác giữa lãnh đạo với chỉ huy trong Phòng nhằm phát huy hiệu lực cơ chế lãnh đạo của Đảng. Chống biểu hiện gia trưởng, độc đoán, đề cao quyền lực cá nhân, coi thường tập thể trong lãnh đạo và chỉ huy, gây tâm lý căng thẳng, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. 

Ba là, đổi mới phong cách làm việc; thực hiện nghiêm túc các chế độ công tác; xây dựng và chấp hành tốt quy chế hoạt động; tăng cường trang thiết bị, phương tiện bảo đảm

Đây là một trong những giải pháp quan trọng không thể thiếu, nhằm bảo đảm cho việc xây dựng Phòng Chính trị vững mạnh toàn diện. Các yếu tố trên vừa là cơ sở pháp lý, chỗ dựa vững chắc, vừa là điều kiện bảo đảm cho cán bộ, nhân viên trong Phòng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác, góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Phòng cũng như hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong Học viện.

Các hoạt động của Phòng phải căn cứ vào đường lối đổi mới của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội, nghị quyết, chỉ thị của trên và của Đảng ủy cấp mình; bảo đảm tính đúng đắn, linh hoạt trong thực tiễn; phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Đồng thời, phải luôn sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, luôn hướng về cơ sở và tập trung chỉ đạo cơ sở, đó là biểu hiện của phong cách làm việc lý luận liên hệ với thực tiễn.

Cán bộ, nhân viên trong Phòng phải có chính kiến rõ ràng, làm việc kiên quyết, dứt khoát, không dĩ hòa vi quý. Khắc phục tình trạng nói hay làm dở, nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói suông; khắc phục cách làm việc chồng chéo, chắp vá, tùy tiện. Thực hiện nghiêm túc các chế độ công tác đã quy định; lấy việc duy trì, chấp hành chế độ công tác là một tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc, phân loại Phòng, ban và phẩm chất, năng lực cán bộ, nhân viên. Việc duy trì và chấp hành tốt quy chế hoạt động của Phòng đòi hỏi phải có tính tự giác cao; kiên trì, bền bỉ, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật; kiên quyết đấu tranh với tư duy “đường mòn, lối cũ” trong công tác, ngại đột phá, ngại đổi mới.  

Trang bị, phương tiện là điều kiện cần thiết, yếu tố thuận lợi, kịp thời và có hiệu quả không thể thiếu trong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Do đó, cần nắm chắc số lượng, chất lượng, chủng loại để làm cơ sở cho việc quản lí, bảo quản, sử dụng tốt các trang thiết bị, phương tiện. Đồng thời, cần chủ động, tích cực đề nghị cấp trên kịp thời bổ sung những trang thiết bị bảo đảm cho Phòng duy trì thường xuyên các hoạt động. Tích cực bồi dưỡng kiến thức, nhất là chuyên môn nghiệp vụ, thành thạo trong sử dụng, bảo quản, thực hiện giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm; tránh sử dụng tùy tiện, lãng phí. 

Bốn là, thường xuyên kiện toàn tổ chức, không ngừng bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho cán bộ, nhân viên, nhất là đối với cán bộ chủ trì Phòng, ban và trợ lý đầu ngành

Đây là giải pháp then chốt, là một trong những nhân tố quyết định đến hiệu quả hoạt động và chất lượng xây dựng Phòng Chính trị vững mạnh toàn diện.

Theo đó phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Học viện, gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Cuộc vận động“Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cấp ủy các cấp, đội ngũ cán bộ, tận tâm với chức trách, nhiệm vụ được giao; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất hoạt động công tác đảng, công tác chính trị với phương châm đi trước, chủ động, tham mưu, hướng dẫn sát đúng, kịp thời, hiệu quả.

Thực tế cho thấy, lúc nào, ở đâu lãnh đạo, chỉ huy quan tâm, chăm lo đến việc kiện toàn tổ chức như xây dựng cấp ủy, Đảng bộ (Chi bộ), các ban, ngành, đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ cơ cấu, số lượng, chất lượng cao; chú trọng đào tạo bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nhất là cán bộ chủ trì Phòng, ban và trợ lý đầu ngành thì cơ quan luôn luôn là tập thể vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu chức năng, nhiệm vụ và ngược lại. Vì vậy, làm tốt vấn đề này chính là chăm lo xây dựng, kiện toàn sức mạnh nội lực sẽ có tác dụng phát huy trí tuệ, năng lực của từng bộ phận, từng cán bộ, nhân viên, tạo thành sức mạnh tập thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thường xuyên rút kinh nghiệm và giải quyết tốt quan hệ công tác giữa lãnh đạo với chỉ huy trong Phòng nhằm phát huy hiệu lực cơ chế lãnh đạo của Đảng. Thực hiện có nền nếp việc đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chức trách, nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ được cấp ủy, chỉ huy giao gắn với phân loại đảng viên, đoàn viên, hội viên nghiêm túc, thực chất, tránh các biểu hiện dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh; gắn kết quả đánh giá với công tác thi đua khen thưởng, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt quân hàm, nâng lương, đề nghị bổ nhiệm chức vụ cán bộ; kiên quyết không đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ thiếu trách nhiệm, không gương mẫu, uy tín thấp, năng lực hạn chế, kết quả hoàn thành nhiệm vụ không cao.

Một số hình ảnh về hoạt động của Phòng Chính trị trong thời gian qua

Đồng chí Thiếu tướng Lê Quang Xuân – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện phát biểu chỉ đạo Hội nghị Đảng ủy Phòng Chính trị ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 2018 - 2019

Đồng chí Trung tướng Hoàng Văn Minh – Giám đốc Học viện trao tặng Giấy khen cho các cơ quan Báo chí trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

 Thủ trưởng Học viện chụp ảnh lưu niệm với đại biểu tham gia Hội thảo khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị lý luận và thực tiễn”

Đồng chí Thiếu tướng Lê Quang Xuân – Chính ủy Học viện trao tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng cho tập thể và cá nhân tại Hội nghị Quân chính

Giới thiệu truyền thống Học viện Lục quân cho các đồng chí học viên mới nhập học

H.M.C


Tác giả: PCT. Hồ Mạnh Cường
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?