Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.492
Tháng 04 : 38.330
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm hiểu một số vấn đề quy hoạch chiến lược tầm nhìn 10 năm của Không quân Mỹ

Từ khi thành lập đến nay, Không quân Mỹ luôn là lực lượng nhận được nhiều sự ưu ái nhất trong các chương trình trang bị vũ khí. Trong giai đoạn hiện nay, đứng trước các thách thức đến từ sự cạnh tranh của những cường quốc quân sự khác, Không quân Mỹ càng được ưu tiên phát triển cả về nguồn nhân lực và vật lực. Qua đó, giúp Không quân Mỹ tiếp tục giữ ưu thế tuyệt đối về khả năng tác chiến so với lực lượng không quân các nước khác trong thời gian tới.

Đối phó với thách thức nước lớn

Đối với chiến tranh truyền thống, trong khoảng hai thập niên trở về trước, đối tượng tác chiến chủ yếu của Không quân Mỹ chỉ là một số ít quốc gia có tiềm lực không quân hạn chế và một số phần tử phi quốc gia. Mặc dù vậy, khi tiến hành các hoạt động tác chiến với những đối tượng trên thì vẫn buộc Mỹ phải tiêu hao nguồn kinh phí nhất định; đồng thời, cũng bị tổn hao không ít nguồn lực vũ khí trang bị. Do đó, để đáp ứng các yêu cầu tác chiến đặt ra đang ngày càng cao hơn, Không quân Mỹ đã và đang phát triển một số loại vũ khí trang bị chuyên phục vụ cho hoạt động tác chiến ở điều kiện cường độ thấp, ví dụ như các máy bay tác chiến không người lái MQ-9, RQ-4....

Đối với tác chiến cường độ cao, trước đây Không quân Mỹ luôn chiếm vị trí tuyệt đối trên không nhưng hiện nay, ưu thế này đang dần bị không quân các cường quốc khác thu hẹp. Ví dụ, trên phương diện nghiên cứu chế tạo máy bay tàng hình, Không quân Mỹ không còn giữ được vị thế độc tôn như trước đây nữa. Trong lĩnh vực phát triển thiết bị tác chiến tốc độ siêu thanh, Không quân Mỹ đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước khác như Nga, Trung Quốc, cũng như đang gặp phải nhiều vấn đề khó khăn khác. Trong khi đó, Nga đã đưa vào trực chiến được một số loại vũ khí siêu thanh để cạnh tranh với Mỹ.

Đối với chiến tranh phi truyền thống, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đang tạm thời bị gián đoạn và gặp nhiều khó khăn. Quân đội Mỹ nhận ra rằng, trong giai đoạn cạnh tranh nước lớn hiện nay, họ đang bị các cường quốc khác tập trung khoét sâu vào điểm yếu của mình, đó là năng lực vận tải binh lực quy mô lớn, khả năng chi viện, bảo đảm hậu cần và khả năng vệ tinh.

Ngoài ra, các chuyên gia Mỹ cũng nhận xét trình độ khoa học kỹ thuật vốn được xem là ưu thế của Mỹ đang bị các nước khác thu hẹp dần. Thậm chí, trong một số lĩnh vực nghiên cứu phát triển mới như hệ thống phòng không, hệ thống vệ tinh, vũ khí hạt nhân, vũ khí tiến công tầm xa cũng đang bị một số nước cạnh tranh khốc liệt. Do đó, khả năng sinh tồn của Không quân Mỹ một khi xảy ra xung đột với các đối thủ trên sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng. Ví dụ, thiết bị không người lái MQ-4C hiện đại của Không quân Mỹ bị các phần tử khủng bố IS sử dụng vũ khí quân dụng bình thường bắn rơi hoặc máy bay tiếp dầu trên không KC-46 nếu tham gia tác chiến sẽ là mục tiêu hàng đầu của hệ thống phòng không đối phương khiến cho các máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động tác chiến bởi không thể đủ nhiên liệu. Như vậy, khi Không quân Mỹ phải đối mặt với hệ thống phòng không hiện đại, thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.

Do đó, trong “Báo cáo chiến lược Quốc phòng” của Bộ Quốc phòng Mỹ (tháng 01/2018) đã đề cập vấn đề này; đồng thời, đánh giá các thách thức lớn nhất đến từ phía Trung Quốc và Nga. Chiến lược quốc phòng mới yêu cầu Quân đội Mỹ phải nhanh chóng đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa quân đội để đối phó với các mối uy hiếp từ những quốc gia đối thủ, đồng thời thích ứng linh hoạt với bối cảnh cạnh tranh nước lớn, qua đó bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia. Nói cách khác, cạnh tranh nước lớn đã và đang dần thay thế cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và trở thành nhiệm vụ quan trọng để duy trì bảo đảm an ninh quốc gia của Mỹ hiện nay.

Các mục tiêu trọng yếu

Trước bối cảnh như trên, sự điều chỉnh chiến lược khoa học kỹ thuật đối với Không quân Mỹ là đòi hỏi tất yếu khách quan. Chính vì vậy, Bộ trưởng Không quân Mỹ và Tham mưu trưởng Không quân Mỹ đã ra chỉ lệnh yêu cầu toàn bộ lực lượng chấp hành và thực hiện nghiêm các nội dung trong chiến lược quân sự mới. Chiến lược này được thể hiện rõ qua 3 mục tiêu lớn mà Không quân Mỹ đang hướng đến, đó là: (1) Phát triển và cung cấp các năng lực chiến lược; (2) Cải cách hình thức quản lý và chỉ đạo; (3) Đi sâu và tạo bước đột phá mới trên phương diện cung cấp giải pháp kỹ thuật. Trong đó, mục tiêu thứ nhất chủ yếu tập trung phát triển chiều rộng còn mục tiêu thứ hai và mục tiêu thứ ba tập trung phát triển chiều sâu do liên quan tới hiệu suất chiến đấu.

Mặc dù, hiện nay rất nhiều lĩnh vực kỹ thuật mới có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự sáng tạo khái niệm tác chiến mới cho Không quân Mỹ. Tuy nhiên, đối với Không quân Mỹ, thông thường các sĩ quan đảm nhận chức vụ chỉ huy sẽ có nhiều tiếng nói ảnh hưởng hơn so với các sĩ quan và đội ngũ làm nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật. Vì vậy, Chiến lược cho rằng Không quân Mỹ cần phải xây dựng một chức vụ hợp lý cho lực lượng làm công tác khoa học kỹ thuật trong lực lượng của mình, xây dựng nguồn nhân lực có khả năng ra quyết định chiến lược ở cấp quốc gia yêu cầu phải đẩy nhanh tiến trình quản lý nguồn nhân tài ở các lĩnh vực khác nhau, trong đó có cả lực lượng vũ trang cùng với xây dựng môi trường công tác thuận lợi, cổ vũ các sáng kiến mới, xây dựng các chương trình phát triển sáng tạo... để các nhà nghiên cứu có cơ hội trình bày ý tưởng của mình. Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng có thể liên kết, hợp tác nghiên cứu với các phòng thí nghiệm, doanh nghiệm quốc phòng của các cường quốc quân sự khác để tranh thủ thành tựu khoa học kỹ thuật bên ngoài, từ đó rút ngắn và đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa vũ khí trang bị của họ trong thời gian tới./.

N.H.C


Tác giả: PTT. Nguyễn Hùng Chiến
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?