Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.030
Tháng 04 : 64.213
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận dụng quan điểm đảng cầm quyền của V.I.Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam

Tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không thể tách rời vấn đề Đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền thể hiện tính định hướng, đoàn kết thống nhất toàn dân tộc thực hiện thắng lợi cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đảng cầm quyền như thế nào, Đảng phải làm gì để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mình?  Đó là những vấn đề đã được V.I.Lênin khái quát và chỉ ra ngay từ sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Chỉ dẫn của Lênin đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng, bổ sung và phát triển vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Chủ nghĩa xã hội là thành quả của nhân dân dưới sự lãnh đạo của chính Đảng giai cấp công nhân. Chủ nghĩa xã hội hiện thực muốn thành công, trước hết chính đảng của giai cấp công nhân phải trở thành đảng cầm quyền. V.I.Lênin đã có những chỉ dẫn hết sức sâu sắc về đảng cầm quyền. Những chỉ dẫn đó có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được Đảng ta đã kế thừa, vận dụng, bổ sung và phát triển trong điều kiện cách mạng mới.

Trong quá trình cách mạng vô sản, chính đảng của giai cấp công nhân phải luôn luôn nắm quyền lãnh đạo. V.I.Lênin nhấn mạnh: về nguyên tắc, đảng cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo, đó là điều không còn nghi ngờ gì được nữa. Sự lãnh đạo đó là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh giai cấp, quá trình cách mạng của nhân dân lao động. Sự lãnh đạo đó phải được tiếp tục trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ thể xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. V.I.Lênin khái quát: việc xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ không phải là việc riêng của Đảng cộng sản... mà là việc của tất cả quần chúng lao động. Người chỉ rõ: “Chỉ khi nào những người cộng sản biết dùng bàn tay của những người khác để xây dựng nền kinh tế..., khi đó chúng ta mới có thể lãnh đạo được nền kinh tế. Chỉ dẫn này cho thấy sau khi giành chính quyền, chính đảng của giai cấp công nhân chưa hoàn thành sứ mệnh của mình, vì cách mạng vô sản chưa thắng lợi hoàn toàn. Chính đảng đó phải tiếp tục sự nghiệp cách mạng trong hoàn cảnh mới, tổ chức xây dựng, phát triển kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội.

Thực hiện lời chỉ dẫn V.I.Lênin, từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững vai trò lãnh đạo của mình đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đảng trở thành đảng cầm quyền từ năm 1945, sau khi cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Đảng đã lãnh đạo Nhân dân thực hiện sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước từ năm 1975 đến nay. Đảng đã khẳng định: Sự nghiệp cách mạng của nước ta do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đảng ta là Đảng cầm quyền. Những thắng lợi và thành tựu, những thất bại và tổn thất của cách mạng đều gắn liền với trách nhiệm của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa phải thông qua bộ máy nhà nước.

Thực tiễn Việt Nam cho thấy, công tác cán bộ quyết định sự thành bại của cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò định hướng trong công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng ta luôn trung thành với những chỉ dẫn của Lênin. Đảng ta xác định: Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời là chủ thể sáng tạo lịch sử, là mục tiêu và động lực của đổi mới của chủ nghĩa xã hội. Đảng là hạt nhân đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta đã cụ thể hoá từng chặng đường, bước đi cụ thể trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong quá trình đó, Đảng đã từng bước làm sáng tỏ các luận điểm, quan điểm chi đạo: phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam… Đặc biệt, Đảng ta dần dần làm rõ về phương thức lãnh đạo, nội dung cầm quyền của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương. Trong điều kiện cầm quyền, Đảng của giai cấp công nhân tập trung lãnh đạo chính trị - tư tưởng. Dù chỉ trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô trong khoảng thời gian ngắn, V.I.Lênin chỉ rõ: Cương lĩnh đảng của chúng ta không thể chỉ là một cương lĩnh của đảng. Nó phải trở thành cương lĩnh xây dựng kinh tế của chúng ta, nếu không, nó cũng không thể nào dùng làm cương lĩnh của đảng được. Nó cần được bổ sung bằng một cương lĩnh thứ hai của đảng, bằng kế hoạch những công tác nhằm khôi phục toàn bộ nền kinh tế quốc dân và nâng nền kinh tế đó tới mức kỹ thuật hiện đại... Chúng ta phải có một kế hoạch được quy định rõ ràng; đương nhiên, đó sẽ chỉ là một kế hoạch sơ bộ. Cương lĩnh đó của đảng sẽ không phải là bất di bất dịch nhưng cương lĩnh thực sự của chúng ta là cương lĩnh chỉ có thể được sửa đổi trong các đại hội đảng thôi. Cương lĩnh đó sẽ mỗi ngày được cải tiến hơn trong mỗi xưởng, trong mỗi xã; nó sẽ được cải tiến, hoàn chỉnh và sửa đổi. Cương lĩnh đó là cần thiết với tính cách là một bản phác thảo đầu tiên xuất hiện trước mặt nước Nga như một kế hoạch kinh tế rộng lớn, dự tính ít ra cho mười năm và chỉ rõ cần phải tiến hành làm sao để đặt nước Nga trên một cơ sở kinh tế thực sự, cần thiết đối với chủ nghĩa cộng sản.

Đi theo chỉ dẫn của Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề ra các đường lối, chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng đã công bố Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (năm 1991). Cương lĩnh này đã được bổ sung và phát triển năm 2011. Cương lĩnh là cơ sở Đảng ta đoàn kết thống nhất toàn dân tộc thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thế giới có nhiều đổi thay, biến động. Cương lĩnh đã khái quát được mô hình chủ nghĩa xã hội mà Nhân dân ta xây dựng ở Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, bộ máy Đảng và bộ máy Nhà nước chiếm nhiều nguồn con người và ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo, điều hành đất nước, quản lý xã hội. V.I.Lênin đã đề xuất việc nhất thể hoá trong bộ máy tổ chức của Đảng với Nhà nước, trước hết là các cơ quan trung ương. Chủ trương nhất thể hoá, tinh gọn bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị đã được Đảng ta từng bước triển khai ở nhiều địa phương từ sau năm 2005. Hiệu quả thực tế chứng minh việc sắp xếp, sáp nhập các cơ quan có chức năng gần giữa cơ quan Đảng, với cơ quan nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị là hợp lý, tận dụng được nguồn lực và sức mạnh của các cơ quan, tiềm năng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, Đại hội XII của Đảng đã xác định: Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu… Cụ thể hoá tinh thần đó, các Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã được triển khai mạnh mẽ và quyết liệt từ năm 2018 đến nay.

Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng mới rất nặng nề. Sự kiên trì, thuyết phục của cán bộ, đảng viên đối với mọi người xung quanh trong sự nghiệp cách mạng đó không bao giờ thừa. V.I.Lênin nhấn mạnh: phải biết tự nguyện chịu mọi hy sinh, vượt những trở ngại lớn nhất, để tiến hành một công tác tuyên truyền và cổ động có hệ thống, bền bỉ, dẻo dai và nhẫn nại chính ngay trong các cơ quan, các hội, các tổ chức. Là học trò xuất sắc của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Đảng từ Nhân dân mà ra, phục vụ lợi ích của Nhân dân, ngày càng gắn bó với Nhân dân và chính quan hệ mật thiết ấy tạo nên sức mạnh của Đảng và sức mạnh của dân tộc. Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, sự gắn bó đó càng trở nên tất yếu và cần thiết hơn bao giờ hết. Hơn 34 năm đổi mới, Đảng ta không ngừng củng cố, mở rộng mối quan hệ với Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Cán bộ, đảng viên ngày càng tỏ rõ là “cầu nối”, là “sợi dây chuyền” giữa Đảng với nhân dân; là “công bộc”, “đày tớ” trung thành của Nhân dân.

Đảng Cộng sản Việt Nam bổ sung và phát triển các luận điểm về Đảng cầm quyền trong điều kiện Việt Nam, đó là:

Đảng ta đã làm rõ phương thức lãnh đạo của Đảng. Phương thức đó được khái quát: Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, bằng công tác cán bộ, bằng sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, bằng công tác kiểm tra, giám sát. Đây là nội dung đã được tổng kết và khái quát từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Phương thức lãnh đạo của Đảng làm cơ sở cho nội dung cầm quyền của Đảng. Đó chính là những vấn đề mà Đảng ta đang từng bước làm rõ và cũng là bổ sung vào kho tàng lý luận của Lênin và chủ nghĩa Mác về chính đảng của giai cấp công nhân.

Các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng đã được cụ thể hoá và quy định rất chi tiết qua các kỳ đại hội. Các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất trong Đảng, kỷ luật nghiêm minh, tự giác là cơ sở cho mọi hoạt động của Đảng.

Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ toàn hệ thống chính trị, Hồ Chí Minh nhấn mạnh công tác cán bộ là công tác gốc của Đảng. Từ đó, Đảng ta đã từng bước hoàn thiện các quy trình về công tác cán bộ như bổ nhiệm, điều động, bố trí, luân chuyển; đào tạo, bồi dưỡng; kiểm tra, giám sát; đánh giá; chính sách… Đặc biệt, ngày 23.9.2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Công tác cán bộ có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại của cách mạng. Dó đó, Đảng ta coi công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Công tác cán bộ phải được đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng.

Xây dựng Đảng là then chốt Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã khái quát bài học: “Ðảng phải được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đổi mới công tác xây dựng Ðảng. Đại hội đã nhấn mạnh xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đại hội XII của Đảng đã bổ sung và cụ thể hoá hơn nữa vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức nhằm hoàn chỉnh thêm về nội dung xây dựng Đảng. Gắn với quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Bộ Chính trị ban hành các chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là Chỉ thị số 05- CT/TW, ngày 15/5/2018, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các chỉ thị này đã làm cho công tác xây dựng Đảng trở thành hoạt động chính trị đặc biệt trong đời sống xã hội.

Lênin đã nêu lên những luận điểm cơ bản về Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền trong điều kiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Các luận điểm của Người là chỉ dẫn sâu sắc đối với Đảng ta. Đảng ta đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo các luận điểm của Lênin về chính đảng của giai cấp công nhân. Đảng ta đã từng bước bổ sung và hoàn thiện các quy định cụ thể: phương thức lãnh đạo, cách thức cầm quyền, nội dung xây dựng Đảng, chuẩn hoá các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, quy trình công tác cán bộ, cơ chế kiểm soát quyền lực, kiểm tra, giám sát… ./.

L.T.B


Tác giả: KCHTM. Lê Thanh Bình
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?