Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.502
Tháng 04 : 49.647
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo phá hoại sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay

Với dã tâm thâm độc và lòng hận thù dân tộc, các thế lực thù địch đã và đang ra sức lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm kích động tín đồ, nhân dân tham gia các hoạt động gây rối, biểu tình và coi đó như “ngòi nổ” để mở đường thúc đẩy hoạt động phá hoại trên các lĩnh vực khác. Vì vậy, nhận diện và đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn hoạt động này là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, có tôn giáo du nhập từ bên ngoài vào, có tôn giáo nội sinh. Trong những năm qua, đại đa số chức sắc, chức việc, tín đồ phấn khởi, tin tưởng trước những thành tựu đổi mới của đất nước; tín đồ các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo, hăng hái tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên hiện nay, các thế lực thù địch vẫn cố tình xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn giáo ở nước ta. Họ dựng lên rằng, Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo”, “đàn áp dân tộc”… Họ đưa ra chiêu bài đòi “tự do tôn giáo”, đòi “quyền tự trị cho từng dân tộc”; kích động thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông tự trị” ở Tây Bắc; “Nhà nước Đề Ga độc lập” ở Tây Nguyên với “Tin lành Đề ga” làm quốc đạo… hòng kích động, chia rẽ các tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của ta. Cụ thể là:

Một là, các thế lực thù địch lợi dụng xu thế toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập quốc tế cũng như thông qua hoạt động tài trợ kinh tế, từ thiện, các tổ chức phản động ngoài nước đã chuyển tài liệu tôn giáo có nội dung phản động vào trong nước với mục đích xuyên tạc bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa, vu khống về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước nhằm tạo cớ can thiệp sâu vào công việc nội bộ nước ta. Đồng thời, chúng đẩy mạnh các hoạt động gây dựng lực lượng chống đối ở trong nước nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất ổn định chính trị - xã hội, tạo dựng những nhân tố tiến tới chuyển hoá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Hai là, chúng âm mưu thúc đẩy sự liên kết hoạt động giữa các tôn giáo (liên tôn); phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phản động, cơ hội chính trị trong nước để tạo dựng ngọn cờ, hình thành lực lượng đối lập, làm “đối trọng” với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam; đẩy mạnh phát triển các hội đoàn tôn giáo, làm sầm uất xứ đạo, khuyếch trương thanh thế, kết hợp với tăng cường truyền đạo trái phép, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để tập hợp lực lượng và dẫn dắt đồng bào thực hiện mưu đồ chính trị phản động của chúng.

Nổi bật trong thủ đoạn trên, trong những năm gần đây, trên địa bàn Tây Bắc và Tây Nghệ An, các thế lực thù địch đã ráo riết thực hiện mưu đồ lập ra đạo “Vàng Chứ” để thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông tự trị”. Vùng Tây Nguyên, chúng đòi thành lập đạo Tin Lành Đềga với mưu toan là cơ sở cho ý đồ thành lập “Nhà nước Đềga độc lập”. Ở Tây Nam Bộ, nơi có đông đồng bào Khơ me sinh sống, chúng chủ trương dựng nên “Nhà nước Khơ me Krôm” với luận điệu vu khống Nhà nước ta đàn áp hệ Phật giáo Nam tông Khơ me Nam Bộ. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm, trắng trợn của các thế lực thù địch hòng phá hoại an ninh quốc gia, đe dọa độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ba là, bằng nhiều thủ đoạn và chiêu trò thâm hiểm, xảo quyệt, chúng từng bước xúc tiến việc nắm quyền điều khiển các tổ chức tôn giáo để biến những tổ chức này thành các tổ chức chính trị, đảng chính trị để làm chỗ dựa, “núp bóng” cho các hoạt động phá hoại và mưu đồ phản động. Chúng triệt để lợi dụng vỏ bọc tôn giáo để phê phán, xuyên tạc, bôi nhọ hòng hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, họ đòi tôn giáo phải độc lập, không chịu sự quản lý của Nhà nước; tâng bốc, ca ngợi “tự do tôn giáo” ở các nước tư bản; yêu cầu Nhà nước ta “công nhận” hoạt động của các tổ chức tôn giáo giả hiệu như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Tin lành Đềga, Vàng Chứ, đạo Hà mòn,…; đòi thả các “tù nhân tôn giáo” - những kẻ đội lốt tôn giáo vi phạm pháp luật; kêu gọi Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào “danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo”,...

Để đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù; giữ vững môi trường an ninh trật tự, đẩy mạnh công cuộc phát triển đất nước trong tình hình hiện nay, công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ cơ bản:

Trước hết, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác tôn giáo. Từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật về tôn giáo cũng như hướng dẫn về thực hiện công tác tôn giáo đối với từng địa bàn cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới. Đồng thời, phải tiến hành có hiệu quả các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tại những vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nghệ An, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và dân trí cho nhân dân trong đó có đồng bào các tôn giáo nhằm tạo ra môi trường ổn định và nền tảng vững chắc cho việc thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đồng bào các tôn giáo.

Thứ hai, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, xem xét, giải quyết việc cấp đăng ký hoạt động tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo để thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải phát huy cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước đến các chức sắc, chức việc cũng như đến mỗi tín đồ các tôn giáo. Vận động chức sắc, chức việc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo” thực hiện đúng quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hướng dẫn các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, phát huy những giá trị văn hóa đạo đức lành mạnh, hướng thiện của các tôn giáo phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc. Cùng với đó, phải tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, nảy sinh trong công tác tôn giáo như: vấn đề đất đai, cơ sở thờ tự, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Cùng với đó, phải kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật và mọi hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, chia rẽ tôn giáo, dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia; góp phần đảm bảo an ninh chính trị ở địa phương.

Thứ ba, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo của Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, cần phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) trong tuyên truyền, vận động và làm nòng cốt cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào tín đồ các tôn giáo nhận diện và tố giác âm mưu cùng các hành vi, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo phá hoại sự nghiệp cách mạng đất nước.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Nghị quyết 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3. Chính phủ (2005), Nghị định số 22/NĐ-CP ngày 01/3/2005 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Hà Nội.


Tác giả: KMLNTTHCM. Lê Sỹ Tiệp
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?