Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 61
Tháng 03 : 66.397
Tháng trước : 35.349
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá trị Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 và bài học phát huy nhân tố chính trị, tinh thần trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi đã ghi vào lịch sử dân tộc ta một trang vàng chói lọi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trở thành sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn, có tính chất thời đại sâu sắc trong thế kỷ XX.

Trong quá trình đó, quân và dân miền Bắc đã phát huy cao độ bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh, huy động mọi tiềm lực chi viện cho quân và dân miền Nam anh dũng chiến đấu đến ngày thống nhất non sông, Nam - Bắc sum họp một nhà, làm tròn nhiệm vụ hậu phương chiến lược của cuộc kháng chiến. Đồng thời hiên ngang chiến đấu đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, đỉnh cao là Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972, đập tan hành động leo thang chiến tranh man rợ nhất của chính quyền Mỹ, là chiến thắng quyết định trực tiếp thắng lợi của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Dân tộc ta một lần nữa đã nêu cao tinh thần thượng võ và truyền thống đánh giặc giữ nước vẻ vang, “thắng hung tàn bằng đại nghĩa”. “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của chế độ mới ưu việt, của ý chí, quyết tâm, tinh thần quả cảm, của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, chiến đấu đến cùng vì giá trị độc lập, tự do của dân tộc. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” góp phần dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới, củng cố niềm tin chiến thắng cho các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; đồng thời chứng minh chân lý và sức sống của học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh cách mạng và giá trị tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không”. Ảnh: dangcongsan.vn

 

50 năm đã trôi qua, âm hưởng hào hùng của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lịch sử vẫn vang vọng, là động lực tinh thần to lớn thôi thúc Đảng và Nhân dân ta tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới đang biến chuyển nhanh chóng và phức tạp, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta tiếp tục thu được nhiều thành tựu to lớn, song cũng đứng trước nhiều thách thức. Cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia, nhất là giữa các nước lớn; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo vẫn diễn ra căng thẳng, tiềm ẩn nhiều bất ổn, đã xuất hiện những diễn biến “chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước và các tổ chức quốc tế”. “Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột”[1]. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá đất nước ta. Tình hình đó cho thấy, chăm lo sự nghiệp quốc phòng, tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia, không ngừng củng cố, bồi đắp mọi tiềm lực, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống luôn là nhiệm vụ tất yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và toàn dân ta; trong đó, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để phát huy tất cả các tiềm lực khác tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc. Bài học về phát huy nhân tố chính trị, tinh thần trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 vẫn vẹn nguyên giá trị đối với chúng ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trước hết, cần khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là chủ thể tổ chức xây dựng và phát huy nhân tố chính trị, tinh thần cho Nhân dân và Quân đội ta trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chân lý đó đã được thực tiễn chứng minh sinh động trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Với tư cách và tài thao lược của một Bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc sảo, nhạy bén, dự báo chính xác tình hình, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo, hiệu quả, đồng thời linh hoạt, khôn khéo xử lý tốt các mối quan hệ quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi. Ngày nay, chăm lo xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, có đủ năng lực và uy tín lãnh đạo công cuộc đổi mới là một tất yếu, là nhiệm vụ then chốt, bảo đảm cho đất nước ta phát triển bền vững, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Đảng, Nhà nước, Quân đội phải thường xuyên nắm vững tình hình mọi mặt, nâng cao năng lực dự báo - nhất là dự báo chiến lược, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong bất cứ tình huống nào. Làm tốt việc này là cơ sở để chủ động chuẩn bị về chính trị, tinh thần cho Nhân dân và Quân đội, sẵn sàng cho các tình huống chiến tranh và cũng là để thực hiện tốt phương châm “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”. Chúng ta không mong muốn và cố gắng không để xảy ra chiến tranh, xung đột, nhưng chúng ta vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với mọi tình huống địch có thể gây hấn, tấn công xâm lược nước ta trên các hướng.

Phải tăng cường đồng thuận xã hội trên cơ sở giải quyết hài hòa các lợi ích, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc phải là trên hết, trước hết. Thường xuyên khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, phẩm chất thông minh, sức sáng tạo của người Việt Nam trong chiến đấu nói riêng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Trong chiến dịch phòng không bảo vệ miền Bắc năm 1972, lúc đầu có trận tên lửa của ta đánh không thành công… Nhưng rồi, bằng tinh thần quả cảm, sự kiên trì và sáng tạo, tên lửa và máy bay ta đều đã lập công, bắn rơi tại chỗ B-52 và nhiều loại máy bay khác của địch, làm nức lòng Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ mỗi quân nhân đều rèn luyện cho mình ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, một lòng tin tưởng vững chắc vào thắng lợi cuối cùng. Khi gặp khó khăn, thậm chí thất bại cũng không nản lòng. Chưa đánh được địch thì không được nôn nóng, mà phải tiếp tục tìm cho được cách đánh hiệu quả hơn. Khi đánh thắng cũng không quá tự mãn, “ngủ quên trên chiến thắng” để rồi mất cảnh giác, dẫn đến bất ngờ, bị động trước những đòn phản công của địch. Trong chiến tranh hiện đại ngày nay cũng vậy, để giành chiến thắng càng cần một tinh thần chiến đấu như thế. “Thắng không kiêu, bại không nản” chính là “chìa khóa” để vượt lên mọi khó khăn, thử thách nảy sinh trong chiến đấu.

Sức mạnh chính trị, tinh thần của chúng ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay được biểu hiện bằng tinh thần đại đoàn kết, bằng sự thống nhất ý Đảng với lòng dân, bằng ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do và tinh thần tự tôn dân tộc, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa; quyết không chịu khuất phục trước bất kỳ khó khăn, thách thức, bất kỳ thế lực nào; luôn phát huy cao độ năng lực sáng tạo của mỗi người trên từng vị trí học tập, công tác, thiết thực góp phần vào sự phát triển bền vững vì tương lai tươi sáng của đất nước. Đối với người cán bộ, đảng viên trên từng cương vị công tác được giao, việc tu dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác theo tinh thần “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt hành động vì lợi ích chung”[2] như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu ra chính là biểu hiện cô đọng về phát huy nhân tố chính trị, tinh thần trong thực thi công vụ, là kế thừa và phát huy hào khí 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tr.107.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tr.230.


Tác giả: KMLNTTHCM. Nguyễn Trường Sơn
Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?