Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 519
Tháng 03 : 66.855
Tháng trước : 35.349
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số loại vũ khí được cho là làm đỗ vỡ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung giữa Mỹ và Nga

Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tâm trung (INF) được ký kết giữa Liên Xô và Mỹ vào ngày 08/12/1987 đã chính thức hết hiệu lực từ ngày 02/08/2019 khiến hiệp ước quan trọng này trở thành không còn giá trị. Xem xét từ các cuộc khẩu chiến của 2 bên vài năm trở lại đây, có thể tổng hợp một số loại vũ khí được gọi là vi phạm hiệp ước của hai bên đưa ra sau đây:

Tên lửa đường đạn RS-26

Từ năm 2011, Mỹ cho rằng Nga bắt đầu thử nghiệm tên lửa RS-26 kiểu mới có tầm bắn khoảng 5.800km, mang nhiều đầu đạn. Các dữ liệu công khai tuy chưa vi phạm quy định có liên quan tới tầm bắn trong INF nhưng một số tin tức khác cho thấy loại tên lửa này rất giống với tên lửa SS-20 do Nga chế tạo, có thể dễ dàng cải tiến thành tên lửa tầm trung trong tầm bắn 5.500km. Tên lửa RS-26 là loại cải tiến từ tên lửa RS-24 Yars, còn RS-24 lại khởi nguồn từ tên lửa Topol-M (SS-27). Nga đã từng nghiên cứu loại thu nhỏ của SS-27, bao gồm loại cơ động trên đường bộ (Yars-M) và loại cơ động trên đường sắt (Barguzin, sau đó loại bỏ), nhiều khả năng Yars-M chính là RS-26. Phía Mỹ cho rằng RS-26 khi lắp đặt 1 đầu đạn hoặc 4 đầu đạn phân dẫn đơn giản thì tầm bắn sẽ trên 6.000km; còn nếu như sử dụng 4 đầu đạn cơ động tốc độ cao (đầu đạn bay lượn siêu thanh) có phụ tải lớn thì tầm bắn sẽ rút ngắn trong khoảng 5.500km vi phạm giới hạn về tầm bắn trong Hiệp ước INF giữa Mỹ và Nga. Vì vậy, Mỹ xếp RS-6 vào loại vũ khí vi phạm Hiệp ước. Hơn nữa, trong đàm phán Hiệp ước INF, trong danh sách vũ khí chiến lược phía Nga đưa ra không có RS-26.

Tên lửa RS-26

Hệ thống tên lửa Iskander-M/K

Nga đã phát triển hệ thống tên lửa Iskander từ lâu. Để có thể xuất khẩu ra nước ngoài theo cơ chế kiểm soát tên lửa (MTCR), ngay từ đầu Nga đã thông tin tầm bắn tên lửa Iskander-E không đến 300km, còn tầm bắn Iskander-M trong vòng 500km. Nhưng các nước phương Tây lại cho rằng, tầm bắn của tên lửa này rất dễ tăng lên 900-1.200km Nga còn lấy đây làm cơ sở để phát triển hệ thống Iskander-K, dùng để phóng tên lửa hành trình mồi R-500. Một số chuyên gia quân sự nhận định tên lửa Iskander trên thực tế là loại phóng từ trên mặt đất của hệ thống tên lửa chống hạm Club nhưng là tên lửa hành trình; do đó, việc tăng thêm tầm bắn dễ hơn rất nhiều so với tên lửa đường đạn. Tuy nhiên, chuyên gia Nga vẫn luôn khẳng định, R-500 chỉ là tên lửa đường đạn có thể cơ động giai đoạn cuối hành trình. Do tên lửa có đường bay khó xác định, cũng như định nghĩa tên lửa hành trình trong INF giữa Nga và Mỹ còn gây tranh cãi, nên hệ thống tên lửa này liệu có vi phạm INF hay không vẫn còn chưa được xác định.

Tên lửa Iskander-M

Tên lửa Iskander-K

Tên lửa hành trình Kalibr phóng từ mặt đất

Trên chiến trường Syria, Nga đã công khai sử dụng tên lửa hành trình chống hạm Kalibr. Điều này đã khiến cho bên ngoài hoài nghi liệu Nga có sản phẩm cùng loại kiểu phóng từ trên mặt đất hay không. Từ năm 2014, Mỹ đã chỉ trích Nga thử nghiệm tên lửa hành trình 9M729 phóng từ trên mặt đất, có tầm bắn tên lửa vượt trên 2.000km. Mỹ nhận định tên lửa hành trình 9M729 được nghiên cứu phát triển trên cơ sở tên lửa hành trình tầm xa trên biển Kalibr-NK. Tuy nhiên, Nga đến nay vẫn luôn bác bỏ mọi cáo buộc và chưa công bố tính năng 9M729.

Theo tờ National Interest, Nga đã thử nghiệm 9M729 lần đầu vào năm 2008 tại bãi thử Kapustin Yar và hoàn tất quá trình này vào năm 2014. Các chuyên gia cho rằng 9M729 được thừa hưởng tất cả các tính năng của phiên bản tăng tầm của tên lửa tầm ngắn 9M728 được trang bị trên tổ hợp Iskander-M và tên lửa Kalibr-NK. Tên lửa 9M729 có khả năng xuyên thủng các lá chắn hiện đại nhờ hành trình bay phức tạp, dẫn đường bởi hệ thống định vị Glonass và GPS. Ở giai đoạn cuối, đầu tự dẫn ra-đa chủ động trên tên lửa được kích hoạt, 9M729 sẽ tự tìm mục tiêu bằng các dữ liệu đã được cung cấp. Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến trường Mỹ, Tướng John Hyten đã thừa nhận 9M729 có khả năng đánh bại mọi lá chắn phòng thủ của Mỹ và đồng minh Châu Âu. Do đó, Mỹ từng kêu gọi NATO ngăn Nga ngừng triển khai tên lửa này.

Tên lửa hành trình Kalibr

Hệ thống Aegis trên bộ

Do trong INF không chỉ cấm tên lửa mà còn cấm tổ hợp phóng và trang bị bảo đảm trên bộ có liên quan đến phóng tên lửa, nên hệ thống Aegis trên bộ được triển khai ở Đông Âu và Nhật Bản cũng liên quan đến vi phạm Hiệp ước. Bởi vì, cho dù là Aegis trên bộ hay Aegis trên biển thì cũng đều sử dụng tổ hợp phóng đa dụng MK41. Tổ hợp phóng này vừa có thể phóng hàng loạt tên lửa đánh chặn Standard, vừa có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ biển với tầm bắn trên 2.000km (INF không quy định bất cứ hạn chế nào đối với tên lửa Tomahawk phóng từ biển). Hệ thống này nếu triển khai trên biển sẽ không gặp cản trở gì nhưng khi triển khai trên đất liền sẽ trở thành tổ hợp phóng tên lửa tầm trung từ trên bộ bị hạn chế trong Hiệp ước, cần phải phá hủy.

Nga từng nhiều lần chỉ trích Mỹ triển khai hệ thống Aegis trên bộ tại Đông Âu là việc làm vi phạm tiềm tàng đối với Hiệp ước. Mỹ cũng thừa nhận những hệ thống này có đầy đủ khả năng triển khai tên lửa mà INF đã hạn chế. Hệ thống Aegis trên bộ được triển khai tại Đông Âu (Rumania, Ba Lan) và Nhật Bản là một trong những nội dung bất đồng lớn nhất trong đối thoại của Nga với Mỹ về INF.

Phòng điều khiển Hệ thống chiến đấu Aegis của Mỹ

Mỹ nghiên cứu, phát triển tên lửa bia để thử nghiệm khả năng phòng thủ tên lửa

Để phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lần lượt thực hiện 3 kế hoạch nghiên cứu phát triển và mua sắm tên lửa để làm tên lửa bia, đó là “Kế hoạch tên lửa bia tổng hợp”, “Kế hoạch tên lửa bia cùng giải pháp đối kháng” và “Họ tên lửa bia linh hoạt”. Những kế hoạch này ban đầu sử dụng động cơ và linh kiện dư thừa trong dự án phát triển tên lửa của Quân đội Mỹ, lắp đặt thêm máy đo, thiết bị và phần mềm chuyên dụng, để thiết kế tên lửa bia. Trong đó, tên lửa bia STARS/6R0W của hệ thống tên lửa bia chiến lược dùng để thử nghiệm đánh chặn giai đoạn giữa hành trình; tên lửa bia 2-TLV được cải tiến từ tên lửa xuyên lục địa Minuteman 2 dùng để thử nghiệm đánh chặn giai đoạn đầu có thể mang tải trọng lượng 400kg di chuyển tới cự ly 4.000km. Những vũ khí này đều trong phạm vi hạn chế của INF. Tuy Mỹ nói rằng, tên lửa bia của hệ thống phòng thủ tên lửa không dùng làm phương tiện mang tải vũ khí nhưng Nga nhận định những linh kiện do Mỹ chế tạo đó thuộc loại thông dụng, có thể dễ dàng chuyển sang lắp đặt các loại đầu đạn khác nhau để sử dụng cho tên lửa đường đạn, “lách luật” phát triển tên lửa đường đạn tầm trung để không vi phạm vào INF.

Máy bay không người lái tiến công Reaper

Năm 2012, Nga đã chỉ trích máy bay không người lái vũ trang như Reaper của Mỹ về bản chất cũng không khác gì tên lửa hành trình phóng từ trên mặt đất, là sản phẩm biến thể của công nghệ tên lửa hành trình, cần được coi là tên lửa hành trình phóng từ mặt đất. Đây là vấn đề không hề tồn tại trong thời kỳ chiến tranh Lạnh khi INF mới được Mỹ và Nga ký kết. Trên thực tế, Reaper mà Nga chỉ trích là cách gọi chung của các loại máy bay tiến công mặt đất không người lái do Quân đội Mỹ phát triển. Nga cho rằng những vũ khí này có đầy đủ mọi đặc trưng của tên lửa hành trình, có thể phóng và điều khiển từ mặt đất, do đó cần bị INF hạn chế.

Máy bay không người lái Reaper

Như vậy, sau khi INF hết hiệu lực để nhanh chóng bổ sung năng lực tên lửa tầm trung trong ngắn hạn, Mỹ và Nga sẽ chủ yếu là cải tiến vũ khí hiện có, bổ sung khoảng trống tên lửa tầm trung; dự đoán trong dài hạn, lấy phát triển vũ khí sát thực tế chiến đấu là chính, nâng cao khả năng tiến công tầm trung. Ví dụ như: Nga có thể phát triển tên lửa cơ động trên đường bộ kiểu mới tầm bắn 1.000-3.500km hoàn thiện hơn trên cơ sở tên lửa RS-26, còn Mỹ lại có thể sử dụng công nghệ điều khiển tiên tiến mà họ đã nắm trong tay để phát triển tên lửa có độ chính xác cao như Pershing... Có thể thấy các loại vũ khí được cho là làm đổ vỡ Hiệp ước thực chất là cuộc “chạy đua ngầm” giữa 2 cường quốc Mỹ và Nga. Đây có thể coi là bài học với những hiệp định sau này sẽ được ký kết giữa các cường quốc hoặc các nhóm quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực giám sát và quản lý vũ khí./.

N.T.L


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Nguồn:MISTEN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?